Hơn chục vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng trong 30 năm: Tại sao bay ở Nepal lại nguy hiểm?

    Thạch Anh , Phụ nữ Việt Nam 

    Vụ rơi máy bay của hãng Yeti Airlines khiến 72 người thiệt mạng hôm 15/1 tiếp tục là thảm kịch đau lòng của ngành hàng không Nepal.

    Hôm 15/1 vừa qua, một chiếc máy bay chở khách ATR-72 của hãng hàng không Yeti Airline đã gặp nạn trong khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Pokhara của Nepal. Toàn bộ 72 người trên máy bay đã thiệt mạng.

    Theo dữ liệu từ Mạng lưới an toàn hàng không, đây là vụ tai nạn hàng không tồi tệ thứ ba trong lịch sử đất nước này.

     Hơn chục vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng trong 30 năm: Tại sao bay ở Nepal lại nguy hiểm? - Ảnh 1.

    Vụ tai nạn hôm 15/1 là thảm kịch mới nhất của ngành hàng không Nepal.

    Máy bay đang thực hiện hành trình được 18 phút thì mất liên lạc với một tháp điều khiển ở trung tâm thành phố Pokhara. Thời điểm đó, họ đang trên hành trình ngắn từ thủ đô Kathmandu đến Pokhara, thành phố đông dân thứ hai của Nepal và là cửa ngõ vào dãy Himalaya.

    Thảm họa hàng không một lần nữa làm nổi bật vấn đề an toàn hàng không ở Nepal. Theo Firstpost, quốc gia đồi núi này trung bình xảy ra một thảm họa máy bay mỗi năm và kể từ năm 2010. Từ 1992 đến nay, Nepal đã chứng kiến tới 11 vụ rơi máy bay nghiêm trọng.

    Có nhiều lý do để khiến việc bay ở Nepal rủi ro hơn nhiều nơi khác trên thế giới

    Địa hình phức tạp của Nepal

    Một trong những lý do bay ở Nepal rất rủi ro là bởi địa hình của khu vực. Nepal là nơi tọa lạc của 8 trong số 14 ngọn núi cao nhất thế giới, bao gồm cả Everest. Những ngọn núi cao, hiểm trở và các vách đá cheo leo là nguồn khao khát chinh phục bất tận cho những người đam mê thám hiểm.

     Hơn chục vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng trong 30 năm: Tại sao bay ở Nepal lại nguy hiểm? - Ảnh 2.

    Đường băng ở sân bay Tenzing-Hillary lao thẳng xuống thung lũng bên dưới.

    Tuy nhiên, chính những điều kiện hấp dẫn du lịch này cũng khiến Nepal trở nên nguy hiểm và khó bay. Cơ trưởng Amit Singh, một phi công thương mại và là người sáng lập Tổ chức Các vấn đề An toàn, lấy ví dụ Kathmandu ở trong một thung lũng, địa hình giống như một cái bát và sân bay nằm ở giữa, tứ phía là núi cao.

    Cơ quan hàng không dân dụng Nepal trong một báo cáo an toàn năm 2019 đã tuyên bố rằng "sự đa dạng về kiểu thời tiết cùng với địa hình thù địch là những thách thức chính xung quanh hoạt động của máy bay ở Nepal".

    Đất nước này còn có một số đường băng khó tiếp cận hơn cả Kathmandu. Chẳng hạn, Sân bay Tenzing-Hillary ở khu vực Lukla của Nepal được biết đến là sân bay nguy hiểm nhất thế giới - với một đường băng duy nhất hướng xuống thung lũng bên dưới.

    Thời tiết và không khí bất lợi

    Với địa hình đồi núi cao đặc trưng, việc cất và hạ cánh máy bay ở Nepal phải diễn ra ở độ cao rất lớn so với mực nước biển. Mật độ không khí thấp (không khí loãng) làm giảm hiệu suất của động cơ phản lực và khiến cả việc cất cánh lẫn hạ cánh đều khó khăn hơn.

    Nepal không phải nơi duy nhất gặp điều kiện độ cao bất lợi. Một ví dụ tiêu biểu khác trên thế giới là sân bay Denver ở Colorado, Mỹ có độ cao trên 1.600m. Giải pháp của sân bay Denver là các đường băng rất dài, tới 12.000 feet (3658 mét) và một đường băng cực kỳ dài, tới 16.000 feet (4877 mét).

     Hơn chục vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng trong 30 năm: Tại sao bay ở Nepal lại nguy hiểm? - Ảnh 3.

    Tuy nhiên do địa hình bất lợi, Nepal không thể làm đường băng dài như vậy. Lấy ví dụ sân bay Tenzing-Hillary có đường băng chỉ dài hơn 500 mét.

    Hơn nữa, Nepal thường chứng kiến những thay đổi đột ngột về thời tiết và tầm nhìn - đây thường là một vấn đề lớn đối với các phi công bay trong khu vực.

    Địa hình cao nguyên núi đá của Nepal kết hợp độ cao lớn đồng nghĩa với nguy cơ xảy ra bão tuyết, gió mạnh, băng giá... đều có ảnh hưởng lớn và khó đoán. Cộng thêm với tình hinh biến đổi khí hậu, điều kiện thời tiết càng trở nên phức tạp trên dãy Himalaya.

    Công nghệ cũ

    Nepal vẫn còn sử dụng nhiều chiếc máy bay có tuổi đời khá lớn trong hàng không dân dụng. Nhiều máy bay trong số này không có các thiết bị hiện đại cần thiết như công nghệ radar và GPS có thể giúp giảm thiểu các vấn đề về tầm nhìn hoặc thời tiết.

    Firstpost cho biết, Yeti Airlines vẫn vận hành những chiếc ATR-72 500 đời cũ. Theo trang web theo dõi chuyến bay Flightradar24, chiếc máy bay liên quan đến vụ tai nạn hôm 15/1 đã 15 tuổi.

    Trước vụ tai nạn 15/1/2023, Nepal từng chứng kiến một vụ tai nạn kinh hoàng vào tháng 5/2022 khi một chiếc máy bay của Tara Air bị rơi ngay sau khi cất cánh từ Pokhara. Chiếc máy bay nhỏ đó bay lần đầu tiên vào năm 1979 và không được trang bị công nghệ hiện đại có thể cung cấp cho phi công thông tin quan trọng về môi trường xung quanh.

    Cơ trưởng Bed Upreti đã nói với The Guardian vào năm ngoái, "Chúng tôi không đủ khả năng để tiếp tục bay những chiếc máy bay đã 43 tuổi. Công nghệ, hay đúng ra là sự thiếu vắng công nghệ, rất nguy hiểm khi bay ở một nơi như Nepal".

    Tất cả các hãng hàng không từ Nepal đã bị từ chối cấp phép khai thác các dịch vụ hàng không đến Liên minh Châu Âu kể từ năm 2013 do những lo ngại về an toàn.

    Nguồn: Firstpost

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ