Dù là một bộ phim kinh dị giả tưởng, Life lại được dựa trên những lý thuyết khoa học hợp lý

    Hiếu Chầy,  

    Bộ phim kinh dị về dạng sống ngoài hành tinh này gợi ta nhớ về năm 1979, với sự xuất hiện của sinh vật gớm ghiếc Alien.

    Bài viết có nói tới nội dung trong bộ phim Life, các bạn cân nhắc trước khi đọc tiếp.

    Gắn mác phim giả tưởng với kĩ xảo xuyên suốt, bộ phim kinh dị mới ra mắt “Life” lại được dựa trên một số lý thuyết khoa học khá chính xác và hoàn toàn có căn cứ.

    Về bản chất, những bộ phim viễn tưởng bom tấn hoàn toàn không có nghĩa vụ phải trở thành một bộ phim tài liệu, với những kiến thức thật trong một bối cảnh thật. Điều chúng ta mong chờ, chính là việc được thả trôi vào một vùng không gian xa lạ, được đắm mình trong những thực tại giả tưởng và khiến bản thân ta không ngừng suy nghĩ về câu hỏi “nếu như?”.

    Thế nhưng, hiện thực cũng giống như là một thứ gia vị hoàn hảo của những nhà làm phim, mà nếu nêm nếm cho vừa đủ, thì bỗng nhiên có công dụng lôi kéo được niềm tin của người xem, cũng như hù dọa được họ một cách hết mực tài tình.

     Jake Gyllenhaal trong một cảnh phim của “Life”.

    Jake Gyllenhaal trong một cảnh phim của “Life”.

    Chỉ riêng đối với bộ phim “Life”, nhà sản xuất đã phải “kinh” qua một tiến sĩ y khoa được NASA đào tạo, một kĩ sư xây phi thuyền tới sao Hỏa và thậm chí là một nhà di truyền học để có thể đưa những ý tưởng kinh hoàng trong bộ phim của họ thành hiện thực.

    Được thực hiện dưới bàn tay của đạo diễn Daniel Espinosa, mặc dù bộ phim liên quan tới rất nhiều các vấn đề khoa học, nó cũng đã được biến tấu tới mức giải trí và thú vị một cách ngông cuồng. Thậm chí, Jason Guerrasio của tờ Business Insider còn lý luận rằng Life có thể trở thành một tác phẩm kinh điển được ưa chuộng trong thời gian sắp tới đây.

    Câu chuyện trong phim bắt đầu khi một phi thuyền thăm dò mẫu vật sao Hỏa bị bắt lại bởi một nhóm người trên Trạm Vũ Trụ Quốc Tế (ISS). Với những mẫu đất đỏ trong tay, các nhà phi hành gia NASA tiến hành phân tích và nghiên cứu mà không hề hay biết tới hiểm họa đang chờ sẵn.

    Sau khi một loại vi khuẩn ngoài Trái Đất được phát hiện trong đống mẫu vật, nó đã được phục hồi trong một hỗn hợp nước và các chất dinh dưỡng. Thế nhưng, trong sự sửng sốt của các thành viên trong đội, sinh vật này bất ngờ trỗi dậy. Được gọi là “Calvin”, thứ vật chất ấy nhanh chóng phân chia và biến thành một sinh vật cỡ sao biển cùng sức mạnh và trí thông minh siêu phàm. Đến đây thì còn gì có thể sai được cơ chứ?

    Để tìm hiểu một cách kĩ càng về mức độ thực tế của bộ phim, tờ Business Insider đã mời Tiến sĩ y khoa Kevin Fong, đồng thời là tư vấn khoa học cho bộ phim và Catharine A. Conley – một sĩ quan bảo vệ sinh vật Trái Đất của NASA để trả lời những câu hỏi liên quan tới vấn đề thật – giả của Life.

    Tiến sĩ về du hành vũ trụ trên trường quay

     Trong phim, Jake Gyllenhaal đóng vai tiến sĩ David Jordan.

    Trong phim, Jake Gyllenhaal đóng vai tiến sĩ David Jordan.

    Vì bộ phim có không những một mà là hai nhân vật đều là tiến sĩ, nhà làm phim đã phải mời ông Fong đến để trả lời những thắc mắc cháy bỏng của họ. Lúc ban đầu, phần lớn công việc được trao đổi qua email. Thế nhưng rất nhanh sau đó, ông đã được mời đến để tham gia cùng đoàn làm phim trong công cuộc tạo dựng một mô hình trạm vũ trụ đầy tỉ mỉ trong một trường quay với bạt ngàn những phông xanh.

    Họ thậm chí còn quan tâm tới tiểu tiết nhiều hơn là các đơn vị làm việc về vũ trụ”, tiến sĩ Fong chia sẻ với tờ Business Insider. “Mặc dù các mô đun được thực hiện khác so với phiên bản gốc trên trạm vũ trụ, thì mức độ chính xác của nó cũng khá cao”.

    Các nhà sản xuất cũng đôi lúc phải nhờ vả tiến sĩ Fong kha khá trong lĩnh vực sinh lý học, cũng như sự quan tâm đặc biệt đến các diễn viên Jake Gyllenhaal, Rebeca Ferguson,… khi thực hiện một số cảnh quay.

     Nữ diễn viên Rebecca Ferguson.

    Nữ diễn viên Rebecca Ferguson.

    Có một số phân cảnh với mức độ y khoa khá là căng, và tôi sẽ chỉ bảo rằng ‘Tôi sẽ cầm cái dụng cụ đó như thế này’, hoặc ‘Tôi sẽ không thực hiện nó như anh vừa làm’ hay ‘Đây là một số thuật ngữ nên dùng trong tình cảnh đó.’ Trên trường quay, những lời khuyên của tôi rất được tin tưởng”, ông Fong chia sẻ.

    Ông cũng cảm thấy khá ấn tượng với một cảnh bắt giữ căng thẳng trong phim, và bộc lộ rằng cảnh phim đó đã lột tả sự thật một cách chính xác nhất. Thế nhưng, điều đó cũng không có nghĩa là ông Fong tin rằng tất cả những gì trong phim đều hợp lý và mang tính chính xác.

    Tôi nghĩ bất cứ nhà làm phim nào cũng phải cố hết sức để khiến người xem trì hoãn sự ngờ vực của họ lại trong một bộ phim”, ông nói. “Thế nhưng tôi cũng không mong chờ ‘Apollo 13’ hay bất cứ thứ gì quá thực tế. Bạn phải khiến sự kịch tính của phim trở nên thật hơn bao giờ hết mà không làm gián đoạn cốt truyện”.

    Bên cạnh đó, tiến sĩ Fong cũng nói rằng mặc dù điều tương tự cũng xảy ra trong quá trình làm các phần phim của thương hiệu kinh dị nổi tiếng “Alien”, “Life” thực ra vẫn là một bộ phim với mức độ thực tế cao hơn.

    Vào cái thời mà ‘Alien’ đang được sản xuất, bạn phải vặn hết trí tưởng tượng để nhào nên một nơi xa tít mù trong không gian”, ông nói. Thế nhưng, với ISS đang lơ lửng trên đầu chúng ta chỉ khoảng 402 km, “chuyện gì cũng có thể xảy ra”.

    Bảo vệ hành tinh mẹ khỏi mối nguy từ sao Hỏa

     Ryan Reynolds trong “Life.

    Ryan Reynolds trong “Life".

    Ý tưởng về một nhiệm vụ mang vật mẫu sao Hỏa trở về Trái Đất có vẻ hơi viển vông khi thoạt nghĩ qua, nhưng NASA thực chất lại hoàn toàn lạc quan về việc thực hiện điều đó trong tương lai.

    Thực tế, Quốc hội và tổng thống Trump đã cho phép điều này bằng cách thông qua đạo luật mới nhất của NASA, bao gồm việc cho phép khai thác vũ trụ và đầu tư vào khoa học thể trạng con người,… trong những ngày cuối tháng 3 vừa rồi.

    Catharine Conley, sĩ quan bảo vệ sinh vật Trái Đất duy nhất của NASA chính là người đầu tiên đứng trên hàng phòng thủ của hành tinh này khỏi những mẫu vật lạ từ sao Hỏa. Bà đã làm công việc này kể từ năm 2006, và nhiệm vụ chính là đảm bảo rằng các vi khuẩn của Trái Đất sẽ không chạm được tới các thế giới khác và ngược lại. (Trong đó bao gồm việc giữ các xác chết ở yên trên Trái Đất).

    Cụm từ mà chúng tôi hay dùng là, ‘phá vỡ liên lạc với sao Hỏa’”, bà Conley trao đổi với Business Insider.

     Bà Catharine “Cassie” A. Conley, sĩ quan bảo vệ sinh vật Trái Đất duy nhất của NASA.

    Bà Catharine “Cassie” A. Conley, sĩ quan bảo vệ sinh vật Trái Đất duy nhất của NASA.

    Mặc dù chưa có cơ hội xem bộ phim, nhưng bà Conley chia sẻ rằng nếu một mẫu vật sao Hỏa có bay về phía Trái Đất, đường bay của nó cũng sẽ bị hướng chệch ra khỏi hành tinh này. Bằng cách này, nếu có vấn đề gì xảy ra, một cái kén đầy những đất đỏ từ sao Hỏa (và có thể là vi khuẩn gây hại) sẽ không xâm nhập vào bầu khí quyển của chúng ta theo một cách không thể kiểm soát và gây ra hỗn loạn.

    Thế nhưng trước khi chiếc kén đó thậm chí có thể rời khỏi sao Hỏa, bà nói, một hướng dẫn chi tiết theo quy ước quốc tế yêu cầu một cuộc họp đa chính phủ và các đơn vị liên quan đến vũ trụ để xem xét nhiệm vụ và đưa ra các sự cân nhắc về các hành động tiếp theo.

    “Bạn sẽ phải cần cả một cộng đồng quốc tế tham gia bàn bạc vì nó là một mối lo khá lớn,” bà nói. “Cần phải kiểm tra và tính toán rất nhiều.”

    Một nhiệm vụ đưa vật mẫu sao Hỏa về Trái Đất đầy khó khăn – thường là để tìm kiếm các dấu hiệu hóa thạch của cuộc sống cổ đại, không phải vi khuẩn thật sự - hoàn toàn không phải là nhiệm vụ đầu tiên để kiểm chứng lòng nhiệt thành cho sự yên bình của hành tinh mẹ: Các nhà du hành của tàu Apollo 11 đã phải ở trong một khoang cách ly suốt 3 tuần trước khi được tiếp tục tham gia vào chương trình của mình.

     Các phi hành gia của Apollo 11 trong khoang cách ly “Hornet 3” gặp gỡ tổng thống đương thời Richard Nixon.

    Các phi hành gia của Apollo 11 trong khoang cách ly “Hornet 3” gặp gỡ tổng thống đương thời Richard Nixon.

    Theo như bà Conley, thực chất việc lên kế hoạch cho một chiến dịch đưa mẫu vật sao Hỏa về Trái Đất đã nhen nhóm kể từ thời của chương trình chạy năng lượng hạt nhân Viking những năm 1970. Các kế hoạch “đã được thiết kế chi tiết” vào đầu những năm 2000, theo chia sẻ của bà, nhưng rồi sau đó đã không còn được xem là khả thi và bị loại bỏ.

    Lý do của việc này là sao? Bởi lẽ, đưa các thiết bị và chuyên gia lên không gian (nơi họ phải thể hiện khả năng của mình trong môi trường không trọng lượng) tiêu tốn quá nhiều tiền bạc, cũng như lưu giữ vi khuẩn (có mầm mống) tai hại bên trong ISS dường như là một hành động khá vô nghĩa.

    Đến một lúc nào đó, trạm vũ trụ sẽ rơi xuống mất”, bà nói.

    Thay vào đó, bà Conley nói rằng các nhà khoa học sẽ đảm bảo chắc chắn sao cho nếu có một chiếc kén siêu cứng cáp đang xâm nhập vào khí quyển của Trái Đất, nó sẽ bị thu hồi lại một cách nhanh chóng và được khẩn trương đưa vào một phòng thí nghiệm Biosafety Level 4 – mức độ bảo mật cao nhất có thể của một cơ sở nghiên cứu trên hành tinh. Tại đó, các nhà khoa học có thể thoải mái mà kỹ càng phân tích phần thưởng vô giá của họ.

    Tôi rất mong sẽ tìm được sự sống từ nơi khác ngoài Trái Đất”, bà Conley thổ lộ. “Nếu Trái Đất và sao Hỏa có liên quan tới nhau, điều này sẽ khiến mọi chuyện phức tạp hơn rất nhiều”.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ