Truyền hình cáp sẽ "nóng" chuyện mua bán, sáp nhập

    PV,  

    Chủ trương của Bộ TT&TT sẽ sắp xếp lại thị trường truyền hình trả tiền một cách có chọn lọc, chỉ cấp phép cho các doanh nghiệp có hạ tầng mạng rộng và năng lực đầu tư đáng kể. Các doanh nghiệp truyền hình cáp có quy mô nhỏ được dự báo buộc phải mua bán và sáp nhập để đáp ứng điều kiện cấp phép.

    CEC.jpg

    Truyền hình cáp CEC là đơn vị đầu tiên phải chuyển nhượng thuê bao của mình sang cho VTVcab bởi không trụ nổi do gặp nhiều khó khăn. Ảnh: M.Q

    Vào đầu tháng 11/2012, Công ty CP Điện tử và Truyền hình Cáp Việt Nam (CEC - công ty cổ phần có vốn góp của VTC) đã phải chuyển nhượng hơn 20.000 thuê bao truyền hình cáp sang cho VCTV (nay là VTVcab – đơn vị trực thuộc Đài Truyền hình Việt Nam). Lý do khiến CEC phải rời bỏ khách hàng của mình là do việc đầu tư không thuận lợi khiến CEC rơi vào cảnh nợ nần. Tổng số nợ ngân hàng của CEC lên tới trên 100 tỷ đồng khó có khả năng thanh toán trong ngắn hạn. Cho đến nay CEC đã chính thức không còn có mặt trên thị trường truyền hình.

    Không ít doanh nghiệp truyền hình cáp có quy mô nhỏ, phạm vi cung cấp dịch vụ hẹp cũng được dự báo có nguy cơ đi theo "vết xe đổ" của CEC trong thời gian tới.

    Truyền hình cáp là dịch vụ truyền hình trả tiền đầu tiên được cung cấp ở Việt Nam, bắt đầu từ năm 1993, khởi đầu với sự ra đời của dịch vụ truyền hình cáp vô tuyến MMDS ở TP.HCM. Cho đến nay, sau 20 năm phát triển đến nay truyền hình cáp analog đã chiếm khoảng 65% trong tổng số 4,5 triệu thuê bao truyền hình trả tiền, ước khoảng 2,9 triệu thuê bao.

    Số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình hiện lên đến hơn 40 đơn vị nhưng thực tế thị phần lại chỉ nằm trong số ít doanh nghiệp lớn. Theo số liệu của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương), cục diện thị trường truyền hình trả tiền phát triển không đồng đều và chủ yếu thị phần nằm trong tay 3 đơn vị lớn. Tính đến hết tháng 12/2012, Công ty Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) chiếm tới 40% thị phần, Trung tâm Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) chiếm 30% thị phần, Trung tâm Truyền hình cáp của Đài Truyền hình TP.HCM chiếm tới 15% thị phần.

    Chỉ còn 15% thị phần còn lại chia cho các doanh nghiệp còn lại, đa số những doanh nghiệp này có thị phần rất nhỏ, trong đó có tới 26 đơn vị cung cấp truyền hình cáp. Theo Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), đến cuối năm 2011 cả nước có trên 40 đơn vị cung cấp truyền hình trả tiền với đủ các loại hình: cáp, vệ tinh, số mặt đất, truyền hình IP, truyền hình di động. Tính đến cuối năm 2012, một số doanh nghiệp truyền hình cáp có quy mô nhỏ đã tự mua bán sáp nhập chỉ còn 26 đơn vị đang cung cấp dịch vụ và 19 đơn vị đã nộp hồ sơ xin cấp giấy phép theo quy định.

    Trong số 19 đơn vị đang nộp hồ sơ xin cấp giấy phép chỉ có vài doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong phạm vi 1 tỉnh, thành phố có số thuê bao trên 55.000, cũng như 4-5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong phạm vi 2 tỉnh, thành phổ trở lên có trên 100.000 thuê bao. Còn lại nhiều doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, dưới 10.000 thuê bao, cung cấp dịch vụ trong phạm vi hẹp.

    Theo quy định tại Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg về quản lý dịch vụ truyền hình trả tiền thì doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được tham gia cung cấp dịch vụ trả tiền. Quy định này "mở" hơn rất nhiều so với các quy định quản lý trước đây. Tuy nhiên, nó cũng yêu cầu, tất cả các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình cáp phải lập hồ sơ xin cấp Giấy phép thiết lập mạng viễn thông đáp ứng điều kiện kỹ thuật dịch vụ trước khi xin cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp.

    Chủ trương của Bộ TT&TT là sắp xếp lại thị trường cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Bộ TT&TT sẽ cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền theo hướng có chọn lọc cho các doanh nghiệp có khả năng truyền dẫn phát sóng, đã có hạ tầng mạng truyền dẫn rộng khắp và có quy mô, năng lực đầu tư đáng kể, có khả năng đầu tư dịch vụ đến cả những khu vực khó khăn để từng bước cân bằng diện phủ dịch vụ giữa nông thôn và thành phố.

    Với sự nhập cuộc của các đại gia viễn thông như VNPT, Viettel, FPT Telecom và tham vọng mở rộng thị trường truyền hình cáp trên toàn quốc của SCTV, VTVcab và VTC, không ít ý kiến cho rằng, với quy mô quá nhỏ các doanh nghiệp truyền hình cáp nên có phương án sáp nhập hoặc chuyển nhượng lại thuê bao cho các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn bởi nếu không sẽ khó đáp ứng được các tiêu chí để có được giấy phép theo quy định mới của Chính phủ

    Theo Minh Quyên
    Ictnews.vn

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ