Một ngày nào đó, bạn sẽ chỉ có được nước dưới sự bảo vệ của súng đạn.
Day Zero - Cape Town
Cape Town - một trong những đô thị giàu có bậc nhất Châu Phi - lại đang phải tự treo mình dưới một "lệnh giới nghiêm": Zero Day. Ngày Số Không sẽ được Trung tâm Quản lý Rủi ro và Thảm họa thành phố kích hoạt, nếu mực nước dự trữ trong cả 6 con đập cung cấp cho Cape Town giảm xuống dưới ngưỡng 13,5%.
Hơn 1 triệu vòi nước cung cấp đến các hộ gia đình trong thành phố khi đó sẽ bị ngắt. Hơn 4 triệu người dân sẽ bị đẩy ra đường, xếp hàng dài ở 149 trạm cung cấp nước khẩn cấp được bảo vệ bởi binh sĩ có vũ trang.
Mỗi người dân chỉ được phát 25 lít nước mỗi ngày, bằng với lượng nước khi bạn đứng dưới vòi hoa sen nhà mình 4 phút. Cảnh sát được huy động đi tuần thường xuyên trong thành phố, sẵn sàng trấn áp tình trạng hỗn loạn và buôn bán nước bất hợp pháp.
Người dân sẽ bị cấm sử dụng nước vào nhiều hoạt động lãng phí bao gồm bơi lội, rửa xe, thậm chí cả tưới vườn.
Zero Day đã được dự báo ở Cape Town 2 lần vào tháng 4 và tháng 7 năm 2018, khi mực nước dự trữ trong 6 con đập giảm xuống tới 21%. May mắn thay, ý thức tiết kiệm của người dân và một đợt mưa lớn đã cứu thành phố thoát khỏi cơn khủng hoảng.
Suốt từ đó tới nay, lượng nước dự trữ ở Cape Town đã tăng lên trên ngưỡng 60%. Hiện tại, Zero Day đang được tạm hoãn vô thời hạn.
Nhưng không phải ở nơi nào, người dân cũng có được sự may mắn như vậy. Vào năm 2015, 20 triệu cư dân tại siêu đô thị Sao Paulo của Brazil đã phải vật lộn trong Zero Day của chính mình. Nước đã bị cắt 12 tiếng/ngày làm đình trệ nhiều hoạt động sinh hoạt và kinh tế.
Năm 2008, khủng hoảng thiếu nước ở Barcelone, Tây Ban Nha đã đẩy 1,6 triệu cư dân thành phố vào nguy cơ không có đủ nước uống. Barcelone đã phải huy động 18 lượt tàu chở dầu tới thành phố Tarragona ở phía nam, để mang về nguồn tài nguyên còn quý giá hơn thứ chúng vẫn chở thường ngày.
Nước là miễn phí, nhưng những chuyến tàu thì không. Để có thể chở được hơn 400 triệu lít nước ngọt từ Tarragona về Barcelone, thành phố đã phải trích 22 triệu Euro từ ngân sách để trả cho hãng vận chuyển.
Sự thật là con người không thể sinh tồn nếu không có nước. Chẳng cứ gì dầu mỏ, nước cũng đang giúp chúng ta vận hành nền nông nghiệp và công nghiệp. Trước thực trạng dân số ngày càng tăng kéo theo nhu cầu sử dụng nước gia tăng, nhiều nhà nghiên cứu đã phải lên tiếng cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lớn sắp diễn ra trên quy mô toàn cầu.
"Chiến tranh thế giới thứ ba đang ở ngưỡng cửa, và đó sẽ là cuộc chiến tranh giành nước, nếu chúng ta không làm gì để giải quyết cuộc khủng hoảng này", Rajendra Singh – một nhà hoạt động người Ấn Độ được biết đến với cái tên "Water man" cho biết.
Suốt 35 năm qua, thông qua một tổ chức phi chính phủ của Ấn Độ có tên là Tarun Bharat Sangh, Rajendra Singh đã lãnh đạo nhiều sáng kiến quản lý nước tại cộng đồng dân cư khu vực quận Alwar thuộc tiểu bang Rajasthan, một vùng đã trở thành bán hoang mạc vì khô cằn ở tây bắc Ấn Độ.
Nghiên cứu năm 2016 đăng trên tạp chí Science Advance cho thấy khoảng hơn 2 tỷ người ở Ấn Độ và Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nước nghiêm trọng ít nhất 1 tháng mỗi năm.
Con số trên toàn thế giới là 4 tỷ người, lớn hơn một nửa tổng dân số. Thống kê cho thấy 14/20 siêu đô thị lớn nhất thế giới đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước. Trong tương lai, nước có thể quý như dầu mỏ.
Nhiều điểm nóng xung đột bắt đầu xảy ra ở các khu vực tranh chấp nguồn nước, chẳng hạn như sông Indus chảy qua ba quốc gia Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc. Sông Brahmaputra trở thành điểm căng thẳng giữa Ấn Độ, Bangladesh và Bhutan. Lưu vực sông Jordan là một phần xung đột giữa một loạt quốc gia bao gồm Syria, Israel, Lebanon và Jordan.
Bất kể một hoạt động can thiệp nào vào nguồn nước trên lãnh thổ một quốc gia cũng có thể ảnh hưởng tới lợi ích của một quốc gia khác. Chẳng hạn như khi Trung Quốc xây đập thủy điện và chặn dòng nước trên thượng lưu sông Brahmaputra, hoạt động nông nghiệp của Ấn Độ ở phía hạ nguồn của nó tất nhiên đã bị ảnh hưởng.
Ba năm về trước , không một ai có thể dự đoán được Cape Town sẽ phải đối mặt với Zero Day. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đã phá vỡ quy trình thủy văn ở đó. Các nhà khí tượng không còn dự đoán được chính xác khi nào, ở đâu và bao nhiêu nước mưa sẽ rơi xuống.
Điều này khiến chính sách khai thác và quản lý sử dụng nước ngọt tại thành phố bị đổ vỡ. Tất cả cơ sở hạ tầng ở Cape Town đều được xây dựng mà không tính đến Zero Day.
Cách đây 10 năm, mọi nhà quy hoạch đều nghĩ rằng khí hậu của thành phố sẽ ổn định, mãi mãi. Một khi dãy Table Mountain còn đứng đó, nó sẽ bẫy toàn bộ những cơn gió - thổi mây từ dòng biển nóng ở Nam Đại Tây Dương vào đất liền - dội xuống Cape Town những cơn mưa không ngớt, lấp đầy những con sông, hồ chứa và tầng ngậm nước bên dưới thành phố.
Bao quanh bởi những sa mạc với khí hậu Địa Trung Hải, Cape Town đã từng là một ốc đảo với những công viên nước, hồ bơi và nhà máy sản xuất rượu vang. Sự trù phú của thành phố đã thu hút rất nhiều cư dân tới đây. Dân số phát triển, kinh tế phát triển, cho đến khi họ vấp phải một đợt hạn hán kéo dài từ năm 2015 đến năm 2018.
"Cả thành phố đã lái chiếc ô tô của mình mà chỉ nhìn vào gương chiếu hậu", Kevin Winter, một nhà nghiên cứu tại Đại học Cape Town cho biết. "Mọi người giải quyết các vấn đề ở đằng sau, nhưng không nhận ra được nguy cơ phía trước".
Gia tăng dân số đã dự đoán nhu cầu sử dụng nước gia tăng. Nhưng điều mà ít người nhận ra, đó là những hoạt động sinh hoạt hàng ngày như nấu ăn, giặt giũ, tắm rửa chỉ chiếm 3% tổng lượng tiêu thụ nước ngọt toàn cầu.
Phần lớn nước, từ 80-90% được sử dụng cho hoạt động nông nghiệp, số còn lại cho ngành sản xuất năng lượng và công nghiệp.
Cape Town là thủ phủ của vùng rượu vang Nam Phi, nơi xuất khẩu tới 428,5 triệu lít rượu vang vào Châu Âu và Mỹ trong năm 2016. Để sản xuất được số rượu đó, một lượng nước khổng lồ hơn nhiều đã phải tiêu tốn vào các vườn trồng và chế biến nho.
Water Footprint Network, một mạng lưới hoạt động thúc đẩy nhận thức về nước, đã tính toán rằng: Để làm ra được một ly rượu vang 125 ml, những người nông dân phải mất tổng cộng 100-200 lít nước để trồng nho. Một chai rượu 750 ml cần 750 lít nước. Nghĩa là tổng lượng nước mà ngành rượu vang của Nam Phi sử dụng trong năm 2016 không dưới 428,5 tỷ lít.
Phần lớn lượng nước này đã bị mất đi, mặc dù khi chúng được tưới xuống dưới những giàn nho, nước thừa sẽ bốc hơi, tạo thành mây và rơi trở lại. Nhưng với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, ai dám chắc những giọt nước mưa này sẽ rơi trở lại Cape Town? Lượng thất thoát là rất lớn.
Hiện tại, toàn bộ Nam Phi có khoảng 7 triệu người không được tiếp cận với nước sạch. Để đáp ứng nhu cầu cho họ, mỗi năm đất nước sẽ cần thêm 126 tỷ lít nước, chỉ bằng 1 phần 3 so với lượng ngành rượu vang đang sử dụng.
Ngoài ra, Western Cape cũng nổi tiếng là một vựa cam xuất khẩu. Mỗi năm họ xuất đi tới 230.000 tấn cam quýt. Lượng nước trung bình cần để trồng ra một quả cam là 80 lít. Trên cơ sở đó, riêng ngành cam ở Western Cape cũng đã tiêu thụ tới 115 lít nước.
Suy rộng ra, chúng ta có thể thấy tất cả các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp từ hoa quả cho đến điện thoại di động, ô tô, đồ nội thất, sách báo, trang sức, đồ chơi, thậm chí cả việc xây những ngôi nhà cao tầng, khai khoáng và tạo ra điện đều để lại dấu chân của chúng trên mặt nước, khoắng những cái vòi hút của chúng vào tầng ngậm nước bên dưới Cape Town và làm cạn kiệt nó.
Năm 2015, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sử dụng ảnh vệ tinh để lập bản đồ 37 tầng ngậm nước ở 4 châu lục trên Trái Đất. Tầng ngậm nước là các túi dự trữ nằm sâu dưới bề mặt đất chứa nước thấm trong đá, các vật chất xốp như sỏi, cát, bùn hoặc sét, từ đó nước ngầm có thể được hút lên qua giếng khoan, cung cấp và phục vụ cho hoạt động sống của con người.
Dữ liệu vệ tinh của NASA tiết lộ một thực trạng đáng báo động, 21 trong số 37 tầng ngậm nước lớn nhất của thế giới đang cạn kiệt dần, 13 tầng ngậm nước đã cạn đến mức đe dọa tới an ninh và sự phát triển bền vững của khu vực.
"Nếu chúng ta tiếp tục sử dụng nước ngầm theo cách mà chúng ta vẫn sử dụng như hiện nay, rất có khả năng nước sẽ cạn kiệt đến mức không thể đáp ứng cuộc sống sinh hoạt ở một số khu vực", Alexandra Richey, nhà thủy văn đến từ Đại học California cho biết.
Tại Cape Town, người dân thành phố đang phải thắt lưng buộc bụng để chi tiêu lượng nước mà họ còn đang giữ được. Năm 2014, mỗi người dân Cape Town có thừa 300 lít nước để sử dụng mỗi ngày. Đến năm 2017, con số giảm xuống 87 lít và hiện tại chỉ còn 50 lít.
"Những cư dân Cape Town được khuyến cáo không nên xả thẳng nước xuống bồn cầu, đừng ai tắm quá 2 lần mỗi tuần", Helen Zille, tỉnh trưởng tỉnh Western Cape cho biết.
Để tiết kiệm nước, người dân thành phố thậm chí còn phải hạn chế rửa tay. Cồn khử trùng hay còn gọi là nước rửa tay khô được sử dụng để thay thế. Nhiều nhà hàng, quán cà phê chuyển sang sử dụng cốc, đĩa giấy dùng một lần để không phải rửa. Các hoạt động như tưới cỏ, bơm nước vào bể bơi vẫn bị cấm.
Hoạt động sử dụng nước cho nông nghiệp tất nhiên cũng bị hạn chế. Kế từ năm 2017, Western Cape đã phải cắt giảm tới 60% lượng nước phục vụ nông nghiệp.
Theo ước tính, tỷ lệ sử dụng nước đô thị-nông nghiệp ở Cape Town là 7:3. Lượng nước tiết kiệm từ nông nghiệp sẽ đảm bảo nước sinh hoạt cho cư dân thành phố. Nhưng không phải là không có những cái giá của nó.
Sản lượng xuất khẩu rượu vang của họ đã giảm từ 13-20%. Khoảng 30.000 lao động đã mất việc. Thiệt hại kinh tế trên ngành rượu vang của Western Cape được tước tính trong khoảng 400 triệu – 1 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp đang đứng trên nguy cơ phá sản.
Một poster hướng dẫn sử dụng mức hạn chế 50 lít nước/ngày của Cape Town
Nhưng mặc cho các chính sách thắt lưng buộc bụng, thành phố vẫn phải đi mua 7 triệu lít nước mỗi ngày để bổ sung cho nhu cầu sử dụng của nó. Cape Town dường như đang phải sống trong sự cưu mang của những thành phố khác. Chính một đợt xả đập miễn phí của người dân thị trấn Grabouw gần đó đã cứu Cape Town khỏi Zero Day vào tháng 4 năm 2018.
Với nguồn cung cấp nước chính là nước mưa được trữ lại trong 6 con đập lớn, rủi ro lớn nhất mà Cape Town phải đối mặt là những đợt hạn hán. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, nếu đợt hạn hán như năm 2017 lặp lại, Zero Day sẽ lại rình rập thành phố.
Những cơn mưa từ Nam Đại Tây Dương đã giúp Cape Town trở thành một thành phố trù phú trong quá khứ, nhưng nếu không còn mưa nữa, cả thành phố cũng có thể biến trở lại thành hoang mạc. Nếu muốn tồn tại Cape Town phải đi tìm những nguồn nước mới.
Sự thật là họ đang xây dựng 3 nhà máy khử muối để biến nước biển thành nước ngọt. Nhưng đó sẽ là một phương án rất tốn kém. Mỗi nhà máy có giá khoảng 1 tỷ USD. Quá trình khử muối sẽ khiến mỗi mét khối nước đội giá lên khoảng nửa Euro, tương tương 13.000 VNĐ, thêm vào đó là lượng điện năng tiêu thụ khoảng 3,5-18 kWH/m3.
Dường như, mọi lời giải cho bài toán nước ngọt ở Cape Town đang đi vào bế tắc. Và đó cũng sẽ là bài toán mà nhiều thành phố khác trên thế giới cũng sớm phải đối mặt.
Dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khoa học, BBC đã công bố danh sách 11 thành phố có nguy cơ đi vào vết xe đổ của Cape Town, bao gồm: São Paulo, Bangalore, Bắc Kinh, Cairo, Jakarta, Moscow, Istanbul, Mexico City, London, Tokyo và Miami.
Cuối cùng, cuộc khủng hoảng nước hiện nay đang nhắc nhở chúng ta một điều rằng: Nước không chảy ra từ vòi nhà bạn một cách tự nhiên và miễn phí. Biến đổi khí hậu, sự phát triển kinh tế và bùng nổ dân số đang đe dọa an ninh nguồn nước của chúng ta, không sớm thì muộn.
Bằng cách sử dụng nước một cách có ý thức ngay từ ngày hôm nay, chúng ta có thể giúp cả hành tinh phát triển một cách bền vững hơn trong tương lai. Biết đâu đấy, tiết kiệm nước sẽ giúp con người tiết kiệm được cả một cuộc thế chiến mới.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4