Giải mã bí ẩn của haemolacria: "Chứng bệnh" khiến những cô gái Ấn Độ khóc ra máu

    zknight,  

    Đó là một trong những tình trạng y tế kỳ lạ nhất mà con người từng biết đến.

    Hãy tưởng tượng một bà mẹ thức dậy và phát hiện ra hai dòng máu đang chảy ra từ mắt đứa con gái 11 tuổi của mình. Đó hẳn là một buổi sáng kinh hoàng phải không? Bà mẹ phát hoảng và ngay lập tức đưa con mình tới bệnh viện.

    Ở đây, các bác sĩ đầu ngành nhãn khoa của Viện Khoa học Y khoa Ấn Độ đã được gọi tới để khám cho cô bé. Bà mẹ cho biết con gái mình chưa dậy thì và hoàn toàn khỏe mạnh cho đến khoảng một tuần trước, khi những giọt nước mắt màu đỏ bắt đầu chảy ra khỏi mắt cô bé.

    Mỗi ngày 2 lần như vậy và mỗi lần kéo dài từ 2 đến 3 phút. Cô bé không chủ ý khóc mà những giọt nước mắt cứ tự động chảy ra, mặc dù nó không gây ra bất cứ sự đau đớn nào. Các bác sĩ đã chạy một số xét nghiệm và khẳng định màu đỏ của nước mắt ấy chính là máu.

    Bé gái 11 tuổi người Ấn Độ mắc "chứng bệnh" khóc ra máu kỳ lạ

    Cô bé được chẩn đoán mắc "haemolacria", một tình trạng cực kỳ hiếm gặp đặc trưng bằng sự xuất hiện của máu trong nước mắt. Nhiều trường hợp mắc haemolacria là hoàn toàn vô hại, nhưng đôi khi, đó chỉ là triệu chứng của một căn bệnh nào khác nguy hiểm hơn.

    Các bác sĩ Ấn Độ đã lao đầu vào một công cuộc tìm nguyên nhân cho dòng nước mắt máu của cô bé, với hi vọng sẽ ngăn chặn được nó.

    Lịch sử kỳ lạ của haemolacria: "Chứng bệnh" khóc ra máu

    Trong những bộ phim Bolywood của Ấn Độ vào thập niên 1980, những nhân vật anh hùng thường được xây dựng với hoàn cảnh cơ cực. Họ được mô tả là đã lớn lên bằng những đồng tiền kiếm được từ những giọt mồ hôi trộn lẫn với máu – một cách tự nhiên chứ không phải từ những vết thương.

    "Khoon Ke Aansu Rulana" là những gì mà nhân vật sẽ nói với kẻ thù của mình. Dịch ra từ tiếng Hindu, nó có nghĩa là "Hãy đợi đấy, rồi ta sẽ khiến ngươi phải khóc ra máu". Khóc ra máu thường là một hình tượng mô tả nỗi khổ sở, và có khả năng nó đã được xây dựng từ những trường hợp có ngoài đời thực.

    Leonardo Da Vinci khi sinh thời từng ghi chép lại câu chuyện của một người lính thường đổ những giọt mồ hôi máu trước mỗi trận đánh. Một bác sĩ người Ý tên là Antonio Brassavola sống ở thế kỷ 16 đã báo cáo về trường hợp của một nữ tu, người có những giọt nước mắt màu đỏ.

    Năm 1581, một bác sĩ tại vùng Flemish của Bỉ cũng đã mô tả trường hợp đặc biệt của một cô gái trong mỗi kỳ kinh nguyệt sẽ có máu chảy ra từ mắt thay vì tử cung.

    Giải mã bí ẩn của haemolacria: Chứng bệnh khiến những cô gái Ấn Độ khóc ra máu - Ảnh 2.

    Những trường hợp haemolacria sớm nhất thậm chí đã được ghi nhận từ thế kỷ thứ 6, trong cuốn sách y văn của Aëtius of Amida, một thầy thuốc người Hy Lạp.

    Ở xã hội Phương Tây thời Trung Cổ, máu chảy một cách tự phát từ tay, chân hoặc mắt thường được coi là thánh tích. Bởi người ta tưởng tượng điều kỳ lạ đó giống với Chúa Giesu đã đổ mồ hôi máu khi bị đóng đinh lên thập tự giá.

    Tuy nhiên đó ở Ấn Độ, một đất nước có nhiều tôn giáo khác nhau, những quan niệm trái chiều đã xuất hiện trong lịch sử. Một số người cũng coi nước mắt máu là dấu hiệu của thiên sứ, một người được chọn bởi Chúa. Nhưng mặt khác, cũng có những người xem đó là một điềm xấu. Người chảy nước mắt máu được cho là có liên quan đến quỷ dữ hoặc một phù thủy.

    Cũng vì những lý do này mà haemolacria thường bị giấu giếm. Những người khóc ra máu sẽ cam chịu tình trạng của họ một cách thầm lặng. Phải đến một vài thập kỷ gần đây, những báo cáo trường hợp về haemolacria mới nổi lên và được nghiên cứu cẩn thận để ghi lại thành y văn. Nhờ đó, chúng ta mới biết đến nó nhiều hơn.

    Những trường hợp nổi tiếng

    Twinkle Dwivingi có lẽ là cô gái được nhắc đến nhiều nhất trong thế kỷ 21 khi nói đến chứng haemolacria. Năm 2009, National Geographic đã làm hẳn một bộ phim tài liệu có tên là "The Girl Who Cries Blood" để kể về trường hợp của Twinkle Dwivedi.

    Trong phim, một vị bác sĩ người Mỹ đã vượt 9.000 dặm đường từ Trung tâm Nhi khoa Southwestern đến Ấn Độ nhằm giải mã hiện tượng một cô gái trẻ luôn bị chảy máu tự phát từ mắt, đầu và lòng bàn tay. Ngay từ khi phát hành, The Girl Who Cries Blood đã để lại rất nhiều tranh cãi.

    Giải mã bí ẩn của haemolacria: Chứng bệnh khiến những cô gái Ấn Độ khóc ra máu - Ảnh 3.

    Twinkle Dwivingi

    Vị bác sĩ người Mỹ, sau khi không thể giải thích sự xuất hiện của máu trong mẫu xét nghiệm nước mắt, đã cố gắng gán nó cho một hội chứng tâm thần gọi là Munchausen. Trong đó, những người muốn gây sự chú ý- thường là những đứa trẻ - sẽ tự làm tổn thương cơ thể mình hoặc giả ốm một cách tinh vi để nhận được sự quan tâm từ cha mẹ hoặc người khác.

     "The Girl Who Cries Blood" khiến những người xem nó nghĩ rằng Dwivedi và mẹ cô đã tự bịa ra câu chuyện và làm giả triệu chứng khóc ra máu. Những lần nước mắt máu xuất hiện luôn trùng với kỳ kinh nguyệt của Dwivedi, giải thích nơi mà cô bé đã có thể lấy máu để bôi vào nước mắt mình.

    Tuy nhiên, Munchausen không phải lúc nào cũng là một lời giải thích tốt. Preeti Gupta, một cô gái người Ấn Độ khác cũng trải qua một tình trạng tương tự như Dwivedi. Cũng như nhiều người nghi ngờ con cái chỉ đang cố gắng giả mạo các triệu chứng kỳ lạ để chiếm được sự quan tâm mình, cha mẹ Gupta đã  đặt camera để theo dõi những lần chảy máu bất thường của cô bé.

    Và những bằng chứng của họ xác nhận Gupta đã thực sự mắc haemolacria mà không hề nói dối về tình trạng của mình.

    Cô bé nói mình thường cảm thấy nhức mắt và đau đầu trước mỗi lần khóc ra máu. Nhưng một khi dòng nước mắt màu đỏ ấy chảy ra, cơn đau nhức sẽ dần biến mất. Nếu máu chảy ra ở lòng bàn tay hoặc bàn chân, Gupta trước đó sẽ thấy chúng ngứa ngáy khó chịu.

    Cô luôn cảm thấy khổ sở và tự dằn vặt về tình trạng của mình. Nhiều người còn miệt thị Gupta rằng cô ấy đang bị ma ám khiến cô bé rất sợ hãi.

    Giải mã bí ẩn của haemolacria: Chứng bệnh khiến những cô gái Ấn Độ khóc ra máu - Ảnh 4.

    Preeti Gupta, một cô gái người Ấn Độ mắc haemolacria.

    Cũng gặp phải tình trạng haemolacria tương tự như Gupta, nhưng Rashida Khatoon một bé gái người Ấn Độ khác đã may mắn hơn. Cô bé nói rằng tình trạng khóc ra máu của mình không gây ra bất cứ đau đớn nào. Và quan trong nhất là cộng đồng xung quanh đã coi những giọt nước mắt máu của cô bé như một phép màu thay vì gán nó cho quỷ dữ.

    Chỉ tính riêng ở Ấn Độ, đã có khoảng 10 trường hợp haemolacria được báo cáo trong y văn. Và con số thực của nó có thể còn nhiều hơn thế. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng khóc ra máu không phải là một tình trạng chỉ xuất hiện ở Ấn Độ hay từ đôi mắt của những bé gái trong độ tuổi dậy thì.

    Tại Mỹ, một cô bé có tên là Gara Hopkins đã bắt đầu có những giọt nước mắt lẫn máu từ năm 7 tuổi. Khi các bác sĩ không thể đưa ra bất kỳ lời giải thích nào cho những giọt nước mắt máu của Gara, họ đã nghi ngờ cô bé bị bạo hành tình cảm cũng như thể chất từ bố mẹ.

    Cặp vợ chồng sau đó đã bị tước quyền nuôi coi. Gara được đưa vào một trung tâm trị liệu để theo dõi và chăm sóc. Tuy nhiên, tòa án đã không thể tìm ra bất kỳ bằng chứng nào về việc cha mẹ Gara bạo hành cô bé. Cặp vợ chồng đã phải lao vào một cuộc chiến pháp lý vất vả để giành lại quyền nuôi con, khi những giọt nước mắt máu của Gara không thể được giải thích.

    Đó cũng không phải lần đầu tiên chứng haemolacria gây ra những rắc rối. Michael Spann, một thanh niên người Mỹ khác bắt đầu chảy nước mắt máu khi bước qua tuổi 22. Anh báo cáo chứng bệnh này thường khiến mình phải chịu đựng những cơn đau đầu dữ dội, như bị nện vào bằng búa tạ. Máu thường tự chảy ra một cách vô thức, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của Spann và khiến anh ấy bị thất nghiệp vì những tình huống không thể kiểm soát được.

    Giải mã bí ẩn của haemolacria: Chứng bệnh khiến những cô gái Ấn Độ khóc ra máu - Ảnh 5.

    Marnie-Ray Harvey người Anh.

    Năm 2015, Genk từng viết về trường hợp của Marnie-Ray Harvey, một cô gái 17 tuổi người Anh cũng gặp phải tình trạng haemolacria. Sau đó 2 năm, là một người đàn ông người Ý 52 tuổi phải vào viện cấp cứu với đôi mắt đẫm lệ đỏ.

    Mặc dù hiếm gặp, haemolacria đã được báo cáo ở rất nhiều nước trên thế giới. Bạn có thể tra cứu nhiều trường hợp nữa từ những cái tên như Delfina Cedeno đến từ Cộng hòa Dominican, Yaritza Oliva người Chilê, Jane Mothibe từ Nam Phi và Linnie Ikeda từ O'ahu, Hawaii…

    Giải mã những bí ẩn

    Để giải mã những bí ẩn về haemolacria và chứng minh nó không phải một thánh tích hay dấu hiệu quỷ ám nào cả, các nhà khoa học đã tìm hiểu và liệt kê tất cả các trường hợp mà máu có thể lẫn vào nước mắt. Khả năng đầu tiên mà họ nghi ngờ, đó là máu đã rò rỉ từ kết mạc.

    Kết mạc là một màng mỏng, trong suốt che phủ toàn bộ bề mặt nhãn cầu và mặt trong mi mắt. Nhiệm vụ của nó là đảm bảo cho mi mắt không dính chặt vào nhãn cầu làm giảm ma sát, để khi mắt di chuyển giác mạc sẽ không bị xước hay tổn thương. Kết mạc có các mạch máu tự nhiên và nếu bị rò rỉ, máu có thể thấm vào cùng với nước mắt.

    Các chấn thương kết mạch, vỡ kết mạc hoặc viêm kết mạch xuất huyết có thể tạo ra haemolacria tạm thời và sẽ biến mất khi tình trạng được chữa trị. Tuy nhiên, có một hội chứng gọi là tăng huyết áp kết mạc thể nhẹ, như trường hợp của người đàn ông 52 tuổi ở Ý, sẽ khiến máu bị rò rỉ vào mắt một cách mạn tính. Rất may, tình trạng này có thể được điều trị khỏi chỉ bằng một đơn thuốc nhỏ mắt.

    Giải mã bí ẩn của haemolacria: Chứng bệnh khiến những cô gái Ấn Độ khóc ra máu - Ảnh 6.

    Người đàn ông Italia bị tăng huyết áp kết mạc khiến máu chảy ra từ mắt.

    Có một tình trạng kỳ lạ khác, được gọi là kinh nguyệt kết mạc cũng có thể tạo ra haemolacria. Những bé gái khi đến ngày hành kinh, cùng với các thay đổi nội tiết tố cũng có thể bị chảy máu ra từ mắt của mình. Nguyên nhân là một số mô nội mạc tử cung bằng cách nào đó có thể lạc ra ngoài và xuất hiện ở các bộ phận cơ thể khác bao gồm kết mạc. Chúng bị kích hoạt theo chu kỳ kinh nguyệt và gây ra haemolacria hàng tháng.

    Vậy thì suy cho cùng, những triệu chứng của cô bé Twinkle Dwivingi có thể hoàn toàn là thật. Haemolacria có thể xuất hiện trùng với chu kì kinh nguyệt và được giải thích bằng sinh lý học thay vì một hội chứng tâm thần.

    Nguồn máu thứ hai mà các nhà khoa học nghi ngờ có thể gây ra haemolacria, đó là từ những lỗ nhỏ phía trong bờ mi mắt, được gọi là lacrimal puncta. Các lỗ nhỏ này thực chất là đầu của những ống dẫn lệ nối vào túi lệ. Các túi lệ thì lại kết nối với khoang mũi bằng một kênh dẫn khác.

    Do đó, đôi khi bạn thấy nước mắt có thể chảy vào khoang mũi rồi vào họng. Vậy thì ngược lại, những gì có trong khoang mũi hoặc họng cũng có thể chảy ngược lên mắt nếu có một áp lực nào từ phía dưới. Một người bị chảy máu cam từ mũi hoặc xoang có thể đẩy ngược dòng máu này lên tuyến lệ và từ đó, máu sẽ chảy ra từ lỗ bờ mi.

    Giải mã bí ẩn của haemolacria: Chứng bệnh khiến những cô gái Ấn Độ khóc ra máu - Ảnh 7.

    ột người bị chảy máu cam từ mũi hoặc xoang có thể đẩy ngược dòng máu này lên tuyến lệ và từ đó, máu sẽ chảy ra từ lỗ bờ mi.

    Ngoài ra, chấn thương, nhiễm trùng, một khố u màng não hay tổn thương mạch máu, giãn tĩnh mạch cũng có thể khiến máu chảy vào túi lệ, dẫn lên các lỗ lacrimal puncta để ra khỏi mắt.

    Haemolacria có thể chỉ là một triệu chứng của những tình trạng nguy hiểm khác trong cơ thể, bao gồm chấn thương sọ não, sang chấn sau động kinh, một cơn tăng huyết áp, viêm mạch máu cấp tính ở trẻ nhỏ. Hoặc nó cũng có thể đơn giản là tổn thương mạch máu sau một cơn ho, khi một người dùng sức quá mức trong khi cúi xuống và máu dồn lên mắt, khi một đứa trẻ khóc quá thảm thiết…

    Nhưng haemolacria cũng có thể là vô căn

    Khi cô bé 11 tuổi mắc haemolacria được người mẹ đưa tới phòng khám của Viện Khoa học Y khoa Ấn Độ, các bác sĩ đã thực hiện mọi xét nghiệm mà họ có thể. Sức khỏe tổng thể của cô bé hoàn toàn bình thường, cô bé được xác định là chưa có tiền sử kinh nguyệt.

    Thị lực của cả hai mắt đạt 20/20. Áp lực nội nhãn bình thường. Cả tuyến lệ và túi lệ cũng vậy. Cô bé được giữ lại bệnh viện theo dõi trong vòng 2 ngày liên tiếp để bảo đảm mọi triệu chứng tự phát là thật. Các bác sĩ đã ghi lại những video cho thấy nước mắt lẫn máu chảy ra khỏi mắt cô bé 2-3 lần mỗi ngày, mỗi lần kéo dài 3 phút.

    Trong thời gian đó, kết quả xét nghiệm máu, chức năng gan và thận chỉ ra tất cả những con số đều nằm trong ngưỡng cho phép. Để loại trừ máu cam chảy ngược, các bác sĩ đã chụp cắt lớp tương phản cao vùng đầu mặt và xoang mũi của cô bé. Trong khi đó, hồng cầu đã được xác nhận là thành phần tạo nên màu đỏ của nước mắt.

    Giải mã bí ẩn của haemolacria: Chứng bệnh khiến những cô gái Ấn Độ khóc ra máu - Ảnh 8.

    Tình trạng haemolacria của bé gái này là vô căn.

    "Tôi rất lo sợ cho sức khỏe của con gái tôi", mẹ cô bé nói với các bác sĩ. "Máu chảy ra từ đôi mắt của con bé thật kinh khủng. Tôi hi vọng điều đó sẽ không lặp lại bất kỳ một lần nào nữa".

    Thật không may, các chuyên gia đầu ngành của Ấn Độ đã không thể xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng haemolacria lần này của cô bé. Họ kết luận đó là một trường hợp chảy máu mắt vô căn và cô bé không nhận được bất cứ điều trị nào.

    Hi vọng duy nhất cho cô bé và người mẹ vẫn đang buồn bã vào lúc này là haemolacria có thể tự động biến mất. Nhiều báo cáo đã ghi nhận tình trạng này có thể tự khỏi một cách đột ngột như khi nó diễn ra. Vào một ngày nào đó, những giọt nước mắt đỏ không chảy ra nữa, và chúng không hề trở lại sau vài năm.

    Dù thế nào đi chăng nữa, haemolacria vẫn là một trong những tình trạng y tế kỳ lạ nhất mà con người từng biết đến. Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân gây ra những giọt nước mắt máu đã được giải mã thành công. Nhưng cũng có những trường hợp như cô bé này, nó vẫn là một bí ẩn.

    Nghiên cứu mới về trường hợp haemolacria mới nhất của cô bé người Ấn Độ được công bố trên tạp chí  BMJ Case Reports.

    Tổng hợp

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày