Đánh giá Intel Arc A750: Lựa chọn mới cho GPU phân khúc tầm trung
Intel Arc A750 và những người anh em đã đánh dấu màn lấn sân của ông lớn ngành CPU.
- Đằng sau mỗi câu trả lời của ChatGPT - cần hàng chục nghìn GPU Nvidia A100 để huấn luyện, hàng trăm nghìn GPU khác để vận hành
- Trang bị 8 nhân nhưng CPU laptop mới của AMD vẫn 'đấu' ngang ngửa CPU 16 nhân của Intel, tiêu thụ điện lại ít hơn đáng kể
- Người dùng nên tạm thời dừng cập nhật driver card đồ họa mới nhất của AMD và Nvidia nếu không muốn PC gặp lỗi
Hàng chục năm nay, thị trường CPU và GPU cho máy tính cá nhân luôn ở trong tình trạng chỉ có hai đối thủ cạnh tranh. Trong khi thị trường CPU là cuộc chiến giữa Intel và AMD thì GPU là sân chơi riêng của AMD và NVIDIA. Tiếp bước AMD, Intel gần đây đã quyết định lấn sân sang cả thị trường GPU rời, tạo thành thế chân kiềng cạnh tranh với NVIDIA và AMD bằng dòng sản phẩm Intel Arc của mình.
Thực tế Intel Arc với các dòng sản phẩm A770, A750 và A380 nhắm tới phân khúc tầm trung hoặc các cấu hình máy có CPU cao cấp mà không có card đồ họa rời trong khi cần xuất hình ảnh ra nhiều màn hình. Ngoài ra, các sản phẩm card đồ họa rời này của Intel cũng có thể đóng vai trò như một công cụ hỗ trợ cho các tác vụ xử lý hình ảnh hoặc video.
Bài đánh giá hôm nay sẽ xoay quanh Intel Arc A750, sản phẩm được định hình trong phân khúc khoảng 250 USD, tương đương với khoảng giá 7-8 triệu VND tại Việt Nam. Đây là phân khúc phổ thông, dễ tiếp cận nhất với phần lớn người dùng. Ở khoảng giá này, A750 và các đối thủ cạnh tranh trong tầm giá sẽ hướng tới việc chơi các tựa game AAA ở độ phân giải 1080p và 1440p hoặc chơi các tựa game thể thao điện tử với các màn hình có tần số quét cao.
Là dòng sản phẩm được sản xuất bởi chính Intel mà không qua các đối tác AIB nên quy cách đóng gói của Intel Arc A750 khá tương đồng với các sản phẩm CPU của hãng với tông màu xanh đậm làm chủ đạo cùng các khối hình vuông. Ngoài logo Intel Arc A750 thì gần như không có thêm thông tin gì khác trên vỏ hộp.
Bên trong, A750 được đặt gọn gàng trên khung xốp đen để bảo vệ sản phẩm. Đi kèm trong hộp là giấy và sách hướng dẫn, tương đối cơ bản và gần như là chuẩn chung của các sản phẩm card đồ họa trên thị trường hiện nay.
Một trong những điều gây ấn tượng nhất khi lấy ra khỏi hộp là kích thước của A750.
Với sức mạnh ở tầm trung, không có gì bất ngờ khi yêu cầu về tản nhiệt của chiếc card đồ họa này là tương đối khiêm tốn với 2 quạt. Cũng bởi vậy nên độ dày của A750 chỉ khoảng 1-slot, nhờ thế có thể dễ dàng lắp vừa các cấu hình máy SFF hay NUC. Thiết kế màu đen nhám của A750 càng làm chiếc card đồ họa này trông nhỏ gọn hơn.
Mặt sau/ backplate của Intel Arc A750 cũng được thiết kế tương đối tối giản với các đường cong tương ứng với cái tên Arc của dòng GPU này. Ngoài ra là logo Arc 750 Limited Edition.
Một điều làm tôi bất ngờ là tuy có tản nhiệt tương đối nhỏ cùng hiệu năng tầm trung, chiếc card đồ họa này lại yêu cầu nguồn 8+6pin, tương ứng với tổng mức tiêu thụ điện theo thông số của nhà sản xuất là 225W cùng tiềm năng ép xung thêm.
Như đã nêu ở trên, nhờ kích thước nhỏ gọn mà A750 có thể được dễ dàng lắp đặt vào các cấu hình máy SFF hay như trong trường hợp này là NUC 13 Extreme Raptor Canyon của Intel. Có thể thấy nhờ cùng được thiết kế bởi Intel mà các linh kiện này khi đặt cạnh nhau được tăng độ ăn nhập.
Tuy nhiên, để đánh giá được hết khả năng của A750, chúng ta sẽ vẫn cần một cấu hình desktop đầy đủ:
CPU: Intel Core i9-13900K
GPU: Intel Arc A750
Mainboard: ASUS Prime Z690-A
RAM: 2x16GB Kingston Fury Beast RGB 5200MHz DDR5
Về hiệu năng, với tiến trình TSMC 6N (6nm) cùng 28 nhân X-Core và 8GB GDDR6 băng thông 256 bit, Intel Arc A750 không gặp quá nhiều khó khăn để đạt được mức khung hình khá với các tựa game hay công cụ thử nghiệm thông dụng. Ví dụ với 3DMark TimeSpy, điểm của A750 đạt mức 13241, trên một chút so với mức trung bình trên thị trường.
Trong khi đó, với các bài thử chơi game, A750 cũng dễ dàng đạt mức khung hình trung bình trên 60 FPS ở bất kể thiết lập nào của độ phân giải 1080p hay 1440p. Ví dụ với tựa game Assassin's Creeds: Valhalla, mức trung bình của game đạt mức 62 FPS ở độ phân giải 1440p và thiết lập High. Trong khi đó, với độ phân giải 1080p, hệ thống dễ dàng đạt mức 88 FPS trung bình.
Tương tự với các tựa game như Division 2, Dirt 5 hay Gears 5, Intel Arc A750 đều có thể đạt được mức khung hình trên 60 FPS để đảm bảo mang lại trải nghiệm chơi game mượt mà cho người dùng. Tất nhiên, đôi khi chúng ta sẽ cần tinh chỉnh đôi chút về độ phân giải hoặc các thiết lập đồ họa để đảm bảo cân bằng được giữa hiệu năng và thẩm mỹ.
Nhờ được áp dụng các công nghệ sản xuất mới nên mặc dù chỉ được trang bị tản nhiệt kích thước 1 slot PCIe, nhiệt độ của GPU luôn ở mức khá lý tưởng, đạt đỉnh ở mức khoảng 74 đến gần 80 độ C tùy tác vụ khi chạy hết công suất. Quá trình đo đạc thực tế cũng cho thấy A750 chỉ tiêu tốn đến khoảng 175W mỗi giờ là cao nhất. Không những thế, dù tốc độ quạt ở mức gần 2000 rpm, tiếng ồn gây ra từ A750 vẫn ở mức chấp nhận được.
Nhìn chung, việc Intel tham gia vào thị trường card đồ họa rời đã đem tới một luồng gió mới, tăng tính cạnh tranh và từ đó, đối tượng hưởng lợi nhiều nhất không ai khác chính là người dùng.
Tất nhiên, Intel sẽ còn rất nhiều việc phải làm để ra mắt thêm các sản phẩm có tính cạnh tranh cao hơn, trải dài ở nhiều phân khúc hơn nhưng bước đầu với các dòng sản phẩm như A750 hay A770 có thể được coi là những bước đi hết sức đáng ghi nhận của "đội xanh". Việc các bản cập nhật driver liên tục nâng cao hiệu năng hứa hẹn sẽ là yếu tố hấp dẫn đối với người những game thủ mong muốn chỉ số hiệu năng/ giá thành cao nhất có thể.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập