Nếu Viber bán mình, Viettel có cạnh tranh được với các đại gia châu Á khác?

    Huê Tửu,  

    (GenK.vn) - Tin về việc Viber rao bán mình với giá rẻ mạt vài trăm triệu USD tuy được phủ nhận, nhưng dư luận vẫn chưa thôi ồn ào về việc ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí nổi tiếng sẽ bán cho đại gia nào?

    Tại Việt Nam, Viettel đang ráo riết tìm mua một ứng dụng OTT để đáp ứng tình hình kinh doanh mới và thay dòng máu sáng tạo cho hãng. Viettel cũng phủ nhận tin tức đang tìm mua Viber.

    Thế nhưng, theo những gì trong tin được tờ Calcalist của Israel đưa ra, có 4 cái tên lớn được đưa ra là: LINE, Kakao Talk, Tencent và thậm chí là Samsung. Liệu Viettel có cạnh tranh được với các tên tuổi lớn của châu Á này?

    LINE

    LINE là một sản phẩm của công ty Hàn Quốc Naver, nhưng do đội ngũ của công ty ở Nhật Bản phát triển và bắt đầu phổ biến ở Nhật sau trận siêu động đất vào tháng 6/2011. Đây là nét khá tương đồng với Viber Media, công ty này được đăng ký ở đảo Síp nhưng các nhà sáng lập và điều hành lại là người Israel.

    LINE có doanh thu 338 triệu USD trong năm vừa qua. Vào cuối tháng 11 năm trước, LINE tuyên bố đạt 300 triệu người dùng toàn cầu. LINE thống trị thị trường OTT Nhật Bản và phần lớn doanh thu của hãng tới từ việc phát hành game trên ứng dụng. Ở các quốc gia khác, LINE cũng đạt được một số thành công về mở rộng lượng người dùng, như 4 triệu người dùng ở Việt Nam. Nhưng các nỗ lực kinh doanh ở thị trường quốc tế không đạt kỳ vọng của hãng.

    Doanh thu của LINE không đủ để mua Viber, nhưng nên nhớ LINE Corp, công ty điều hành LINE, vẫn nằm trong hệ thống của Naver, công ty có doanh thu hơn 2,2 tỷ USD (2012).

    Nếu mua được Viber, LINE sẽ dễ dàng mở rộng thị trường sang nhiều nước, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, Trung Đông nơi Viber đang khá thịnh hành. Và cạnh tranh trực tiếp với đại kình địch Tencent ở khu vực châu Á.

    Nhưng Viber và LINE có mảng kinh doanh khá trùng nhau, nên chúng tôi đánh giá LINE xếp cuối cùng ở danh sách này.

    Tencent

    Tencent đang sở hữu ứng dụng OTT WeChat với khoảng hơn 400 triệu người dùng toàn cầu, trong đó có khoảng 100 triệu người dùng ngoài Trung Quốc. Tập đoàn này có doanh thu vào khoảng 10 tỷ USD trong năm 2013.

    WeChat có lượng người dùng lớn ở Trung Quốc, nhưng khi mở rộng ra các quốc gia thì vướng một số vấn đề. Thứ nhất đó là vấn đề kiểm duyệt của chính phủ Trung Quốc với các ứng dụng/dịch vụ internet. Thứ hai là ở một số quốc gia có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, ứng dụng này bị tẩy chay khá mạnh mẽ.

    Vì thế, nếu mua được một ứng dụng “Tây” như Viber, có thể Tencent sẽ mở rộng được thị trường qua thương hiệu này và tập trung cho WeChat phát triển ở thị trường nội địa.

    Ngay cả tin trên Calcalist cũng gợi ý tới Tencent khi cho rằng Viber bán mình cho một công ty nhắn tin hàng đầu ở châu Á, ở quốc gia đang sở hữu 16 triệu người dùng Viber. LINE và Kakao Talk là hai cái tên khác, nhưng các quốc gia Nhật và Hàn đều không sở hữu lượng người dùng khủng như vậy. Trang Fudzilla thì đề cập thẳng tới việc Tencent là đối tác đang muốn mua Viber.

    Kakao Talk

    Ứng dụng Hàn Quốc Kakao Talk có doanh thu đạt 311 triệu USD, chỉ tính riêng nửa đầu năm 2013. Kakao Talk hiện có khoảng hơn 100 triệu người dùng toàn cầu, trong đó lượng người dùng Hàn Quốc khoảng 30 triệu.

    Kakao Talk tuy có lượng người dùng khá ít so với các đối thủ OTT khác, nhưng hãng này đang kiếm bộn từ game mà hãng này phát hành trên thị trường Hàn Quốc. Với một nền tảng thống trị gần như tuyệt đối smartphone ở Hàn Quốc và khiến các nhà mạng nước này lỗ nặng, Kakao Talk kiếm được rất nhiều tiền.

    Tuy nhiên, như GenK đã đề cập ở bài trước, nỗ lực mở rộng thị trường của Kakao Talk không đạt được kỳ vọng, vì thế hãng có thể sẽ phải bán các bộ phận ở nước ngoài để tập trung vào kinh doanh trong nước. Tuy nhiên, nếu Tencent muốn “đi đường vòng” để sở hữu Viber thì cũng có thể là một khả năng. Tencent từng đầu tư 63 triệu USD vào Kakao Talk năm 2012 và hiện đang nắm gần 15% cổ phần của ứng dụng Hàn Quốc.

    Như đã đề cập ở trên, do một số vấn đề chính trị của WeChat, có thể Tencent sẽ mở rộng sự lớn mạnh của ứng dụng nhắn tin mà hãng sở hữu bằng một thương hiệu khác.

    Vì thế, ngoài việc Tencent muốn thông qua Kakao Talk để sở hữu Viber, theo chúng tôi động lực mua lại là rất thấp.

    Samsung

    Gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc hiện đang dẫn đầu thế giới về mảng smartphone. Và nếu xét là “công ty nhắn tin hàng đầu châu Á” thì Samsung cũng đang sở hữu 100 triệu người dùng toàn cầu.

    Samsung có ứng dụng nhắn tin ChatON với độ phủ khá lớn. Cnet cho rằng ChatON đang là kẻ đe dọa cho sự diệt vong của đối thủ Blackberry Message.

    Samsung có lượng tiền đủ để mua hàng chục công ty như Viber và các khu vực mà Viber phát triển mạnh cũng nằm ở các thị trường tiềm năng với Samsung. Không như đối thủ Apple thường mạnh ở các thị trường phát triển, động lực tăng trưởng của Samsung nằm ở các smartphone giá vừa phải ở các thị trường mới nổi hoặc đang phát triển. Và đây chính là khu vực mà Viber đang phát triển rất mạnh.

    Nếu mua Viber, Samsung sẽ dễ dàng áp dụng những mảng kinh doanh khác của hãng vào ứng dụng này để triển khai mô hình kinh doanh cho Viber. Hiện Viber vẫn chưa có mô hình kinh doanh rõ ràng, ngoài việc bán một ít sticker và cung cấp dịch vụ tính phí khi gọi tới điện thoại bàn Viber Out.

    Tuy Viber phủ nhận trên báo chí về thông tin mua lại, và Viettel cũng phủ nhận chuyện muốn mua Viber, nhưng thực tế là nếu có đang đàm phán về vấn đề mua bán & sát nhập, hầu hết các hãng đều phủ nhận. Và chưa chắc những công ty trên đã có thể mua lại Viber. Vì thế, nếu như Viettel muốn mua OTT như Phó Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng tuyên bố gần đây, thì Viber là một lựa chọn tốt. Có điều, chưa chắc Viettel đã cạnh tranh được với nhiều đại gia sừng sỏ như Tencent hay Samsung.

    Cập nhật: Viber đã được bán cho gã khổng lồ thương mại điện tử của Nhật Rakuten với giá 900 triệu USD

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày