Đừng ngủ quên trên chiến thắng rồi... chết như Yahoo! Bài học mà bất cứ startup nào cũng nên tự răn mình

    PV,  

    Trước khi có Google, thung lũng Silicon đã có đứa con cưng Yahoo; trước khi Facebook trở thành công cụ chia sẻ phổ biến, người dùng cũng đã từng gắn bó như (hoặc hơn) thế với Blog Yahoo! 360 và Yahoo! Messenger.

    3 tháng sau sự kiện Verizon mua lại mảng kinh doanh chính của Yahoo với mức giá bằng số lẻ so với thời đỉnh cao (4,8 tỷ USD so với 128 tỷ USD), Yahoo rồi sẽ nhanh chóng bị rơi vào quên lãng như cách người đã quên AOL, Netscape, Myspace…

    Nhưng nếu một “người hùng” công nghệ như Yahoo – phát triển tại thiên đường là Silicon Valley cũng có thể ngã ngựa, mà lại còn ngã nhanh, thì những công ty nhỏ mới nổi, kinh doanh ở một môi trường còn nhiều rào cản như Việt Nam, có thể rút được bài học nào không?

    Từ trên đỉnh cao

    Năm 1994, hai sinh viên trẻ mới tốt nghiệp Stanford là Jerry Yang và David Filo đã cùng nhau tạo nên một bộ hướng dẫn về những đường link mà lúc ban đầu được gọi là “Jerry and David’s guide to the world wide web” (Cẩm nang của Jerry và David về web toàn cầu), nhưng sau này được đổi tên thành Yahoo, tên viết tắt của “Yet Another Hierarchical Officious Oracle” (Một lời khuyên khác về trật tự không chính thức) đồng thời cũng mang nghĩa “hoang sơ” trong tiếng Anh.

    Yahoo thành công nhanh chóng: Sáu tháng sau khi ra mắt, website đạt kỷ lục lượng truy cập 1 triệu hit/ngày, tương đương 100 ngàn người truy cập.

    Hai năm sau, website của Jerry và David trở thành một trong những website được truy cập nhiều nhất. Yahoo hệ thống 735 ngàn trang web, cung cấp dịch vụ email, tin tức và phòng chat miễn phí, thu hút 25 triệu người dùng mỗi tháng.

    Vào năm 2000, chỉ 5 năm sau khi thành lập, Yahoo đường hoàng trở thành biểu tượng của Internet với giá trị được định giá 128 tỷ USD.

    Trong lúc Google mới chỉ là một công ty khởi nghiệp, Facebook còn chưa hình thành thì Yahoo giữ ngôi vương độc quyền của Internet. Nhưng chính vào giai đoạn hoàng kim cũng là lúc Yahoo bắt đầu yên vị và không có bất kỳ sáng tạo gì thêm giữa làn sóng các công ty công nghệ mới nổi say mê cải tiến.

    Thành công nhanh chóng. 22 năm sau, cũng rất nhanh Yahoo trở thành bài học đắt giá cho những công ty khác. Bên cạnh sai lầm về việc chủ quan “ngủ quên trên chiến thắng”, có không ít các bài học khác đã cùng lúc đặt dấu chấm hết cho câu chuyện thành công của Yahoo.

    Liên tiếp qua hàng loạt sai lầm

    Sai lầm đầu tiên có thể kể đến là việc mất tập trung trong việc định vị tầm nhìn của doanh nghiệp.

    Trong một buổi tiệc vào năm 2016, các quản lý của Yahoo được đặt một câu hỏi: “Khi nghe tên một công ty, bạn nghĩ ngay đến điều gì?”. Với Google thì câu trả lời “tìm kiếm” được mọi người đồng thanh hô to, với eBay là “đấu giá”. Còn với Yahoo, một số người nói “thư điện tử”, một số người nói “tin tức”, một số lại nói “tìm kiếm”, cùng một số câu trả lời lạc điệu khác.

    Trải qua một loạt sự thay đổi vị trí người điều hành ngay từ khi mới thành lập, ban đầu là cựu CEO Motorola - Tim Kooogle cho đến Terry Semel - đồng CEO Warrner Brothers (người sau này được đánh giá là CEO công nghệ tệ nhất) với đội ngũ các giám đốc truyền thông địa phương như Jeff Weiner - CEO LinkedIn và Dan Rosensweig, CEO dịch vụ bán lẻ sách giáo khoa Chegg. Yahoo trở thành một công ty đa ngành và loay hoay giữa hai định hướng: trở thành một công ty công nghệ hay một công ty truyền thông. Đến 2001, Yahoo là công ty với 400 sản phẩm và dịch vụ khác nhau mà không hề có một mảng kinh doanh đại diện điển hình.

    Thay vì tập trung xây dựng mảng kinh doanh đại diện, Yahoo tập trung vào việc mua bán công ty.

    Mặc dù một số thương vụ có đem lại quả ngọt (như việc mua cổ phần tại Alibaba), nhưng đa phần những quyết định của Hội đồng quản trị đều khiến Yahoo bỏ lỡ rất nhiều cơ hội: Năm 2002, Yahoo đã từng có cơ hội thâu tóm Google, nhưng CEO Yahoo lúc đó, Terry Semel đã bỏ qua cơ hội mua lại công ty với mức giá 5 tỷ USD sau nhiều tháng đàm phán. Đến 2006, Yahoo cũng đã suýt mua lại được Facebook với mức giá 1 tỷ USD, nhưng quyết định không dứt khoát của Semel đã khiến Mark Zuckerberg từ chối lời đề nghị này.

    Trên hết, vào 2008 khi Jerry Yang trở lại với chức vụ CEO, Yang cũng bỏ qua cơ hội bán lại Yahoo cho Microsoft với mức giá 45 tỷ USD. Để 8 năm sau, Marissa Mayer phải ngậm ngùi bán lại mảng kinh doanh chính với mức giá bằng 1/10 mức giá được chào cũ. Chưa kể vào 2013, khi công ty đang dần hết tiền, Marissa khi đó vẫn quyết tâm mua Tumblr với mức giá 1,1 tỷ USD – mà sau này nhiều báo cáo đã cho thấy Yahoo định giá Tumblr cao hơn hàng trăm triệu USD.

    Giữa lúc công ty đang loay hoay, nhà sáng lập Jerry Yang rời Hội đồng quản trị để “theo đuổi những giấc mơ khác ngoài Yahoo” càng khiến cho đội ngũ Yahoo hoàn toàn mất động lực. Dù với sự lèo lái của bóng hồng xinh đẹp Marissa Mayer từ Google, Yahoo vẫn không thể đồng nhất được chức năng tìm kiếm của mình hay phát huy tiềm năng xã hội hoá của Flickr và Tumblr.

     Marissa Mayer. Ảnh: Bloomberg

    Marissa Mayer. Ảnh: Bloomberg

    Ngày tàn với các ứng dụng web portal như AOL, MSN trở thành ngày Yahoo cũng ở lại phía sau.

    Có vô ích không?

    Cái chết của Yahoo – với cả người trong và ngoài cuộc, xét cho cùng không hề vô ích. Và nếu một số người quyết định sẽ quên Yahoo đi để lấy Google, Facebook hay mới hơn là Tesla làm động lực cho doanh nghiệp tiến lên, tôi cũng tin sẽ có không ít người chọn Yahoo làm bài học để tránh khỏi những sai lầm tương tự- những sai lầm hoàn toàn có thể xảy ra trong thế giới kinh doanh ngày nay.

    Hai lựa chọn đó xứng đáng được trân trọng không kém gì nhau!

    Theo Trí thức trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ