NASA có thể đưa phi hành gia ra Vũ trụ là nhờ 11 người đàn ông khiếm thính

    Q.Giang,  

    Những con người cống hiến thầm lặng cho mục tiêu cao cả của nhân loại: du hành vũ trụ.

    NASA có thể đưa phi hành gia ra Vũ trụ là nhờ 11 người đàn ông khiếm thính - Ảnh 1.

    Trước khi đưa con người vào vũ trụ, NASA phải tiến hành nghiên cứu kỹ những tác động của tình trạng không trọng lực lên cơ thể con người trong khoảng thời gian dài. Để phục vụ nghiên cứu này, vào cuối những năm 1950, NASA đã kết hợp cùng trường Y học Hàng không Hải quân Hoa Kỳ thành lập một chương trình nghiên cứu với sự giúp sức của 11 người đàn ông khiếm thính, độ tuổi từ 25 đến 48, đến từ trường Gallaudet (nay là đại học Gallaudet). Lịch sử đã vinh danh 11 người đàn ông này là “Gallaudet Eleven - Mười một người đến từ Gallaudet”, đây là tên họ:

    Harold Domich

    Robert Greenmun

    Barron Gulak

    Raymond Harper

    Jerald Jordan

    Harry Larson

    David Myers

    Donald Peterson

    Raymond Piper

    Alvin Steele

    John Zakutney

    NASA có thể đưa phi hành gia ra Vũ trụ là nhờ 11 người đàn ông khiếm thính - Ảnh 2.

    Người tham gia nghiên cứu John Zakutney đang được hạ xuống một máy ly tâm.

    Ngoại trừ một người, còn lại tất cả trong số họ đều bị khiếm thính từ nhỏ do di chứng của căn bệnh viêm màng não. Viêm màng não còn làm tổn hại hệ tiền đình của tai trong khiến những người này “miễn dịch” với chứng say tàu xe hay bất cứ phương tiện di chuyển nào khác. 

    Trong suốt một thập kỷ với nhiều thử nghiệm khác nhau, các nhà nghiên cứu đã tiến hành quan sát khả năng không phản ứng của 11 người tham gia đối với chứng say tàu xe, ở cả khía cạnh sinh lý và tâm lý, từ đó đưa ra báo cáo chi tiết về cảm giác và thay đổi nhận thức của họ. Những thí nghiệm này giúp làm rõ cách thức hoạt động của hệ giác quan trong trường hợp hệ thần kinh tai trong không nhận được những tín hiệu trọng lực thông thường. (Như trường hợp của những chàng trai khiếm thính này và như khi con người ở trên tàu vũ trụ). 

    Harry Larson, một trong những đối tượng tham gia nghiên cứu cho biết, “Sự khác biệt của chúng tôi chính là điều mà nghiên cứu này đang cần.”

    Những thí nghiệm này tập trung kiểm tra tính cân bằng và thích nghi sinh lý của các đối tượng trong nhiều môi trường khác nhau. Một trong số đó yêu cầu 4 người đàn ông khiếm thính ở trong một căn phòng có đường kính 6 mét, liên tục xoay chậm trong suốt 12 ngày, duy trì tốc độ chuyển động 10 vòng/phút. 

    NASA có thể đưa phi hành gia ra Vũ trụ là nhờ 11 người đàn ông khiếm thính - Ảnh 3.

    Người tham gia nghiên cứu Harry Larson đứng trong căn phòng xoay chậm.

    Có một thí nghiệm đặc biệt được thực hiện trên một chuyến phà ngoài khơi bờ biển Nova Scotia, nhằm ghi lại những phản ứng của nhóm đối tượng nghiên cứu đối với những chuyển động bập bềnh của sóng biển. Và kết quả là, trong khi những người khiếm thính thản nhiên chơi bài và tận hưởng chuyến du thuyền, thì những nhà nghiên cứu lại say sóng tới mức phải dừng thử nghiệm lại.

    Một nghiên cứu khác lại cho phép các đối tượng tham gia vào một chuỗi các chuyến bay không trọng lực của chiếc máy bay “Vomit Comet” trứ danh, nhằm nghiên cứu tính liên kết giữa định hướng của cơ thể với các tín hiệu trọng lực.

    NASA có thể đưa phi hành gia ra Vũ trụ là nhờ 11 người đàn ông khiếm thính - Ảnh 4.

    Những người tham gia nghiên cứu trò chuyện trong chiếc máy bay không trọng lực khởi hành từ Trạm hàng không Hải quân ở Pensacola.

    Các chàng trai tới từ Gallaudet cho biết, họ không hề gặp một chút ảnh hưởng vật lý bất lợi nào, mà trái lại, còn thoải mái tận hưởng đợt thí nghiệm kéo dài. Barron Gulak cho hay: “Nhìn lại thì, đúng là rất đáng sợ… Nhưng lúc đó chúng tôi vẫn còn trẻ và chẳng ngại phiêu lưu.”

    Dựa trên những kết quả thu thập được từ những thí nghiệm thực hiện trong suốt cả thập kỷ, các nhà nghiên cứu đã hiểu rõ hơn về hệ giác quan cũng như những phản ứng của nó với môi trường trọng lực bên ngoài. Có thể nói, Gallaudet Eleven đã không quản khó khăn và hết mình cống hiến cho quá trình nghiên cứu hiện tượng say tàu xe và các phương tiện chuyển động, cũng như sự thích nghi của cơ thể con người với môi trường không gian.

    Vào ngày 11 tháng 4 năm 2017, nhà sử học Bill Barry của NASA đã vinh dự đại diện cho cơ quan này tham dự lễ khai trương bảo tàng Đại học Gallaudet và triển lãm Deaf Difference Space Survival. Được tổ chức bởi Maggie Kopp, cũng là một sinh viên của Đại học Gallaudet, triển lãm nhấn mạnh những đóng góp to lớn nhưng thầm lặng của 11 cựu sinh viên Gallaudet trong quá trình nghiên cứu của NASA từ năm 1958 đến năm 1968.

    NASA có thể đưa phi hành gia ra Vũ trụ là nhờ 11 người đàn ông khiếm thính - Ảnh 5.

    Lễ cắt băng khánh thành triển lãm tại Bảo tàng Đại học Gallaudet.

    Từ trái sang phải: Người tổ chức triển lãm Gallaudet Margaret Kopp, Nhà sử học NASA Bill Barry, Tiến sĩ Paul DiZio - Phòng thí nghiệm định hướng không gian Ashton Graybiel tại Đại học Brandeis, ba người cầm cây kéo là 3 trong số 11 chàng trai Gallaudet tham gia nghiên cứu của NASA năm xưa: Harry O. Larson, Barron Gulak, David O Myers, Giám đốc Đại học Gallaudet Roberta J. Cordano, và Hiệu trưởng Carol J. Erting.

    Tham khảo: NASA

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày