Cuộc nội chiến đáng sợ nhất lịch sử smartphone Trung Quốc sắp bắt đầu
Huawei với Xiaomi, OPPO, Vivo, OnePlus, Lenovo... vừa là đồng hương, vừa là đối thủ. Huawei biến mất, nhu cầu của khách hàng Huawei sẽ do ai đáp ứng?
Ngày 20/5 sẽ trở thành ngày đau đớn nhất trong lịch sử của Huawei. Khi bị Google cắt đứt quan hệ hợp tác, Huawei sẽ không còn được tiếp cận với các dịch vụ hay chợ ứng dụng Google Play nữa. Gã khổng lồ số 1 Trung Quốc đứng trước 2 lựa chọn không tưởng như nhau: hoặc tạo ra một hệ điều hành đầy đủ để thay thế Android, hoặc tự phát triển Android từ mã nguồn mở AOSP để đối chọi với các hãng khác vốn vẫn đang dùng Android-của-Google.
Và rồi tiếp đến là ARM. Do có mối quan hệ chặt chẽ với các công ty Mỹ, ARM cũng buộc phải ngưng toàn bộ các mối quan hệ hợp tác với Huawei. Khó khăn chồng chất khó khăn, bởi giờ đây Huawei sẽ phải tự phát triển lại chip di động từ tờ giấy trắng.
Nhưng cũng giống như toàn bộ cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, đòn đánh này cũng sẽ gây tổn hại tới các công ty Mỹ. Danh sách các nhà cung ứng và các công ty nhượng quyền bằng sáng chế cho Huawei có khoảng 33 công ty Mỹ: theo ước tính của CNN, họ sẽ mất khoảng 11 tỷ USD doanh thu từ Huawei trong năm nay.
Điều này có khiến Mỹ phải đau đầu? Không hề. Trái lại, nước Mỹ đã tung ra một đòn đánh thâm hiểm chưa từng có: không chỉ có Apple hay Samsung, chính các công ty Trung Quốc sẽ góp phần khiến Huawei lụi bại.
Gần như chắc chắn, mất toàn bộ quyền hợp tác với Google cũng có nghĩa rằng Huawei sẽ mất toàn bộ khách hàng trên thị trường quốc tế. Bên ngoài Trung Quốc, tất cả các khách hàng của Huawei – cũng như của Xiaomi, OPPO hay các hãng smartphone Trung Quốc khác – đều đã quen với một trải nghiệm Android gắn liền cùng Gmail, Search, YouTube, Drive, Assistant... Cứ cho rằng Huawei kiên cường tung ra một bản Android mới, chắc chắn nhiều người sẽ lựa chọn trải nghiệm Google "chuẩn" hơn là đặt cược vào một hãng Trung Quốc.
Nhưng doanh thu của Huawei biến mất không có nghĩa rằng nhu cầu khách hàng vốn dành cho Huawei cũng sẽ biến mất. Hãy thử đặt mình vào vị trí của một khách hàng cần mua mới smartphone, đang dự định mua một chiếc P30 Pro hay Honor V20: sau lệnh cấm, họ sẽ bỏ luôn không bao giờ mua smartphone nữa? Họ sẽ chờ đợi Mỹ dỡ lệnh cấm, sẽ đặt cược vào một phiên bản Android do Huawei xây dựng từ cái lõi AOSP... dở tệ? Họ có sẵn sàng bỏ luôn Android để mua smartphone chạy hệ điều hành do Huawei tự phát triển?
Hay là, họ đơn giản sẽ chỉ chuyển sang mua smartphone của một hãng khác – Apple, Samsung, hay đặc biệt là Xiaomi hoặc OnePlus? Smartphone của Xiaomi bán ra tại Ấn Độ hay Việt Nam vẫn đang được cài Android-của-Google, OnePlus lại càng nổi danh với trải nghiệm Android gần như nguyên bản... Mất đi lựa chọn Huawei, người dùng Android quốc tế vẫn còn nhiều lựa chọn smartphone Trung Quốc khác.
Có một điểm đặc biệt mà rất nhiều người chắc hẳn đã nhận ra: trong lúc Huawei (và trước đây là ZTE) bị cả Đảng Dân Chủ lẫn Đảng Cộng Hòa thay phiên nhau trừng phạt thì các hãng smartphone Trung Quốc khác vẫn sinh sống trong yên bình. Năm 2014, Google bán Motorola cho Lenovo (Bắc Kinh): đến nay smartphone Motorola vẫn có mặt trên nhiều nhà mạng của Mỹ. Năm 2014, OnePlus ra mắt tại Mỹ và trở thành mũi nhọn tấn công phân khúc đầu bảng của tập đoàn BKK (Quảng Đông). Nhắc đến BKK thì ít người biết, nhưng nhắc đến OPPO và Vivo thì ai cũng biết: các thương hiệu của BKK cộng lại có tiềm năng lớn ngang ngửa Huawei.
Ngay đến cả Xiaomi cũng không hề bị cấm đến Mỹ. Hiện tại, Xiaomi vẫn đang bán phụ kiện tại Mỹ; việc hãng này chưa đến sân nhà của Apple vẫn là do Lei Jun quyết định, chứ chẳng phải vì bị cấm đoán.
Nếu muốn trừng phạt các hãng Trung Quốc còn lại theo cách đã trừng phạt ZTE và Huawei, chính quyền Mỹ đã có thể ra lệnh cấm tương tự như ngày hôm nay: cắt hợp tác với Google là cắt đường ra toàn cầu của bất kỳ hãng smartphone nào! Nhưng Mỹ không làm, và thậm chí là chẳng hề có động thái cấm đoán nào cả. Khác với ZTE và Huawei, tất cả các hãng còn lại không sản xuất thiết bị viễn thông.
Giữa Huawei và các hãng smartphone Trung Quốc khác đang là 2 tình cảnh trái ngược: Huawei bị chặn đủ đường, còn Motorola/Lenovo và OnePlus vẫn ung dung tự tại. Khi thị phần quốc tế của Huawei bay hơi, kẻ hưởng lợi lớn nhất sẽ là các hãng Trung Quốc còn lại.
Bởi gần nhất với chiến lược sản phẩm của Huawei vẫn là các hãng Trung Quốc chứ chẳng phải Apple hay Samsung. Apple vẫn đang thống trị phân khúc cao cấp và chẳng hề màng đến miếng bánh giá rẻ/tầm trung của tất cả các hãng Android. Samsung có kinh doanh trên toàn bộ các phân khúc nhưng ít nhiều vẫn giữ sự "kiêu căng": công ty Hàn Quốc không bao giờ phá giá, cũng lại thường xuyên đặt trải nghiệm lên trên cấu hình (thà đầu tư cho màn hình OLED chứ không nâng cấp chip vô tội vạ).
Còn các hãng Trung Quốc, từ Huawei đến Xiaomi và OPPO, ít nhiều vẫn mang hình ảnh "món hời", vẫn chọn cấu hình và giá bán làm yếu tố cạnh tranh chủ đạo. Huawei biến mất, nhu cầu dành cho smartphone "hời" vẫn còn đó tại Ấn Độ, tại châu Âu, tại Mỹ Latin, tại Đông Nam Á... Huawei phải tự phát triển hệ điều hành mới, phải tự phát triển chip mới. Còn OPPO, Xiaomi và OnePlus vẫn được tiếp tục sử dụng Android-của-Google, vẫn có thể mua chip ARM từ Qualcomm hay MediaTek.
Người dùng tại đây sẽ không chờ đợi Huawei trở lại. Apple và Samsung sẽ hưởng lợi một phần, nhưng không khó để nhận ra rằng người mua Huawei sẽ cân nhắc đến Xiaomi hoặc OnePlus trước khi nghĩ đến Apple và Samsung. Các hãng Trung Quốc khác sẽ tiếp quản khách hàng của Huawei, và rồi lấp luôn chỗ trống Huawei để lại chuỗi cung ứng. Đến cuối cùng, "vắng mợ thì chợ vẫn đông".
Cứ cho là Huawei mất toàn bộ thị phần quốc tế, ngay cả quê nhà Trung Quốc cũng đã mang đến cho Huawei khoảng 20 – 25 tỷ USD doanh thu smartphone vào năm ngoái. Con số đó đủ lớn để khẳng định rằng, bị Google nghỉ chơi – và bị "đá" ra khỏi tất cả các thị trường ngoài nước, Huawei vẫn sẽ bám trụ lấy thị trường quốc nội.
Nếu mất thị trường quốc tế, vai trò của thị trường nội địa sẽ càng trở nên quan trọng. Huawei bởi thế sẽ giương đủ nanh vuốt để đấu lại các đối thủ. Đối thủ lớn nhất của Huawei tại quê nhà lại là Xiaomi, OPPO/Vivo... Trong các hãng nước ngoài chỉ còn có Apple là mang thị phần đáng kể tại Trung Quốc, nhưng thị phần đó cũng lại đang giảm sút - Apple cũng thừa hiểu không thể đặt cược vào Trung Quốc trong bối cảnh hiện tại. Nếu Huawei giương nanh vuốt, Apple cùng lắm là mất 2-4 triệu máy mỗi quý.
Chưa kể, tập khách hàng tiềm năng của Huawei cũng gần với tập khách hàng của Xiaomi hay OPPO hơn là Apple (vốn chỉ tập trung vào cao cấp).
Đến cuối cùng, cuộc đấu gay gắt nhất sẽ là các hãng Trung Quốc với nhau chứ chẳng phải là giữa Huawei với Apple (hay Samsung). Hy vọng duy nhất còn lại là một ngày nào đó, chính quyền Mỹ sẽ bớt mạnh tay với Huawei, cho phép công ty số 1 Trung Quốc bắt tay trở lại với Google và cả ARM...
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4