Hiểu về phẫu thuật giảm béo: phương pháp cứu cánh cho những người thừa cân quá độ

    Hoàng Lân, Suckhoehangngay.vn 

    Những phương pháp phổ biến như tập thể dục, giảm chế độ ăn có thể giảm và duy trì cân nặng đến 2 năm, nhưng sau 5 năm có tới 95% các trường hợp béo phì đều quay trở lại cân nặng lúc ban đầu, thậm chí tăng hơn. Đến lúc này cứu cánh được nhiều người lựa chọn là phẫu thuật giảm béo

    Thừa cân, béo phì không chỉ ảnh hưởng đến vóc dáng, mà còn gây rối loạn các chất trong cơ thể của bạn, là nguyên nhân dẫn đến một loạt các bệnh khác như rối loạn chuyển hóa máu, rối loạn gluco máu, tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường và một số bệnh ung thư. Giảm cân là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất, nhưng trên thực tế việc giảm cân với những cách truyền thống là không hiệu quả, hoặc giảm cân thành công nhưng không duy trì được quá 5 năm. Điều này không hoàn toàn là lỗi của họ, khi cấu trúc gen là tác nhân khiến họ dễ tăng cân béo phì.

    Những phương pháp phổ biến như tập thể dục, giảm chế độ ăn có thể giảm và duy trì cân nặng đến 2 năm, nhưng sau 5 năm có tới 95% các trường hợp béo phì đều quay trở lại cân nặng lúc ban đầu, thậm chí tăng hơn. Đến lúc này cứu cánh được nhiều người lựa chọn là phẫu thuật giảm béo

    Hiểu về phẫu thuật giảm béo: phương pháp cứu cánh cho những người thừa cân quá độ - Ảnh 1.

    Giám khảo Graham Elliot của Master Chef Mỹ đã thực hiện phẫu thuật giảm cân và thành công

    Thế nào là phẫu thuật giảm béo?

    Từ năm 2013, Mỹ đã xếp béo phì vào loại bệnh mãn tính, cần điều trị lâu dài, thậm chí cả đời. Và nếu đã là bệnh, các bác sỹ sẽ tìm các phương pháp điều trị cho nó. Trong những năm gần đây, phẫu thuật giảm béo đang là phương pháp hiệu quả giúp giảm cân nhanh chóng, loại bỏ và cải thiện đáng kể các vấn đề sức khỏe đối với người bệnh béo phì.

    Phẫu thuật giảm béo không phải phẫu thuật cắt bỏ phần mỡ của người bị béo phì mà là phẫu thuật để giải quyết gốc rễ nguyên nhân gây béo phì là cảm giác thèm ăn. Các bác sỹ sẽ tiến hành những phẫu thuật lên đường tiêu hoá, làm giảm khả năng tích trữ hay hấp thụ một lượng thức ăn so với khả năng trước kia của người bị béo phì. Một số phẫu thuật phổ biến hiện nay gồm:

    - Cắt tạo hình dạ dày hình ống (Gastric Sleeve): Bác sĩ sẽ cắt bỏ khoảng 80% dạ dày và tạo ra một dạ dày hình ống. Sau khi thực hiện, người bệnh sẽ cảm giác ít đói hơn và nhanh no hơn sau khi ăn.

    - Nối tắt dạ dày (Gastric Bypass): Bác sĩ sẽ tạo một túi dạ dày nhỏ hơn và nối nó với ruột non giúp người bệnh mau no hơn và giảm hấp thu chất khoáng.

    - Thắt đai dạ dày (Lap Band): Bác sĩ thắt một đai quanh phần trên của dạ dày, tạo thành một túi nhỏ phía trên đai, nhờ đó dạ dày sẽ được làm đầy nhanh hơn khi ăn, khiến bệnh nhân có cảm giác nhanh no hơn.

    - Chuyển dòng mật tụy (Duodenal Switch): Ở phương pháp này sẽ cần cắt bỏ một phần lớn thể tích dạ dày (như phẫu thuật tạo dạ dày hình ống), chuyển dòng ruột, cắt bỏ túi mật. Kết quả cũng tương tự như các phương pháp trên là người bệnh sẽ cảm thấy ít đói hơn, nhanh no và hấp thụ vào cơ thể ít lượng calo và chất khoáng hơn.

    Những phương pháp này không chỉ thu nhỏ dạ dày để nạp lượng thức ăn mà cũng làm mất dần cảm giác ngon miệng ở người béo phì. Từ đó, giảm lượng thức ăn đưa vào hàng ngày và giúp bệnh nhân không còn muốn ăn nhiều như trước khi phẫu thuật. Từ 11 tháng đến 60 tháng sau mổ, bệnh nhân sẽ giảm được 50% - 70% khối lượng dư thừa trong cơ thể người bệnh. Các kết quả đánh giá trên các bệnh nhân cắt dạ dày trị béo phì cho thấy cân nặng trung bình của mỗi người sau phẫu thuật một năm giảm khoảng 35kg. Có trường hợp sau 2 năm cân nặng đã giảm từ 160kg xuống còn 78kg.

    Điều kiện để phẫu thuật giảm béo - phương pháp không dành cho tất cả mọi người

    Phẫu thuật là phương pháp hiệu quả giúp loại bỏ và cải thiện đáng kể các vấn đề về sức khỏe cũng như tâm lý của người bị béo phì. Tuy nhiên, việc đầu tiên người bệnh cần nhận thức được rằng phẫu thuật không phải là phương pháp dành cho tất cả bệnh nhân bị béo phì. Ngay cả khi bệnh nhân đã đáp ứng đủ hết các điều kiện cần để thực hiện phẫu thuật, thì đây vẫn nên là giải pháp cuối cùng. Một số điều kiện để người bị béo phì có thể tham gia phẫu thuật giảm béo là:

    - Chỉ số BMI từ 40 trở lên, hoặc từ 30 đến 39,9 và có mắc các bệnh lý nghiêm trọng đi kèm như tiểu đường, tăng huyết áp, ngưng thở khi ngủ, cholesterol cao, các vấn đề về khớp, v.v...

    - Quá số cân ít nhất là 36 kg

    - Rơi vào độ tuổi từ 18 đến 75.

    - Đã có những tiền sử giảm cân thất bại.

    Kể cả sau khi thực hiện xong phẫu thuật, người bệnh cũng phải hiểu rõ rằng phẫu thuật chỉ là một phần trong cả quá trình điều trị béo phì. Bên cạnh điều trị ngoại khoa, người bệnh cần tham gia điều trị nội khoa, điều trị tâm lý, và quan trọng là phải thực hiện và duy trì một chế độ ăn uống khoa học, thói quen sinh hoạt, tập luyện điều độ để đạt hiệu quả lâu dài.

    Hiểu về phẫu thuật giảm béo: phương pháp cứu cánh cho những người thừa cân quá độ - Ảnh 2.

    Phẫu thuật giảm béo là cách để điều trị bệnh, bạn có thể giảm cân chỉ cần chế độ ăn và tập luyện lành mạnh, cùng quyết tâm đến cùng. Bạn sẽ thành công!

    Nếu bạn không phải là một người bị thừa cân quá nhiều, phương pháp này không dành cho bạn. Và bạn có thể sẽ không cần phải tìm những phương pháp “liều cao" như vậy khi bạn thay đổi chế độ ăn của mình, sạch hơn, dinh dưỡng hơn, và có chế độ luyện tập thể dục thể thao phù hợp. Hãy bảo vệ sức khoẻ của mình để không phải đến gặp bác sỹ.

    Chúc bạn luôn có sức khoẻ tốt!

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ