"Disrupt": Từ tiếng Anh mà bạn buộc phải hiểu để lý giải sự vĩ đại của Apple, Google hay Microsoft
Thế giới có rất nhiều những gã khổng lồ công nghệ. Nhưng không phải bất kỳ gã khổng lồ nào cũng có thể đạt đến cảnh giới cao nhất: "disrupt" toàn bộ thị trường.
- Một Microsoft lỗi thời "lột xác" ngoạn mục dưới thời của Satya Nadella: Lượng người dùng cao hơn Netflix, doanh thu điện toán đám mây vượt Google và trở thành công ty giá trị nhất thế giới
- CEO Microsoft nhắc nhở nhân viên đừng "ăn mày dĩ vãng", đạt giá trị thị trường 1 nghìn tỷ USD chả có nghĩa lý gì
Nhắc đến tiếng Anh công nghệ là nhắc đến rất nhiều cụm từ có thể khiến giới dịch giả đau đầu. Có những từ dịch ra khó đủ nghĩa, ví dụ như "wearable" nếu dịch chay sẽ là "có thể mặc được", nhưng đúng nghĩa lại là để chỉ các thiết bị số có các yếu tố thông minh, ví dụ như smartwatch, smartglass hay thậm chí là những chiếc tai nghe thông minh.
Hoặc, có những từ dịch đúng nghĩa nghe rất buồn cười. Ví dụ điển hình là từ "foldable". Từ này thường được nhiều tờ báo Việt Nam dùng để chỉ các loại màn hình "có thể gập được". Nếu dịch xuôi hơn là "màn hình gập" thì cũng không đúng lắm, vì nhiều mẫu màn hình foldable thập chí còn có thể cuộn như tấm vải cơ.
Thế nhưng, nói đến "tiếng Anh hi-tech" thì từ khiến các dịch giả đau đầu nhất phải là "disrupt".
Vì sao ư? Vì "disrupt" nếu dịch đúng nghĩa là "gián đoạn", ví dụ như cáp quang đứt, đường truyền bị gián đoạn chẳng hạn.
Nhưng nếu chỉ là "gián đoạn" như vậy thì khái niệm disrupt (hay tính từ của từ này, disruptive) đã không quan trọng đến vậy. "Disrupt" là từ thường xuyên được dùng khi nói về các công ty mang tính chất cách mạng. Một tờ báo lớn của giới tech/startup là TechCrunch thậm chí còn tổ chức riêng một sự kiện gọi là "Tech Disrupt".
Vậy thì "disrupt" ở đây là gì? Tại sao khi nói về những cuộc cách mạng công nghệ, nói về startup, người ta lại hay nói đến từ "disrupt"?
Để hiểu khái niệm này, hãy nói về gã khổng lồ công nghệ thường xuyên được gắn liền với khái niệm "disrupt" nhất: Apple. Nhắc đến Apple rõ ràng luôn là nhắc đến những tranh cãi. Apple có một khối lượng fan hâm mộ khổng lồ và cũng rất nhiều kẻ căm ghét. Những kẻ căm ghét Apple thường viện đến câu chuyện rằng "Apple sáng tạo ra..." để chỉ ra rằng Apple không thực sự sáng tạo ra thứ gì mới, rằng chỉ có fan cuồng mới tin rằng Apple là cha đẻ của một loại thiết bị nào đó.
Nhưng ở phía ngược lại, Apple lại được cả Google, IBM và NASA tin dùng. Cha đẻ của Internet là "fan" của Apple. Và nếu bạn hỏi những kẻ quan sát thị trường, sẽ không có một ai phủ nhận sức ảnh hưởng của Apple lên thế giới công nghệ. Lý do là bởi, Apple chẳng cần là kẻ đi đầu, mà chỉ là kẻ "disrupt" mà thôi.
Nếu nhìn vào lịch sử bạn sẽ thấy Apple chẳng bao giờ sáng tạo ra thứ gì thực sự mới cả. Máy nghe mp3 đến từ Hàn Quốc, "smartphone" đến từ Nokia và BlackBerry, tablet đến từ Microsoft, smartwatch đến từ Seiko...
Thế nhưng, trong từng trường hợp, bước chân đầu tiên của Apple luôn khiến cho các thị trường truyền thống bị khuynh đảo. Minh chứng rõ rệt nhất là trường hợp của iPhone: trong khi khái niệm smartphone vốn đã thuộc về Nokia và BlackBerry từ lâu, kể từ khi iPhone ra đời, người tiêu dùng bắt đầu mang một khái niệm khác hẳn về những chiếc điện thoại trong mơ. Motorola, Nokia và BlackBerry lần lượt đi vào chỗ khó khăn, điện thoại tính năng (feature phone) càng ngày càng biến mất khỏi danh mục của các hãng lớn.
Cùng lúc, khái niệm "khối chữ nhật bo tròn với màn cảm ứng điện dung, kiến trúc phần cứng tương tự máy tính (chip, RAM, ổ lưu trữ) và hệ điều hành ‘đầy đủ’" vươn lên trở thành khái niệm đầu tiên được người dùng nghĩ đến khi nhắc đến smartphone.
Người ta nói rằng Apple đã disrupt thị trường di động. Chữ "disrupt" ở đây nếu dịch sát nghĩa nhất sẽ là "khuynh đảo". Nhưng nếu dịch disrupt thành gián đoạn thì bạn có thể hiểu rằng, Apple đã chấm dứt thị trường cũ (di động "ngu") và mở ra thị trường mới: di động thông minh.
Nhưng dĩ nhiên, Apple không phải là "disruptor" duy nhất của thế giới hi-tech. Chính bản thân mảng kinh doanh nhạc số của Apple đã bị Spotify và Pandora làm cho gián đoạn cho đến khi Apple cũng phải từ bỏ thị trường bán nhạc và ra mắt dịch vụ stream của riêng mình. Đối thủ lớn nhất của Apple là Google đã vươn lên bằng cách làm khuynh đảo thế giới Internet, mở ra phương thức mới cho người dùng "mở cổng" vào web - qua tìm kiếm thay vì qua các trang web "tĩnh" như Yahoo. Sau này, Google còn thay đổi cả cách con người nhận/gửi mail bằng cách cung cấp dịch vụ webmail chất lượng đầu tiên, phá vỡ mô hình phần mềm client (Outlook, Thunderbird) truyền thống.
Tất cả những ông lớn đều phải ít nhất 1 lần "disrupt" một thị trường nào đó. Amazon làm khuynh đảo thị trường bán lẻ, buộc tất cả các đối thủ phải lên web mới có thể kinh doanh. Trong quá khứ, Microsoft là kẻ đã phá bỏ thế thống trị của IBM và thay đổi bộ mặt của thị trường máy tính. Cái công của Microsoft không phải là kẻ đi đầu, mà là kẻ "cởi trói" điện toán khỏi sự kìm kẹp của các nhà sản xuất phần cứng. Nếu ai cũng có thể tiếp cận phần mềm chất lượng cao, họ có thể tự tạo ra những tính năng mới trên lĩnh vực phần mềm.
Nhưng có lẽ kẻ "disrupt" lừng lẫy nhất vẫn là Apple. Với iTunes, Apple từng "disrupt" một thị trường xa xôi là ngành công nghiệp âm nhạc. Với iPad, Apple gây ảnh hưởng lớn đến cục diện chiến tranh PC, trong đó đáng lưu ý nhất là netbook bị khai tử hoàn toàn. Với Apple Watch, Apple vươn lên số 1 thế giới về thị phần đồng hồ, trở thành thương hiệu đầu tiên có thể thay đổi cách nhìn của con người về đồng hồ từ vật trang sức trở thành thiết bị hướng tính năng.
Chính bởi thế mà Apple là tên tuổi đầu tiên được nghĩ đến khi nhắc đến sáng tạo công nghệ, đến cách mạng công nghệ. Sự thật là vậy, Apple đã rất nhiều lần làm được thành tựu đáng mơ ước nhất của thế giới công nghệ. Thành tựu đó chưa bao giờ là “tạo ra đầu tiên”, mà là tạo ra một sản phẩm đủ tốt để thay đổi suy nghĩ của cả thị trường về một loại sản phẩm có thể đã tồn tại từ trước.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"