Lỗi 'Flexgate' trên Macbook Pro thực sự là vấn nạn, rất nhiều người đang bị, Apple cần phải công nhận điều đó
Màn hình của hàng trăm chiếc MacBook Pro đang gặp hiện tượng hỏng đèn nền, nhưng Apple vẫn 'ngoảnh mặt làm ngơ'.
Bài viết là chia sẻ của Vlad Savov tại trang The Verge
Tôi có một chiếc MacBook Pro Late-2016, và giống rất nhiều người đã phàn nàn trên mạng thì chiếc máy của tôi đã bị hỏng đèn nền màn hình, hay còn được gọi là hiện tượng 'Flexgate'. Hiện tượng này đã được trang iFixit lí giải một cách đơn giản: dây nối giữa bo mạch chủ và màn hình của các dòng máy MacBook Pro mới được làm quá ngắn, cọ vào các thành phần khác trong quá trình đóng mở máy, và lâu ngày sẽ bắt đầu đứt dẫn đến hiện tượng đèn nền chỗ sáng chỗ tối. Để khắc phục tình trạng này, người dùng sẽ phải thay toàn bộ cụm màn hình thay vì chỉ một sợi dây, vì Apple đã gắn chết dây vào màn hình mất rồi!
Sở hữu một chiếc MacBook đối với tôi là một điều gần như không tưởng trong những năm còn ngồi trên ghế nhà trường. Chỉ khi đi làm, có thu nhập ổn định tôi mới dám mua một chiếc laptop của Apple. Và đúng là 'tiền nào của nấy', những chiếc MacBook tuy đắt nhưng quả thực có thiết kế tuyệt vời, độ bền cao, pin sử dụng trong thời gian dài, track-pad lớn và đặc biệt là màn hình rất đẹp. Hệ thống hỗ trợ hậu mãi của Apple luôn luôn làm các hãng khác như Dell, HP và Lenovo phải 'ngước nhìn'.
Video giới thiệu về Flexgate (hiện tượng hỏng đèn nền) từ iFixit
Tôi cảm thấy may mắn vì chiếc MacBook của mình vẫn được bảo hành, vì lúc mua tôi đã chi thêm một khoản cho AppleCare trị giá 520 USD. Thế nhưng đối với những người mua dòng máy Early-2017 thì lại gặp tình huống hoàn toàn ngược lại.
Theo trang iFixit thì hiện tượng Flexgate sẽ ảnh hưởng tới tất cả các dòng máy sử dụng sợi dây ngắn, nên dù sớm hay muộn thì máy cũng có bị hỏng đèn nền. Thế nhưng có rất nhiều máy chỉ hỏng khi thời gian bảo hành 2 năm của họ đã kết thúc. Điều này đồng nghĩa với việc ngay sau khi máy của bạn hết bảo hành thì bạn sẽ phải chi một số không hề nhỏ để sửa một thành phần tối quan trọng - màn hình.
Apple có vẻ cũng đã biết về tình trạng này, khi trong một báo cáo gần đây ta biết được rằng hãng đã thay đổi thiết kế để sợi dây màn hình dài hơn 2mm, tránh bị cọ vào các thành phần khác trong máy. Apple thực hiện thay đổi thiết kế mà không thông báo với bất cứ ai, lại một lần nữa khẳng định hãng không muốn công nhận lỗi đã diễn ra.
Một đơn kiến nghị có hơn 15.000 chữ kí đã được lập ra để đòi Apple phải thực hiện công nhận Flexgate, và sửa những chiếc máy MacBook Pro đã gặp lỗi. Và theo tôi thì Apple nên làm điều đó, khi hãng đã quảng cáo bản thân trong nhiều năm rằng mình luôn đặt niềm tin và sự hài lòng của khách hàng lên hàng đầu. Không bất cứ ai cần phải trả số tiền lên tới 500 USD để sửa một lỗi do sự bất cẩn của Apple.
Tôi đã gửi thư và gọi điện nhiều tới hãng lần để hỏi ý kiến về vấn đề này, nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào. Những cơ sở của Apple tại Mỹ, Anh, đặc biệt là nơi tôi thường xuyên ghé thăm là Apple Covent Garden tại London dường như đều không hay biết về vấn đề này. Tình hình còn tồi tệ hơn, khi có những bài đánh giá tiêu cực về MacBook Pro gặp hiện tượng Flexgate bị hãng xóa bỏ khỏi website của mình.
Apple, là một hãng công nghệ lớn đáng ra phải khôn ngoan hơn vậy! Nhưng ngược lại, họ chọn cách phớt lờ lỗi phát sinh của sản phẩm, tương tự như vấn đề về bàn phím cánh bướm hay pin bên trong iPhone trong quá khứ. 2 lỗi này cuối cùng cũng đã nhận được câu trả lời chính đáng, nhưng sự chậm trễ cũng đã làm nhiều người tức giận và mất niềm tin vào 'Táo'. Lỗi Bendgate, khi người dùng có thể bẻ cong chiếc iPhone 6 một cách dễ dàng thì ngược lại, vô cùng nghiêm trọng nhưng bị hãng bỏ quên hoàn toàn.
Tôi không cảm thấy việc Flexgate xảy ra có gì to tát, vì lỗi phần cứng trong các sản phẩm công nghệ xảy ra rất thường xuyên. Nhưng điều khác biệt giữa các hãng đó là cách họ xử lý tình huống, cung cấp dịch vụ sửa chữa để giữ chữ tín của bản thân và đảm bảo sự hài lòng của khách hàng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming