Cuộc sống của người dân thành phố nóng nhất thế giới: Thường trực “ngâm mình” trong cái nắng 50 độ C, nước trở thành hàng xa xỉ
300 ngàn người dân thành phố Jacobabad đang phải vật lộn trong bế tắc dưới cái nắng nóng kỷ lục quá giới hạn chịu đựng của con người.
Jacobabad là một thành phố phía nam Pakistan có 300.000 dân. Cái tên của thành phố nghèo đói, vô danh này bỗng dưng được chú ý vì một lý do không ai muốn: Jacobabad chính là lời cảnh báo cho khí hậu toàn cầu, là 1 trong 2 thành phố trên thế giới đã vượt ngưỡng nóng quá sức chịu đựng của con người.
Khi nước sạch cũng là xa xỉ phẩm
Tại Jacobabad có một loại hình kinh doanh đặc biệt, đó là bán nước. Dù các cửa hàng này không được phép hoạt động theo quy định nhà nước, nhưng chính quyền dường như đã cố tình làm ngơ vì đó là nhu cầu cơ bản không thể bỏ qua của người dân, khi thành phố đang trong khủng hoảng thiếu nước sạch. Pakistan hiện đang là đất nước thiếu nước sạch thứ 3 trên toàn cầu.
Nước sạch đang là hàng xa xỉ với người dân Jacobabad
Một người chủ cửa hàng nước sạch giấu tên trả lời phỏng vấn của tạp chí VICE cho biết, lý do mọi người phải đi mua nước tư nhân là vì không ai còn dám tin tưởng vào chất lượng của nguồn nước máy nữa. Công việc làm ăn của ông rất phát đạt, nhất là trong dịp hè này khi có thể thu về tới 2.000 USD (khoảng 46 triệu VNĐ) mỗi tháng, gấp nhiều lần thu nhập bình quân của mọi người nơi đây. 1 phần 3 dân số Jacobabad đang sống dưới mức nghèo đói.
Một thanh niên 18 tuổi khác cũng hành nghề buôn nước sạch chia sẻ: "Tôi làm việc này vì chẳng có lựa chọn nào khác nữa. Tôi có học thức, nhưng ở đây không có cơ hội việc làm nào".
Ở thời điểm hiện tại, thành phố đang phải chịu đựng đợt nắng nóng kỷ lục được dự báo là sẽ kéo dài 11 tuần. Nhiệt độ trung bình mỗi ngày là 47 độ C. Các trạm đo khí tượng địa phương thường xuyên đo ra kết quả thực tế là khoảng 51 độ C.
"Sự nắng nóng này hành hạ một cách thầm lặng, đến mức bạn đổ mồ hôi cũng không kịp nhận ra vì nó ngay lập tức bị hong khô đi. Nước trong cơ thể nhanh chóng bị cạn kiệt. Có người có thể ngất xỉu trước khi cảm nhận được cái nóng kinh hoàng. Chưa bao giờ trời nóng như thế này, và tình trạng còn kéo dài tới tháng 9", Iftikhar Ahmed - một nhà khí tượng học Pakistan cho biết.
Nguồn nước ở thành phố nóng nhất hành tinh vừa thiếu hụt, vừa ô nhiễm
Phát ốm trước khi kịp đổ mồ hôi
Tom Matthews, một nhà khoa học khí tượng đến từ King’s College (London, Anh) miêu tả Jacobabad và khu vực Indus Basin quanh nó là tâm điểm của biến đổi khí hậu lúc này và tình hình đã đến mức vô cùng nghiêm trọng. Cái nóng của Jacobabad là kiểu nhiệt ẩm và rất khó để đối mặt. Giải pháp trước mắt duy nhất của người dân là dùng điều hòa, nhưng với mức sống thấp ở đây, người nghèo chỉ có thể chịu đựng vật vã. Một cách khác là xây tầng hầm trú ẩn nhưng lại gặp vấn đề là dễ bị ngập úng khi trời mưa.
Những người dân nhập viện vì quá nắng nóng trong một bệnh viện công
Thời tiết cực đoan đã không còn là vấn đề mới ở Pakistan. Năm 2017, một đợt nóng kỷ lục đã cướp đi sinh mạng 2.000 người ở vùng Sindh, nơi bao gồm cả thành phố Jacobabad. Nắng nóng kéo dài kéo theo cả khủng hoảng về kinh tế khi mùa vụ bị hạn hán. Cái đói nghèo từ đó cũng đến theo và ngày càng tồi tệ hơn. Thế nhưng, người dân Jacobabad vẫn không có cách nào để giải thoát.
Khair Bibi, một người nông dân cho biết: "Mọi thứ đều bế tắc khi chúng tôi nghèo". Gia đình của cô sống trong một căn nhà làm từ bùn đã được xây vài thế kỷ trước. Trong nhà không có điều hòa, chỉ có quạt chạy bằng năng lượng mặt trời tự chế. Họ biết rằng nguồn nước máy mình vốn sử dụng để tưới ruộng lúa, chăn nuôi gia súc và uống vào hằng ngày đều bị ô nhiễm nặng nề, nên phải dồn hết tiền để đi mua nước sạch.
1/3 dân số Jacobabad sống dưới mức nghèo
Anh Ghulam Sarwar, một người khuân vác 25 tuổi khác thì chia sẻ: "Thời tiết càng nóng và ẩm, cơ thể chúng tôi càng đổ nhiều mồ hôi. Trước khi kịp thấy mồ hôi vã xuống, chúng tôi đã ốm và vô cùng mệt mỏi rồi". Công việc mỗi ngày của anh Sarwar là khuân vác các bao tải gạo nặng 60 đến 100kg suốt khoảng 10 tiếng liên tục. Tuy nhiên công việc này còn là khá tốt vì ít nhất Sarwar được làm việc trong bóng râm.
Người dân vẫn phải mưu sinh dưới cái nắng lên tới 51 độ C
Đôi khi, kể cả có tiền, người dân vẫn phải cùng cực. Không chỉ khủng hoảng nước sạch, nguồn năng lượng điện của Jacobabad cũng thiếu. Tình trạng cắt điện vẫn xảy ra liên miên giữa cái nóng quá mức giới hạn chịu đựng của con người. Thị trường kinh doanh quạt máy, điều hòa, thiết bị làm mát trong thời gian qua đã tăng giá lên cao mà vẫn không có đủ hàng để người dân mua.
Nguồn: Vice
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"