Mang phong cách 2D "cổ lỗ sĩ", điều gì đã giúp bộ hoạt hình nhà Netflix vượt mặt hàng loạt bom tấn 3D để lọt vào danh sách đề cử Oscar 2020?

    DG,  

    Klaus, tác phẩm hoạt hình theo phong cách 2D của Netflix, đã bất ngờ vượt qua những cái tên đình đám như Frozen 2 hay The Lion King để lọt vào danh sách đề cử Oscar 2020. Thế nhưng nếu đã xem bộ phim này rồi thì bạn sẽ hiểu: đây là một kết quả hoàn toàn xứng đáng.

    *Dựa trên bài đánh giá của Kirsten Acuna, trang Insider. Bài viết này có tiết lộ kịch bản phim hoạt hình Klaus trên Netflix, độc giả cân nhắc trước khi đọc tiếp.

    Phải nói thật, tôi đã không thể nào giấu nổi sự nghi ngờ của bản thân trước khi quyết định xem thử Klaus trên Netflix: Tại sao cho đến tận bây giờ, vẫn có studio sản xuất phim hoạt hình 2D nói về nguồn gốc của ông già Noel (Santa Claus) cơ chứ? Không phải đề tài này đã được khai thác rất nhiều đến mức trở nên lạc hậu rồi hay sao? 

    Thế nhưng, sau khi trải qua 98’ phim đầy cảm xúc, tôi lại nước mắt giọt ngắn giọt dài, không thể nào ngừng thút thít được Đồng thời, tôi cũng hiểu được lý do vì sao Klaus có thể vượt qua những cái tên xuất sắc như Frozen 2 hay The Lion King để lọt vào danh sách đề cử chính thức của Oscar 2020.

    Mang phong cách 2D cổ lỗ sĩ, điều gì đã giúp bộ hoạt hình nhà Netflix vượt mặt hàng loạt bom tấn 3D để lọt vào danh sách đề cử Oscar 2020? - Ảnh 1.

    Đây là vẻ mặt nghi ngờ của tôi trước khi xem Klaus. Một bộ hoạt hình 2D giữa thời đại 3D lên ngôi thì có gì xuất sắc đến mức lọt vào danh sách đề cử Oscar 2020 cơ chứ?

    Tôi không dám khẳng định tất cả khán giả đều có chung cảm xúc giống như tôi về tác phẩm hoạt hình mới nhất trên Netflix. Nhưng đối với cá nhân tôi, Klaus thực sự đặc biệt và khác biệt, là minh chứng cho thấy khả năng dẫn dắt câu chuyện của đạo diễn Sergio Pablos đẳng cấp đến mức độ nào.

    Klaus xoay quanh câu chuyện của Jesper, một anh chàng thủ thư hư hỏng do Jason Schwartzman lồng giọng. Chính vì cái thói ăn chơi của mình, Jesper đã nhận được tối hậu thư của gia đình: Tự kinh doanh một bưu điện ở Bắc Cực để có ý thức hơn với cuộc sống, hoặc là không được thừa hưởng gia tài mà bố mẹ anh để lại. Ngay khi Jesper định bỏ cuộc, anh lại tình cờ quen biết và trở thành bạn thân với ông lão Klaus (J.K. Simmons) - một người thợ làm đồ chơi đang ở ẩn tại Bắc Cực, tránh xa cuộc sống xô bồ chốn thành thị.

    Tình bạn kì lạ giữa Jesper và Klaus đã vô tình giúp hồi sinh một ngôi làng hoang tàn vùng cực Bắc. Từ một nơi liên tục xảy ra mâu thuẫn, lục đục nội bộ trong nhiều năm qua, ngôi làng này đã lột xác và thay đổi hoàn toàn sau khi 2 nhân vật chính của chúng ta xuất hiện. Đây cũng là lúc Jesper vứt bỏ bộ mặt ích kỷ của bản thân, sẵn sàng giúp đỡ và hi sinh vì người khác.

    Mang phong cách 2D cổ lỗ sĩ, điều gì đã giúp bộ hoạt hình nhà Netflix vượt mặt hàng loạt bom tấn 3D để lọt vào danh sách đề cử Oscar 2020? - Ảnh 2.

    Câu chuyện về nguồn gốc của Santa Clause đã được khéo léo lồng ghép vào Klaus, dưới góc nhìn của anh thủ thư Jesper.

    Giữa thời đại mà phim hoạt hình 3D đang lên ngôi, sự xuất hiện của Klaus giống như một cỗ máy thời gian đưa khán giả trở về với tuổi thơ của mình, với phong cách đồ họa 2D phẳng, đơn giản nhưng không kém phần hấp dẫn. Pablos và đội ngũ nghệ sĩ hoạt hình của mình đã xử lý rất tốt khâu hình ảnh của bộ phim này, mang công nghệ 2D trở lại với màn ảnh nhỏ, đến gần hơn với giới trẻ hiện nay, cùng với đó là cách dẫn truyện hài hước theo phong cách The Emperor’s New Groove, siêu phẩm một thời của Disney.

    Klaus là dự án tâm huyết của Sergio Pablos, người đạo diễn có đam mê cháy bỏng với kiểu phim hoạt hình truyền thống.

    Có thể bạn chưa biết, Sergio Pablos chính là bàn tay ma thuật đằng sau rất nhiều tác phẩm hoạt hình gắn liền với tuổi thơ của chúng ta, trong đó có thể kể đến The Hunchback of Notre Dame (Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà) hay Tarzan. Ngoài ra, ông cũng là một trong những người tạo ra series Despicable Me, một trong những cái tên tiên phong cho dòng phim hoạt hình 3D vào khoảng hơn 1 thập kỷ trước.

    Mang phong cách 2D cổ lỗ sĩ, điều gì đã giúp bộ hoạt hình nhà Netflix vượt mặt hàng loạt bom tấn 3D để lọt vào danh sách đề cử Oscar 2020? - Ảnh 3.

    Klause là tâm huyết suốt 10 năm của đạo diễn Sergio Pablos.

    Klaus là dự án mà Pablos đã ấp ủ suốt 10 năm qua, và cuối cùng đã được Netflix mua lại bản quyền phát sóng vào năm 2017 sau khi vượt qua rất nhiều studio tên tuổi khác. Bộ phim này kết hợp những công nghệ tiên tiến hơn để có thể mang yếu tố đồ họa 2D quay trở lại với thế kỷ 21 một cách vừa hiện đại, lại pha chút hoài cổ.

    Không chỉ đồ họa xịn, Klaus còn mang đến 1 câu chuyện cảm động, với màn trình diễn xuất sắc của Schwartzman trong vai trò một đứa con ích kỷ, phá gia chi tử.

    Klaus là tác phẩm của Pablos với 250 họa sĩ hoạt hình khác, những người đã mang đến vẻ tươi mới cho đồ họa 2D bằng cách sử dụng nhiều công cụ ánh sáng khác nhau để tạo nên chiều sâu cho hình ảnh. Nếu bạn đã từng lớn lên với những bộ hoạt hình 2D truyền thống, chắc chắn bạn sẽ bị lôi cuốn ngay từ những giây đầu tiên của Klaus, một cảm giác rất quen thuộc, nhưng cũng rất tươi mới.

    Hình ảnh trong Klaus xuất sắc đến nỗi trong nhiều cảnh phim, bạn sẽ phải tự hỏi rằng đây là công nghệ CGI hay là những bức vẽ tay 100% do các họa sĩ thực hiện. Đạo diễn Pablos đã từng chia sẻ với tôi rằng toàn bộ bộ phim này, từ giai đoạn sketch cho đến khi lên màu, hoàn thiện đều được thực hiện bằng tay, với một chút trợ giúp từ máy tính, nhưng không hề có sự can thiệp của CGI.

    Mang phong cách 2D cổ lỗ sĩ, điều gì đã giúp bộ hoạt hình nhà Netflix vượt mặt hàng loạt bom tấn 3D để lọt vào danh sách đề cử Oscar 2020? - Ảnh 4.

    Công nghệ tiên tiến đã giúp các họa sĩ hoạt hình tả ảnh sáng theo phong cách chân thực hơn, tạo nên chiều sâu cho hình ảnh 2D để vừa mang cảm giác hoài cổ, lại pha chút mới lạ, hiện đại.

    Nếu nói Klaus là đại diện cho hình ảnh cổ điển của Disney cũng không có gì sai cả. Pablos cùng với Đạo diễn nhân vật hoạt hình James Baxter của Netflix đều là những người có thâm niên hoạt động cho nhà Chuột. Hai người họ đã quen biết nhau trong một khoảng thời gian dài thông qua dự án The Hunchback of Notre Dame, và đều là những họa sĩ gạo cội khi nhắc đến dòng hoạt hình truyền thống của Disney trong những năm 90.

    Schwartzman có thể không phải là David Spade - người đã lồng giọng cho Kuzco trong series The Emperor’s New School trên Disney, nhưng màn trình diễn của anh trong Klaus khiến cho khán giả không thể không liên tưởng đến vị hoàng đế hài hước, bắng nhắng này. Chính điều đó càng khiến cho giá trị hoài cổ của Klaus được nhân lên gấp bội, đưa khán giả trở về với tuổi thơ trong nháy mắt.

    Mang phong cách 2D cổ lỗ sĩ, điều gì đã giúp bộ hoạt hình nhà Netflix vượt mặt hàng loạt bom tấn 3D để lọt vào danh sách đề cử Oscar 2020? - Ảnh 5.

    Chất giọng của Schwartzman khiến khán giả liên tưởng đến ngay bộ phim hoạt hình The Emperor's New School, từng là hit một thời của Disney.

    Điều đặc biệt nhất ở Klaus chính là cách Pablos đã khéo léo lồng ghép truyền thuyết về nguồn gốc của Santa mà không hề đề cập đến tên thật của nhân vật này một lần nào trong gần 2 tiếng của bộ phim. Khán giả chắc chắn sẽ cực kì thích thú với những chi tiết nhỏ mà đậm chất truyền thống như để trẻ nhỏ để phần bánh quy cho ông già Noel, hay gửi thư tay cho bác thủ thư mặc chiếc áo màu đỏ. Tất cả đều được đưa vào một cách tự nhiên và xúc động.

    Điểm đáng tiếc duy nhất: Lẽ ra Netflix phải PR rầm rộ hơn cho bộ phim này mới phải.

    Trước khi xem Klaus, tôi thực sự không biết bộ phim này nói về điều gì, mà chỉ biết loáng thoáng là nó xoay quanh nguồn gốc của Santa mà thôi, kể cả có xem trailer thì cũng mù tịt. Đáng lý ra Netflix có thể làm tốt hơn như vậy, ví dụ như phát hành trailer theo góc nhìn của Jesper chẳng hạn. Điều đó sẽ giúp khán giả hiểu rõ hơn về tác phẩm này: Không chỉ nói về công việc mỗi mùa Giáng sinh của Santa, mà còn đề cao tình thương giữa con người với nhau, bỏ qua cái tôi cá nhân để hướng đến lợi ích chung của tập thể, được thể hiện qua sự biến đổi về mặt tâm lý của nhân vật Jesper.

    Trailer chính thức của Klaus cũng chưa thực sự nêu rõ được chủ đề của bộ phim này.

    Lời kết

    Nếu chỉ dùng 3 từ để mô tả về Klaus, tôi sẽ lựa chọn “hài hước”, “ngọt ngào” và “đáng để xem” - một tác phẩm xứng đáng để bạn cho vào danh sách những bộ phim phải xem mỗi dịp Giáng sinh. Klaus là một câu chuyện nhẹ nhàng nhưng không kém phần hấp dẫn, là lời nhắc nhở chúng ta rằng nên tôn trọng những tính cách, sở thích khác biệt của mỗi người, và hãy tỏ ra thân thiện hơn với họ. Với những ai dễ xúc động, như tôi chẳng hạn, hãy nhớ chuẩn bị vài gói khăn giấy để thấm nước mắt nhé, chắc chắn bạn sẽ cần đến chúng đấy.

    Theo Insider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày