Đây là cách "hack não" để bạn không bao giờ bị "não cá vàng" nữa

    Dink,  

    Đừng nhồi nhét, hãy tạo khoảng nghỉ cho chính mình.

    Bài viết nguyên bản được đăng trên Fast Company của cô Mary Slaughter, Phó Chủ tịch Tư vấn và Áp dụng Toàn cầu tại Viện NeuroLeadership. Sử dụng những nghiên cứu về não bộ, cô mong muốn thay đổi cách thức tiếp nhận kiến thức của mọi người, tạo ra sự đổi mới.

    Bạn đã học rất nhiều thứ trong nhiều năm qua, nhưng rất có thể là bạn chưa học được cách học sao cho đúng.

    Để vượt qua những năm tháng mài quần trên ghế nhà trường, đa số chúng ta sử dụng một cách thức mà các nhà tâm lý học gọi là "massed practice", xin tạm dịch là "rèn luyện trí nhớ theo từng khối", mà gọi một cách kém "văn minh" là nhồi kiến thức càng nhiều càng tốt.

    Ví dụ: Hôm nay là thứ Hai, và bài kiểm tra sẽ diễn ra vào thứ Sáu; bạn nhẩn nha cho tới tối ngày thứ Năm, học vào càng nhiều càng tốt trong một (đến một vài) tiếng đồng hồ. Cách thức này cho phép bạn qua được bài kiểm tra kia mà lại không mất quá nhiều thời gian để học – Một cách thức hoàn hảo.

    Nhưng não bộ bạn lại không thích cái cách tiếp nhận thông tin ấy. Bạn có thể nhớ được kiến thức cho bài kiểm tra ngay ngày hôm sau, nhưng một tới hai tuần sau là mọi thứ bắt đầu trôi dần đi, thậm chí là biến mất hẳn.

    Đây sẽ là cách học, cách tiếp nhận thông tin hiệu quả hơn nhiều cho bạn.

    Đầu tiên, hãy biết rằng hành động "nhồi nhét" kia có cái giá đắt mức nào

    Sẽ sớm thôi, bạn áp dụng phương thức tiếp nhận thông tin này vào công việc: bạn soát lại những yếu tố quan trọng trước một cuộc họp lớn, bạn thức vào đêm trước ngày trình bày trước ban giám đốc để hoàn thiện bản trình chiếu.

    Cách thức này không hiệu quả lâu dài và không thể tăng quy mô của nó lên được. Khi còn làm việc cho Viện NeuroLeadership NLI, tôi gặp vô số nhân viên từ hàng trăm công ty khác nhau đang bị áp lực đè nặng: họ phải tiếp cận với những kỹ năng mới và những quá trình làm việc mới, phải học và áp dụng chúng một cách nhanh chóng. Cách thức này sẽ luôn dẫn tới một hậu quả duy nhất: khiến bạn sớm kiệt sức và năng suất làm việc sẽ giảm rõ rệt.

    Các nhà khoa học nghiên cứu não bộ khám phá ra được rằng cách thức học nhồi nhét sẽ chỉ cho phép bạn nhớ được kiến thức trong khoảng thời gian ngắn thôi. Học thứ Năm, thi vào thứ Sáu và đến Chủ Nhật là quên sạch. Nếu như lượng kiến thức bạn nạp vào không thực sự cần thiết hoặc bạn không quan tâm đến nó thì chẳng có vấn đề gì.

    Nhưng nếu đó mà là những kỹ năng ảnh hưởng tới sự nghiệp, tới khả năng làm việc và năng suất lâu dài của bạn, đó lại là một câu chuyện khác. Đừng làm vậy.

    Hãy để não bộ làm thay bạn

    Trong lịch sử của tâm lý học, "Hiệu ứng tạo khoảng cách – Spacing Effect" là một quá trình tái tạo hoạt động tinh thần có nền móng vững chắc nhất, nó đã được quan sát bởi nhà thần kinh học Hermann Ebbinghaus từ năm 1885. Với một chút lên kế hoạch trước và dự tính trước tình hình, bạn có thể lợi dụng khả năng nhận thức đặc biệt này để cải thiện khả năng học của bộ não mình. Bạn hãy để não bộ mình học, rồi nghỉ ngơi làm việc khác cũng không sao.

    Theo lời Lila Davachi, một nhà khoa học thần kinh nhận thức chuyên nghiên cứu về trí nhớ tại Đại học Columbia và cũng là một nhà nghiên cứu tại NLI, việc "tạo khoảng cách" cho phép bạn học thêm những thứ mới mà không tiêu tốn gì. Bạn không còn phải học nhiều hơn, thậm chí chỉ cần học ít thôi cũng được.

    "Chúng tôi đã thử nghiệm đo hoạt động não bộ khi đang học và nhập thông tin mới vào, rồi yêu cầu người tham gia thử nghiệm nghỉ ngơi", nhà nghiên cứu Davachi nói. "Sau đó chúng tôi quan sát não bộ của họ mà không báo cho họ biết. Chúng tôi thấy rằng trí óc của họ cứ lơ lửng trôi".

    Bà Davachi giải thích rằng giai đoạn này cực kỳ quan trọng. "Chúng tôi tháy dấu vết của những gì đã được học, bộ não vẫn tiếp tục nhắc lại, ‘nhẩm’ lại những thông tin đã được nạp trước đó". Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người có bộ não có thời gian nghỉ để "tự ôn" lại kiến thức sẽ nhớ ra tốt hơn khi thực hiện bài thử, bài kiểm tra sau này.

    "Não bộ của bạn đang làm công việc ghi nhớ trong khi bạn làm những việc khác", bà bổ sung.

    Đây là cách ứng dụng "cách thức tạo khoảng cách" vào đời thực

    Một buổi tối học bài dài nhiều tiếng, một cuộc họp dài cả chiều cần cực kỳ nhiều sự chú ý, mà chất lượng của việc tiếp nhận thông tin sẽ càng giảm đi khi thời gian của buổi học, của cuộc họp càng dài. Chắc hẳn một phiên học, phiên họp ngắn với lượng kiến thức có chất lượng cao, với nhiều người tham gia ý kiến đóng góp sẽ khiến phiên họp, phiên học trở nên hiệu quả.

    Bản thân bạn có thể tự áp dụng cách thức này. Thay vì ngồi nhồi nhét lượng kiến thức lớn trong một khoảng thời gian dài, hãy lên lịch một buổi tiếp nhận kiến thức chỉ từ 30 cho tới 60 phút, một tuần hay thậm chí nhiều tuần trước khi buổi họp, bài thi diễn ra.

    Chắc chắn việc này không quá khó khăn, chỉ cần lên sẵn kế hoạch và quản lý thời gian đơn giản thôi. Bạn cũng có thể sử dụng một app nào đó để thực hiện. Những đứa con của tôi, một nhóc 13 và một nhóc 16 tuổi, sử dụng ứng dụng Quizlet. Bạn điền ngày diễn ra bài kiểm tra và kiến thức cần học vào đó, phần mềm sẽ tạo ra một lịch học cho bạn, nó sẽ gửi thông báo nhắc nhở hàng ngày để việc học đạt hiệu quả cao nhất.

    Dù cách học, cách tiếp nhận thông tin của bạn là gì, thì sự thật dựa trên khoa học vẫn là đây: nhồi nhét quá nhiều thông tin trước một sự kiện gì đó sẽ không giúp bạn thể hiện được mình một cách hiệu quả đâu. Một cuộc đối thoại cho phép bạn thể hiện kiến thức của mình yêu cầu bạn phải nhớ và hiểu được dữ liệu quá khứ - nó dựa vào những thứ bạn đã nhớ sâu và nhớ lâu rồi.

    May mắn là não bộ của bạn được thiết kế để làm việc đó, có thể tiếp nhận và lưu trữ thông tin rất tốt, nếu như bạn tạo ra những khoảng nghỉ cho nó. Nếu thực hiện đúng cách, thì bạn sẽ tốn ít thời gian và công sức để tiếp nhận thông tin hơn, hiệu quả hơn bất kì buổi "nhồi nhét kiến thức" nào.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày