Low-carb hay low-fat chẳng quan trọng, chuyên gia dinh dưỡng tiết lộ đâu mới là chìa khóa giảm cân
Hãy cân nhắc đến việc ăn lành mạnh hơn trên khía cạnh tổng thể.
Bạn đang phân vân: Low-carb hay chế độ ăn ít chất béo (low-fat) sẽ tốt hơn cho mục tiêu giảm cân và khỏe mạnh? Carrie Dennett, chuyên gia dinh dưỡng, thạc sĩ y tế cộng đồng tại Seattle, Mỹ cho biết dù lựa chọn của bạn là gì cũng không quan trọng.
Việc bạn giảm một thành phần nào trong chế độ ăn, chất béo hay carbohydrate, sẽ không tạo ra lợi ích lớn hơn đáng kể. Quan trọng là việc bạn có lựa chọn được loại thực phẩm lành mạnh hơn để thay thế các thành phần này. Đồng thời, ý thức của bạn với vấn đề dinh dưỡng phải thay đổi thì mục tiêu giảm cân mới có hiệu quả.
Low-carb hay low-fat chẳng quan trọng, chuyên gia dinh dưỡng tiết lộ đâu mới là chìa khóa giảm cân
Nghiên cứu trong vòng 10 năm qua cho thấy chế độ ăn low-carb và ít chất béo đều có thể giúp bạn giảm được cùng lượng cân nặng. Nhưng nó cũng vẫn có thể khiến bạn tăng cân, nếu như chỉ dựa vào việc cắt giảm chất béo hoặc carbohydrate không thôi.
Theo Dennett, các loại thực phẩm lành mạnh và chất lượng cao thay thế mới là chìa khóa cho các chế độ ăn này. Điều đó được cô chứng minh bằng ví dụ về trào lưu ăn ít chất béo những năm giữa thế kỷ 20. Khi ấy, ngành công nghiệp đường đã mua chuộc các nhà khoa học Harvard để nói rằng chất béo chứ không phải đường là nguyên nhân của béo phì và bệnh tim mạch.
Do đó, người dân Mỹ đã được khuyến cáo cắt giảm chất béo. Nhưng sau đó, họ chuyển sang ăn đường và các thực phẩm chứa nhiều tinh bột, chứ không thay thế chất béo bằng thực phẩm lành mạnh như trái cây, rau xanh hay ngũ cốc nguyên cám.
Kết quả là một cuộc khủng hoảng béo phì và các bệnh tim mạch đã xuất hiện ở Mỹ và kéo dài cho đến tận ngày nay.
Thế còn với chế độ ăn low-carb, một số nghiên cứu trước đây đã chỉ ra nó có tác dụng giảm cân trong ngắn hạn, tính trên bình quân đầu người. Thế nhưng, số liệu cũng đã chỉ ra 95% người ăn low-carb tăng cân trở lại.
Một thập kỷ trước đây, các nhà khoa học đã thực hiện một nghiên cứu so sánh các loại chế độ ăn kiêng: từ Atkins, Zone, Ornish cho đến LEARN. Công việc được thực hiện bởi một nhóm nghiên cứu, dẫn dắt bởi Christopher Gardner, nhà khoa học dinh dưỡng đồng thời là giáo sư y khoa tại Đại học Stanford.
Trong nghiên cứu này, giáo sư Gardner đã theo dõi 311 phụ nữ tham gia vào các chế độ ăn kiêng. Sau khoảng thời gian 1 năm, ông nhận thấy họ chỉ giảm trung bình được vài pound (1 pound bằng khoảng 0,45 kg).
Con số tính bình quân là không đáng kể, thế nhưng, có một sự tách biệt lớn và rõ ràng giữa những người giảm được nhiều cân nhất và những người thậm chí tăng cân trở lại. Theo đó, có những người đã giảm được 25kg, trong khi một số khác tăng đến 9kg.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao?
Tại sao cả low-carb và low-fat đều có thể khiến bạn tăng hoặc giảm cân như nhau?
Nhóm nghiên cứu của Gardner đã thử đi tìm câu trả lời. Họ không tập trung vào quan niệm chế độ ăn nào tốt nhất, mà nghĩ rằng chế độ ăn nào phù hợp với người như thế nào.
Năm 2012, ông cùng đồng nghiệp xuất bản một nghiên cứu ban đầu, đề nghị rằng chìa khóa của câu trả lời có thể nằm ở cách cơ thể mỗi chúng ta đáp ứng với hooc-môn insulin. Tiếp theo đó, cả yếu tố gen di truyền cũng ảnh hưởng đến việc bạn nên chọn chế độ ăn ít béo hay low-carb.
Kể từ đó, giáo sư Gardner vẫn tiếp tục theo đuổi nghiên cứu trên các chế độ ăn uống. Tháng trước, ông vừa công bố kết quả của một nghiên cứu lớn, được thực hiện trên hơn 600 người tham gia, thậm chí phản biện lại kết quả nghiên cứu của chính mình trước đây.
Bởi không hề có một tiêu chuẩn rõ ràng định nghĩa về thế nào là “ít béo” và thế nào là “low-carb”, các tình nguyện viên được yêu cầu ăn 20% carb hoặc chất béo đến từ chế độ ăn của họ. Sau vài tuần, Gardner nói rằng họ có thể tự tăng lượng carb hoặc chất béo lên nếu cần thiết.
“Hãy giúp người dân Mỹ định nghĩa được thế nào là ‘ít béo’ và thế nào là ‘low-carb’. Đừng chỉ nói ‘ăn giảm chúng đi’ là được”, ông nói. “Đâu là mức độ [carb và chất béo] thấp nhất mà bạn có thể chịu đựng. Mức mà bạn có thể nhìn vào mắt chúng tôi và nói: ‘Yeah, tôi nghĩ rằng đây là mức để dừng và duy trì suốt phần đời còn lại’”.
Cuối cùng, nghiên cứu đã chỉ ra “low-carb” có nghĩa là chế độ ăn khoảng 30% carbohydrate và 45% chất béo. Trong khi, chế độ ăn ít béo chứa khoảng 29% chất béo và 48% carbohydrate. Mặc dù không được yêu cầu giảm calo, nhưng các tình nguyện viên đều tự nhiên ăn ít đi 500 Calo.
Tất cả các thực phẩm trong nghiên cứu đều là thực phẩm chất lượng cao. Nhóm ăn ít béo được khuyến cáo chọn ngũ cốc nguyên cám, các loại đậu, trái cây sữa ít béo hữu cơ và thịt nạc. Nhóm ăn low-carb được khuyên chọn dầu mỡ chất lượng cao, bơ hữu cơ, phô mai cứng, bơ lạc, thịt gia súc và trứng gà chăn thả.
Kết quả, 609 người tham gia đã giảm được tổng cộng 2950 kg. Gardner nhận thấy không hề có sự khác biệt giữa hai chế độ ăn ít chất béo và low-carb. Hai nhóm có tổng số cân nặng giảm chênh nhau chưa tới 1kg.
Bên cạnh đó, cả hai nhóm đều có những người giảm tới gần 30kg và ngược lại là những người tăng tới 9kg.
Một giả thuyết trước đây của chính Gardner, cho rằng chế độ ăn low-carb làm việc tốt hơn ở những người đề kháng kháng insulin, trong khi những người không bị sẽ được hưởng lợi ích từ chế độ ăn ít béo.
Hóa ra, giả thuyết này không đúng. Cũng không có đặc điểm nào cho thấy sự hiệu quả của các chế độ ăn này phụ thuộc vào gen di truyền. Trong khi, phân tích hệ vi sinh vật trong đường ruột của tình nguyện viên đang được thực hiện để xem chúng có vai trò hay không.
Hãy cân nhắc đến việc ăn lành mạnh hơn trên khía cạnh tổng thể
Vậy cuối cùng, điều bạn có thể rút ra cho mình là gì? Đừng ghim hy vọng của bạn vào việc cắt giảm chất béo hoặc carbohydrate trong chế độ ăn. Thay vào đó, hãy cân nhắc đến việc ăn lành mạnh hơn trên khía cạnh tổng thể.
“Bất kể là chế độ ăn ít chất béo hay low-carb, chúng tôi đã giúp những người tham gia nghiên cứu thay đổi cách ăn uống”, Gardner nói. “Họ đã không ăn trong ô tô, không ăn trong thư viện, không vừa đi vừa ăn. Họ mua hàng ở chợ quê nhiều hơn, tự nấu ăn ở nhà và ăn với gia đình”.
Các nhà nghiên cứu không hề yêu cầu người tham gia phải cắt giảm calo, nhưng họ đã làm điều đó một cách hết sức tự nhiên. Giáo sư Gardner nghĩ rằng sự thỏa mãn có thể là một chìa khóa quan trọng nữa.
“Có lẽ thiếu hụt năng lượng khiến họ cảm thấy đói, không thoải mái và nghĩ rằng chế độ ăn là thử thách”, ông nói. Điều này có thể gây ra những hiệu ứng tiêu cực. Thay vào đó bạn chỉ cần ăn đúng các loại thực phẩm lành mạnh, cho tới khi no mà vẫn có thể giảm được cân.
Tham khảo ScienceAlert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Đây là Galaxy S25 Ultra: Nhỏ gọn và dễ cầm nắm hơn, viền màn hình siêu mỏng
Bề ngoài không quá khác biệt, nhưng Galaxy S25 Ultra hứa hẹn sẽ đem lại cảm giác trên tay cải thiện hơn đáng kể so với các thế hệ Galaxy S trước đây.
Sony ra mắt PS5 Pro: GPU mạnh mẽ hơn, không đi kèm ổ đĩa, mức giá gây sốc