Liệu pháp trao đổi chất: Chúng ta có thể ăn kiêng để bỏ đói tế bào ung thư được hay không?

    zknight,  

    Nếu bạn đọc trong một cuốn sách hoặc bài viết nào đó trên mạng xã hội nói một chế độ ăn hoặc một loại thực phẩm chức năng nào đó giúp tiêu diệt mọi loại tế bào ung thư – hãy cẩn thận.

    Chúng ta biết rằng tế bào ung thư phát triển trong cơ thể mà không tuân theo những quy luật tự nhiên vốn có. Để có được năng lượng phân chia và tăng trưởng, tế bào ung thư chuyển hóa các chất dinh dưỡng theo những con đường rất khác so với tế bào khỏe mạnh thông thường.

    Trong nỗ lực tiêu diệt khối u mà không giết chết các tế bào khỏe mạnh, các loại thuốc hóa trị nhắm mục tiêu phá hủy các con đường sống của tế bào ung thư. Điều này thực sự rất khó khăn, tốn kém và hiện vẫn đang tạo ra những tác dụng phụ không thể tránh khỏi đối với bệnh nhân.

    Mặt trái của hóa trị khiến các bác sĩ phải bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về các chất dinh dưỡng cụ thể nào đang nuôi dưỡng khối u. Lĩnh vực nghiên cứu này đang nắm giữ rất nhiều bí mật, chẳng hạn như: 

    Liệu cách chúng ta ăn uống có ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của ung thư? Liệu có chế độ dinh dưỡng nào bỏ đói và giết chết được khối u, mà không khiến bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, hay thậm chí bị đói hay không?

    Liệu pháp trao đổi chất: Chúng ta có thể ăn kiêng để bỏ đói tế bào ung thư được hay không? - Ảnh 1.

    Liệu có chế độ dinh dưỡng nào bỏ đói và giết chết được khối u ung thư không?

    "Đã có một thời gian dài, đa số mọi người nghĩ rằng sự biến đổi chuyển hóa xảy ra bên trong tế bào ung thư là kết quả của các gen và đột biến quy định quá trình trao đổi chất", Jason Locasale, một nhà sinh học ung thư tại Đại học Duke cho biết. 

    "Nhưng bây giờ, như chúng ta đã biết, sự biến đổi đó là kết quả của một sự tương tác phức tạp giữa môi trường và gen, một trong những yếu tố chính tham gia vào tương tác này lại chính là dinh dưỡng".

    Tầm quan trọng của dinh dưỡng từ lâu đã được thừa nhận đối với các căn bệnh khác như tiểu đường và tăng huyết áp. Chẩn đoán các căn bệnh này thường đi kèm với không chỉ đơn thuốc mà còn cả một chế độ ăn kiêng dành cho bệnh nhân.

    Ngay cả loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất cho bệnh nhân tiểu đường type 2 hiện nay, metformin, cũng tỏ ra kém hiệu quả hơn phương pháp ăn kiêng và luyện tập thể dục. Điều này thậm chí đã được chứng minh trong các thử nghiệm lâm sàng.

    Vậy là đối với nhiều căn bệnh, chế độ dinh dưỡng còn có tác dụng hơn cả thuốc. Các nhà sinh học tế bào như Locasale coi việc áp dụng ý tưởng này sang ung thư là một bước đi hợp lý, bởi vì ở cấp độ tế bào, ung thư cũng là một căn bệnh của quá trình trao đổi chất.

    Một số nghiên cứu gần đây gợi ý bệnh nhân ung thư nên giảm ăn đường. Thật vậy, một số tế bào ung thư chuyển hóa glucose ở mức cao hơn mức bình thường (để hỗ trợ quá trình glycolysis hiếu khí), và làm giảm khả năng tiếp cận đường của chúng có thể làm chậm sự tăng trưởng của khối u.

    Liệu pháp trao đổi chất: Chúng ta có thể ăn kiêng để bỏ đói tế bào ung thư được hay không? - Ảnh 2.

    Không đơn giản để lý luận rằng: "Tế bào ung thư ăn đường, vì vậy chúng ta đừng ăn đường nữa thì sẽ ngăn chặn được ung thư".

    Năm ngoái, Siddhartha Mukherjee, nhà nghiên cứu đến từ Đại học Columbia đã phát hiện chế độ ăn keto giảm đường, bổ sung nhiều protein và chất béo đã làm tăng hiệu quả của ít nhất một loại thuốc hóa trị trên bệnh nhân ung thư.

    Trong kết quả công bố trên tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu cho rằng hiệu quả đó có liên quan đến việc giảm mức độ insulin mà tuyến tụy giải phóng vào máu để đáp ứng với chế độ ăn uống.

    Thế nhưng ngược lại, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Signaling kết luận rằng chỉ có một số tế bào ung thư nhạy cảm với glucose, và cơ chế cơ bản của sự nhạy cảm này là không rõ ràng. 

    Nói cách khác, chế độ ăn ít đường có thể giúp chống lại một số bệnh ung thư, nhưng chắc chắn nó không đơn giản để lý luận rằng: "Tế bào ung thư ăn đường, vì vậy chúng ta đừng ăn đường nữa thì sẽ ngăn chặn được ung thư".

    Bên cạnh đường và insulin, nhiều nghiên cứu đã tập trung vào protein trong chế độ ăn uống, hay cụ thể là các axit amin riêng biệt tạo nên protein đó. Các nghiên cứu này đã chỉ ra rằng việc hạn chế các axit amin serine và glycine có thể ảnh hưởng tích cực đến kết quả điều trị ung thư.

    Theo một nghiên cứu năm 2018 trên tạp chí Nature, thuốc hóa trị methotrexate bị ảnh hưởng bởi axit amin histidine. Một loại axit amin khác, asparagine, có liên quan đến sự tiến triển của ung thư vú di căn.

    Liệu pháp trao đổi chất: Chúng ta có thể ăn kiêng để bỏ đói tế bào ung thư được hay không? - Ảnh 3.

    Các loại thực phẩm chứa ít và nhiều methionine

    Đáng chú ý nhất trong số các nghiên cứu này là methionine, một axit amin được tìm thấy rất nhiều trong trứng và thịt đỏ.

    Năm 2018, một nghiên cứu của Viện Ung thư Rutgers đã cho thấy giảm methionine trong chế độ ăn là một chiến lược chống lại ung thư đầy hứa hẹn. Một nghiên cứu vừa xuất bản tháng 2 năm 2019 của bác sĩ phẫu thuật Robert Hoffman đến từ Đại học California cũng cho thấy giảm methionine có tác dụng kìm hãm ung thư não.

    Methionine được tạo ra trong các tế bào bình thường, từ các nguyên liệu bao gồm homocysteine, folate và vitamin B12. 

    Tuy nhiên, nhiều loại tế bào ung thư bị thiếu hụt enzyme khiến cho việc sản xuất methionine không xảy ra. Vì vậy, chúng cần thêm methionine từ bên ngoài cơ thể thông qua thức ăn chúng ta ăn để sống. Cắt nguồn cung cấp đó, khối u ung thư sẽ bị chặn lại và không làm chết người.

    Tháng 5 này, Locasale và các đồng nghiệp của ông tại Đại học Duke đã công bố một nghiên cứu mới nữa cho thấy hạn chế ăn methionine làm giảm sự phát triển khối u ở cả mô hình thử nghiệm trên chuột và trên người.

    Kết quả nghiên cứu của Locasale đặc biệt được chú ý, bởi nó dựa trên những phân tích chất chuyển hóa chính xác, cho phép theo dõi các lộ trình trao đổi chất cụ thể, chứ không như các nghiên cứu dinh dưỡng trước đây, dựa trên những gì bệnh nhân tự báo cáo.

    "Về cơ bản, chúng tôi có thể định lượng được những gì xảy ra trong các tế bào", Locasale nói. 

    Liệu pháp trao đổi chất: Chúng ta có thể ăn kiêng để bỏ đói tế bào ung thư được hay không? - Ảnh 4.

    Chế độ ăn keto

    Hạn chế methionine, theo nghiên cứu của Locasale, có thể được thực hiện qua một chế độ ăn thuần chay. Điều này dường như rất mâu thuẫn với các tác dụng chống ung thư được báo cáo bởi Mukherjee và các đồng nghiệp, liên quan đến chế độ ăn kiêng keto với nhiều thịt và chất béo.

    Nhưng Mukherjee thậm chí lại lên tiếng ủng hộ nghiên cứu mới của Locasale. "Có nhiều bằng chứng khác về mối liên hệ hấp dẫn giữa chế độ ăn kiêng và bệnh ung thư", ông ấy viết trên Twitter. "Đừng tìm cách bỏ đói ung thư, mà hãy tìm ra những lỗ hổng chính xác giúp cho các liệu pháp trao đổi chất trở nên khả thi".

    Để giải quyết mâu thuẫn này, bây giờ chúng ta phải đặt cho việc sử dụng thực phẩm và ăn kiêng trong điều trị ung thư một cái tên: liệu pháp trao đổi chất.

    Bởi vì ung thư là một thuật ngữ gói gọn cho nhiều bệnh khác nhau, với những thay đổi khác nhau trong quá trình trao đổi chất, xảy ra ở các tế bào khác nhau, ở các bộ phận khác nhau của cơ thể, không có liệu pháp trao đổi chất nào phù hợp cho tất cả mọi người nói chung.

    Ngay cả với các căn bệnh khác cũng vậy. Bạn có thể thấy đường không hề tốt cho một bệnh nhân tiểu đường, nhưng nó lại có thể cứu mạng một người đang bị hạ đường huyết. Việc bổ sung vitamin B12 có thể ngăn ngừa bệnh thiếu máu ở một số người. Tuy nhiên, dư thừa vitamin B12 lại có thể dẫn đến nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn.

    Một lần nữa, những nghịch lý này cũng có thể xuất hiện trong con đường trao đổi chất mà các tế bào ung thư sử dụng để lấy năng lượng phát triển.

    Liệu pháp trao đổi chất: Chúng ta có thể ăn kiêng để bỏ đói tế bào ung thư được hay không? - Ảnh 5.

    Nếu bạn đọc trong một cuốn sách hoặc bài viết nào đó trên mạng xã hội nói một chế độ ăn hoặc một loại thực phẩm chức năng nào đó có thể giúp tiêu diệt mọi loại tế bào ung thư – hãy cẩn thận.

    Chất dinh dưỡng hoặc vitamin không chỉ đơn giản là tốt hay xấu, gây ung thư hay chống ung thư. Vì vậy, nếu bạn đọc trong một cuốn sách hoặc bài viết nào đó trên mạng xã hội nói một chế độ ăn hoặc một loại thực phẩm chức năng nào đó có thể giúp tiêu diệt mọi loại tế bào ung thư – hãy cẩn thận.

    Thực hành theo đó có thể khiến căn bệnh trở nặng hơn. Thực phẩm cũng chính là thuốc – hay bây giờ là liệu pháp trao đổi chất. Nhưng không có liệu pháp trao đổi chất nào tốt hay xấu được áp dụng đối với tất cả mọi người trong mọi trường hợp.

    Bởi vậy, trừ khi chính miệng các bác sĩ ung thư tư vấn một chế độ ăn uống cụ thể, dựa trên bằng chứng khoa học dành cho một bệnh ung thư cụ thể, khuyến nghị phổ biến nhất dành cho mọi bệnh nhân lúc này là hãy ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, tuân thủ các khuyến cáo dinh dưỡng nói chung.

    Tham khảo Theatlantic

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày