Giới khoa học bất ngờ trước video chim biết dùng công cụ: một con hải âu dùng que để gãi ngứa
Tại sao con chim lại dùng que để gãi bụng, thay vì dùng mỏ của nó cho tiện?
Năm năm trước, trên một hòn đảo xa ngoài khơi xứ Wales, nhà khoa học Annette L. Fayet công tác tại Đại học Oxford chứng kiến con chim hải âu rụt cổ sống trên đảo thực hiện một hành động kỳ lạ, chưa từng được ghi lại trong các tài liệu nghiên cứu. Con chim đang nổi lờ lững ở vùng biển nằm dưới một vách đá, mỏ nó ngậm một đoạn cây ngắn - một cái que.
Con chim quay đầu lại, với cái ra sau lưng rồi … gãi. Cô Fayet ngạc nhiên tột cùng: cô đang chứng kiến loài chim hải âu cổ rụt sử dụng công cụ.
Cô Annette L. Fayet là chuyên gia nghiên cứu hải âu, biết rất rõ về hành vi di tản hay thói quen ăn uống của giống chim tròn trịa. Dù vậy, chỉ lời nói của cô là không đủ để thuyết phục người khác rằng loài hải âu cổ rụt có thể dùng công cụ. Cô cần bằng chứng không thể chối cãi.
“Đúng là chỉ nhìn thấy được một lần, mà lúc đó tôi cũng đang bận việc khác,” cô nói. Và dù sự kiện đáng ngạc nhiên này có khiến cô giật mình đến mấy, thì “rồi tôi cũng quên khuấy đi mất.”
Thế rồi may mắn lại mỉm cười với cô: tháng Bảy năm 2018, cô Fayet tiến nghiên cứu một nhóm chim hải âu cổ rụt tại Đảo Grimsey, Iceland, cách xứ Wales tới cả ngàn kilomet. Cô đặt camera trong khu vực đảo hòng “quay được càng nhiều đoạn video về hành vi của chim càng tốt.”
Và trong số những video cô thu được, cô thấy một con chim sử dụng que để gãi bụng. Thậm chí con chim còn quay hẳn mặt về phía camera, cho ta thấy toàn cảnh hành vi gãi ngứa.
Hải âu cổ rụt dùng que gãi ngứa.
Hành động này không giống với việc chim thu thập que để xây tổ, hải âu cổ rụt sử dụng cỏ mềm để xây tổ cơ! Ngay sau khi dùng mỏ nhặt que lên để gãi bụng, con hải âu cổ rụt ném ngay cái gậy gãi ngứa của mình đi. Nhiều tiếng sau, camera vẫn quay cảnh cái que nằm lại trên mặt đất.
Theo lời nhà động vật học Alex Kacelnik cũng tới từ Đại học Oxford, hành vi này “phù hợp với định nghĩa hiện tại” của việc sử dụng công cụ. Kacelnik là nhà động vật học có tiếng, chuyên nghiên cứu hành vi chế tạo công cụ của quạ và không có liên hệ gì với nghiên cứu của cô Fayet.
Khi nhận được đoạn phim vừa đáng yêu vừa bất ngờ, đồng nghiệp của Fayet là chuyên gia hành vi động vật Dora Biro cũng ngạc nhiên tột độ, bởi lẽ “đây là một con chim biển - chưa ai ghi lại được hành vi sử dụng công cụ của loài này cả.” Nghiên cứu về hành động này của con hải âu cổ rụt được mô tả kỹ càng trong nghiên cứu mới được đăng tải hồi đầu tuần.
Việc nghiên cứu hành vi sử dụng công cụ trên động vật có thể giúp chúng ta hiểu hơn về chính con người trong thời kỳ Đồ Đá, khi mà tổ tiên ta cũng đã bắt đầu biết cầm đá lên - thứ công cụ thô sơ đầu tiên của khoảng 2,6 triệu năm trước. Thế nhưng ta còn sẵn tay để mà cầm, chứ còn việc dùng mỏ hay chân có vuốt để sử dụng công cụ rất hiếm.
Khoa học mới chỉ thấy ít hơn 1% số loài có khả năng này, những giống có thể sử dụng công cụ rải rác khắp nơi trong thế giới động vật. Một số loài linh trưởng - họ hàng xa của ta đã biết dùng công cụ, ngoài ra một số loài khác như rái cá, cá hay thậm chí một vài loài côn trùng cũng có khả năng tương tự.
Một số ít loài chim sở hữu khả năng này: Quạ biết đan cành cây lại để bắt sâu, và như ta thấy ở đây, hải âu cổ rụt biết dùng que để gãi ngứa - hành động được liệt vào hạng “chăm sóc cơ thể”. Theo các nhà động vật học, chim chỉ sở hữu một hành vi “chăm sóc cơ thể” khác, đó là “anting”, tạm dịch là “phủ kiến”. Các nhà khoa học phỏng đoán rằng hành động phủ côn trùng lên người của chim là cách thức chống lại các loài ký sinh hay nấm phát triển.
Theo lời nhà nghiên cứu Biro, con hải âu cổ rụt kia có thể đang cố gắng gẩy một con ve ra khỏi người. “Vào thời điểm quay lại đoạn video này, tỷ lệ ký sinh trùng ở khu vực này đặc biệt cao,” chuyên gia Biro nhận định. Họ tiếp tục phỏng đoán, có thể que này chứa một chất gì đó có lợi cho lông chim hay có thể dùng để ngăn ký sinh trùng phát triển; rất khó nói, bởi lẽ que đó đã khô và các nhà khoa học không rõ cái “gậy gãi bụng” thuộc loài thực vật gì.
Hành động của con hải âu khiến nhà động vật học Kacelnik khó hiểu vô cùng. “Con chim không cố với tới những điểm khó với trên cơ thể,” ông chỉ ra. Và tại sao lại lại dùng que thay vì dùng mỏ? Kacelnik cho rằng có thể con hải âu đang cố gạt ra một thứ gì đó có độc hoặc không mấy thơm tho, khiến con chim tránh việc dùng mỏ.
Kacelnik thắc mắc vậy là có lý do: thử nghiệm cho thấy quạ New Caledonian sử dụng que để chọc vào thứ chúng cho là nguy hiểm, ví dụ như việc nó chọc con nhện cao su để kiểm tra.
Hoặc đơn giản là cái khoái cảm của việc gãi đúng chỗ ngứa có mặt trên mọi sinh vật sống tại Trái Đất này.
Tham khảo The Washington Post
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời