Khoa học cho rằng bạn đang che giấu 13 bí mật, và phân nửa trong số đó chưa bao giờ được tiết lộ

    Phương Giấy Spiderum,  

    Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện, một người trung bình hiện đang nắm giữ 13 bí mật, trong đó có 5 điều chưa được tiết lộ với bất kì ai. Chính những bí mật sẽ không ám ảnh bạn, vấn đề là ở sự lo nghĩ bạn dành cho chúng.

     Cất giấu bí mật ảnh hưởng đến bạn nhiều hơn bạn nghĩ.

    Cất giấu bí mật ảnh hưởng đến bạn nhiều hơn bạn nghĩ.

    Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng gánh nặng của việc phải mang theo những bí mật ảnh hưởng đến bạn theo những cách bạn chưa bao giờ nghĩ đến – một số người thực sự cảm thấy cơ thể mình nặng nề hơn khi phải mang một bí mật nào đó, và phần “trọng lượng” tăng thêm ấy có thể thay đổi hành động của bạn.

    Theo Michael Slepian, giáo sư ngành quản trị của Trường Kinh doanh Columbia: “Người ta muốn nói về bí mật của mình như một cách để đặt chúng xuống và giải phóng chúng. Chúng tôi phát hiện ra rằng khi mọi người nghĩ về bí mật của họ, họ thực sự hành động như thể mình đang chịu sức nặng từ một trọng lượng nào đó vậy. Tác động này dường như cũng xảy ra ngay cả khi họ không nắm giữ bí mật nào ở hiện tại.”

     Người ta nói về bí mật của mình như một cách để được giải tỏa.

    Người ta nói về bí mật của mình như một cách để được giải tỏa.

    Slepian và nhóm của ông đã phân tích 13.000 bí mật của người khác được ghi lại qua 10 nghiên cứu trước đây, để tìm hiểu xem người ta đang giữ những bí mật gì, và liệu việc nắm giữ bí mật có phải là một trải nghiệm tiêu cực của con người?

    Họ đặc biệt quan tâm đến việc xác thực giả định cho rằng việc cất giấu bí mật lâu dài có thể gây hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần của một người. Nhiều nghiên cứu trước đây cũng đã chứng minh bí mật có liên quan đến chứng trầm cảm, sự lo lắng và sự suy giảm sức khỏe.

    Nhưng liệu có phải những bí mật đó quá nguy hiểm, hay đơn giản chỉ là con người chúng ta phản ứng quá gay gắt để giữ kín chúng? Các nhà nghiên cứu phân chia 13.000 bí mật thu thập được vào 38 loại thường gặp, và giới thiệu chúng đến 2.000 người tham gia mới. Những loại thông thường này bao gồm những thứ như nói dối, hãm hại người khác, sử dụng ma túy, trộm cắp, phụ lòng tin của ai đó, ngoại tình, sở thích bí mật và khuynh hướng tình dục...

     Có 38 loại bí mật phổ biến nhất.

    Có 38 loại bí mật phổ biến nhất.

    Khi những người tham gia được hỏi họ có đang nắm giữ những bí mật nào trong số những loại được kể không, nhóm nghiên cứu nhận ra một người trung bình hiện đang nắm giữ 13 trong số 38 loại bí mật thông thường – 5 điều trong số đó chưa bao giờ được họ tiết lộ với ai.

    Theo báo cáo nghiên cứu, 47% khả năng một trong số những bí mật của họ liên quan đến việc phụ lòng tin của ai đó; hơn 60% liên quan đến một lời nói dối hoặc sai lệch tài chính; và 33% liên quan đến trộm cắp, những quan hệ vụng trộm hay sự bất mãn trong công việc.

    Nhóm nghiên cứu sau đó hỏi những người tham gia, trong tháng vừa qua, tâm trí họ đã vô thức nghĩ về những bí mật ấy bao nhiêu lần, và bao nhiêu lần họ rơi vào những tình huống buộc phải che giấu chúng.

    Kết quả cho thấy một điều hoàn toàn bất ngờ: Tác động của bí mật có nhiều khả năng xảy ra trong suy nghĩ chủ quan hơn là trong các tình thế khách quan, có nghĩa là chúng ta dành nhiều tâm trí để nghiền ngẫm những bí mật của chính mình hơn là cố gắng hành động để che giấu chúng.

    Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy rằng không có sự liên quan nào giữa nội dung của bí mật với mức ảnh hưởng của nó đến con người. Nói cách khác, không có một “chuẩn mực đạo đức” nào nói rằng một số bí mật có hại hơn những cái khác.

    “Một bí mật động trời đến mức làm một người mất ăn mất ngủ, thì một người khác lại có thể rũ bỏ nó như không có gì” – Giáo sư Slepian khẳng định. “Rõ ràng nhân tố quyết định những ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe có xảy ra hay không chính là sự bận tâm của người đó với bí mật của họ. Khi phát hiện ra điều đó, tôi vỡ lẽ rằng trước giờ chúng ta đã nhìn nhận sai về những bí mật.”

    Điều này có nghĩa là những điều tiêu cực do bí mật gây ra thực tế không liên quan nhiều đến cảm giác tội lỗi tự bản thân chúng ta cảm nhận được khi cứ phải giấu giếm gia đình, bạn bè, mà vấn đề là ở sự bận tâm của chúng ta đối với chúng.

    Cho đến nay, nhiều nhà nghiên cứu vẫn đinh ninh rằng những tác động xấu của bí mật gây ra bởi sự nỗ lực che giấu chúng trong mệt mỏi. Nhưng nghiên cứu của giáo sư Slepian lại gợi ra một ý tưởng khác, khi nói đến bí mật, áp lực vì phải giấu giếm không ảnh hưởng nghiêm trọng như những gì người ta khẳng định trước đây.

     Chính sự bận tâm lo nghĩ của người ta đến bí mật là nguyên nhân gây ra những tác động xấu.

    Chính sự bận tâm lo nghĩ của người ta đến bí mật là nguyên nhân gây ra những tác động xấu.

    Sự cố gắng che đậy bí mật không liên quan mấy đến việc nhiều lần tâm trí người ta vô thức nghĩ đến bí mật của mình. Và chính suy nghĩ vô thức đó, chứ không phải ý định che giấu, làm họ cảm thấy tồi tệ.

    Trước đây, giáo sư Slepian cũng đã từng thực hiện một nghiên cứu về việc giữ bí mật ảnh hưởng thế nào đến sự nhìn nhận của con người về sự việc. Ông nhận ra “gánh nặng” của việc phải mang một bí mật thậm chí còn thật hơn khả năng xảy ra của chính bí mật đó, nó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thể chất.

    Khi những người tham gia được yêu cầu đánh giá độ dốc của một ngọn đồi hay độ dài của một khoảng cách, những người đang lo lắng với bí mật của mình đánh giá những ngọn đồi dốc hơn và khoảng cách dài hơn thực tế.

    Khi được yêu cầu ném những túi đậu vào mục tiêu, những người giữ bí mật liên tục ném túi đậu của họ, cho thấy rằng họ nghĩ nhiệm vụ khó khăn hơn thực tế.

    Khi mọi người đang bận lòng vì bí mật của họ, họ hành động như thể đang chịu đựng một “gánh nặng” thực sự.

    Những nghiên cứu tâm lí về việc giữ bí mật rất ít, chủ yếu là vì bản chất vấn đề đang được nghiên cứu. Còn gì là bí mật nếu bạn đi kể với một nhóm khoa học, có phải không?

    Nhưng như giáo sư Slepian đã nói, vì lợi ích chung, có thể sẽ tốt hơn nếu bạn nghĩ bí mật là những gì bạn có, chứ không phải những gì bạn phải khư khư giữ lấy.

    Nhiều người chúng ta có thể chưa bao giờ rơi vào cảm giác lúc nào cũng lo sợ những điều thầm kín của mình bị lộ ra. Nhưng sự lo lắng vẫn luôn thường trực ở đó, sau tâm trí chúng ta.

    Nếu chúng ta có thể biết được làm thế nào để đối phó với những bí mật, có lẽ “gánh nặng” mà chúng đè lên vai ta sẽ không còn quá nặng nề.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ