Đây là chiếc xe 6,5 tấn mà NASA sẽ sử dụng để di chuyển trên Sao Hỏa

    TVD,  

    Đây là chiếc xe đầu tiên sẽ được lăn bánh trên bề mặt Sao Hỏa.

    Sứ mệnh đưa các nhà du hành vũ trụ lên Sao Hỏa của NASA sẽ được thực hiện vào khoảng năm 2025 đến 2030. Trong khi hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu để tìm ra cách đưa con người lên Sao Hỏa, thì NASA đã tạo ra một chiếc xe để sẵn sàng lăn bánh trên bề mặt Sao Hỏa.

    Space Exploration Vehicle (SEV) là khái niệm mà NASA đặt ra cho một thế hệ xe thám hiểm vũ trụ hoàn toàn mới. Nó sẽ có thể chở các phi hành gia để thám hiểm tất cả các tiểu hành tinh gần Trái đất và cả Sao Hỏa.

    Và để có thể di chuyển trên những địa hình phức tạp, chưa từng có ai đi qua, chiếc xe SEV này đã được NASA thiết kế một cách đặc biệt. Ngây bây giờ, NASA đã cho chạy thử nghiệm chiếc xe này để chuẩn bị cho các sứ mệnh chinh phục vũ trụ.

    Chiếc xe SEV này đang được thử nghiệm tại Mars Yard, thuộc Trung tâm vũ trụ Johnson Kennedy của NASA.


    Nơi thử nghiệm này được gọi là Mars Yard vì NASA đã tái hiện lại nó giống như bề mặt Sao Hỏa, với nhiều ngọn đồi, miệng núi lửa nhỏ và địa hình nhiều đất đá gồ ghề.


    Chiếc SEV này có một số tính năng được cải tiến so với mẫu xe không gian có người lái Lunar Rover trước đây. Nó được trang bị một hệ thống cân bằng áp suất hoàn chỉnh, cabin rộng rãi với giường ngủ và thiết bị vệ sinh. Có thể chứa 2 phi hành gia và hoạt động trong vòng 14 ngày liên tiếp.


    Hai bộ đồ không gian được trang bị phía sau chiếc xe và các phi hành gia có thể lấy chúng vào bên trong cabin nếu cần thiết. Việc treo hai bộ đồ ở phía sau giúp tăng thêm diện tích cho cabin bên trong.


    Khi cần sử dụng đến bộ đồ phi hành gia, một cửa cuốn sẽ đóng xuống và bộ ổn định áp suất sẽ hoạt động, giúp các phi hành gia có thể thay đồ dễ dàng chỉ trong vòng 15 phút.


    Bên cạnh của chiếc xe SEV có một cánh cửa mà có thể kết nối với các module của trạm cứu hộ. Nhờ đó các phi hành gia có thể di chuyển từ xe vào bên trong trạm cứu hộ mà không cần ra môi trường bên ngoài. Nó cũng gần giống với chiếc cầu nối khi chúng ta đi máy bay.


    Cơ chế chuyển động của SEV giúp nó có thể vượt qua mọi địa hình khác nhau. Tất cả 12 bánh xe đều có khả năng quay 360 độ. Cũng có nghĩa là bạn có thể lái chiếc SEV này đi dọc, ngang, lùi hay thậm chí đi theo đường chéo mà không cần phải quay đầu.


    Và đây là khi nhìn từ bên trong cabin, khi chiếc xe đang quay vòng 180 độ.


    Còn đây là cách mà chiếc xe SEV kết nối với module của trạm cứu hộ.


    NASA cũng đã thiết kế những chiếc lốp đặc, độ bền cao để có thể giúp cho chiếc xe SEV vượt qua những tảng đá sắc cạnh mà không có vấn đề gì.


    Với một con quái vật có 12 chân, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ việc điều khiển nó sẽ phức tạp như lái một chiếc phi thuyền vũ trụ. Nhưng sự thật thì không phải như vậy, khi mà bạn chỉ cần một chiếc cần như trong hình để điều khiển từ việc cho nó đi về phía trước, đi lùi hay xoay vòng vòng.


    Do địa hình gồ ghề, nên việc ngồi trong cabin của SEV cũng giống như ngồi trên lưng một chú ngựa, bạn không thể hy vọng nó giống như một chiếc xe của Tesla.


    Tốc độ tối đa của chiếc xe này có thể đạt là 10km/h và tầm hoạt động là hơn 200km, một con số ấn tượng và quá đủ cho một chuyến hành trình thám hiểm trên bề mặt của một hành tinh xa lạ.


    Chiếc xe cũng được thiết kế giống như một trung tâm cứu hộ. Nó được trang bị lớp chắn bức xạ, giúp bảo vệ các phi hành gia bên trong trước ánh nắng Mặt Trời với tối đa 72 giờ. Do Sao Hỏa có bầu khí quyển rất mỏng, do đó các tia bức xạ có thể dễ dàng xuyên qua và đe dọa tới các phi hành gia trên bề mặt.


    Có thể nhiều người sẽ thất vọng với vẻ ngoài của chiếc xe SEV này, vì nó không giống với những chiếc xe tuyệt đẹp mà chúng ta từng được thấy trong các bộ phim khoa học viễn tưởng như “The Martian”. Nhưng nó được tạo ra để bảo vệ các phi hành gia và giúp họ hoàn thành nhiệm vụ, chứ không phải để cho những khán giả như chúng ta chiêm ngưỡng.

    Sứ mệnh chinh phục Sao Hỏa sẽ là một trong những dấu mốc vĩ đại tiếp theo trong lịch sử loài người. Sau khi con người đặt chân lên Mặt trăng, đây sẽ là lần thứ hai con người đặt chân lên một nơi không phải là Trái đất.

    Tham khảo: BI

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ