Xuất hiện bất ngờ và nhanh chóng chiếm lĩnh mọi môi trường, khủng long thống trị hành tinh suốt 160 triệu năm trước khi biến mất một cách đột ngột cách đây 65 triệu năm. Sự tuyệt chủng của chúng đã để lại không ít bí ẩn, trở thành đề tài tranh luận trong cộng đồng khoa học suốt hàng thế kỷ qua.
- Tại sao xích neo tàu sân bay có thể ngăn chặn con tàu khổng lồ nặng tới 10.000 tấn?
- Suzuki DR-Z4S 2024: Sự hồi sinh của DR-Z400S sau 15 năm!
- Cũng là một bậc thầy về tiêu diệt kiến, tại sao bạn có thể nhìn thấy thú ăn kiến trong vườn thú, nhưng hiếm khi thấy tê tê?
- Bí ẩn về loài sóc California: Chúng đang 'tiến hóa' để trở thành động vật ăn thịt?
- Amazon Python: Kẻ săn mồi khổng lồ và truyền thuyết đáng sợ của rừng nhiệt đới Amazon
Khủng long xuất hiện vào cuối kỷ Trias, khoảng 230 triệu năm trước. Trong hàng triệu năm sau đó, chúng tiến hóa thành nhiều loài với kích thước và hình dạng khác nhau, từ những con khủng long bạo chúa khổng lồ như Tyrannosaurus rex đến những loài ăn cỏ hiền lành như Brachiosaurus. Khủng long không chỉ chiếm lĩnh mặt đất mà còn vươn lên bầu trời với các loài khủng long bay như Pteranodon và ngự trị đại dương với những loài như Mosasaurus.
Thời kỳ hoàng kim của chúng, kéo dài trong kỷ Jura và kỷ Phấn Trắng, những loài khủng long đã biến Trái Đất thành một thế giới của những sinh vật khổng lồ. Động vật có vú – tổ tiên của loài người – dù đã xuất hiện từ cuối kỷ Trias nhưng phải sống trong bóng tối, chỉ hoạt động về đêm để tránh sự thống trị tuyệt đối của khủng long.
Cách đây khoảng 65 triệu năm, khủng long – những kẻ thống trị suốt 160 triệu năm – đột ngột biến mất. Sự kiện này, được gọi là sự tuyệt chủng kỷ Phấn Trắng – kỷ Paleogen (K-Pg), không chỉ làm chấm dứt thời kỳ của khủng long mà còn mở ra kỷ nguyên mới cho động vật có vú và con người.
Lý do nào đã dẫn đến sự tuyệt chủng của khủng long? Đây là câu hỏi đã làm đau đầu giới khoa học trong suốt nhiều thế kỷ. Một trong những giả thuyết nổi bật và được chấp nhận rộng rãi nhất là lý thuyết va chạm tiểu hành tinh.
Theo lý thuyết này, cách đây 65 triệu năm, một tiểu hành tinh có đường kính khoảng 10 km đã lao xuống Trái Đất với tốc độ 20 km/giây, tạo ra một vụ va chạm kinh hoàng tại khu vực Vịnh Mexico ngày nay. Miệng núi lửa Chicxulub, với đường kính hơn 150 km, là bằng chứng rõ ràng nhất cho sự kiện này.
Vụ va chạm giải phóng năng lượng gấp 10 tỷ lần vụ nổ bom nguyên tử tại Hiroshima, gây ra một chuỗi sự kiện thảm khốc: hỏa hoạn, siêu động đất, sóng thần và lượng lớn bụi bặm bốc lên tầng khí quyển, che khuất mặt trời trong nhiều năm. Hiện tượng này dẫn đến một "mùa đông hạt nhân", làm suy giảm nhiệt độ toàn cầu và gây ra sự thay đổi lớn trong hệ sinh thái. Các loài thực vật không thể quang hợp, chuỗi thức ăn bị gián đoạn và khủng long – vốn phụ thuộc vào môi trường ổn định – đã không thể tồn tại.
Mặc dù lý thuyết va chạm tiểu hành tinh được nhiều người chấp nhận, nhưng không phải ai cũng đồng ý rằng đây là nguyên nhân duy nhất. Một số nhà khoa học tin rằng sự tuyệt chủng của khủng long là kết quả của nhiều yếu tố kết hợp, trong đó biến đổi khí hậu toàn cầu đóng vai trò quan trọng.
Trước khi xảy ra vụ va chạm, Trái Đất đã trải qua những biến đổi lớn về khí hậu. Hoạt động núi lửa dữ dội tại Deccan Traps ở Ấn Độ giải phóng lượng lớn khí CO₂ và SO₂ vào khí quyển, làm thay đổi nhiệt độ và thành phần hóa học không khí. Hàm lượng oxy giảm mạnh, tạo điều kiện bất lợi cho các loài động vật lớn như khủng long nhưng lại có lợi cho động vật có vú nhỏ hơn.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh với động vật có vú cũng là một giả thuyết đáng chú ý. Các loài động vật có vú ăn trứng khủng long và dần chiếm lĩnh những không gian sống mới, khiến khủng long mất đi lợi thế.
Theo đó, một câu hỏi thú vị được đặt ra là: Nếu khủng long không tuyệt chủng, liệu con người có xuất hiện? Các nghiên cứu cho thấy động vật có vú đã bắt đầu phát triển mạnh mẽ từ trước khi khủng long biến mất. Thói quen sống về đêm của chúng trong thời kỳ thống trị của khủng long là chiến lược giúp tồn tại.
Giáo sư Wu Shaoyuan từ Đại học Sư phạm Giang Tô, Trung Quốc cho rằng sự tuyệt chủng của khủng long chỉ là chất xúc tác, không phải điều kiện tiên quyết cho sự trỗi dậy của động vật có vú. Ông và nhóm nghiên cứu đã phân tích bộ gen của 82 loài động vật có vú và phát hiện sự phát triển của nhóm này đã bắt đầu từ trước khi khủng long biến mất.
Điều này dẫn đến một giả thuyết táo bạo: Nếu khủng long không tuyệt chủng, động vật có vú vẫn có thể tiến hóa và cạnh tranh thành công với chúng. Dưới áp lực của sự cạnh tranh, quá trình tiến hóa có thể diễn ra nhanh hơn, và con người có thể xuất hiện sớm hơn trong dòng chảy lịch sử.
Dù có nhiều giả thuyết được đưa ra, sự tuyệt chủng của khủng long vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất của lịch sử Trái Đất. Sự kiện này không chỉ là bài học về sự mong manh của sự sống mà còn là lời nhắc nhở rằng các thảm họa tự nhiên có thể định hình lại toàn bộ hành tinh.
Ngày nay, với công nghệ tiên tiến, các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu hóa thạch, phân tích địa chất và mô phỏng sự kiện va chạm để giải mã câu chuyện của những sinh vật khổng lồ đã từng thống trị hành tinh này.
Một điều chắc chắn là nếu không có sự tuyệt chủng của khủng long, Trái Đất sẽ không giống như hôm nay, và câu chuyện về sự tiến hóa của con người có thể đã đi theo một con đường hoàn toàn khác.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Rewind AI 2024: Năm bùng nổ của GenAI, đưa các công nghệ trong phim viễn tưởng len lỏi vào cuộc sống của mỗi người
2024 chứng kiến sự bùng nổ của AI tạo sinh, từ một công nghệ xa lạ thường được nhắc đến trong các bộ phim viễn tưởng, giờ đây đã len lỏi vào trong mọi ngõ ngách cuộc sống của người dùng.
Cư dân mạng quốc tế nghi ngờ meme Chill Guy có nguồn gốc Việt Nam