Mở hộp và đánh giá loa Mi Internet Speaker: phát nhạc từ xa qua Wifi, nghe tốt nhưng buồn là không có tiếng Anh

    Minh Trang,  

    Thêm một chiếc loa Bluetooth nữa đến từ Xiaomi, nhưng nó khác hẳn so với các sản phẩm trước đây mà bạn đã từng biết.

    Các thiết bị âm thanh không dây, mà cụ thể là loa Bluetooth là một mảng mà Xiaomi rất chú trọng đầu tư trong năm qua. Tính đến nay, Xiaomi đã có khoảng 10 model loa Bluetooth khác nhau với mọi loại kích cỡ, mọi loại tính năng và mọi loại mức giá dành cho mọi đối tượng người dùng.

    Mới đây vào cuối tháng 11, Xiaomi đã chính thức tung ra thành viên mới nhất trong gia đình loa Bluetooth của mình, đó là Mi Internet Speaker. Cũng như những chiếc loa trước đây, Mi Internet Speaker hỗ trợ chơi nhạc qua Bluetooth. Nhưng bên cạnh đó, nó còn được tích hợp kết nối Wi-Fi, cho phép stream nhạc trực tiếp qua Internet từ dịch vụ nhạc số riêng của Xiaomi. Đây cũng chính là ưu điểm lớn nhất của chiếc loa này, và cũng là lý do mà Xiaomi đặt tên cho nó là "Internet Speaker" (loa Internet).

     Hộp của sản phẩm Mi Internet Speaker

    Hộp của sản phẩm Mi Internet Speaker

     Bên cạnh Bluetooth, chiếc loa này còn hỗ trợ kết nối Wi-Fi

    Bên cạnh Bluetooth, chiếc loa này còn hỗ trợ kết nối Wi-Fi

     Trong hộp chỉ có giấy HDSD...

    Trong hộp chỉ có giấy HDSD...

     ... loa...

    ... loa...

     ... và dây nguồn

    ... và dây nguồn

    Nói qua một chút về thiết kế, Mi Internet Speaker được làm hoàn toàn bằng nhựa. Điều này khiến tôi có đôi chút thất vọng, vì các dòng loa Square Box với giá rẻ hơn đều được Xiaomi chế tạo từ kim loại. Một điểm khác cần lưu tâm, đó là Mi Internet Speaker không phải loa di động, tức là nó không có pin và bạn sẽ phải cắm điện trong suốt quá trình sử dụng.

     Mi Bluetooth Speaker được làm hoàn toàn bằng nhựa

    Mi Bluetooth Speaker được làm hoàn toàn bằng nhựa

     Nhìn từ mặt trước, trông nó khá giống một cái... điều hòa nhiệt độ

    Nhìn từ mặt trước, trông nó khá giống một cái... điều hòa nhiệt độ

     Các nút điều khiển cơ bản và nút CH giúp ra lệnh bằng giọng nói

    Các nút điều khiển cơ bản và nút CH giúp "ra lệnh" bằng giọng nói

     Đằng sau là jack cắm nguồn, jack 3.5mm và cổng USB

    Đằng sau là jack cắm nguồn, jack 3.5mm và cổng USB

     Mặt đáy ghi một số thông tin kỹ thuật của máy, bao gồm công suất 30W và mã QR code để người dùng tải ứng dụng

    Mặt đáy ghi một số thông tin kỹ thuật của máy, bao gồm công suất 30W và mã QR code để người dùng tải ứng dụng

    Để phát huy khả năng của chiếc loa này, người dùng sẽ cần cài đặt một ứng dụng mang tên "Mi Speaker" lên chiếc smartphone của mình. Với ứng dụng này, người dùng sẽ có thể cấu hình cho loa vào mạng Wi-Fi, cũng như tiến hành "ghép đôi" để mỗi khi chơi nhạc bằng ứng dụng, nhạc sẽ tự động phát ra qua loa mà không cần duy trì kết nối Bluetooth. Thực chất, ứng dụng này là một dịch vụ nhạc số của Xiaomi, tương tự như Zing Mp3. Người dùng có thể stream miễn phí những ca khúc từ đây.

    Hiện nay ứng dụng Mi Speaker trên iOS hoàn toàn không có ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Trung. Vậy nên, nếu bạn sở hữu một chiếc iPhone và mong muốn sử dụng chiếc loa này, có lẽ bạn nên đợi thêm một thời gian nữa hoặc chuyển hướng sang một sản phẩm khác. May thay, ứng dụng Mi Speaker trên Android đã hỗ trợ tiếng Anh hoàn chỉnh.

     Tiến hành cấu hình loa qua ứng dụng Mi Speaker

    Tiến hành cấu hình loa qua ứng dụng Mi Speaker

    Quá trình thiết lập khá nhanh chóng, khi tất cả những gì cần làm là giữ nút Play trên loa, sau đó chọn mạng Wi-Fi và điền mật khẩu. Sau đó, người dùng sẽ có thể truy cập vào kho nhạc số của Xiaomi. Ứng dụng này là sự kết hợp của 5 kho nhạc khác nhau tại Trung Quốc, mà theo Xiaomi là sẽ giúp người dùng tận hưởng hơn 20 triệu ca khúc và 1500 kênh radio. Không chỉ nghe trực tuyến, người dùng còn có thể tải về miễn phí các ca khúc tại đây vào bộ nhớ trong 8GB của máy (hiện tôi chưa tìm được cách để copy nhạc thủ công vào chiếc loa này).

     Ứng dụng Mi Speaker là sự kết hợp của 5 kho nhạc tại Trung Quốc (Kuwo, Xiami, Mi Music, Kuke và Beva)

    Ứng dụng Mi Speaker là sự kết hợp của 5 kho nhạc tại Trung Quốc (Kuwo, Xiami, Mi Music, Kuke và Beva)

    Tuy nhiên, theo cá nhân tôi đánh giá thì ứng dụng này khá khó sử dụng, và mất rất nhiều bước để có thể tìm được bài hát cần nghe do dữ liệu được sắp xếp lộn xộn. Ngoài ra, mặc dù có đến 20 triệu bài hát, nhưng lượng ca khúc Việt Nam trên kho nhạc này là khá ít. Thử nghiệm với từ khóa "Son Tung MTP", chỉ có 5 bài hát được trả về, trong đó có 1 ca khúc "Em của ngày hôm qua" bị trùng.

     Giao diện chơi nhạc sơ sài ​

    Giao diện chơi nhạc sơ sài

     Danh sách được phân loại một cách lộn xộn, không theo một trình tự cụ thể nào khiến người dùng gặp rất nhiều khó khăn

    Danh sách được phân loại một cách lộn xộn, không theo một trình tự cụ thể nào khiến người dùng gặp rất nhiều khó khăn

     Kho nhạc của Xiaomi không sở hữu nhiều ca khúc tiếng Việt

    Kho nhạc của Xiaomi không sở hữu nhiều ca khúc tiếng Việt

    Một tính năng độc đáo khác của Mi Internet Speaker là việc nó được tích hợp micro, cho phép người dùng ra lệnh bằng giọng nói mà không cần đến smartphone. Tuy nhiên, mặc cho đã thử mọi cách, nó không thể hiểu được bất kỳ một câu nói nào của tôi (và cả của chị Google Translate sau khi đã dịch từ tiếng Anh sang tiếng Trung). Có thể thấy, do được phát triển dành riêng cho thị trường Trung Quốc, những tính năng thông minh của Mi Internet Speaker gần như vô dụng ở Việt Nam. Tính năng duy nhất mà tôi nghĩ người dùng có thể sử dụng được là đặt báo thức.

     Mi Internet Speaker cho phép người dùng đặt báo thức ​

    Mi Internet Speaker cho phép người dùng đặt báo thức

    Mặc dù vậy, người dùng vẫn có nhiều cách khác để tận hưởng âm nhạc với chiếc loa này. Bên cạnh việc sử dụng kết nối Bluetooth, Mi Internet Speaker còn hỗ trợ chơi nhạc qua thiết bị lưu trữ cắm cổng USB, DLNA và cổng AUX.

    Rõ ràng với kích thước đồ sộ và giá tiền cao hơn hẳn những sản phẩm loa Bluetooth khác của Xiaomi, không ngạc nhiên khi thấy Mi Internet Speaker là chiếc loa cho chất lượng âm thanh tốt nhất từ trước đến nay của hãng. Với công suất 30W, âm thanh của chiếc loa này dễ dàng bao trùm một căn phòng rộng 50m. Âm bass của chiếc loa này không được tôi đánh giá quá cao khi có lực không mạnh và hơi "tù mù", nhưng hoàn toàn có thể chấp nhận được. Mời các bạn xem video trải nghiệm chất âm dưới đây để có một nhận xét khách quan nhất.

    Thử chất âm của Mi Internet Speaker

    Nhìn chung, với mức giá 1.8 triệu, Mi Internet Speaker là một sự lựa chọn không tồi nếu bạn cần một chiếc loa Bluetooth, khi nó cho một chất lượng âm thanh khá tốt và hỗ trợ nhiều chuẩn kết nối. Nhưng nếu bạn mua nó để trải nghiệm những tính năng thông minh được Xiaomi quảng cáo, thì tôi e rằng bạn sẽ phải thất vọng, ít nhất là tại Việt Nam và các nước ngoài Trung Quốc. Ngoài ra, kiểu dáng không thật sự bắt mắt, sang trọng, lại có phần cồng kềnh cũng là một lý do sẽ khiến người dùng bỏ qua chiếc loa này để đến với các sản phẩm đến từ thương hiệu khác.

    Xin được cảm ơn cửa hàng Xiaomi Việt đã giúp đỡ chúng tôi thực hiện bài viết này!

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ