Đây là loại ảo giác mới nhất mà con người từng phát hiện, nó có thể liên quan đến tiến hóa
Mắt và não của chúng ta phát hiện ra các góc hiệu quả hơn đường cong.
Hãy nhìn vào hình ảnh dưới đây, bạn thấy những loại đường nào? Ngoài những nét cong mềm mại, bạn có thấy những nét thẳng của đường zigzag hay không?
Trên thực tế, phía sau bức ảnh này ẩn chứa một trong những loại ảo giác mới nhất ảnh hưởng đến con người, chỉ vừa được phát hiện vào năm 2017. Nó đại diện cho một giả thuyết liên quan đến sự tiến hóa ở thị giác của chúng ta, giữa một thế giới ngày càng nhiều đồ vật nhân tạo.
Người phát hiện ra ảo ảnh này là nhà tâm lý học thực nghiệm người Nhật, Kohske Takahashi đến từ Đại học Chukyo. Nó được đặt tên là "ảo ảnh mù độ cong", một ví dụ mới nhất cho việc tại sao chúng ta không nên tin 100% vào những gì mình nhìn thấy.
Ảo giác này mới được phát hiện vào năm 2017, và nó có thể liên quan đến tiến hóa
Một thực tế khi nhìn vào vùng nền xám, đa số mọi người sẽ thấy các hàng lượn sóng xen kẽ các hàng zigzag. Nhưng khi nhìn các hàng ở khu vực nền trắng và đen, ở trên cùng bên trái và dưới cùng bên phải của hình ảnh, hóa ra tất cả các đường zigzag trong vùng nền xám cũng là đường lượn sóng mà thôi.
Bạn vừa vướng phải một ảo ảnh mù độ cong, nhưng đừng lo lắng, nó không phải là một tình trạng y tế và gần như vô hại. Câu hỏi là tại sao nhiều người trong chúng ta lại nhìn thấy các đường zigzag trong hình ảnh, khi thực tế tất cả các hàng đều lượn sóng?
Theo Takahashi, nó có thể liên quan đến cách mắt chúng ta phân biệt các đường cong và các góc trong thế giới thực. Nếu cả hai bị chồng chập, nó có thể gây ra xung đột trong hệ thống thị giác của não và các góc sẽ chiến thắng.
"Chúng tôi đề xuất rằng các cơ chế bên dưới nhận thức về đường cong và góc đang cạnh tranh với nhau một cách không cân bằng", Takahashi giải thích trong bài báo, "và nhận thức về góc có thể chiếm ưu thế hơn trong hệ thống thị giác".
Nhưng tại sao các góc lại chiến thắng đường cong mà không phải ngược lại? Một giả thuyết cho rằng đó là do sự tiến hóa của chúng ta, để thích ứng với thế giới vật chất xung quanh mình.
"Tôi muốn nói rằng mắt và não của chúng ta có thể đã tiến hóa để phát hiện ra các góc hiệu quả hơn đường cong", Takahashi trả lời với Telegraph.
"Chúng ta được bao quanh bởi các sản phẩm nhân tạo, có nhiều góc hơn so với môi trường tự nhiên [trong quá khứ], và chúng thay đổi thị lực của chúng ta. Hiện tượng thị giác này không gây ra vấn đề trong cuộc sống hàng ngày, nếu không ai đó đã phải phát hiện ra ảo giác này trước đó".
Một ví dụ khác về "ảo ảnh mù độ cong"
Nghiên cứu kỹ hơn về ảo giác này, Takahashi đã chạy một loạt các thí nghiệm với những tình nguyện viên và thay đổi hình ảnh để xem đâu là điều kiện tối ưu kích hoạt ảo ảnh. Trong hình ảnh bạn thấy, độ tương phản về độ sáng giữa các đoạn đường cong khác nhau sẽ tạo ra ảo ảnh.
Các góc và hình zigzag được tạo ra khi độ tương phản được đẩy lên cao nhất ở đỉnh của các đường cong. Điều này làm nổi bật ảo ảnh rằng những đoạn cong đó thẳng và nghiêng lên hoặc xuống, chứ nó không phải một gợn sóng liên tục.
Ngược lại, nếu các đường lượn sóng (bạn hãy nhớ rằng tất cả chúng thực sự đều lượn sóng) có sự chuyển đổi tương phản ở phần giữa, để đỉnh và thung lũng của nó đều màu hơn thì bạn sẽ nhìn thấy chúng cong.
Một yếu tố khác tham gia vào ảo giác này là biên độ của đường lượn sóng. Nếu các đường gợn sóng có biên độ nhỏ, nghĩa là nó chỉ cong nhẹ, hiệu ứng sẽ trở nên rõ rệt hơn. Các đường cong có biên độ lớn làm cho hiệu ứng biến mất.
Các phát hiện về ảo giác thú vị này được báo cáo trong tạp chí i-Perception.
Tham khảo Sciencealert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"