Google có đến 7 ứng dụng nhắn tin, và đây là công dụng của chúng
Từ khi tung ra Google Talk vào năm 2015, Google đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mọi người sử dụng các dịch vụ của công ty để giao tiếp với người khác.
Trên thực tế, Google có vẻ hơi quá đề cao tầm quan trọng của chính mình, đến nỗi công ty này tạo ra hàng loạt các nền tảng nhắn tin mà đôi lúc bản thân họ cũng chẳng biết nên làm gì với chúng, khi mà mỗi nền tảng lại cung cấp những chức năng tương tự nhau, chỉ khác biệt đôi chút ở...giao diện và cách sử dụng.
Việc Google phát triển nhiều ứng dụng nhắn tin khác nhau đã khiến người dùng cực kỳ khó hiểu, và dù công ty này liên tục ngừng các dịch vụ, đổi tên chúng, hay tích hợp các tính năng từ một ứng dụng sang một ứng dụng khác, mọi chuyện cũng chẳng khá hơn. Nhưng, theo Google, họ sẽ không bao giờ gộp chung mọi dịch vụ nhắn tin của mình về một mối:
"Chúng tôi thiết kế các sản phẩm cụ thể cho từng nhu cầu sử dụng riêng biệt, do đó chúng tôi không có ý định tạo ra một ứng dụng làm được mọi thứ cho mọi người. Chúng tôi nghĩ chúng tôi có thể phục vụ người dùng tốt hơn bằng cách tạo ra các sản phẩm hoạt động thực sự tốt, và người dùng có thể chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu của họ nhất".
Nghe thì có vẻ tốt, nhưng việc này chỉ khiến người dùng bối rối thêm. Ví dụ, bạn có thể dùng Google Duo, Google Voice, hoặc Hangouts để thực hiện cuộc gọi. Bạn nên chọn cái nào? Tại sao cái này lại tốt hơn cái kia? Trước khi đi vào chi tiết từng ứng dụng tin nhắn, hãy lướt qua lịch sử các dịch vụ nhắn tin của Google.
Lịch sử
Nỗ lực đầu tiên của Google đối với ứng dụng nhắn tin lại được xem là ứng dụng tốt nhất của hãng. Nó có tên là Google Talk (đôi lúc còn được gọi là Google Chat hoặc Gchat), và bạn có thể sử dụng nó để chat với bất kỳ ai trên bất kỳ nền tảng nào, ngay cả nếu họ không có một tài khoản Google. Trên Gmail có sẵn một chatbox, do đó bạn chẳng cần cài thêm phần mềm nào cả. Android, Windows, và cả BlackBerry đều có ứng dụng này.
Tuy nhiên, Google Talk lại được phát triển dựa trên một giao thức mã nguồn mở là XMPP. Google quyết định ngừng hỗ trợ XMPP và sở dụng nền tảng riêng của mình cho mạng xã hội Google Plus vào năm 2011. Cả Huddle và Hangouts đều được sinh ra từ sự thay đổi đó.
Sau đó, Google cho Huddle về vườn và tách Hangouts ra thành ứng dụng độc lập. Google hi vọng Hangouts sẽ là một giải pháp tốt hơn, toàn diện hơn để giao tiếp thông qua việc cho người dùng khả năng chat bằng văn bản, video, và thực hiện cuộc gọi chỉ trong một ứng dụng duy nhất.
Tuy nhiên, Hangouts không thành công như mong đợi, và chẳng bao lâu sau, Google bắt đầu tách từng phần của Hangouts ra thành các ứng dụng riêng rẽ, tạo thành đống hỗn loạn các ứng dụng tin nhắn mà chúng ta có ngày nay.
Bảy lựa chọn ứng dụng tin nhắn của Google
Hiện nay, có rất nhiều ứng dụng trên Google Play Store có chức năng nhắn tin tốt hơn hẳn các ứng dụng của Google. Quả là điên rồ khi mà Google Talk và Gmail từng là các dịch vụ nhắn tin mặc định đối với hàng triệu người, cho đến khi Google "giết" Talk.
Gmail
Mọi người đều biết đến Gmail. Nó là một dịch vụ miễn phí, có quảng cáo, cho phép bạn gửi và nhận email. Bạn có thể sử dụng ứng dụng Gmail trên điện thoại, trên web tại mail.google.com, hoặc tích hợp tài khoản Gmail vào một trình email bên thứ ba như Microsoft Outlook hoặc Blue Mail.
Gmail trên web hỗ trợ nhắn tin tức thời thông qua Hangouts được tích hợp sẵn. Google Voice cũng được tích hợp trong Gmail bản web. Điều đó khiến Gmail bản web là trung tâm cho phép bạn kiểm soát nhiều trải nghiệm nhắn tin khác nhau, đặc biệt là với thiết kế mới vừa được ra mắt gần đây.
Tuy nhiên, ứng dụng Gmail di động hiện chỉ hỗ trợ chức năng email mà thôi.
Công dụng tốt nhất: dùng ứng dụng Gmail để gửi email, đặc biệt nếu bạn muốn kiểm soát chặt chẽ workflow của mình.
Inbox by Gmail
Google giới thiệu Inbox by Gmail vào năm 2014 với vai trò là ứng dụng thay thế cho Gmail. Thiết kế và workflow của Inbox khác Gmail, trong đó sử dụng AI của Google để sắp xếp các tin nhắn của bạn. Không như Gmail, bạn không thể tạo tài khoản mới với Inbox; bạn sử dụng một tài khoản email đã có trong ứng dụng Inbox.
Một số tính năng thú vị đã xuất hiện cùng với Inbox. Ví dụ, tính năng Smart Reply, hiện đã xuất hiện trên ứng dụng Gmail. Nhưng một số người thích dùng Inbox hơn Gmail bởi sự đơn giản và bởi AI của Google xử lý tốt hơn việc giữ Inbox sạch sẽ và ngăn nắp.
Giống như ứng dụng di động Gmail, ứng dụng di động Inbox chỉ cho phép bạn quản lý email. Tuy nhiên, không như Gmail bản web, Inbox bản web cũng chỉ cho phép bạn quản lý email, dù nhật ký cuộc gọi và tin nhắn SMS từ các dịch vụ khác của Google vẫn xuất hiện trong các thư mục của Inbox.
Nhìn chung, Inbox chỉ là một phiên bản khác của Gmail, khiến người ta tự hỏi liệu ứng dụng này sẽ tồn tại trong bao lâu.
Công dụng tốt nhất: sử dụng Inbox by Gmail để quản lý email nếu bạn không muốn tự mình sắp xếp mọi thứ trong hộp thư.
Hangouts
Đến đây, mọi thứ bắt đầu rối rắm. Hangouts ban đầu là một tính năng bên trong Google Plus, dành riêng cho gọi điện video. Tuy nhiên, khi đối mặt với sự cạnh tranh từ Facebook Messenger, WhatsApp và các đối thủ khác, Google cần một dịch vụ độc lập để chiếm lấy thị phần. Do đó hãng đã tách Hangouts ra thành một ứng dụng riêng.
Với Hangouts, bạn có thể nhắn tin tức thời đến mọi người, tiến hành gọi điện video và thực hiện các cuộc gọi audio. Tuy nhiên, bạn không thể gửi tin nhắn SMS hay MMS, khiến Hangouts không thể trở thành một ứng dụng nhắn tin toàn diện từ Google.
Nhưng Hangouts không tồn tại được lâu trong cuộc đua. Năm ngoái, Google thông báo sẽ tách Hangouts thành 2 sản phẩm khác nhau: Hangouts Meet và Hangouts Chat. Hangouts Meet sẽ đảm nhiệm phần hội đàm video, còn Hangouts Chat sẽ tập trung vào phần nhắn tin thức thời.
Hiện tại, phiên bản đầy đủ của cả Hangouts Meet và Hangouts Chat chỉ được dành riêng cho các khách hàng G Suit mà thôi. Ứng dụng Hangouts gốc vẫn có mặt trên Google Play Store, nhưng có lẽ sẽ chẳng tồn tại được bao lâu nữa.
Công dụng tốt nhất: Hangouts thực sự rất tuyệt về mọi mặt nó có thể làm được. Tuy nhiên, như đã nói ở đầu bài, Google không muốn một ứng dụng nhắn tin làm được mọi thứ, nên chẳng ai biết Hangouts sẽ còn sống tới bao giờ.
Google Allo
Sau khi Hangouts thất bại trong việc trở thành một sự thay thế cho WhatsApp, Google tung ra Google Allo chuyên về nhắn tin tức thời. Điểm đáng chú ý nhất ở Allo là nó tích hợp các tính năng Google Assistant vào trong các đoạn chat, cho phép bạn truy xuất đến các thứ như Smart Reply.
Để dùng Allo, bạn phải kết nối nó với số điện thoại của bạn, khiến Allo chỉ có thể sử dụng được trên smartphone mà thôi. Allo cũng không hỗ trợ tablet và desktop, cực kỳ khó chịu!
Tuy nhiên, ngay cả khi bạn có thể nhắn tin tức thời với mọi người bằng Allo, bạn cũng không thể dùng nó để gửi SMS hoặc MMS. Có nghĩa là, dù bạn kết nối nó với số điện thoại của mình, bạn vẫn phải nhắn tin SMS với mọi người bằng một ứng dụng khác, sau đó mới nhắn tin tức thời cho họ bằng Allo được.
Điều siêu khó chịu về sự hạn chế này là Allo thực ra cho phép bạn gửi tin nhắn SMS. Nhưng người nhận tin nhắn lại thấy một số điện thoại lạ do Google sở hữu chứ không phải số của bạn.
Và điều cuối cùng: Google có lẽ sẽ....dẹp bỏ Allo khi mà hãng tích hợp nhắn tin RCS vào Android Message thông qua một chương trình mới với tên gọi Google Chat (sẽ nói sau). Chưa thấy có gì hấp dẫn về điều này, nhưng có lẽ chúng ta sẽ phải tạm biệt Allo trong tương lai gần.
Ngoài những hạn chế đó ra, Allo là một ứng dụng tốt. Nó thực hiện hoàn hảo điều nó có thể (nhắn tin tức thời), với một giao diện đầy màu sắc và dễ sử dụng, cùng một loạt các tính năng hấp dẫn.
Công dụng tốt nhất: nhắn tin tức thời, và chỉ dùng Allo nếu bạn phải dùng. Allo có lẽ sẽ ra đi sớm thôi.
Google Duo
Cùng với việc tách phần nhắn tin tức thời từ Hangouts thành Google Allo, Google còn tạo ra Google Duo để phục vụ gọi điện video. Ban đầu, Duo chỉ có thể gọi video, nhưng hiện nay nó cũng có thể gọi audio nữa. Tuy nhiên, nó cũng có một số hạn chế.
Với Duo, bạn không chỉ có thể gọi video với người dùng tài khoản Google mà còn có thể gọi đến các số điện thoại nữa. Nếu người nhận có cài Duo, họ sẽ có thể chat video/audio với nhau miễn phí.
Tuy nhiên, nếu bạn gọi video cho một người dùng Android không cài sẵn Duo, nó sẽ mặc định chuyển thành cuộc gọi audio thông thường. Sau cuộc gọi đó, người nhận sẽ được khuyến khích cài đặt Duo.
Nếu bạn gọi video đến một người không dùng thiết bị Android như iPhone chẳng hạn, và họ không cài sẵn Duo, cuộc gọi sẽ...không thực hiện được, và bạn sẽ phải liên lạc với họ theo cách khác.
Cần nhắc thêm là bạn có thể dùng Duo với số điện thoại Google Voice thay vì số SIM. Tuy nhiên, sử dụng số SIM lại dễ hơn rất nhiều.
Công dụng tốt nhất: Duo cực tuyệt khi gọi video với người có cài sẵn Duo. Nếu bạn cố liên lạc với ai đó không có Duo, mọi chuyện sẽ trở nên thực sự phức tạp, và có lẽ cứ gọi họ bằng điện thoại thông thường hoặc dùng các ứng dụng chung khác sẽ tiện hơn rất nhiều.
Android Messages
Hiện tại, Android Messages là ứng dụng duy nhất từ Google hỗ trợ đầy đủ SMS và MMS thông qua số SIM. Và đó cũng là tất cả những gì ứng dụng này làm được.
Nếu bạn may mắn là một người dùng Project Fi, thì Android Messages có hỗ trợ nhắn tin RCS, biến nó thành một trình nhắn tin tức thời tương tự iMessage của Apple. Tuy nhiên, nếu không dùng Project Fi, chỉ một số nhà mạng nhất định hỗ trợ nhắn tin RCS qua Android Messages mà thôi.
Trong tương lai, Android Messages sẽ hỗ trợ nhắn tin RCS cho tất cả mọi người, cũng như gửi SMS từ desktop thông qua trình duyệt web. Những tính năng này hiện đang được phát triển và mới chỉ xuất hiện dưới dạng tin đồn mà thôi.
Nhưng nếu và một khi các tính năng này xuất hiện, nó sẽ khiến Google Allo trở nên thừa thãi. Đó là lý do tại sao Google đang điều chuyển nhóm Allo sang làm việc ở bộ phận Google Chat.
Công dụng tốt nhất: đến thời điểm hiện tại, lý do duy nhất để dùng Android Messages là để...gửi SMS và MMS. Trong tương lai, nos ẽ là ứng dụng tin nhắn tất cả trong một cho Android. Hi vọng vậy.
Google Voice
Google Voice là một trong những ứng dụng "già" nhất trong danh sách này. Sử dụng Voice, bạn có thể đăng ký một số điện thoại miễn phí từ Google và dùng số đó để gọi điện miễn phí và gửi tin nhắn SMS miễn phí.
Nếu bạn tải ứng dụng Voice từ Google Play Store, bạn có thể sử dụng nó để gọi điện, nhắn SMS (bao gồm cả MMS nhóm), và nghe/xem thư thoại. Tuy nhiên, bạn chỉ có thể làm những điều đó với số điện thoại Google Voice mà thôi.
Nói cách khác, nếu bạn muốn gửi một tin nhắn SMS từ số Google Voice của mình, và sau đó gửi một SMS từ số SIM bình thouwngf, bạn sẽ cần thực hiện hai thao tác đó trong hai ứng dụng khác nhau. Gọi điện thoại hay thư thoại cũng vậy.
Tuy nhiên, bạn có thể chuyển hướng các cuộc gọi và tin nhắn từ Google Voice sang số SIM, cho phép bạn kiểm soát mọi thứ chỉ với một ứng dụng duy nhất, và ứng dụng đó không phải là Google Voice!
Công dụng tốt nhất: Google Voice là sự lựa chọn hoàn hảo cho những người sử dụng số điện thoại Google Voice làm số chính. Với những người khác, có lẽ sẽ dễ dàng hơn nếu bạn sử dụng trình gọi điện mặc định để gọi và Android Messages để gửi SMS.
Chat
Dịch vụ Chat mà Google sắp ra mắt sẽ không phải là một ứng dụng độc lập, mà là một hệ thống được tích hợp vào Android Messages. Sau nhiều năm cố gắng, Google cuối cùng cũng từ bỏ việc tạo ra một ứng dụng nhắn tin cho Android có thể cạnh tranh được với iMessage của Apple. Thay vào đó, hãng "nhờ" các nhà mạng thay đổi phương thức họ quản lý việc nhắn tin, và phưng thức mới đó gọi là Chat.
Nói đơn giản nhất, Chat chỉ là một đoạn mã nhắn tin RCS. Ý tưởng đằng sau nó là các nhà mạng sẽ "bật" khả năng hỗ trợ Chat, và người dùng Android sẽ có thể giao tiếp bằng nhắn tin RCS với người khác cũng có Chat. Nếu một trong hai người không được hỗ trợ Chat, tin nhắn sẽ chuyển thành SMS và MMS truyền thống.
Google biết rằng tung ra một ứng dụng nhắn tin khác sẽ hoàn toàn vô ích, khi mà lịch sử của công ty đã chứng minh rằng họ không có duyên với các ứng dụng chat. Với Chat được tích hợp thẳng vào Android Messages, chúng ta sẽ thấy Google quảng bá mạnh mã hơn nữa ứng dụng Android Message trong vài năm tới.
Kết luận
Với mọi thông tin đã có ở trên, chúng ta sẽ tóm tắt lại công dụng của từng ứng dụng như sau:
Nhắn tin tức thời | Gọi video | SMS & MMS | |
---|---|---|---|
Gmail hoặc Inbox, tuỳ sở thích | Hangouts | Google Duo | Android Messages |
Bạn nên bỏ qua Google Allo bởi chẳng sớm thì muộn nó cũng sẽ "ra đi", và chỉ nên sử dụng Google Voice nếu có số điện thoại Google Voice (và dùng nó nhiều). Sử dụng Hangouts làm trình tin nhắn tức thời ở thời điểm hiện tại là khá hợp lý, nhưng dịch vụ này có lẽ cũng chịu chung số phận với Allo khi Chat bắt đầu hoạt động.
Đến một ngày nào đó, Google sẽ phải ngừng đấu tranh và tung ra một ứng dụng duy nhất có thể thực hiện nhắn tin tức thời, gọi video và SMS/MMS. Xét việc Facebook lẫn WhatsApp đều có thể làm những điều đó - và mọi ngừoi thực sự thích sử dụng những nền tảng này - có thể thấy Google quả là một kẻ cứng đầu.
Tham khảo: AndroidAuthority
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?