Đánh giá Mi Band 4: smartband rất đáng cân nhắc ở tầm giá dưới 1 triệu đồng
Thị trường smartband dưới 1 triệu bắt đầu sôi động hơn khi có sự xuất hiện của Galaxy Fit e đến từ Samsung và Mi Band 4 đến từ Xiaomi.
Sau smartphone, mảng wearable nói chung (bao gồm smartband và smartwatch) đang nở rộ và phát triển rất nhanh trong những năm gần đây. Chỉ tính riêng thiết bị vòng đeo theo dõi sức khoẻ (smart band), con số sản phẩm bán ra trên toàn thế giới đã lên đến 43,6 triệu và ước tính đạt 50,8 triệu trong năm 2023.
Con số này đã nói lên rằng đây là thị trường rất tiềm năng cho các nhà sản xuất đồ công nghệ, nhất là trong thời buổi smartphone đang tiến dần đến bão hoà. Samsung, Fitbit, Garmin hay Xiaomi là những cái tên được nhắc đến nhiều khi đóng góp cho thị trường này thêm phần màu mỡ.
Tính từ thời điểm đầu năm đến nay, thị trường smartband đã có sự xuất hiện của các sản phẩm mới như Inspire/Inspire HR đến từ Fitbit, Galaxy Fit/Fit e đến từ Samsung và mới đây nhất là Mi Band 4 đến từ Xiaomi.
Galaxy Fit e cũng là đối thủ của Mi Band 4 khi có mức giá chỉ dưới 1 triệu đồng.
Mỗi sản phẩm đều có điểm nổi bật riêng và hấp dẫn riêng, tôi sẽ có một bài "so găng" đầy đủ của các ứng cử viên này trong thời gian tới. Còn hôm nay, bài viết này sẽ dành riêng cho phần đánh giá của chiếc Mi Band 4 mà tôi đang trải nghiệm trong vài ngày qua, liệu rằng đây có phải là vòng đeo thông minh đáng giá nhất trong tầm dưới 1 triệu đồng ở thời điểm này?
Thay đổi trải nghiệm lớn nhất đến từ màn hình
Nếu đã từng đeo qua Mi Band 3, một số người khi mới nhìn vào Mi Band 4 sẽ hơi có phần thất vọng, vì nó vẫn mang một dáng vẻ của viên con nhộng màu đen bóng bao bọc xung quanh bởi vòng đeo cao su.
Nhưng khoan, hãy nhìn kỹ vào, phím cảm ứng duy nhất của Mi Band 4 đã được thay đổi: thay vì kiểu thiết kế lõm xuống như ở bản 3 thì lần này nó đã trở về 1 mặt phẳng kính xuyên suốt, chẳng lồi cũng chẳng lõm.
Phím cảm ứng có biểu tượng vòng tròn này mang chức năng như phím Back và có độ phản hồi rất nhanh.
Vòng đeo bằng chất liệu cao su và kiểu thiết kế luồn dây vào trong được giữ nguyên.
Chấu tiếp điện để nạp pin đã được di dời xuống mặt dưới của Mi Band 4, tuy nhiên cái dở là bạn vẫn phải tháo nó ra khỏi dây
Tạm gác qua kiểu dáng con nhộng và dây cao su "nguyễn y vân", chúng ta đi nhanh đến phần màn hình, vốn được xem là thứ mang lại trải nghiệm phấn khích nhất cho người dùng. Còn nhớ khi Mi Band 3 được giới thiệu, không ít người dùng đã mừng rỡ khi lần đầu tiên một chiếc vòng đeo sức khoẻ đến từ Xiaomi đã được tích hợp khả năng cảm ứng, giúp mọi thứ tương tác trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Còn với Mi Band 4, chúng ta lại đón chào một sự cải tiến mới và được xem là điểm đáng ăn tiền nhất của sản phẩm ở tầm giá này: màn hình màu OLED.
Vậy với màn hình màu này, ta có được những lợi ích gì?
Đầu tiên là mọi thứ hiển thị trên đây trông sặc sỡ, sống động hơn, nội dung cũng được tách bạch và rõ ràng hơn. Từ một màn hình đơn sắc nhàm chán ở Mi Band 3, bạn sẽ như được mở ra chân trời mới khi lần đầu tương tác với chiếc Mi Band 4 này.
Tiếp theo, màn hình màu cũng giúp chúng ta có thêm nhiều kiểu mặt đồng hồ hơn (tổng cộng 45 mặt) để thay đổi thường xuyên mà không bị nhàm chán. So với một số sản phẩm khác trong tầm giá này thì Mi Band 4 đã tạo được ấn tượng tốt hơn hẳn nhờ kho mặt đồng hồ đa dạng.
Ngoài ra, kích thước màn hình đã được tăng lên, từ 0,78 inch ở Mi Band 3 thành 0.95 inch ở Mi Band thế hệ mới nhất. Không chỉ dừng lại đó, độ phân giải cũng được tăng cường thành 120 x 240 pixel, nhờ vậy bạn sẽ thấy nội dung hiển thị rất mịn và rõ nét.
Ở một khía cạnh khác, có thể ví von smartband là lựa chọn giá rẻ so với smartwatch, chính vì vậy sản phẩm này phải chịu thiệt thòi nhiều về chất lượng hiển thị và tương tác trên mặt màn hình. Tuy nhiên những gì Xiaomi đang làm với Mi Band 4 đã cho thấy họ đang cố gắng thu nhỏ khoảng cách giữa 2 tầng sản phẩm này.
Giao diện ứng dụng vẫn còn nhiều "lớp lang", chưa hỗ trợ tiếng Việt
Do hạn chế về mặt hiển thị, người sử dụng vòng đeo thông minh luôn phải phụ thuộc rất nhiều vào ứng dụng trên smartphone để truy xuất được nhiều hơn. Vì vậy một sản phẩm thành công về mặt tương tác với người dùng sẽ được đánh giá dựa trên không chỉ bản thân giao diện của nó trên màn hình, mà bên cạnh đó còn liên quan đến cả ứng dụng mà nó liên kết với chiếc smartphone.
Nói cách khác, một ứng dụng tệ có thể khiến cho người dùng có ấn tượng xấu với toàn bộ sản phẩm và ngược lại. Ở Mi Fit, cá nhân tôi đánh giá ứng dụng này đạt được sự thanh thoát trong giao diện, nội dung thể hiện trực quan nhưng bên cạnh đó vẫn có một số điểm bất cập không đáng có.
Hãy nói về điểm tốt trước. Giao diện của Mi Fit đi theo hướng tối giản, với 3 tab chính bao gồm Workout, Friend và Profile. Do Workout nằm ngay đầu tiên nên khi vừa mới mở Mi Fit là bạn sẽ thấy được kết quả vận động trong ngày của mình thế nào, rất tiện để theo dõi và có thêm động lực chăm sóc bản thân hơn.
Thế nhưng, thứ khiến tôi khó chịu với ứng dụng này là phần cài đặt cho Mi Band lại quá nhiêu khê. Bạn phải qua tab Profile, chọn Mi Smart Band 4 tại mục My Devices rồi sau đó mới có thể tinh chỉnh được các thứ trên vòng đeo của mình.
Và điều khiến tôi bất ngờ chính là Mi Band 4 mặc định không hề thông báo tin nhắn hay notification của Facebook, Mail, Viber… và buộc người dùng phải qua bước vào cài đặt hệ thống của máy để cho phép truy cập, hệt như những gì tôi từng gặp với các sản phẩm của Fitbit.
Từng dùng qua một số sản phẩm wearable, phải nói rằng Samsung đem trải nghiệm này tốt hơn hẳn so với Xiaomi hay Fitbit. Hãng công nghệ đến từ Hàn Quốc đã cho default các ứng dụng mà người dùng ngày nay hay sử dụng, vì thế cứ việc đeo lên và kết nối, chẳng phải lo gì.
Thực tế việc cài đặt cho Mi Band 4 để hiển thị notification như ý muốn không hề khó với người trẻ, nhưng với đối tượng người dùng lớn tuổi thì đây sẽ là rào cản khá lớn nếu như không có ai hướng dẫn.
Liên quan đến Notification, người dùng cần lưu ý thêm một điểm là hiện tại Mi Band 4 vẫn chưa hỗ trợ font chữ tiếng Việt, thế nên việc đọc tin nhắn trên vòng đeo này sẽ hơi khó chịu. Xiaomi Việt Nam cho biết bản cập nhật tháng 8 sẽ giải quyết được vấn đề này.
Cảm biến 6 trục giúp ích gì cho việc theo dõi thể thao?
Dù nằm ở phân khúc giá rẻ, Xiaomi vẫn trang bị cho Mi Band 4 của mình cảm biến gia tốc 6 trục, từ đó có thể đo đạc và nhận diện các bài tập thể thao phức tạp một cách chính xác hơn. Chẳng hạn với môn bơi lội, Mi Band 4 có thể nhận biết các kiểu bơi khác nhau và theo cá nhân tôi thì đây là điểm lợi thế của nó hơn hẳn các sản phẩm dưới tầm 1 triệu đồng hiện tại.
Hơi tiếc là phần bơi lội Mi Band 4 lại không đo nhịp tim như tôi đã từng thử với Galaxy Fit.
Tôi cũng đã thử chạy bộ một buổi sáng từ nhà đến công ty với chiếc Mi Band 4 này, các thông tin trong lúc chạy được hiển thị đầy đủ, tôi có thể vuốt sang trái hoặc phải để chọn cách hiển thị khác nhau.
Kết quả được sync lên ứng dụng Mi Fit ngay lập tức. Tôi đánh giá cao cách sắp xếp nội dung kết quả tập luyện của Xiaomi trên ứng dụng của họ, với phần trên là bản đồ quãng đường đã chạy qua rất chi tiết. Vuốt xuống dưới, tôi có thể thấy rõ các phân tích trong buổi chạy của mình, từ tổng thời gian chạy, tổng quãng đường, nhịp tim trung bình, pace trung bình, nhịp tim mỗi chặng và pace mỗi chặng.
Kết quả buổi chạy được liệt kê rất chi tiết.
Thậm chí Mi Band 4 còn tính được cả khoảng dốc mà mình đã leo trong quá trình chạy, điều mà không phải sản phẩm nào dưới 1 triệu đồng cũng có thể làm được. Cũng nhờ tính năng này, bạn sẽ dễ dàng đo đạc được ở các cung đường địa hình đồi núi và biết được mình đã leo lên đến độ cao bao nhiêu.
Ngoài ra, giấc ngủ mỗi ngày của bạn cũng được ghi nhận lại rất chi tiết, thậm chí so sánh thời gian ngủ của mình với trung bình những người ở độ tuổi này trên thế giới để từ đó biết cải thiện đời sống sinh hoạt hơn.
Tổng kết
Với mức giá xách tay vào khoảng 600.000 đồng và chính hãng chỉ tầm 850.000 đồng, khó có thể nói sản phẩm nào khác có thể vượt mặt được Mi Band 4 này. Trang bị màn hình màu kích thước lớn là một lợi thế, kèm theo đó là khả năng nhận diện các hoạt động thể thao ở độ chính xác cao nhờ cảm biến 6 trục, Mi Band 4 thật sự là chiếc smartband "khủng trong tầm giá" khiến các đối thủ khác phải dè chừng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4