Đêm nào ngủ cũng bị bóng đè, cô gái này tìm gặp cả nhà khoa học lẫn chuyên gia về ma để hỏi cho rõ
Bạn không thể di chuyển và cử động, bởi lúc đó hệ thần kinh đang bật một cơ chế phòng vệ.
*Arzia Tivany Wargadiredja là một cô gái người Indonesia, một nhà văn trước đây từng làm nhà sản xuất cho CNN. Sinh ra từ một đất nước Đông Nam Á, nơi vốn có nhiều truyền thuyết và huyền thoại, Arzia rất tò mò về hiện tượng kỳ lạ mình hay thường gặp phải trong giấc ngủ.
Cô đã tìm đến cả những nhà khoa học và... chuyên gia về ma để hỏi xem, nó thực chất là gì:
Điều mà tôi sắp kể cho bạn được gọi bằng rất nhiều cái tên. Ở Indonesia, nó là: rep-repan, eureup-eureup hoặc tindihan. Người Hmong Việt Nam và Lào gọi nó là dab tsong. Ở Campuchia thì là khmaoch sângkât.
Mỗi quốc gia đều có một huyền thoại riêng, giải thích cho hiện tượng các bác sĩ Phương Tây gọi là “liệt khi ngủ”. Họ nói có một loại linh hồn nào đó đã khiến mọi người bị như vậy. Cụm từ miêu tả nó trong tiếng Khmer, có nghĩa đen là “một bóng ma đang đè lên bạn” – hay gọi tắt là bóng đè.
Đó chính là thứ mà tôi phải chịu đựng trong suốt cuộc đời mình. Nhiều người Indonesia ngủ ngon giấc, dù cho họ phải nhịn ăn và uống cả ngày trong tháng chay Ramadan. Nhưng tôi thì không. Với người khác, giấc ngủ là một điều bình thường, với tôi, ngủ khiến tôi kiệt quệ.
Đêm nào cũng bị bóng đè, cô gái tìm gặp cả nhà khoa học lẫn chuyên gia về ma để hỏi rõ về nó
Gần như mọi giấc ngủ của tôi đều kết thúc bằng cảm giác choàng tỉnh. Nhưng nói là “tỉnh” cũng không phải, bởi lúc đó tôi không thực sự tỉnh hẳn. Cơ thể tôi trôi nổi trong khoảng không gian kỳ lạ, giữa giấc ngủ và sự thức tỉnh.
Tôi nằm một chỗ, không thể cử động nhưng hoàn toàn nhận thức được môi trường xung quanh. Và bạn có muốn nghe điều khó tin nhất không?
Tôi thề rằng đã nhìn thấy một cái gì đó màu đen ngồi dậy khỏi cơ thể mình, đi xuyên qua bức tường cạnh giường. Tôi cảm thấy thứ ấm áp kì lạ ấy hẳn phải thuộc về một thế giới khác, nó đã tách rời khỏi cơ thể tôi.
Tất cả những điều này gần như đêm nào cũng xảy ra, thỉnh thoảng tới 20 lần trong một đêm. Mọi chuyện đã bắt đầu từ lúc tôi lên 6 tuổi.
Ở Indonesia, người ta vẫn tin rằng bóng đè gây ra bởi jin - một hồn ma trong Kinh Koran. Jin là một trong những tạo vật thông minh nhất của Chúa. Linh hồn này không phải lúc nào cũng độc ác, nhưng bởi bản thân đó là một hồn ma, jin vẫn khiến tôi sợ hãi.
Mirella Pandjaitan 22 tuổi. Bốn năm trước, lần đầu tiên trong đời cô bé gặp bóng đè khi ngủ. Mirella nghĩ mình bị quỷ ám:
“Tôi đã rất hoảng sợ. Chẳng thế nói nó là thật hay chỉ là một cơn ác mộng, tôi không thể cử động cơ thể mình và cảm thấy mê man tê người. Ngày đó, tôi không nghĩ mình bị bóng đè bởi chưa từng nghe về nó bao giờ. Tôi chỉ còn có thể nghĩ một hồn ma xấu xa nào đó đang cố gắng quấy rầy mình. Trước đó, nhiều lần tôi cũng bị đánh thức dậy bởi nó. Tất nhiên, chẳng nào ngủ thêm được sau đó”.
"Tôi thề rằng đã nhìn thấy một cái gì đó màu đen ngồi dậy khỏi cơ thể mình, đi xuyên qua bức tường cạnh giường"
Câu chuyện của Mirella cho tôi biết mình không phải là người duy nhất gặp hiện tượng này. Nhưng tôi chưa thể yên tâm hơn. Tháng chay Ramadan của người Hồi Giáo sắp đến, và tôi phải giải quyết tận cùng chuyện này để có được những giấc ngủ ngon lành trong dịp quan trọng này.
Tôi liên lạc với Andreas Prasadja, chuyên gia rối loạn giấc ngủ đầu tiên và duy nhất tại Indonesia. Ông bảo tôi rằng các chứng rối loạn giấc ngủ kiểu này có thể trở nên tồi tệ hơn, khi tôi bước vào tháng chay Ramadan, yêu cầu người Hồi Giáo phải nhịn ăn từ lúc mặt trời lặn đến lúc mặt trời mọc.
“Những người nhịn ăn sẽ trải nghiệm quá trình thay đổi đồng hồ sinh học trong cơ thể, họ nhất định sẽ thiếu ngủ”, Andreas nói. “Và trong những trường hợp nặng nhất, thiếu ngủ sẽ gây ra bóng đè”.
Tôi hẹn gặp ông ở Bệnh viện Mitra, Jakarta. Andreas có một phòng khám về rối loạn giấc ngủ và tôi đến đây để kể cho ông nghe mọi chuyện. Khẽ gật đầu, vị bác sĩ bắt đầu giải thích cho tôi, điều gì đã xảy ra phía sau một giấc ngủ bị quỷ ám:
Khi mọi người bước vào giai đoạn REM của giấc ngủ, lúc mà mắt bạn sẽ chuyển động rất nhanh trong khi nó vẫn nhắm, bạn có nhiều nguy cơ gặp bóng đè. Điều này gây ra bởi sự chồng chập giữa giai đoạn ngủ REM, và sóng não khi bạn vẫn còn thức, Andreas giải thích.
“Có hai kiểu bóng đè khi ngủ”, ông tiếp tục. “Trong dạng thứ nhất, bạn sẽ nhìn thấy ảo giác – một dạng sinh vật như ma hoặc linh hồn chẳng hạn – nó phụ thuộc vào nền văn hóa. Đó là lý do tại sao những người khác nhau, ở những đất nước khác nhau trên thế giới, sẽ nhìn thấy những thứ khác nhau vào khoảng thời gian bị bóng đè”.
Ở Đông Nam Á, chúng ta nhìn thấy những hồn ma. Ở Mỹ, nhiều người nhìn thấy nhện. Biện tập viên của tôi cũng là một người Mỹ, ông nói với tôi ông nhìn thấy một con mèo con lúc bóng đè.
Kiểu bóng đè thứ hai mệnh danh cho tên gọi của nó. “Bạn không thể di chuyển và cử động bởi lúc đó hệ thần kinh đang bật một cơ chế phòng vệ”, Andreas nói.
“Trong giấc ngủ bình thường cũng vậy, sẽ không an toàn một chút nào nếu bạn có thể di chuyển – cứ nghĩ mà xem có bao nhiêu là rắc rối nếu bạn đi lại được, trong khi vẫn còn ngủ”.
Bóng đè được miêu tả như một hiên tượng ma quỷ, cả trong văn hóa Phương Tây
Ở Mỹ, các bác sĩ bắt đầu nghiên cứu người Đông Nam Á bị bóng đè khi làn sóng tỵ nạn ập đến từ Campuchia, Lào và Việt Nam. Những người Campuchia thoát ra từ trại hành quyết của Khmer Đỏ lúc nào cũng phải vật lộn với chấn thương tâm lý. Họ than phiền về hiện tượng khmaoch sângkât mà mình gặp phải.
Vào những năm 1980, đột nhiên có báo cáo về việc hơn 100 người đàn ông Hmong đang khỏe mạnh bỗng dưng chết trong khi ngủ. Không ai hiểu chuyện gì đã diễn ra. Các bác sĩ quyết định gọi nó là “Hội chứng đột tử khi ngủ không thể giải thích”.
Sau đó, bất ngờ như cái cách hội chứng này xuất hiện, những cái chết không còn thấy được báo cáo. Mọi chuyện chìm lắng cho đến 2 thập kỷ sau, một giáo sư tại Đại học California đưa ra kết luận đáng sợ: Những người Hmong tin rằng dab tsong, một hồn ma trong đêm tối, là thứ đã giết chết họ.
Vâng, đại loại là vậy. Về mặt y học, có thể là một đợt ngưng tim đã gây ra những cái chết. Nhưng tình trạng bóng đè, và bất cứ niềm tin nào của người dân địa phương, cũng đóng một vai trò quan trọng. Adler đã giải thích trong cuốn sách “Bóng đè: Những cơn ác mộng, hiệu ứng Nobeco và những kể nối giữa tâm trí và cơ thể” như vậy: Niềm tin cũng có thể giết chết con người.
Matteo Vatta là một bác sĩ tim mạch tại Đại học Y Baylor, Texas. Ông đang nghiên cứu mối quan hệ giữa hội chứng đột tử khi ngủ, giấc ngủ REM và bóng đè. Vatta phát hiện ra những người dân Đông Nam Á có xu hướng rối loạn nhịp tim di truyền. Đó có thể là nguyên nhân gây ra cái chết của những người Hmong vào thập niên 80.
“Trái tim có thể hoạt động bình thường, phần lớn thời gian. Nhưng sau đó, nó dừng lại đột ngột”, bác sĩ Vatta cho biết. “Thường thì ngưng tim xảy ra vào ban đêm, và ở Đông Nam Á, nó gây ra nhiều cái chết cho nam giới trẻ tuổi, nhiều hơn cả tai nạn xe hơi”.
Ông tin rằng rối loạn nhịp tim có liên quan đến chứng bóng đè. Những cái chết đến trong đêm bởi trái tim của chúng ta đập yếu hơn khi ngủ. Trái tim đập chậm lại khiến tác động của những tín hiệu điện thần kinh, kích hoạt hội chứng đột tử trở nên rõ ràng hơn. Chúng ghi đè và chiếm quyền kiểm soát nhịp tim bình thường, gây ra một chứng co thắt tim chết người.
Mặc dù có một số giả thuyết cho rằng, căng thẳng từ những cơn ác mộng mới là khởi đầu của hội chứng đột tử khi ngủ. Nhưng hiện tại, chưa có một nghiên cứu nào xác định mối quan hệ giữa tử vong và giấc mơ.
Khoa học giải thích bóng đè bởi các tín hiệu thần kinh trong khi thức ghi đè lên trạng thái ngủ REM
Mặc dù vậy, bạn chưa cần phải lo lắng thái quá. Đột tử khi ngủ và bóng đè không phải luôn đi liền với nhau. Bóng đè là một tình trạng phổ biến. Andreas nói tốt nhất bạn nên bỏ qua và đừng suy diễn lung tung về hiện tượng này, nếu nó có diễn ra với bạn.
“Bóng đè không thể hại chúng ta. Nhưng nó là một lời cảnh báo xấu, một dấu hiệu cho thấy giấc ngủ của bạn đã rất tệ. Giờ nếu bạn lái ô tô hay xe máy sau khi bị bóng đè, bạn có thể chết không? Không”, Andreas khẳng định.
Những người đàn ông Hmong có thể đã cực kì sợ hãi khi bóng đè tìm đến họ. Vậy lời khuyên của Andreas là gì? Bình tĩnh và tiếp tục ngủ. “Bạn cũng đừng cố gắng thoát ra khỏi nó, hành động này chỉ khiến bạn thêm kiệt sức mà thôi. Chỉ cần ngủ tiếp, mọi thứ đều vẫn ổn, mặc dù nó có vẻ đáng sợ”.
Không chỉ những người ở Đông Nam Á mới gặp phải bóng đè. Nếu bạn phân tích từ ác mộng trong tiếng Anh, “nightmare” chứa từ “mare” ở trong đó. Bắt nguồn từ tiếng Na Uy, “mare” miêu tả một linh hồn hoặc một sức mạnh siêu nhiên, thích đè ngực và làm nghẹt thở những người đang ngủ.
Ở Indonesia, nhiều niềm tin vẫn còn được truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi một số ý tưởng kỳ quặc về ma quỷ vẫn còn phổ biến, cho đến tận hiện tại. Hay thực sự nó chẳng kỳ quặc cũng nên?
Khoa học có thể giải thích được mọi chuyện, nhưng cái bóng đen tôi nhìn thấy đã rời khỏi cơ thể mình, liệu nó thực sự là hồn ma?
Arzia Tivany Wargadiredja, cô gái vẫn luôn bị bóng đè quấy rầy mỗi đêm
Tôi liên lạc với Risa Permandeli, một chuyên gia về ma và chủ nghĩa huyền học ở Indonesia. Nhưng điều tôi muốn hỏi là tại sao những niềm tin này ngày nay vẫn còn rất phổ biến ở Indonesia.
“Người dân thường chỉ nghe và tin ngay vào những gì họ được kể, họ chẳng bao giờ thay đổi quan điểm của mình”, Risa nói. “Không có một nỗ lực phản biện và xác minh nào với những gì họ nghe. Chúng ta thường không quan tâm lắm đến việc đó”.
Chính vì vậy, với một đất nước còn nhiều niềm tin vào những câu chuyện siêu nhiên, chuyện ma và những giai thoại xưa cũ vẫn sẽ tồn tại theo thời gian:
“Ở Indonesia, chúng ta tin rằng có một thế giới mà con người không nhìn thấy được”, Risa nói. “Chúng ta cũng không bao giờ nói rằng thế giới vô hình đó tách biệt hoàn toàn khỏi thế giới của chúng ta. Bởi vậy, chúng ta tin tưởng rằng điều gì cũng có thể xảy ra, và vào bất cứ lúc nào”.
“Nhưng tôi nghĩ, dù bất kì đâu trên thế giới, kể cả ở Pháp, nơi người dân vẫn nổi tiếng là suy nghĩ có lý trí, thì những ý tưởng về một thế giới vô hình vẫn tồn tại. Ở Phương Tây, niềm tin vào thế giới không nhìn thấy chỉ dừng lại khi họ phát minh ra chủ nghĩa duy lý”.
“Ở Indonesia thì không có cái gì gọi là chủ nghĩa duy lý dựa trên tri thức. Bởi vậy, truyền thống và những thần thoại của chúng ta vẫn tiếp tục tồn tại”.
Theo Tonic
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"