Khoa học đằng sau những tiếng gằn kỳ lạ mà con người phát ra

    zknight,  

    Theo một nghiên cứu năm 1999, hét lên khi nâng tạ không giúp ích cho việc tăng sức mạnh.

    Mỗi khi mẹ tôi cúi xuống nhặt một đồ vật nào đó rơi dưới đất, bà thường thở ra một tiếng "Ài". Bố tôi cũng vậy, nhưng đó là khi ông đang ngồi yên ổn mà phải đứng dậy khỏi ghế sofa.

    Điều gì đã xảy ra với tuổi trung niên vậy? Những tiếng gằn, những tiếng thở hắt mà một thanh niên chỉ phát ra khi đẩy tạ trong phòng gym - đến tuổi trung niên, lại xuất hiện ở cả những hoạt động thường ngày.

    Tại sao chúng ta phát ra những âm thanh đó? Và nó có khiến cho nhiệm vụ trở nên dễ dàng hơn, giống một võ sĩ đang thi đấu liên tục hét lên hay không?

    Hóa ra, đằng sau những tiếng gằn và la hét có một khoa học khá thú vị.

    Khoa học đằng sau những tiếng gằn kỳ lạ mà con người phát ra - Ảnh 1.

    Mỗi khi mẹ tôi cúi xuống nhặt một đồ vật nào đó rơi dưới đất, bà thường thở ra một tiếng "Ài"

    Cứng người, ém khí, và thở

    Để ý thật kỹ bạn sẽ thấy, bất kể khi nào bạn nâng một vật nặng, thực hiện các động tác nhanh (ví dụ như đánh một quả bóng tennis), hay đơn thuần là khi đang ngồi mà bạn đứng dậy khỏi ghế, người bạn ngay lập tức sẽ phản ứng để cứng lại.

    Đó là một phản xạ vô điều kiện giúp bạn ổn định toàn bộ cơ thể. Giả sử không có phản ứng cứng người đó mà bạn cứ thả lỏng để đứng dậy hay quật vợt tennis, người bạn sẽ trở nên mềm yếu, dễ mất thăng bằng, vì vậy làm tăng nguy cơ té ngã.

    Vậy phản ứng diễn ra như thế nào? Thông thường bạn sẽ hít một hơi đầy phổi, làm căng tất cả các cơ toàn thân để giữ ổn định cột sống. Bạn đưa tay về phía trước để lấy động lực. Trong khi thay đổi tư thế, bạn sẽ nín thở để duy trì sự ổn định.

    Sau đó, tùy vào tính chất nhiệm vụ mà bạn sẽ thở ra một cách dứt khoát hoặc chậm rãi.

    Ví dụ với các động tác đòi hỏi tốc độ thực hiện nhanh (ném bóng, đấm bốc), chúng ta sẽ thở ra rất nhanh. Những động tác chậm hơn như đứng dậy khỏi ghế, đẩy một thanh tạ sẽ khiến bạn thở chậm hơn.

    Cùng với quá trình này, toàn bộ các cơ trên người bạn sẽ có xu hướng bị kéo vào cùng chuyển động. Cơ rung của dây thanh âm cũng không loại lệ. Đó là hai dải cơ mở trong khí quản của bạn.

    Khi bạn hít vào cơ thanh âm có xu hướng thả lỏng đôi khi tạo ra tiếng huýt. Ngược lại, khi thực hiện các động tác mạnh hoặc thay đổi tư thế lớn, bạn thở ra sau khi ém khí khiến dây thanh âm có xu hướng tạo ra những tiếng rung, tiếng gằn.

    Và đó là nguồn gốc của những tiếng kỳ lạ mà chúng ta hay có xu hướng phát ra.

    Khoa học đằng sau những tiếng gằn kỳ lạ mà con người phát ra - Ảnh 2.

    Bạn thở ra sau khi ém khí khiến dây thanh âm có xu hướng tạo ra những tiếng rung, tiếng gằn.

    Gằn hoặc la hét có giúp bạn làm tốt hơn?

    Trong khi gằn là một phản ứng khá tự nhiên, nhiều người có xu hướng thúc đẩy nó một cách thái quá. Hãy nghĩ đến những hội viên ồn ào trong phòng gym của bạn, những người phải gằn to thậm chí la hét khi đẩy tạ.

    Năm 2006, một hội viên của câu lạc bộ thể hình Planet Fitness đã bị từ chối phục vụ chỉ bởi lý do anh ta gằn và la hét quá lớn khi tập luyện. Điều này dấy lên một cuộc tranh luận trong cộng đồng và công chúng: Liệu gằn và la hét có phải là một quyền, và nó có thực sự giúp tăng sức mạnh hay không?

    Ngay cả các nhà khoa học cũng chưa có câu trả lời dứt khoát. Theo một nghiên cứu năm 1999, hét lên khi nâng tạ không giúp ích cho việc tăng sức mạnh. Dù người tham gia có dead lift trong im lặng hay gằn giọng lên, họ cũng chỉ nâng được cùng một mức tạ bằng nhau mà thôi.

    Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2011 lại cho thấy la hét đã giúp các võ sĩ nắm tay chặt hơn và tung ra những cú đấm với lực mạnh hơn.

    Năm 2014, một nghiên cứu tiếp tục chỉ ra những vận động viên quần vợt có được những cú giao bóng mạnh hơn và những cú đánh thuận tay khi họ được phép hét lên thay vì bị yêu cầu im lặng.

    Vì vậy, có vẻ như việc tạo ra những âm thanh đi kèm với hoạt động của bạn sẽ giúp ích trong một số trường hợp. Trong một số trường hợp khác thì lại không. Hãy nghĩ về Roger Federer, anh ấy nổi tiếng là một người chơi tennis trong im lặng.

    Khoa học đằng sau những tiếng gằn kỳ lạ mà con người phát ra - Ảnh 3.

    Roger Federer nổi tiếng là một người chơi tennis trong im lặng.

    Còn với các hoạt động hàng ngày thì sao?

    Rõ ràng, tiếng hét của các tuyển thủ tennis khi họ thực hiện một đường bóng nhanh rất khác với tiếng ồn chúng ta tạo ra khi tập gym hoặc khi đứng dậy khỏi ghế.

    Nhiều khả năng, trong cuộc sống thường ngày chúng ta sẽ gằn lên khi cảm thấy mệt mỏi. Hay nếu bạn nghĩ rằng mình sắp đối mặt với một tình huống khó khăn về mặt thể chất, bạn cũng sẽ vô thức gằn lên trước đó.

    Bạn nín thở, cố gắng dồn lực của mình để có được sự ổn định. Sau đó, bạn phát ra những âm thanh.

    Mặc dù chưa có nghiên cứu về hiện tượng này, nhưng có thể đoán được việc gằn giọng đi kèm với một nỗ lực thể chất dường như chỉ là một thói quen. Có thể bạn học được hành vi này từ đâu đó, bắt chước bạn bè và người thân và bắt đầu nhiễm nó mà không nhận ra.

    Vì vậy, trong lần dead lift tới ở phòng gym hoặc khi bạn đứng dậy khỏi ghế, hãy thử im lặng và thực hiện xem sao?

    Tham khảo Theconversation, Businessinsider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ