Mảnh hóa thạch có niên đại 3,7 tỉ năm, lâu đời nhất trên Trái Đất có thể chỉ là cục đá nhiều tuổi

    Dink,  

    Ngành khảo cổ, nhất là khía cạnh "hóa thạch lâu đời nhất", luôn là nơi tuyệt vời để hóng "drama".

    Danh sách "hóa thạch cổ đại lâu đời nhất thế giới" có thể có biến chuyển lớn, khi mà nghiên cứu mới chỉ ra rằng hóa thạch cổ nhất chỉ là mảng đá thông thường, không phải là dấu hiệu của sự sống bị hóa thạch như những tuyên bố trước đây. Danh sách này cũng vốn nổi tiếng với tính chất bất ổn, vì cứ mỗi một năm, người ta lại tìm ra thêm những hóa thạch mới.

    Mảnh hóa thạch có niên đại 3,7 tỉ năm, lâu đời nhất trên Trái Đất có thể chỉ là cục đá nhiều tuổi - Ảnh 1.

    Hóa thạch 3,7 tỉ năm tuổi, được cho là lâu đời nhất thế giới.

    Một thời gian dài, hóa thạch đứng đầu danh sách là một mảng stromatilite – một lớp trầm tích xuất hiện trong một vùng nước nông, hình thành bởi một mảng lớn vi sinh vật đơn bào. Mảng hóa thạch đã có niên đại 3,48 tỉ năm tuổi.

    Nó xuất hiện tại vùng Pilbara, miền Tây nước Úc năm 2011. Nhiều năm trời, giới khoa học đã coi đó là hóa thạch lâu đời nhất Trái Đất. Chẳng lâu sau, có kẻ muốn "cướp ngai" miếng stromatilite.

    Năm 2016, các nhà nghiên cứu công bố dấu vết cổ đại của sinh vật sống 3,7 tỉ năm tuổi, tìm thấy lại vùng Tây Nam của Greenland. Thời điểm đó, đội ngũ nghiên cứu đưa ra lập luận rằng hình thái học, tính hóa học, tính khoáng và các lớp của các miếng hóa thạch – với kích cỡ từ 1 tới 4cm một miếng – là dấu vết của các mảnh stromatolite.

    Toàn thế giới ngỡ ngàng trước hóa thạch 3,7 tỉ năm tuổi. Nếu như đúng, sẽ có kỉ lục mới và hơn hết, dấu vết của sự sống xuất hiện sớm hơn ta tưởng. Bản thân Trái Đất mới chỉ 4,5 tỉ năm tuổi.

    Mảnh hóa thạch có niên đại 3,7 tỉ năm, lâu đời nhất trên Trái Đất có thể chỉ là cục đá nhiều tuổi - Ảnh 2.

    Một đội ngũ các nhà khoa học vừa đăng tải một nghiên cứu mới, nghi ngờ về tính xác thực của các hóa thạch vùng Greenland. Họ tuyên bố rằng những bằng chứng đội ngũ nghiên cứu đưa ra trước đây không đủ thuyết phục, không giống hóa thạch của một dạng sống cổ đại chút nào. Rất có thể, đó chỉ là đống đá có niên đại 3,7 tỉ năm thôi.

    Sau khi phân tích các hóa thạch bằng công nghệ 3 chiều, xác định thành phần hóa học của nó, các nhà khoa học cho thấy những miếng "stromatolite" này có thể chỉ là sản phẩm của hoạt động địa chất. Những lớp bên trong nó không giống stromatolite chút nào, lại còn thiếu mất những dấu hiệu hóa học cho thấy hoạt động của vi sinh vật.

    Điều duy nhất khiến nó giống stramatolite là … cái mã ngoài. Khi đặt vào máy quét 3 chiều, họ mới thấy cấu trúc đá không có hình nón giống stramatolite thông thường mà thẳng đuột.

    "Chúng chẳng phải kem ốc quế. Chúng mà mấy thỏi socola thì đúng hơn", Abigail Allwood, nhà sinh vật học Vũ trụ tại NASA nói với tờ The Washington Post.

    Mảnh hóa thạch có niên đại 3,7 tỉ năm, lâu đời nhất trên Trái Đất có thể chỉ là cục đá nhiều tuổi - Ảnh 3.

    Phân tích mới cho thấy nó thậm chí còn chẳng phải hóa thạch.

    Với nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu tuyên bố rằng hóa thạch cổ nhất Trái Đất chỉ là các lớp trầm tích giãn ra, chồng lên nhau sau nhiều tỉ năm biến động địa chất. Vẻ ngoài của nó đã đánh lừa được các nhà nghiên cứu.

    "Chúng tôi đều đồng tình rằng mảng đá này hình thành trong môi trường biển, nhưng không thấy bằng chứng ‘hình thành tại vùng nước nông’, không thấy bằng chứng việc lắng đọng trầm tích tạo ra cacbonat", tác giả nghiên cứu mới kết luận.

    Bản thân vùng Greenland là nơi tập hợp những mẫu đá cổ đại nhất Trái Đất, đồng nghĩa với việc sau hàng tỉ năm tồn tại, đá nơi đây bị hoạt động địa chất "nhào nặn", biến thành đủ thứ hình thù và kết cấu thú vị. Vấn đề năm ở chỗ phải tìm được đúng những mẩu đá có tính chất "hóa thạch".

    Có thể nói đây là ngành khoa học … lắm chuyện nhất, nhiều tranh cãi nhất. Cứ mỗi khi có hóa thạch mới, người ta lại nhao nhao lên tranh luận. Và khi hạ bệ được thứ hóa thạch cổ xưa nhất Trái Đất, được công nhận rộng rãi, người ta hiển nhiên cũng nhao nhao lên tranh luận.

    Tác giả nghiên cứu của hóa thạch 3,7 tỉ năm tuổi hồi 2016, ông Allen Nutman vẫn khăng khăng mình đúng. Chỉ trích Allwood đã chọn sai chỗ để mà nhặt đá về thử. "Đây đúng là trường hợp mang táo ra so sánh với cam, hiển nhiên là kết quả phải khác nhau rồi".

    Còn nhà nghiên cứu Allwood vẫn giữ lập trường. Cô nói với tờ The Atlantic rằng mẫu đá họ dùng chỉ xa nơi Nutman thu thập mẫu vật có một mét.

    Vẫn chưa biết ai đúng ai sai, nhưng đã thấy ngai vàng của mảnh stramatolite 3,7 tỉ năm tuổi lung lay rồi.

    Nghiên cứu mới được đăng tải trên Nature.

    Tham khảo ScienceAlert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ