Mỹ tạo "lan can bảo vệ" ngành chip: Không để Trung Quốc được lợi dù chỉ 1 xu
Động thái này được đưa ra vào thời điểm chính quyền ông Biden chuẩn bị rót hơn 52 tỉ USD trợ cấp liên bang cho ngành công nghiệp chip của Mỹ.
- Trước miếng bánh đã chia phần của ngành chip, thị trường Việt Nam đón cơ hội thu về hàng tỷ USD
- Intel chốt lịch ra mắt chip Core Ultra 'Hồ sao băng' mới nhất, riêng người dùng PC vẫn sẽ phải dùng lại chip đời cũ
- Con chip 7 nanomet trong điện thoại mới của Huawei khiến giới công nghệ choáng váng, chuyên gia cũng chưa hiểu tại sao và bằng cách nào họ sản xuất được
- Intel công bố bước đột phá với chất nền thủy tinh, mở ra kỷ nguyên mới trong sản xuất chip
- Bên trong iPhone 15 ẩn giấu một thất bại bí mật của Apple, tốn hàng tỷ USD vẫn chưa giải quyết được
Mới đây, chính quyền Mỹ đã ban hành thêm những quy định nhằm cản trở các công ty chip tiến hành các hoạt động mở rộng kinh doanh, hợp tác và nghiên cứu tại Trung Quốc, New York Times (NYT) đưa tin.
Động thái này được đưa ra ở thời điểm chính quyền ông Biden chuẩn bị rót hơn 52 tỉ USD trợ cấp liên bang và hàng chục tỉ USD ưu đãi miễn thuế nhằm xây dựng ngành công nghiệp chip của Mỹ. Những quy định mới nhằm ngăn cản các nhà sản xuất chip nhận trợ cấp của chính phủ Mỹ đem công nghệ, kỹ thuật kinh doanh và các lợi ích khác chuyển giao cho Trung Quốc.
Theo đó, các hạn chế mới nhất sẽ cản trở các công ty sử dụng trợ cấp để xây dựng nhà máy sản xuất chip bên ngoài nước Mỹ, đồng thời hạn chế các công ty mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm bán dẫn ở "các quốc gia có nguy cơ gây hại cho Mỹ" trong vòng 10 năm sau khi nhận được trợ cấp.
Ngoài ra, quy định mới cũng không cho phép các công ty nhận trợ cấp được thực hiện một số dự án nghiên cứu chung nhất định tại những nước kể trên, hoặc cấp phép bản quyền công nghệ có khả năng tạo ra những mối lo ngại đối với an ninh quốc gia.
"Chúng ta phải cực kỳ thận trọng để không một xu nào của khoản [trợ cấp] này giúp Trung Quốc vượt lên trước chúng ta" , Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina M. Raimondo nhấn mạnh trước Quốc hội Mỹ.
Bà Raimondo cho biết, bà đang nỗ lực làm việc nhanh nhất có thể để thông qua trợ cấp.
"Tôi cảm thấy áp lực", bà Raimondo nói, "Chúng tôi đang bị trễ nhưng quan trọng là chúng tôi làm đúng. Và nếu phải mất thêm 1 tháng hoặc vài tuần để mọi thứ được chuẩn xác, thì tôi sẽ bảo vệ việc này bởi đó là việc cần thiết".
Bộ Thương mại Mỹ nhấn mạnh, nếu một công ty vi phạm quy định thì toàn bộ ưu đãi sẽ bị thu hồi. "Những quy định này sẽ bảo vệ an ninh quốc gia và giúp nước Mỹ dẫn đầu trong nhiều thập kỷ tới", bà Raimondo nói trong một thông cáo của Bộ Thương mại Mỹ.
Những hạn chế này là chủ đề được vận động hành lang mạnh mẽ từ ngành công nghiệp chip - hiện 1/3 doanh thu của ngành này đến từ Trung Quốc. Nhiều nhà sản xuất chip bày tỏ lo ngại rằng, các biện pháp hạn chế quá mức có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và tác động tới khả năng cạnh tranh toàn cầu của họ.
NYT cho rằng, trong bản quy định mới được ban hành hôm 22/9, Bộ Thương mại Mỹ có vẻ đã xem xét thêm quan điểm từ các nhà sản xuất chip và nhiều bên khác. So sánh các điều khoản cho thấy Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra một số điều chỉnh được các nhà sản xuất chip ủng hộ.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 22/9, quan chức Bộ Thương mại Mỹ cho biết, họ đã nhận được nhiều yêu cầu nới lỏng một số điều khoản nhất định từ ngành công nghiệp chip nhưng họ vẫn quyết định duy trì, thậm chí thắt chặt một số quy định cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia.
Washington kỳ vọng Đạo luật Chip và Khoa học của nước này sẽ củng cố năng lực sản xuất; chuỗi cung ứng; an ninh quốc gia; đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), khoa học và công nghệ; cùng lực lượng lao động để giúp nước Mỹ duy trì vị thế dẫn đầu trong các ngành công nghiệp của tương lai.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"