Các nhà khoa học sẽ có được câu trả lời rõ ràng hơn xung quanh xét nghiệm sinh thiết lỏng.
Năm 2018 là một năm đáng chú ý đối với ngành nghiên cứu ung thư. Chúng ta đã đạt được những bước tiến lớn trong chẩn đoán và điều trị, cũng như những đột phá quan trọng để chăm sóc bệnh nhân sống sót sau ung thư.
Trên đà đó, liệu chúng ta có thể mong đợi điều gì trong năm 2019, khi những nghiên cứu ung thư vẫn liên tục được tiến hành?
Là một nhà khoa học nghiên cứu ung thư và cũng mang trên người căn bệnh, biên tập viên Victoria Forster của trang Forbes đã liệt kê ra 5 chủ để hàng đầu, nơi mà những bệnh nhân ung thư như cô có thể đặt niềm hi vọng vào đó:
1. Liệu pháp miễn dịch: Bệnh nhân nào có tác dụng, bệnh nhân nào không và tại sao?
Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư đang trở thành hi vọng của rất nhiều bệnh nhân trên toàn thế giới. Thay vì sử dụng các tác nhân bên ngoài như hóa trị, xạ trị và phẫu thuật để loại bỏ ung thư, liệu pháp miễn dịch sử dụng chính hệ thống miễn dịch của cơ thể, giúp các tế bào miễn dịch nhận diện được tế bào ung thư và tiêu diệt chúng.
Đã có một số phương pháp điều trị miễn dịch được phê duyệt và đi vào phục vụ bệnh nhân ung thư, bao gồm sử dụng tế bào CAR-T, chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch hay liệu pháp tế bào lympho xâm nhập khối u (TIL).
Năm 2018, một nghiên cứu báo cáo TIL đã thành công trong việc loại bỏ tất cả các khối u rắn trong người một phụ nữ mắc ung thư vú di căn. Mặc dù là một đột phá lớn, cho đến nay TIL vẫn chưa được chứng minh trong các thử nghiệm lâm sàng quy mô hơn. Cũng bởi vậy mà đa số bệnh nhân ung thư chắc chắn vẫn phải chờ đợi.
Thống kê cho thấy trên toàn thế giới hiện tại có hơn 2.500 thử nghiệm sử dụng liệu pháp miễn dịch đã được đăng ký. Trong quá trình thử nghiệm, các câu hỏi lớn bắt đầu phát sinh. Một câu hỏi đặc biệt quan trọng đối với việc sử dụng các loại thuốc ngăn chặn điểm kiểm soát miễn dịch, chẳng hạn như những thuốc nhắm mục tiêu PD-1 hoặc CTLA-4 là: Tại sao một số bệnh nhân đáp ứng trong khi những bệnh nhân khác thì không?
Một số nhóm nghiên cứu trên thế giới hiện đang vật lộn với câu hỏi này. Không chắc họ sẽ tìm ra câu trả lời rõ ràng ngay trong năm 2019, chúng ta chỉ hi vọng nhiều nghiên cứu hơn nữa sẽ được công bố, tiếp tục đem lại hy vọng cho bệnh nhân bằng cách xác định ai sẽ đáp ứng và sẽ khỏi bệnh nhờ các liệu pháp miễn dịch đắt tiền, biến nó không còn chỉ là một phép thử may rủi tốn kém.
2. Xét nghiệm sinh thiết lỏng: Có thể phát hiện sớm ung thư như thế nào và độ chính xác ra sao?
Nghiên cứu sinh thiết lỏng, biện pháp phát hiện sớm ung thư sớm nhờ một xét nghiệm máu, cũng là một lĩnh vực bùng nổ trong năm 2018. Nhưng có lẽ cũng không có gì ngạc nhiên, khi thị trường dự kiến của sinh thiết lỏng lên tới hơn 2 tỷ USD vào năm 2022.
Điểm ưu việc của sinh thiết lỏng so với sinh thiết thường và các biện pháp chẩn đoán ung thư sử dụng bức xạ, đó là nó đơn giản, ít xâm lấn, có chi phí rẻ, không gây đau đớn và tổn hại cho bệnh nhân và người bình thường muốn tầm soát ung thư sớm.
Nghiên cứu cho biết chúng ta thậm chí có thể sử dụng các xét nghiệm này để theo dõi phản ứng của khối u với các biện pháp điều trị. Đối với bệnh nhân đã thuyên giảm, sinh thiết lỏng có thể dự đoán ung thư có thể tái phát hay không và nếu có thì tái phát khi nào.
Tuy nhiên, số lượng tài liệu nghiên cứu khổng lồ, chưa kể các bài thuyết trình tại các hội nghị y học hàng đầu, và các bản tin mới của hàng chục công ty đang phát triển công nghệ sinh thiết lỏng, có thể khiến bạn quá sức khi tìm hiểu những gì đang diễn ra.
Năm 2018, các nhà nghiên cứu tại Đại học Johns Hopkins đã kiểm tra hai trong số các xét nghiệm sinh thiết lỏng hàng đầu trên thị trường và nhận thấy chúng cho kết quả khác nhau với cùng một mẫu bệnh phẩm.
Thực tế, tiềm năng của sinh thiết lỏng là rất lớn, nhưng lĩnh vực này cũng tồn tại rất nhiều sự cường điệu hóa từ các công ty đang phát triển chúng. Nó khiến nhiều nhà khoa học, bác sĩ và các bệnh nhân đều phải bối rối.
Trong bối cảnh đó, tháng 3 năm 2018, Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) đã ban hành một tuyên bố kết luận rằng hiện tại hầu hết các xét nghiệm sinh thiết lỏng không thể hiện được đủ bằng chứng để khuyến nghị sử dụng chúng trong chẩn đoán hoặc theo dõi ung thư.
Hy vọng, trong năm 2019, các nhà khoa học sẽ có được những câu trả lời rõ ràng hơn xung quanh các xét nghiệm sinh thiết lỏng. Nếu có nhiều bằng chứng hơn nữa được công bố, ASCO có thể thu hồi kết luận năm ngoái của họ để sinh thiết lỏng được cấp phép và đi vào phục vụ bệnh nhân.
3.Tập trung hơn vào tác dụng phụ của điều trị ung thư
Tôi là một bệnh nhân sống sót sau ung thư, và là người luôn ủng hộ những nghiên cứu trên bệnh nhân sống sót sau ung thư. Đối với tôi, 2018 rõ ràng là một năm đáng chú ý của lĩnh vực này, với vô số nghiên cứu về tác dụng phụ và những gì xảy ra với bệnh nhân ung thư sau điều trị.
Trong nhiều thập kỷ, nghiên cứu về ung thư chỉ chủ yếu tập trung vào việc đảm bảo tỷ lệ sống cho bệnh nhân, nghĩa là càng nhiều người sống sót sau điều trị càng tốt. Nhưng bây giờ, chúng ta đã đạt được nhiều thành quả trong mục tiêu đó, với hàng triệu người sống sót sau ung thư trên thế giới.
Bắt đầu, một lĩnh vực nghiên cứu mới nảy sinh đó là xem xét và cải thiện chất lượng cuộc sống cho những bệnh nhân này. Năm 2018, chúng ta có các nghiên cứu như giải pháp chống vô sinh cho những đứa trẻ điều trị ung thư sớm. Việc điều trị sẽ giúp những đứa trẻ sống sót tới tuổi trưởng thành, vậy mục tiêu tiếp theo là chúng ta phải đảm bảo được khả năng sinh sản cho chúng.
Ngoài ra, một nghiên cứu nữa cũng nhắm đến việc bảo tồn sức khỏe và giảm nhẹ tác dụng phụ cho những phụ nữ mắc ung thư vú giai đoạn sớm, bằng cách hạ liều bức xạ thấp hơn tiêu chuẩn hiện tại. Các nhà khoa học chứng minh đó là lựa chọn an toàn hơn nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị.
Nổi bật nhất, theo tôi là một công trình từ các nhà khoa học Stanford có thể đã tìm ra lý do tại sao hiện tượng 'não hóa trị' xảy ra, một trong những tác dụng phụ ảnh hưởng tới khả năng suy nghĩ và trí nhớ mà bệnh nhân sống sót sau ung thư hay gặp phải.
Các nhà khoa học nói rằng não hóa trị có thể được điều trị, nếu vậy, bệnh nhân sống sót sau ung thư sẽ còn được cải thiện chất lượng cuộc sống hơn nữa.
4. Ung thư và hệ vi sinh vật
Hệ vi sinh vật người, bao gồm tất cả vi khuẩn, virus và nấm sống trên và bên trong cơ thể chúng ta, là một trong những chủ đề y học được nói đến nhiều nhất trong năm 2018. Không có gì phải bàn cãi, chủ đề nghiên cứu này sẽ tiếp tục nóng lên trong năm 2019.
Trong bối cảnh có rất nhiều lời khuyên bạn nên trân trọng và nuôi dưỡng hệ lợi khuẩn đường ruột của bạn, rất nhiều nghiên cứu dựa trên bằng chứng vững chắc đã được công bố cho thấy hệ vi sinh vật người nói chung có khả năng tham gia vào nhiều bệnh như đa xơ cứng, bệnh viêm ruột và thậm chí bệnh Alzheimer. Nhưng với ung thư thì sao?
Đã có một số nghiên cứu được công bố cho thấy hệ vi sinh vật người có thể ảnh hưởng đến phản ứng với thuốc hóa trị, và thậm chí trong một số trường hợp gây ra việc sản xuất các sản phẩm phân hủy độc hại của thuốc.
Đầu tháng 12 năm 2018, một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Communications đã chỉ ra làm thế nào một chủng vi khuẩn đặc biệt phổ biến trong hệ vi sinh vật ở người có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, để thúc đẩy sự tiến triển của một loại ung thư máu hiện không thể chữa được gọi là đa u tủy.
Nghiên cứu nêu ra khả năng điều trị các vi khuẩn này bằng thuốc kháng sinh, nhờ vậy có thể ngăn chặn hoặc làm chậm tiến triển của ung thư.
5. Organoids: Vũ khí bí mật mới trong y học cá nhân hóa điều trị ung thư
Organoids là các mẫu mô cơ quan nhỏ được các nhà khoa học nuôi cấy trong phòng thí nghiệm từ mẫu mô bệnh phẩm của bệnh nhân. Chúng hứa hẹn sẽ cách mạng hóa việc điều trị ung thư, bằng cách cho phép các bác sĩ thử nghiệm thuốc trước trên chính khối u "tái tạo" bên ngoài cơ thể bệnh nhân, trước khi quyết định truyền chúng vào người họ.
Một số công ty dược phẩm và công nghệ sinh học có các chương trình quy mô lớn để phát triển thương mại các công nghệ này, sử dụng organoids trong sàng lọc thuốc. Họ cũng nghiên cứu để tạo ra các bộ dụng cụ nuôi cấy organoid, đưa nó đến nhiều phòng thí nghiệm và bệnh viện.
Mặc dù vậy, công nghệ organoids ở thời điểm hiện tại chưa thể trở thành một phương pháp hoàn hảo để thử nghiệm thuốc. Ví dụ, bạn sẽ thấy thật dễ dàng và nhanh chóng để tạo ra các organoids từ một số loại khối u - chẳng hạn như đại trực tràng, nhưng điều đó là rất khó với các loại ung thư khác như khối u não.
Các organoids được nuôi trong phòng thí nghiệm cũng chưa có nguồn cung cấp máu, chúng cũng chưa được kết nối với các hệ thống cơ thể khác, có thể ảnh hưởng đến phản ứng của bệnh nhân với thuốc chống ung thư.
Nhưng các nhà nghiên cứu đang đạt được tiến bộ trong việc phát triển organoids, tìm ra những cách tốt hơn để tạo và nuôi cấy organoids giúp phản ánh chính xác hơn bản chất của khối u và căn bệnh mà bệnh nhân mắc phải.
Trong năm 2019, chúng ta hy vọng lĩnh vực organoids sẽ tiếp tục phát triển, cho thấy vai trò ngày càng tăng trong việc thiết kế các phương pháp y học cá nhân hóa cho bệnh nhân ung thư, cũng như góp phần vào những đột phá nghiên cứu ung thư trong tương lai.
Tham khảo Forbes
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming