Low-fat hay Low-carb? Nghiên cứu cho thấy ăn giảm cân kiểu truyền thống hay hiện đại đều cho kết quả như nhau
Tất cả tình nguyện viên đều giảm được hơn 5kg sau 1 năm.
Trong một nghiên cứu dài hạn, các nhà khoa học nhận thấy cả chế độ ăn low-carb (giảm carbohydrate) và low-fat (giảm chất béo) đều cho hiệu quả giảm cân như nhau. Điều này xảy ra bất kể xét nghiệm gen đề xuất tình nguyện viên nên tuân theo một trong hai chế độ này để có hiệu quả tốt hơn.
Nghiên cứu thực hiện bởi Đại học Stanford đã giáng một cú đấm vào hi vọng của một số nhà sinh học, những người muốn khai thác thông tin di truyền, nhằm thiết kế lên chế độ ăn cá nhân hóa cho từng người.
Trước đây, đã có một số nghiên cứu ủng hộ ý tưởng này, khi các nhà khoa học tìm ra được một số dấu hiệu cụ thể trong gen, liên quan đến quá trình trao đổi chất. Điều này có khả năng giải thích tại sao một số người giảm cân dễ dàng còn một số người khác phải vật lộn với một chế độ ăn tương tự.
Các công ty công nghệ sinh học thậm chí đã bắt đầu cung cấp các loại hình xét nghiệm DNA, nhằm giúp mọi người điều chỉnh thực đơn theo dấu hiệu di truyền của mình, nhằm đạt được mục đích giảm cân hiệu quả hơn.
Nhưng sau nghiên cứu này, có lẽ mọi thứ phải được xem xét lại.
Low-fat hay Low-carb? Ăn kiêng kiểu truyền thống hay hiện đại đều cho kết quả như nhau
Thiết kế thí nghiệm
Nghiên cứu được dẫn đầu bởi nhà dinh dưỡng Christopher Gardner. Trong đó, ông và các đồng nghiệp đã tuyển chọn 609 người tham gia. Họ là những người thừa cân và béo phì từ 18 đến 50 tuổi, có chỉ số BMI nằm trong khoảng từ 28 đến 40. Cân nặng trung bình của nhóm tình nguyện viên là khoảng 96kg.
Các nhà khoa học phân chia ngẫu nhiên họ thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất gồm 305 người được chỉ định ăn chế độ low-fat. Nhóm thứ 2 gồm 304 người còn lại sẽ ăn low-carb.
Thí nghiệm này kéo dài trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, tình nguyện viên không bị theo dõi chặt hoặc bắt buộc tuân theo một chế độ ăn cứng nhắc. Điều này giúp nghiên cứu tạo ra được một môi trường, trong đó, mô hình ăn uống của tình nguyện viên trở nên thực tế và tự nhiên hơn.
Thêm vào đó, các tình nguyện viên được mời đến tham dự những lớp học dinh dưỡng kéo dài, với 2 giáo trình thiết kế riêng cho 2 nhóm. Tại đây, các chuyên gia dinh dưỡng có kinh nghiệm sẽ hướng dẫn họ ăn uống đúng theo thử nghiệm của nhóm mình mà không hề cảm thấy bị ép buộc. Tình nguyện viên cũng sẽ có kiến thức và thu nhận được những lời khuyên về chế độ dinh dưỡng và ăn uống lành mạnh nói chung.
Ví dụ, nhóm ăn low-fat được các chuyên gia khuyến cáo nên tránh dầu, thịt béo, sữa bột và các loại hạt. Trong khi đó, nhóm low-carb được cảnh báo tránh ăn ngũ cốc, rau củ giàu tinh bột và đậu.
Tuy nhiên, cả hai nhóm sẽ nhận được những lời khuyên chung để: "(1) tối đa hóa lượng rau ăn vào; (2) giảm thiểu lượng đường, tinh bột và chất béo chuyển hóa (đồng phân trans); (3) tập trung vào các thực phẩm nguyên chất được chế biến ở mức tối thiểu, giàu dinh dưỡng, và tốt nhất là nên tự nấu ăn tại nhà, bất cứ khi nào có thể".
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng củng cố tinh thần cho họ - điều này có thể tránh được các hiệu ứng tâm lý không tốt khi ăn kiêng, ví dụ như stress- và cho họ những lời khuyên có thể giúp việc ăn kiêng dễ chịu và thoải mái hơn – chẳng hạn như thiết lập các mục tiêu cụ thể.
Mặt khác, các tình nguyện viên cũng vẫn phải được giao cho những mục tiêu chung. Chẳng hạn như các thành viên của nhóm low-carb phải cố gắng để ăn chỉ 20 gram carb mỗi ngày, kéo dài trong tám tuần đầu tiên.
Tương tự, những người ăn low-fat cũng phải giảm lượng chất béo tiêu thụ hàng ngày xuống còn 20 gram trong tám tuần đầu tiên. Sau đó, cả hai nhóm được hướng dẫn để tìm ra mức carb và chất béo thấp nhất mà họ có thể duy trì gần như là mãi mãi.
Liệu low-fat hay low-carb có hiệu quả hơn? Các nhà nghiên cứu cho biết chúng có tác dụng như nhau
Kết quả: Một cú đấm vào ý tưởng cá nhân hóa dinh dưỡng
Kết quả khảo sát cho thấy cả hai nhóm đều đã cắt giảm carb và chất béo. Nhưng bình quân mà nói, họ không giữ được mục tiêu của mình. Trước khi bắt đầu thí nghiệm, những người ăn low-carb báo cáo họ ăn trung bình 246,5 gram carb mỗi ngày. Sau khi hoàn thành 8 tuần giảm carb xuống còn 20 gram/ngày, họ đã tăng lượng carb lên 97 gram/ngày vào tháng thứ 3 và tăng tới 132 gram vào thời điểm kết thúc thử nghiệm.
Tương tự, những người ăn low-fat tiêu thụ trung bình 87 gram chất béo mỗi ngày ở điểm khởi đầu. Họ đã giảm xuống 20 gram trong 8 tuần bắt buộc, nhưng lại tăng con số lên 42 gram sau ba tháng và đạt tới 57 gram chất béo mỗi ngày vào thời điểm cuối cùng của thử nghiệm.
Mặc dù các nhà nghiên cứu không khuyến cáo các tình nguyện viên đếm hoặc cắt giảm calo, nhưng cả hai nhóm đã đều giảm từ 500 đến 600 kcal tiêu thụ mỗi ngày trong suốt quá trình nghiên cứu.
Kết quả cuối cùng là: mỗi tình nguyện viên trong nhóm ăn low-carb đã giảm trung bình khoảng 13,2 pound (5,99 kg). Trong khi đó, nhóm ăn low-fat giảm trung bình 11,7 pound (5,3 kg) mỗi người. Sự chênh lệnh này giữa hai nhóm được các nhà khoa học cho là không có ý nghĩa thống kê.
Nhưng, có một sự khác biệt lớn giữa các thành viên của các nhóm. Một số người ăn kiêng đã giảm tới 60 pound (27,2 kg), trong khi ở phía ngược lại, một số người khác lại tăng hơn 20 pound (9,07 kg).
Để biết liệu di truyền học có giúp giải thích được sự thiên lệch lớn này hay không, các nhà nghiên cứu đã phân tích 3 gen liên quan đến sự trao đổi chất béo và carbohydrate. Các nghiên cứu trước đây đã gợi ý rằng một số khác biết ở các gen này có thể dự đoán trước liệu chế độ ăn kiêng có thành công với họ hay không.
Trong số 304 người ăn low-carb, 97 người (32%) có kiểu gen phù hợp để ăn low-carb, 114 người (37,5%) có kiểu gen không phù hợp với low-fat, và phần còn lại có kiểu gen phù hợp. Trong số 305 người ăn kiêng low-fat, 130 người (42%) có kiểu gen phù hợp với chế độ ăn này, trong khi 83 người (27%) không có gen phù hợp với low-carb.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra lại dữ liệu để xem những người có kiểu gen phù hợp với từng chế độ ăn có giảm cân hiệu quả hơn khi họ ăn đúng chế độ của họ? Nhưng kết quả bất ngờ là họ không hề. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về thành công hay thất bại giữa các kiểu gen ở cả hai nhóm ăn kiêng.
Các nhà nghiên cứu cũng thu thập dữ liệu về hooc-môn insulin từ những người tham gia, để xem nó có thể dự đoán kết quả của việc ăn kiêng hay không. Ý tưởng dự đoán là những người mà cơ thể họ không tiết ra đủ insulin – hooc-môn liên quan đến chuyển hóa carbohydrate - có thể giảm cân tốt hơn khi thực hành low-carb.
Nhưng kết quả cũng không phải. Sự tiết insulin không liên quan đến các kết quả giảm cân tốt hơn hoặc tồi tệ hơn là tăng cân trở lại. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu kết luận sự khác biệt trong di truyền hay các xét nghiệm insulin không "hữu ích trong việc xác định chế độ ăn uống nào tốt hơn cho mọi người".
Xét nghiệm gen hoặc insulin có thể không hữu ích trong việt xác định chế độ ăn cá nhân hóa
Cũng phải nói rằng, nghiên cứu này vẫn có những hạn chế. Mặc dù có quy mô mẫu lớn và ngẫu nhiên, nó lại dựa phần lớn vào thông tin tự báo cáo từ những người tham gia, và họ thì không tuân thủ theo những thực đơn nghiêm ngặt.
Điều này mô phỏng lại những gì xảy ra với những người ăn kiêng trong điều kiện thực tế, khi họ đã rất cố gắng và quyết tâm giảm cân, nhưng không phải lúc nào cũng thành công trong việc tuân thủ kế hoạch do chính họ đề ra.
Có nghĩa là, nếu chế độ ăn uống được ấn định chặt chẽ hơn, nó có thể đã dẫn đến kết quả khác. Ngoài ra, mặc dù những biến đổi di truyền mà các nhà nghiên cứu khảo sát không cho thấy khả năng dự đoán kết quả giảm cân, vẫn còn các yếu tố di truyền khác hoặc sự kết hợp giữa nhiều gen là thứ chưa được điều tra.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục chọn lọc dữ liệu di truyền còn sót lại từ những người tham gia, để xem liệu có bất kỳ đoạn gen nào khác có thể giúp giải thích sự giảm cân của họ hay không.
Tham khảo Arstechnica
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?