Một bé gái 9 tuổi nhiễm HIV đang được coi là "khỏi bệnh", tương lai sẽ có nhiều trường hợp tương tự
“Đây là một phát hiện đầy hứa hẹn”.
Một bé gái người Nam Phi nhiễm HIV từ khi sinh ra, nhưng gần như đã “khỏi bệnh” trong vòng 8 năm nay. Nồng độ virus trong cơ thể cô bé được kiểm soát là kết quả của một đợt điều trị duy nhất, sử dụng các loại thuốc chống HIV có mặt từ 8 năm trước. Nó kéo dài và chấm dứt vỏn vẹn trong 40 tuần, kể từ lúc cô bé mới 2 tháng tuổi.
Các nhà khoa học cho biết đây là một bằng chứng cho thấy chúng ta có thể kiểm soát tốt hơn bệnh HIV, với các đợt điều trị cách xa nhau. Thậm chí, nó có thể trở thành một phương pháp “chữa khỏi”, nếu virus trong cơ thể cô bé người Nam Phi không bao giờ sống dậy và sao chép.
Một bé gái 9 tuổi nhiễm HIV đang được coi là "khỏi bệnh", tương lai sẽ có nhiều trường hợp tương tự
Bé gái 9 tuổi "khỏi" HIV suốt 8 năm
Trường hợp bé gái người Nam Phi vừa được tiết lộ ngày hôm qua, tại một hội nghị về AIDS ở Paris. “Đây là một phát hiện đầy hứa hẹn”, Tiến sĩ Anthony Fauci, một trong những chuyên gia hàng đầu về AIDS tại Hoa Kỳ cho biết. Nó mở ra triển vọng cho các loại thuốc tác dụng kéo dài với bệnh nhân HIV.
Ngay lúc này trên thế giới, khoảng 19 triệu trên tổng số 37 triệu người nhiễm HIV trên thế giới đang phải uống thuốc điều trị mỗi ngày. Điều trị HIV như vậy có thể giúp bệnh nhân kiểm soát được nồng độ virus ở mức thấp, nhưng họ phải uống thuốc cho đến suốt cuộc đời.
Có một trường hợp các nhà khoa học tuyên bố bệnh nhân của mình được chữa khỏi hoàn toàn, nhờ vào việc ghép tủy xương.
Tuy nhiên, cấy ghép tủy xương là một phương pháp điều trị chứa đựng nhiều rủi ro mà không phải ai cũng có thể tiếp cận. Sử dụng phương pháp này để điều trị cho hàng triệu bệnh nhân trên toàn thế giới hiện nay cũng là điều bất khả thi.
Dựa trên thực tế đó, một số nhà khoa học đã nhắm đến một mục tiêu nằm giữa điều trị hằng ngày và việc giúp bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn. Đó là một loại thuốc có tác dụng kéo dài, uống một lần để hạ thấp nồng độ virus trong cơ thể người bệnh, và chỉ uống lần tiếp theo khi nồng độ virus cao trở lại.
Trên thực tế, hướng điều trị này hoàn toàn khả thi với các thuốc kháng virus hiện tại, với điều kiện bệnh nhân phải được điều trị sớm. Đã có 3 trường hợp những đứa trẻ đạt tới độ thuyên giảm HIV lâu dài, tính cả cô bé người Nam Phi.
Ngay từ khi sinh ra, cô bé này đã được bảo trợ tham gia vào một chương trình nghiên cứu của Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, nơi tiến sĩ Fauci đang giữ cương vị giám đốc.
Danh tính của cô bé không được công bố. Các tác giả nghiên cứu nói họ đã bắt đầu điều trị cho cô bé từ thời điểm 2 tháng tuổi, liên tục trong vòng 40 tuần sau đó dừng hẳn lại. Xét nghiệm được thực hiện vào lúc cô bé lên 9 tuổi rưỡi cho thấy có một lượng nhỏ tế bào miễn dịch mang virus HIV, nhưng chúng không có khả năng sao chép để nhân nữa.
Cô bé không có bất kể một đột biến di truyền nào tạo ra sự đề kháng tự nhiên với HIV, tiến sĩ Fauci nói. Bởi vậy, tình trạng thuyên giảm cho đến lúc này dường như chắc chắn là do được điều trị nhanh ở giai đoạn sớm.
Ngưng điều trị HIV, nhiều bệnh nhân vẫn có được sự thuyên giảm kéo dài
Nhiều trường hợp tương tự
Trước đây, cũng có hai trường hợp đạt tới độ thuyên giảm trong thời gian dài với HIV:
- Một cô bé người Pháp nhiễm HIV từ khi sinh và hiện nay đã 20 tuổi. Cô bé được báo cáo không còn dùng thuốc điều trị HIV từ khi 6 tuổi, nhưng tình trạng bệnh vẫn được kiểm soát.
- Một bé gái cũng nhiễm HIV từ khi mới lọt lòng mẹ năm 2010. Điều trị sớm đã tạo ra một giai đoạn thuyên giảm kéo dài 27 tháng, trước khi nồng độ virus cao xuất hiện trở lại. Cô bé đã phải điều trị trở lại, nhưng một lần nữa tiếp tục kiểm soát được virus trong thời gian dài.
Ít nhất khoảng một chục người trưởng thành nhiễm HIV khác cũng đã có được sự thuyên giảm kéo dài hàng năm, sau khi họ ngưng hẳn điều trị.
Hiện nay cũng đang có một nghiên cứu thử nghiệm, trong đó các nhà khoa học điều trị cho trẻ sơ sinh nhiễm HIV chỉ sau 2 ngày chào đời. Nghiên cứu này bắt đầu từ năm 2014, đồng thời ở Nam Mỹ, Haiti, Châu Phi và Hoa Kỳ. Những đứa trẻ tham gia sớm nhất sẽ bắt đầu ngưng điều trị từ cuối năm nay để chuyển sang giai đoạn theo dõi và đánh giá hiệu quả.
Hai nghiên cứu lớn nữa cũng đang đánh giá khả năng điều trị kéo dài của 2 loại thuốc điều trị HIV: rilpivirine của công ty dược Janssen và cabotegravir của ViiV Healthcare.
Cabotegravir là loại thuốc còn trong quá trình thử nghiệm. Còn rilpivirine hiện đã được bán trên thị trường dưới nhãn Edurant, loại thuốc này đang được sử dụng trong phác đồ kết hợp với các thuốc khác cùng điều trị cho bệnh nhân HIV.
Các loại thuốc chống HIV có hiệu quả kéo dài đang ngày càng khả thi hơn
Sau một đợt điều trị ban đầu để kiểm soát virus xuống ngưỡng thấp, khoảng 300 người tham gia nghiên cứu đã được chia thành các nhóm khác nhau. Một nhóm sẽ uống thuốc hàng ngày trong khi hai nhóm khác sẽ dùng một liều sau mỗi 4 hoặc 8 tuần.
Sau gần hai năm, khoảng 94% bệnh nhân uống thuốc mỗi 8 tuần, 87% bệnh nhân uống mỗi 4 tuần và 84% bệnh nhân uống thuốc hàng ngày đã chặn đứng được virus HIV.
"Các kết quả đều tốt, bất kể bệnh nhân đến bệnh viện hàng tháng hay mỗi hai tháng để điều trị”, tiến sĩ Linda-Gail Bekker, Phó giám đốc Trung tâm HIV Desmond Tutu tại Đại học Cape Town, Nam Phi cho biết.
Nghiên cứu được tài trợ bởi các nhà sản xuất dược phẩm. Kết quả được công bố trên tạp chí y khoa Lancet. Janssen tuyên bố rằng kết quả tốt từ các nghiên cứu hiện tại hoàn toàn có thể cho chúng ta nhìn thấy các mục tiêu xa hơn, kéo dài thời gian điều trị giữa mỗi đợt.
Rõ ràng, trong khi chúng ta chưa thể hi vọng một biện pháp điều trị dứt điểm HIV trong tương lai, việc tạo ra các loại thuốc có thời gian điều trị kéo dài đang thực sự khả thi. Một khi các phương pháp điều trị này được cấp phép, chúng sẽ tạo ra được sự thay đổi lớn trong cách chúng ta quản lý bệnh nhân nhiễm HIV ngày nay.
Tham khảo Businessinsider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI