Một ngôi trường ở Đức cho phép học sinh đi muộn 1 tiếng đồng hồ: 97% học sinh sau đó đã ngủ tốt hơn và tập trung hơn
Các tiết học bắt đầu từ 7-8 giờ sáng là quá sớm với độ tuổi thanh thiếu niên.
Chẳng ngạc nhiên khi biết rằng chúng ta đang sống trong một thế giới bị khủng hoảng thiếu ngủ trầm trọng. Và đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là thanh thiếu niên, những cô cậu học sinh trung học và sinh viên đại học.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã chính thức chỉ định vấn đề này là mối quan tâm về sức khỏe cộng đồng. Hậu quả của việc thiếu ngủ ở thanh thiếu niên không chỉ giới hạn ở việc giảm khả năng tập trung, mà còn làm tăng nguy cơ tai nạn trên đường đi học.
Hàng loạt nghiên cứu giấc ngủ và đồng hồ sinh học đã chỉ ra các tiết học bắt đầu từ 7-8 giờ sáng là quá sớm với độ tuổi thanh thiếu niên. Một số còn phát hiện giờ vào lớp sớm có liên quan đến nguy cơ mắc trầm cảm, béo phì, tiểu đường và các bệnh chuyển hóa mạn tính khác.
Bây giờ, có lẽ những đứa trẻ của chúng ta cần ở lại trên giường ít nhất 1 tiếng đồng hồ trước khi tới lớp. Cập nhật các nghiên cứu trong lĩnh vực này, một trường trung học ở Đức đã thử nghiệm cho phép học sinh của mình tự chọn giờ đến trường, trễ nhất là 9 giờ sáng.
Và những kết quả họ đạt được từ thời khóa biểu linh hoạt đó thật ấn tượng, xứng đáng cho các trường học khác trên khắp thế giới học tập.
Trường trung học Alsdorf ở Đức cho phép học sinh đi muộn 1 tiếng đồng hồ.
Ngôi trường trong mơ mà chúng ta đang nói đến nằm ở miền tây nước Đức. Trường trung học Alsdorf đã từng giành giải thưởng về phương pháp giảng dạy sáng tạo năm 2013 và đang thực hành một hệ thống giáo dục có tên là Kế hoạch Dalton, ban đầu được phát triển ở Mỹ.
Kế hoạch Dalton kêu gọi các phương pháp giảng dạy linh hoạt, phù hợp từng cá nhân và giúp trẻ học theo tốc độ và khả năng tiếp thu của riêng mình. Trong khi nhiều trường học trên khắp thế giới cũng đang áp dụng nguyên tắc từ Kế hoạch Dalton, trường trung học Alsdorf là nơi đầu tiên thử nghiệm để xem nó có thể đem lại lợi ích như thế nào cho những cô cậu học trò đang thiếu ngủ.
Thay vì bắt buộc các học sinh đều phải đến trường cùng lúc vào 8 giờ sáng, Alsdorf biến tiết học đầu tiên của cả khối 12 thành tiết tự học. Với sự thay đổi này, học sinh có thể tự do lựa chọn việc đến trường vào 8 giờ hay 8h50 mà không ảnh hưởng đến các tiết học tập trung khác.
Để so sánh, khối 10 và 11 vẫn phải đến trường vào 8 giờ sáng để bắt đầu tiết học đầu tiên như bình thường. Quá trình theo dõi này diễn ra suốt 9 tuần, và các nhà khoa học sẽ đo lường tác động của việc thay đổi lịch học tới các nhóm lớp, thông qua nhật ký giấc ngủ và các thiết bị đeo theo dõi mà họ cấp cho học sinh.
"Chúng tôi đã có cơ hội nghiên cứu ảnh hưởng của thời gian bắt đầu giờ học, khi một trường trung học ở Đức quyết định tạo ra một thời khóa biểu linh hoạt dành cho học sinh cuối cấp của họ", Till Roenneberg, người dẫn đầu cuộc nghiên cứu đến từ Đại học Munich cho biết.
Việc trì hoãn tiết học đầu trong gần 1 tiếng đồng hồ đã cho phép học sinh có thêm thời gian ngủ hữu ích, nghiên cứu cho biết.
Khi các học sinh viên bắt đầu buổi học muộn hơn, họ tự đánh giá chất lượng giấc ngủ của mình cao hơn. Các bài kiểm tra phản xạ cũng cho thấy học sinh ít mệt mỏi, có thể tập trung tốt hơn trong giờ học, thậm chí cả việc làm bài tập ở nhà cũng được cải thiện.
"Trong nghiên cứu của chúng tôi, hầu như tất cả các học sinh tham gia (97%) được hưởng lợi từ thời gian học muộn hơn, có giấc ngủ dài hơn vào các buổi học với tiết bắt đầu từ 9 giờ sáng trở đi - trung bình sinh viên có thêm được 1 giờ ngủ vào những ngày đó", các tác giả viết.
Đây là một phát hiện quan trọng, bởi theo cảm tính, việc đi học muộn hơn có thể khiến học sinh thức muộn hơn vào đêm hôm trước và phá vỡ lợi ích của giờ học bắt đầu muộn. Nhưng ở đây, điều đó đã không xảy ra .
Những học sinh chọn đi học vào 9 giờ sáng có thời gian ngủ trung bình dài hơn 1,1 giờ đồng hồ so với học sinh đi học từ 8 giờ sáng. Mức tăng từ lượng giờ ngủ trung bình 6,9 tiếng mỗi đêm lên 8 tiếng. Rõ ràng những học sinh này còn đi ngủ sớm hơn.
"Một trong những mối quan tâm lớn nhất liên quan đến việc lùi giờ học là thanh thiếu niên có thể bị cám dỗ để thức khuya hơn, thậm chí bị ảnh hưởng bởi nhịp sinh học vì muộn tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vào buổi sáng," các tác giả giải thích.
"Tuy nhiên, trong nghiên cứu của chúng tôi, không có bằng chứng cho thấy thời gian khởi phát giấc ngủ khác nhau giữa những học sinh đi học từ 9 giờ sáng trở ra và học sinh tới trường lúc 8 giờ".
Việc trì hoãn tiết học đầu trong gần 1 tiếng đồng hồ đã cho phép học sinh có thêm thời gian ngủ hữu ích.
Nhưng có một điều làm các nhà nghiên cứu ngạc nhiên đó là tại sao lại có ít học sinh chọn đi học vào lúc 9 giờ sáng. Nhìn chung, chỉ có 39% học sinh khối 12 ở Alsdorf chọn đi học muộn và chỉ đi học muộn 2/5 ngày học trong tuần.
Có thể áp lực cuối cấp khiến một số lượng học sinh muốn tới trường sớm hơn để tận dụng thời gian học. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng bản thân các sinh viên đi học lúc 8 giờ sáng cũng thích biến việc đó thành một lựa chọn hơn thay vì bắt buộc.
"Các học sinh thích một thời khóa biểu linh hoạt hơn và khi đó, các đánh giá chủ quan của các em sẽ được cải thiện", nghiên cứu viết. "Vào những buổi học bắt đầu muộn hơn, sinh viên có cơ hội ngủ lâu hơn. Điều này cũng sẽ làm giảm hiệu ứng thiếu ngủ tích lũy trong tuần".
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Sleep.
Tham khảo Sciencealert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4