Khuyến khích người dùng dữ liệu di động

    Ngô Lê, Người lao động 

    Hiện còn rất nhiều thuê bao di động ở Việt Nam vẫn chưa sử dụng dữ liệu di động

    Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng tốc chuyển đổi số toàn diện trên quy mô quốc gia, việc khuyến khích người dùng di động sử dụng dữ liệu không chỉ là nhu cầu kinh doanh của các nhà mạng di động mà phải trở thành yêu cầu của nhà nước.

    Nhiều thuê bao di động chỉ gọi, nhắn tin

    Trong tiến trình xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số…, việc khai thác và sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả đóng vai trò rất quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số thành công. Trong đó, có việc sử dụng dữ liệu từ phía người dùng di động để thực hiện các dịch vụ online.

    Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 31-3-2022 có đặt ra mục tiêu về phát triển xã hội số (tức xã hội tích hợp công nghệ số vào mọi mặt đời sống). Theo đó, người dân được kết nối, có khả năng tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, thói quen số và văn hóa số.

    Việt Nam luôn là một trong những nước có tỉ lệ người dân dùng internet và thiết bị di động hàng đầu thế giới. Theo báo cáo Digital 2022: Vietnam của DataReportal, Việt Nam vào tháng 1-2022, có 98,5 triệu dân nhưng có tới 72,1 triệu người dùng internet (chiếm 73,2% tổng số dân), tăng 3,4 triệu người trong một năm. Trong khi đó, theo dữ liệu từ GSMA Intelligence, có 156 triệu kết nối điện thoại di động ở Việt Nam vào đầu năm 2022 (tương đương 158,3% tổng số dân). Tuy nhiên, hiện còn rất nhiều thuê bao di động (TBDĐ) ở Việt Nam vẫn chưa sử dụng dữ liệu di động. Có nghĩa là người dùng chỉ sử dụng điện thoại di động với chức năng gọi và nhắn tin SMS.

    Theo thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT-TT), tính đến tháng 4-2022, số TBDĐ chỉ sử dụng chức năng gọi và nhắn tin lên tới 45,2 triệu thuê bao. Cụ thể, tổng số TBDĐ có phát sinh lưu lượng là 123,87 triệu thuê bao, trong đó tổng số thuê bao đang hoạt động có sử dụng dữ liệu là 78,66 triệu thuê bao (gồm 71,1 triệu thuê bao trả trước và 7,5 triệu thuê bao trả sau). Còn lại là thuê bao chỉ dùng thoại và tin nhắn (41,5 triệu thuê bao trả trước và 3,6 triệu thuê bao trả sau). Đáng lưu ý, trong số hơn 45 triệu TBDĐ chỉ gọi và nhắn tin, không chỉ có các thuê bao sử dụng điện thoại chức năng (hiện có khoảng 10 triệu thuê bao), còn lại là các thuê bao điện thoại thông minh (smartphone) nhưng không dùng dữ liệu. Do đó, việc dữ liệu hóa di động sẽ phải tiến hành song song 2 việc: chuyển điện thoại chức năng thành smartphone và khuyến khích người dùng smartphone sử dụng dữ liệu.

    Dịch vụ phải thu hút người dùng

    Một trong những mục tiêu trong chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 chính là phổ cập mạng di động 4G/5G và smartphone tới từng người dân.

    Bộ TT-TT đã đưa số TBDĐ đang dùng điện thoại chức năng vào các kế hoạch chuyển đổi lên smartphone trong lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Bộ này cũng đặt mục tiêu đến tháng 12-2022, chỉ còn 5% TBDĐ dùng điện thoại chức năng (tức khoảng 6 triệu thuê bao), giảm 20% so với thời điểm năm 2021. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt tỉ lệ 80% dân số trưởng thành có smartphone; 80% hộ gia đình được phủ mạng internet băng rộng cáp quang; 90% dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử...

    Theo các chuyên gia, cần tạo điều kiện và khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ số, dịch vụ online, bao gồm các dịch vụ chung của xã hội và các dịch vụ hành chính công. Khi công cuộc chuyển đổi số được phủ rộng và sâu hơn, các dịch vụ số sẽ tăng trưởng rộng khắp mọi lĩnh vực cuộc sống xã hội. Thậm chí, người dùng phải online để sử dụng dữ liệu di động giao dịch các dịch vụ hành chính công. Mặt khác, các dịch vụ online phải chứng tỏ được lợi ích vượt trội so với phương thức truyền thống mới thu hút người dân tham gia sử dụng.

    Các cơ quan chính quyền và các doanh nghiệp, các nhà mạng di động cần có sự phối hợp chặt chẽ để xây dựng các dịch vụ online đa dạng, các gói dịch vụ thu hút người dùng sử dụng dữ liệu di động. Cụ thể là xây dựng các gói cước linh hoạt phù hợp cho các đối tượng và nhu cầu sử dụng, kết hợp với các chương trình khuyến mãi thiết thực và có định hướng người dùng.

    TP HCM cung cấp 100% dịch vụ công online toàn phần vào tháng 10

    Tại hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính (CCHC) 6 tháng đầu năm 2022 và phân tích, đánh giá các chỉ số liên quan CCHC năm 2021 của thành phố do UBND TP HCM tổ chức sáng 12-8, theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TP HCM, vào tháng 10 sắp tới, thành phố sẽ hoàn thành cổng dịch vụ công. Cổng này sẽ cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn phần với các thủ tục hành chính đủ điều kiện. Cụ thể là cung cấp 403 DVCTT theo quyết định của UBND thành phố và 25 dịch vụ công thiết yếu theo đề án 06.

    Với hệ thống thông tin một cửa điện tử, sở này sẽ thiết lập 1.454 thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành và các địa phương để người dân nộp hồ sơ trực tiếp và trực tuyến. Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử từ tháng 10 sẽ trở thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất của toàn thành phố. Hệ thống này sẽ kết nối với cổng dịch công quốc gia và hệ thống xác thực định danh. Việc tăng cường và mở rộng các DVCTT sẽ vừa tạo điều kiện vừa tạo nhu cầu cho người dân dùng dữ liệu di động.



    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ