Hiểu về vitamin: Những viên vitamin C không hề "thần thánh" như bạn nghĩ

    zknight,  

    Khi chúng tôi xem xét lợi ích của vitamin C với nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tất cả chỉ là con số 0.

    Trong những năm 1960, nhà hóa học nổi tiếng người Mỹ Linus Pauling đã phát triển một lý thuyết mới về cơ thể con người. Ông gọi nó là "orthomolecular" hay liệu pháp dinh dưỡng phân tử. Tóm tắt lý thuyết của Pauling cho rằng sức khỏe con người có thể được xem như một hệ thống phức tạp tạo nên bởi các phản ứng hóa học.

    Thông qua nhiều nghiên cứu, ông đi đến một kết luận cho rằng: Vitamin C đóng một vai trò quan trọng trong rất nhiều phản ứng tạo nên sức khỏe ấy. Và nếu mọi người bổ sung một lượng lớn vitamin C, họ có thể phòng tránh được nhiều căn bệnh, từ cảm lạnh thông thường cho đến ung thư.

    Hiểu về vitamin: Những viên vitamin C không hề thần thánh như bạn nghĩ - Ảnh 1.

    Hiểu về vitamin: Những viên vitamin C không hề thần thánh như bạn nghĩ

    Cuốn sách "Vitamin C và cảm lạnh thông thường" của Pauling xuất bản năm 1970 đã đem lại thành công ngoài mong đợi cho ông. Và cũng chính cuốn sách này đã mở ra một kỷ nguyên mà ở đó, các sản phẩm bổ sung vitamin C xuất hiện khắp mọi nơi.

    Thế nhưng, trong khi vitamin C hiện vẫn đang là một trong những thực phẩm chức năng phổ biến nhất ở Mỹ, những nghiên cứu về công dụng và lợi ích thực sự của nó vẫn rất lẻ tẻ và kém toàn diện. Có thể những viên vitamin C và bột vitamin C không có tác dụng "thần thánh" như Pauling từng mong đợi và như nhiều người dùng đang tin tưởng.

    Hiểu về vitamin: Những viên vitamin C không hề thần thánh như bạn nghĩ - Ảnh 2.

    Các bằng chứng về việc vitamin C giúp chống lại ung thư còn hạn chế.

    Theo Phòng Nghiên cứu Thực phẩm chức năng của Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ, một số nghiên cứu trên động vật và trong phòng thí nghiệm từng phát hiện rằng tiêm vitamin C liều cao có thể giúp thu nhỏ khối u ung thư. Nhưng bằng chứng về hiệu ứng này vẫn còn lẫn lộn.

    Gần đây, các nhà nghiên cứu đã xem xét lợi ích của việc bổ sung vitamin C cho những bệnh nhân ốm yếu có nguy cơ nhiễm trùng máu. Nhiễm trùng máu là một tình trạng đe dọa tính mạng, trong đó cơ thể phản ứng quá mức với nhiễm trùng và gây tổn thương cho các mô và cơ quan của chính nó.

    Một số bằng chứng trong phòng thí nghiệm đã phát hiện ra rằng vitamin C có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ nhiễm trùng máu. Nhưng cho đến nay, thử nghiệm trên người không xác nhận được kết quả tương tự.

    Một số nhà nghiên cứu đã xem xét tác dụng của vitamin C lên sức khỏe tim mạch và nguy cơ mắc bệnh tim. Một nghiên cứu đánh giá năm 2012 trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ cho thấy bổ sung khoảng 500 miligam vitamin C mỗi ngày trong ngắn hạn có thể làm giảm huyết áp, đặc biệt là ở những người bị tăng huyết áp.

    Nhưng phát hiện đó chưa thể dùng để kết luận vitamin C giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Bác sĩ Edgar Miller III, đồng tác giả của bài đánh giá hiện là giáo sư y khoa tại Đại học Johns Hopkins cho biết: "Khi chúng tôi xem xét các tác dụng của vitamin C với nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tất cả chỉ là con số 0".

    Nói cách khác, bất kỳ cải thiện huyết áp ngắn hạn nào liên quan đến việc bổ sung vitamin C dường như đều không bảo vệ được mọi người khỏi các vấn đề về tim.

    Hiểu về vitamin: Những viên vitamin C không hề thần thánh như bạn nghĩ - Ảnh 3.

    Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây, hoa quả.

    Tất nhiên, vitamin C được biết đến nhiều nhất với đặc tính chống cảm lạnh, tăng cường miễn dịch. Và trong khi uống vitamin C dường như không hoàn toàn ngăn ngừa được cảm lạnh, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người thường xuyên bổ sung vitamin C nếu có bị cảm lạnh cũng sẽ có triệu chứng nhẹ hơn và nhanh khỏi hơn.

    Hiểu về vitamin: Những viên vitamin C không hề thần thánh như bạn nghĩ - Ảnh 4.

    Thực phẩm chức năng bổ sung vitamin C có thể mang lại một số lợi ích (dù rất hạn chế) cho hệ miễn dịch của bạn.

    Tiến sĩ Mark Moyad, giám đốc y tế dự phòng và điều trị thay thế tại Đại học Michigan cho biết: "Vitamin C dường như hoạt động tốt hơn một chút so với giả dược trên những người mắc cảm lạnh thông thường – nhưng hiệu ứng đó có thể chỉ là dấu hiệu cho thấy nó là một giả dược thực sự tuyệt vời mà thôi".

    Như vậy, nhiều lợi ích có được từ việc bổ sung vitamin C không hề rõ ràng. Theo tiến sĩ Moyad vitamin C chỉ có một ứng dụng hứa hẹn hơn cả, liên quan đến những người đang trải qua giai đoạn đầu của thoái hóa hoàng điểm, nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa do tuổi tác.

    Đầu những năm 2000, Nghiên cứu về bệnh mắt liên quan đến tuổi tác do Viện Mắt Quốc gia Hoa Kỳ tài trợ đã phát hiện ra rằng việc kết hợp 500 miligam vitamin C cùng với kẽm và một số chất dinh dưỡng khác có thể làm giảm 25% nguy cơ mắc bệnh thoái hóa hoàng điểm tiến triển.

    Nhưng tiến sĩ Moyad nói rằng bổ sung vitamin C có thể đi kèm với tác dụng phụ. "Bạn phải cẩn thận với liều lượng của mình vì quá nhiều chất này có thể gây sỏi thận", ông nói. Ngoài ra, axit ascorbic có thể là một chất khá khắc nghiệt đối với đường ruột của một số người. Nó có thể gây ra chuột rút, đau dạ dày và tiêu chảy, tiến sĩ Moyad nói.

    Nói tóm lại: Trong khi có một số rủi ro nhất định, hầu hết các nghiên cứu cho thấy uống dưới 500 miligam vitamin C mỗi ngày sẽ không gây ra bất kỳ tác dụng phụ không mong muốn nào ở người trưởng thành. 

    Thực phẩm chức năng bổ sung vitamin C có thể mang lại một số lợi ích (dù rất hạn chế) cho hệ miễn dịch của bạn. Nhưng nó không thần thánh như những gì chúng ta từng tin tưởng.

    Tham khảo Medium

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày