Nền kinh tế nhảm nhí hàng tỷ USD trên Tiktok: Kiếm hàng triệu USD chỉ bằng clip vài phút, tràn ngập nội dung độc hại
Thời vàng son của ngành truyền hình, nơi cả nhà xem tivi đã bị thay thế bởi những chiếc điện thoại, dẫn đến vô số người làm mảng điện ảnh đổ xô đi quay Tiktok tại Trung Quốc vì chi phí thấp, dễ quay, hút người xem và có nhiều tiền quảng cáo hơn.
- Nhóm sinh viên thiết kế kính AR kết hợp AI có thể 'nhắc bài' cho người đeo, cực hữu dụng cho những ai không biết nói gì khi đi hẹn hò
- Dùng AI làm giả cuộc phỏng vấn với huyền thoại đua xe F1, một tổng biên tập báo Đức mất chức
- Là công việc cần sáng tạo, nhưng nghề agency quảng cáo có thể biến mất khi AI mới của Google ra mắt
- Lệnh cấm TikTok là vô nghĩa: ByteDance sở hữu 1 ứng dụng gây nghiện khác, 'na ná' Instagram và Pinterest, có tới 5 triệu người dùng mỗi tháng
Truyền hình hết thời
Tờ Rest of World cho biết bộ phim dài tập thời lượng ngắn “Giảm phát biến tôi thành đại gia” (Deflation Made Me a Tycoon) trên Tiktok Trung Quốc (Douyin) thời gian gần đây đang làm mưa làm gió. Bộ phim kể về một anh chàng tiếp tân trẻ chịu bắt nạt ở công sở, bị bạn gái chia tay vì nghèo, mẹ mất sau một vụ tai nạn. Cuối cùng anh chàng này nhảy cầu tự tử để rồi tái sinh ở một thế giới khác, nơi giảm phát quá cao biến anh thành tỷ phú giàu nhất thế giới.
Bình quân mỗi tập phim chỉ kéo dài 2 phút này đang là một trong những nội dung làm nên ngành công nghiệp hàng tỷ USD tại Trung Quốc khi ngày càng nhiều người dán mắt vào màn hình điện thoại, lướt Tiktok hoặc tìm kiếm các phương tiện giải trí. Theo một số ước tính, ngành công nghiệp phim ngắn trên các nền tảng như Tiktok Trung Quốc có tổng trị giá khoảng 10 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 1,4 tỷ USD.
Điều trớ trêu là những tác phẩm kinh phí thấp, rẻ tiền này lại rất được lòng người xem với tỷ lệ tương tác cực cao, vượt trội những nội dung chính chuyên lành mạnh khác. Các số liệu theo dõi cho thấy lượt truy cập những bộ phim ngắn này lên đến 100 triệu lượt, cao hơn rất nhiều so với chỉ vài triệu lượt xem của các phim truyền hình đơn lẻ truyền thống.
Sức hút này đã khiến vô số người làm trong lĩnh vực điện ảnh-truyền hình Trung Quốc đổ xô vào mảng quay clip Tiktok.
Cốt truyện cô động, thời lượng ngắn và biết tạo kịch tính thu hút người xem, đánh trúng thị hiếu của khán giả đã khiến những video này trở thành trò tiêu khiển sau bữa tối của vô số người Trung Quốc trong bối cảnh ai cũng có một chiếc điện thoại.
Các báo cáo cho thấy trong năm 2022, gần 95% số người dùng Internet tại Trung Quốc xem phim ngắn dài tập trên các nền tảng, thậm chí 24% coi đây là phương tiện giải trí ưu tiên chứ không phải truyền hình tivi.
Thống kê cho thấy trên nền tảng Kuaishou, lượt xem bình quân các clip ngắn có khi lên đến 260 triệu năm vừa qua. Con số này trên Mango TV là hơn 600 triệu lượt xem.
Số liệu từ Tổng cục quản lý phát thanh và truyền hình Trung Quốc (NRTA) cho thấy tính riêng trong nửa đầu năm 2022 đã có 2.859 tác phẩm dưới dạng video ngắn dài kỳ được đăng ký, cao hơn rất nhiều so với chỉ 398 tác phẩm đăng ký trong cả năm 2021.
Trái lại, số phim truyền hình đăng ký lại liên tục giảm những năm gần đây ở Trung Quốc do lượng người xem giảm sút dẫn đến mất doanh thu quảng cáo, chưa kể việc chính quyền Bắc Kinh siết chặt kiểm soát nội dung truyền hình. Năm 2021, Trung Quốc chỉ có chưa đến 500 tác phẩm truyền hình truyền thống đăng ký.
Trong khi đó, ngày càng nhiều nền tảng bắt chiếc theo thành công của Douyin và Kuaishou. Những cái tên như Youku, iQiyi, Tencent Video hay Mango TV bắt đầu đổ bộ mảng phim ngắn dài kỳ trước sức hút doanh thu quảng cáo rất lớn từ đây.
“Chúng tôi đã tập trung xây dựng các thương hiệu phim ngắn từ năm ngoái”, người phụ trách Yu Ke của mảng phim ngắn tại Kuaishou nói.
Những tác phẩm tiêu biểu như “Starlight” của Kuaishou đã thu hút đến 50 tỷ lượt xem, trong khi số lượng tác phẩm phim ngắn hấp dẫn trên nền tảng này cũng tăng gần 40% trong năm qua.
Mỏ vàng
Một trong những lý do khiến phim ngắn trên các nền tảng như Tiktok lại thu hút các nhà sản xuất là chi phí rẻ. Một chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh truyền hình Trung Quốc đã tiết lộ rằng bình quân mỗi bộ phim chiếu rạp có kinh phí thấp nhất là 100 triệu nhân dân tệ trong khi chi phí cho các tác phẩm truyền hình lớn trên tivi cũng lên đến hàng chục triệu nhân dân tệ.
“Tuy nhiên nếu tôi muốn quay một tác phẩm video ngắn với khoảng 30-40 tập thì chỉ cần 700.000-800.000 Nhân dân tệ là đủ”, vị chuyên gia này nói.
Cũng theo chuyên gia này, với 10 triệu Nhân dân tệ chỉ có thể làm được 1 phim chiếu mạng dài tập nhưng lại có thể chia ra làm 10 tác phẩm video ngắn dài kỳ. Điều này khiến mảng video ngắn có khả năng thành công cao hơn nhiều so với những đại tác phẩm truyền thống.
Thêm nữa, vòng quay thu lời của các video ngắn cũng nhanh hơn nhiều, qua đó hạn chế được rủi ro. Thông thường các dự án truyền hình truyền thống phải mất vài tháng đến 1 năm với thu hồi hết lợi nhuận. Thế nhưng một tác phẩm video ngắn dài kỳ chỉ cần khoảng 40 ngày là thu hồi được hết lợi nhuận, bao gồm 6-7 ngày sản xuất cho mỗi tập vài phút, ra mắt trong khoảng 14 ngày và nhận được lợi nhuận từ tháng thứ 2 sau khi trình chiếu trên mạng.
Nhà quản lý Yu Ke của Kuaishou cho biết thu nhập từ thương mại điện tử thông qua các bộ phim ngắn đã tăng 35% trong năm 2022, còn những tài khoản đăng video đã tăng 143% số người theo dõi so với cùng kỳ năm trước đó.
Một nguồn thu khác là từ phí trả tiền để xem phim khi các sản phẩm được đăng lên những nền tảng như WeChat. Bình quân để xem hết 100 tập phim ngắn thì người dùng phải thanh toán hơn 100 Nhân dân tệ, đắt gấp đôi một tấm vé xem phim ngoài rạp. Thế rồi phí quảng cáo khi chèn thương hiệu vào nội dung cùng các khoản thu khác.
Nhà sản xuất Hou Chao của phim “Giảm phát biến tôi thành đại gia” cho biết phần lớn kinh phí các dự án chỉ xoay quanh hơn 200.000 Nhân dân tệ nhưng chi phí quảng báo tác phẩm có thể lên tới 700.000 Nhân dân tệ.
Tất nhiên chẳng ai chịu làm ăn lỗ vốn ở đây cả. Tác phẩm “Giảm phát biến tôi thành đại gia” với 101 tập phim có chi phí quảng cáo 40 triệu Nhân dân tệ nhưng thu về đến gần 50 triệu Nhân dân tệ tính riêng tiền phí đăng ký, chưa kể những khoản thu khác.
Tuy nhiên lợi nhuận nhiều khiến vô số các tác phẩm rác bắt đầu ra đời khi nhà đầu tư chỉ nhìn vào lợi nhuận chứ không quan tâm nội dung là gì.
“60-70% các nhà đầu tư hiện nay chỉ quan tâm đến tỷ suất lợi nhuận mà chẳng thèm nhìn xem nội dung tác phẩm là gì”, cô Yu Ke thừa nhận.
Giấc mơ đổi đời
Tờ Rest of World nhận định kịch bản của các bộ phim ngắn thường lặp đi lặp lại một số kiểu: Người nghèo yêu tỷ phú, âm mưu trả thù hôn nhân, du hành thời gian, xuyên không...Cốt truyện cũng diễn biến nhanh trong 10 phút với vô số cảnh nóng hay các tình tiết hấp dẫn ở cuối phim bị cắt ghép để tạo tính thu hút qua từng tập.
“Tôi sẽ chẳng xem chúng nếu độ dài quá 10 phút. Tôi thích những bộ phim ngọt ngào và không cần suy nghĩ nhiều”, cô Zhang Xiaoran, một sinh viên tại tỉnh Henan cho biết.
Giảng viên Elaine Jing Zhao của trường đại học New South Wales-Australia chuyên ngành về truyền thông Trung Quốc cho biết những khó khăn ở thực tại là nguyên nhân chính khiến người dân bị thu hút vào các tác phẩm có nội dung “mất não”.
“Ai cũng thích xem câu chuyện về những kẻ thấp cổ bé họng, nghèo nàn bỗng trở thành người giàu có, quyền lực nhất thế giới, hoặc câu chuyện về sự trả thù cho những đắng cay ngoài đời thực”, bà Zhao nhận định.
Đạo diễn Aria Lee của dòng phim ngắn cũng tiết lộ với Rest of World về bí kíp hút người xem trong ngành, trong đó yêu cầu những tình tiết gây sốc để giữ chân người xem trong 5 giây đầu và kết thúc mỗi tập là một nội dung mở khác. Bởi người xem lướt điện thoại rất nhanh nên họ không có thời gian triển khai bối cảnh rườm rà. Một ví dụ điển hình là bối cảnh một người đàn ông tỉnh dậy trần truồng nằm bên cạnh phụ nữ mà không biết là ai, hoặc những cảnh nóng khác để giữ chân người xem.
Việc vô vàn bộ phim “nhàm, bẩn, bựa” xuất hiện trên Tiktok cùng các nền tảng khác mà không bị kiểm duyệt chặt đã khiến các cơ quan chức năng vào cuộc.
Tháng 12/2022, nhiều nội dung 18+, bạo lực hoặc bị đánh giá là gây ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội đã bị yêu cầu gỡ bỏ khỏi các nền tảng.
Tháng 3/2023, chính quyền Bắc Kinh yêu cầu ngành giải trí chỉ được sản xuất những phim ngắn “ca ngợi” Trung Quốc.
Tháng 4/2023, hàng loạt nền tảng từ WeChat đến Douyin đã phải dỡ bỏ hàng trăm tác phẩm vì bị cho là “độc hại”.
Tuy nhiên trên có chính sách thì dưới có đối sách, nhiều tác phẩm đã được tái đăng tải lên các nền tảng nước ngoài như Youtube rồi gán phụ đề bằng nhiều thứ tiếng, từ Tây Ban Nha đến tiếng Anh để thu hút người xem quốc tế.
Quay trở lại bộ phim “Giảm phát biến tôi thành đại gia”, kết cục ở tập 101 là nhân vật chính sau bao ngày “vả mặt” chủ nợ, đi xe sang, mua nhà lầu, cặp bồ phụ nữ đẹp thì bất ngờ tỉnh giấc và phát hiện mọi thứ chỉ là giấc mơ.
“Bộ phim này đúng là một sự xỉ nhục với trí thông minh của người xem, thế nhưng tôi lại khá thích theo dõi chúng”, một người dùng Youtube bình luận.
*Nguồn: Rest of World
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?