Suzanne Lipton, một chuyên gia về lương thực bền vững tại Viện Địa cầu Đại học Columbia cho biết: “Thoạt tiên, [người tiêu dùng] sẽ có những ý nghĩ rằng thịt nhân tạo là không tự nhiên. Nhưng rồi [họ sẽ nhận ra] chăn nuôi trong các trang trại cũng không phải tự nhiên và còn rất bạo lực”.
Hãy tưởng tượng, bạn bước vào một cửa hàng bán thức ăn nhanh. Có hai chiếc hamburger trong thực đơn khiến bạn chú ý. Thoạt nhìn thì chúng giống hệt nhau, một chiếc 2 USD như bình thường nhưng chiếc còn lại có giá tới 11 USD.
Người bán hàng giải thích: Chiếc hamburger này đắt hơn chỉ vì nó chứa thịt nhân tạo, thứ được làm ra trên một đĩa thủy tinh chứa đầy dịch lỏng, những gì mà bạn vẫn thường gọi là "hóa chất" trong phòng thí nghiệm. Trái lại, chiếc bánh rẻ hơn khi nó chứa thịt bò thật, được lấy từ một nông trại thật với những con bò gặm cỏ thật.
Ai sẽ chọn chiếc bánh 11 USD? "Chẳng ai cả", bạn nghĩ. Nhưng sự thật lại có, đó lại là những nhà khoa học, những nhà hoạt động vì môi trường, những người không muốn Trái Đất bị hủy hoại bởi khí thải nhà kính, những người ăn chay đề cao đạo đức và một tấm lòng bao dung với động vật…
Có thể bạn vẫn sẽ chọn chiếc hamburger có thịt bò thật. "Vì nó là thịt bò", bạn nói, "Những con bò thật ngoài đời, đang ăn cỏ tự nhiên trong các nông trại". Nhưng phải chăng trong thâm tâm, thứ quyết định nhất cho sự lựa chọn này của bạn, cũng như đại đa số người tiêu dùng khác vẫn là: Nó rẻ.
Đây là chiếc hamburger đầu tiên được làm từ thịt nhân tạo, nó có chi phí sản xuất tới 320.000 USD
Kể từ khi chiếc bánh hamburger kẹp thịt nhân tạo đầu tiên được bán ra, ngành công nghiệp sản xuất "thịt trong ống nghiệm" đã phát triển đến chóng mặt. Đó là năm 2013, chiếc bánh mang tính cách mạng này có chi phí sản xuất lên tới 320.000 USD. Nhưng chỉ 2 năm sau đó, nhà sản xuất nói họ có thể bán ra một chiếc hamburger tương tự với giá 11 USD, mà vẫn có lãi.
Thế nhưng thực tế rõ ràng, những chiếc bánh 11 USD vẫn chưa thể xuất hiện trên thực đơn đồ ăn nhanh. Nhiều người, cũng như bạn, họ chẳng bao giờ mua chúng, khi có một chiếc rẻ hơn tới 9 USD trông y hệt.
Làm thế nào để thuyết phục người tiêu dùng ăn thịt nhân tạo? Đó là một bài toán lớn đối với những công ty hoạt động trong ngành công nghiệp này, chẳng hạn như Memphis Meats.
Vấn đề đầu tiên, bạn sẽ nghĩ thịt nhân tạo là những món chay giả thịt được làm từ đậu, đỗ… Chúng giống như những gì có trong “bữa tiệc” của những nhà tu hành ngày nay. Nhưng không, thịt nhân tạo của Memphis Meats giống hệt với thịt thật. Bởi nó cũng phát triển từ các mô động vật thật, chứ không phải trộn hỗn hợp các hóa chất vô cơ hay tế bào thực vật với nhau.
Thịt nhân tạo, thực chất, được làm ra dựa trên quá trình nuôi cấy mô. Trong đó, các nhà khoa học, hay những “nông dân tương lai” của Memphis Meats, sẽ thu thập một lượng nhỏ tế bào gốc của động vật sống. Sau đó, họ nuôi cấy chúng trong môi trường ống nghiệm chứa protein.
Các tế bào gốc sẽ biến thành tế bào cơ bắp hoặc tế bào chất béo. Chúng sẽ nhân lên nhiều lần và tạo ra một mảng thịt nhân tạo giống như lòng trứng sống. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, chỉ với 10 tế bào, họ có thể tạo ra 50.000 tấn thịt nhân tạo trong vòng 2 tháng.
Thịt nhân tạo được làm ra trong phòng thí nghiệm như thế nào?
Trên cùng một năng suất này, hãy nhìn vào thực trạng ngành công nghiệp chăn nuôi hiện nay. Bạn sẽ dễ dàng giải thích được tại sao thịt nên được sản xuất trong phòng thí nghiệm, hơn là bên ngoài một nông trại.
Một ước tính cho thấy 30% tổng diện tích đất trên hành tinh đang được sử dụng để phục vụ ngành chăn nuôi. Đó là khoảng 70% tổng diện tích đất nông nghiệp trên thế giới. Khó hiểu bởi bạn sẽ nghĩ trồng trọt mới cần đất chứ không phải chăn nuôi.
Thế nhưng, hãy thử nhìn vào một nông trại nuôi bò. Trong khi đúng là những con bò chỉ được nhốt trong những ô chuồng chật hẹp, thì để cung cấp thức ăn đủ cho chúng, người ta sẽ cần những cánh đồng bạt ngàn chỉ trồng cỏ. Chăn nuôi ở một quy mô công nghiệp sẽ cực kỳ tốn diện tích.
Chưa hết, chăn nuôi là một ngành nông nghiệp, nhưng khi nói đến chăn nuôi quy mô lớn, đó lại là một ngành công nghiệp “đen khói”.
Một ước tính chỉ ra công nghiệp chăn nuôi phải chịu trách nhiệm cho 18% lượng khí thải nhà kính trên toàn thế giới. Trong so sánh, tất cả các phương tiện giao thông đang hoạt động mới chỉ thải ra 13,5% tổng tượng khí CO2.
Công nghiệp chăn nuôi cũng thải vào khí quyển 65% tổng lượng NO từ khi con người xuất hiện, 37% khí metan và 64% amoniac. Hầu hết những khí thải này đều gây hiệu ứng nhà kính, khiến Trái Đất ấm lên gấp nhiều lần CO2, ví dụ NO gấp 296 lần và metan gấp 23 lần.
Tại sao nói chăn nuôi là một ngành công nghiệp "đen khói"?
Một vấn nạn nữa với việc nuôi những con vật trong chuồng trại, người nông dân thường sử dụng kháng sinh để giúp chúng tăng trưởng nhanh. Hơn 80% các loại thuốc kháng sinh bán ra ở Hoa Kỳ được sử dụng trong chăn nuôi và bị lạm dụng.
Sử dụng kháng sinh không cần thiết trong chăn nuôi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh đang xảy ra rất phức tạp trên toàn cầu hiện nay.
Bây giờ, trong so sánh, 1kg thịt được sản xuất từ những con bò sống trong nông trại và 1kg thịt được tạo ra trong phòng thí nghiệm, bạn không khó để thấy được đâu mới nên là tương lai của chúng ta, và của cả hành tinh.
Sản xuất thịt nhân tạo tốn ít diện tích hơn, vì chúng ta có thể tiết kiệm bằng cách tận dụng không gian cao tầng. Nó cũng sử dụng ít nước hơn và tạo ra ít khí thải nhà kính. Không có động vật sống thì sẽ không cần cho chúng uống nước và cũng không còn phân động vật. Không cần chữa bệnh cho chúng với kháng sinh liều cao.
Một điều nữa, động vật không sống nghĩa là chúng ta trút bỏ được gánh nặng đạo đức liên quan đến việc giết mổ. Bằng cách kiểm soát các điều kiện nuôi cấy thịt, chúng ta có thể tạo ra nguồn thực phẩm dinh dưỡng hợp lý hơn, chẳng hạn thịt nhiều nạc và ít chất béo.
Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh phức tạp như hiện nay
Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh tất cả các thông điệp này đều trở nên không hiệu quả với đại đa số người dân. Một phần vì chúng đã không được truyền tải đủ tốt. Các nhà khoa học liên tục nói trong các hội thảo về môi trường rằng ngành chăn nuôi là thủ phạm lớn của biến đổi khí hậu. Nhưng thực tế, nhiều người dân vẫn không nhận thức được giảm ăn thịt cũng là một cách để bảo vệ môi trường.
Ở trên một khía cạnh khác: đạo đức. Một khảo sát ở Mỹ chỉ ra chỉ có khoảng 3% dân số nước này ăn chay trong khi hầu hết mọi người đều biết sự khủng khiếp trong hoạt động giết mổ ở các trang trại quy mô lớn khắp đất nước.
Đó là vì chế độ ăn thịt của con người đã được củng cố thành hẳn một văn hóa. Văn hóa coi món thịt là một sự thịnh soạn trên bàn tiệc, với những biểu tượng như tiệc nướng BBQ, gà rán, bánh hamburger… Nói ăn thịt trở thành văn hóa là khi con người xây dựng lên những biểu tượng như vậy và khó có thể rũ bỏ.
Ngay cả khi chúng ta biết rõ hệ thống cung cấp thực phẩm trên toàn thế giới đang có vấn đề, một thứ gì đó sai lệch, phi khoa học và mang tính hủy diệt trong ngành chăn nuôi và tiêu thụ thịt, mọi người vẫn rất khó để tự thay đổi những gì họ ăn hàng ngày.
Ăn thịt đã trở thành một văn hóa, mà văn hóa là thứ mà người ta có thể dùng để biện minh, chấp nhận và dung dưỡng những biểu hiện sai lệch, mang tính phi khoa học.
Chúng ta có cả một nền văn hóa tiêu thụ thịt từ chăn nuôi truyền thống, nhưng liệu nó đã lạc hậu sau hàng ngàn năm?
Bởi vậy mà để chiến thắng được tâm lý của người tiêu dùng, những công ty như Memphis Meats sẽ cần rất nhiều nỗ lực. Chỉ bằng cách chỉ ra cho mọi người thấy ăn thịt nhân tạo là tốt hơn với hành tinh, là có đạo đức như một người tu hành là không đủ.
Thêm vào đó, thịt nhân tạo còn gắn trên chính nó cái mác “nhân tạo”, được làm ra từ ống nghiệm. Người tiêu dùng thì vẫn thích những sản phẩm tự nhiên hoặc chí ít cũng có thành phần tự nhiên. Trong một số trường hợp nó là niềm tin mù quáng.
Suzanne Lipton, một chuyên gia về lương thực bền vững tại Viện Địa cầu Đại học Columbia cho biết: “Thoạt tiên, [người tiêu dùng] sẽ có những ý nghĩ rằng thịt nhân tạo là không tự nhiên. Nhưng rồi [họ sẽ nhận ra] chăn nuôi trong các trang trại cũng không phải tự nhiên và còn rất bạo lực”.
David Kay, nhà phân tích kinh doanh tại Memphis Meats, tiết lộ: Trong tuần này công ty sẽ tiếp tục cho ra lò một sản phẩm thịt gà nhân tạo. Sau đó, họ sẽ tiếp tục cần mẫn làm công việc “giáo dục” mọi người rằng: Tại sao thịt nhân tạo lại tốt hơn?
“Chúng tôi không quan niệm công việc này chỉ nhằm khiến mọi người thay đổi chế độ ăn uống”, Kay nói. “Tất cả những gì chúng tôi đang làm là sản xuất ra cùng một sản phẩm mà mọi người đã thích trong hàng ngàn năm, theo một quy trình tốt hơn với môi trường, động vật và sức khỏe cộng đồng. Chúng tôi nghĩ rằng nếu chúng tôi nói sự thật một cách rõ ràng và dễ hiểu, công chúng có thể sẽ chấp nhận và ủng hộ thịt nhân tạo”.
Đồng ý với quan điểm của Kay, Suzanne Lipton cho biết: “Nếu thịt được sản xuất từ phòng thí nghiệm nạc hơn, nhiều protein hơn trên mỗi calo, điều đó có thể dẫn đến thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Một mức giá thấp hơn cũng sẽ tạo ra sức mạnh tương tự”.
Sắp tới, Memphis Meats sẽ tiếp tục cho ra mắt một sản phẩm thịt gà nhân tạo
Vậy là cuối cùng, chúng ta vẫn phải trở lại một biến số quen thuộc. Giá cả vẫn là thứ quyết định đến tương lai của thịt nhân tạo, mà có thể còn là tương lai của hành tinh và của cả chúng ta.
Giá thành quyết định đến sự lựa chọn của người mua hàng. Memphis Meats cho biết, trong vòng 4 năm nữa, họ có thể khiến giá thịt sản xuất trong phòng thí nghiệm rẻ hơn cả thịt trong các nông trại.
Tất cả những người tiên phong trong lĩnh vực thịt nhân tạo cũng đồng ý rằng, một khi các dự án như Memphis Meats được nâng lên quy mô và công suất lớn, thịt nhân tạo sản xuất trong phòng thí nghiệm sẽ còn rẻ hơn cả thịt truyền thống.
Vào thời điểm đó, có khi chỉ là đầu thập kỷ sắp tới, đại đa số người tiêu dùng vẫn sẽ không biết ăn thịt là góp phần làm biến đổi khí hậu. Họ cũng vẫn không quan tâm đến hoạt động giết mổ hàng loạt trong các nông trại, và có ý niệm về đạo đức với động vật.
Thế nhưng, đó lại có thể là lúc người tiêu dùng bắt đầu ăn sản phẩm của Memphis Meat, một khi họ thành công trong việc giảm giá. Một chiếc hamburger năm 2021 có thể còn rẻ hơn 2 USD.
Tổng hợp
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín