Nghiên cứu gây tranh cãi cho thấy “hội cú đêm” sở hữu chức năng nhận thức cao hơn người dậy sớm

    Kim,  

    Kết quả tới đúng mùa Euro 2024, khi người đam mê bóng đá Việt Nam phải thường xuyên thức khuya.

    Từ trước tới nay vẫn tồn tại một định kiến cho rằng “cú đêm” - biệt danh của những người thường xuyên thức khuya - giảm năng suất vào ban ngày. Nhưng nhận định này mới bị dội một gáo nước lạnh.

    Một nghiên cứu mới cho thấy ngủ muộn cũng có thể có lợi cho não bộ, và kết quả nghiên cứu cho thấy “cú đêm” có thể còn sắc sảo hơn cả những người đi ngủ sớm. Nghiên cứu từ Đại học Hoàng gia London đã tận dụng dữ liệu có được từ khảo sát của UK Biobank trên 26.000 người. Nhóm những người thường xuyên ngủ muộn đã phải hoàn thành những bài thử về trí thông minh, cả năng lý luận, thời gian phản ứng và bài thử trí nhớ.

    Sau đó, nhóm nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của thời lượng giấc ngủ, chất lượng giấc ngủ cũng như phân loại thời gian (chronotype, là khoảng thời gian trong ngày mà một người cảm thấy lanh lợi, hoạt bát nhất) của từng đối tượng nghiên cứu tới hiệu năng não bộ.

    Nhóm nghiên cứu thấy rằng những nhóm thức khuya và nhóm ngủ hơi muộn lại sở hữu “chức năng nhận thức vượt trội”, trong khi đó nhóm dậy sớm lại sở hữu điểm nhận thức thấp hơn.

    Nghiên cứu gây tranh cãi cho thấy “hội cú đêm” sở hữu chức năng nhận thức cao hơn người dậy sớm- Ảnh 1.

    Hoạt động thức khuya thường được gắn với nhóm người sáng tạo. Rất nhiều những nghệ sĩ, tác giả hay nhạc sĩ như Henri de Toulouse-Lautrec, James Joyce, Kanye West và Lady Gaga đều là những “cú đêm” nổi tiếng. Trong khi đó, những chính trị gia có tiếng như Margaret Thatcher, Winston Churchill và Barack Obama lại nổi danh với việc ngủ ít.

    Nghiên cứu mới nhấn mạnh vào tầm quan trọng của thời lượng giấc ngủ với chức năng não. Những cá nhân được ngủ từ 7-9 tiếng sở hữu điểm chức năng nhận thức cao nhất.

    Tiến sĩ Raha West, tác giả chính và nghiên cứu sinh lâm sàng tại khoa phẫu thuật và ung thư của Đại học Hoàng gia London, cho biết: “Việc hiểu và tuân theo xu hướng ngủ tự nhiên của bạn là rất quan trọng, nhưng điều quan trọng không kém là phải ngủ đủ giấc, không quá nhiều hoặc quá ít. Điều này rất quan trọng để giữ cho não của bạn khỏe mạnh và hoạt động tối ưu nhất”.

    Đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư Daqing Ma, bổ sung: “Chúng tôi thấy rằng thời lượng giấc ngủ có ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng não, và chúng tôi tin rằng việc chủ động quản lý chủ động giấc ngủ là rất quan trọng để tăng cường và bảo vệ cách mà não của chúng ta hoạt động".

    Nghiên cứu gây tranh cãi cho thấy “hội cú đêm” sở hữu chức năng nhận thức cao hơn người dậy sớm- Ảnh 2.

    Nhưng một số chuyên gia khuyên nên thận trọng với kết quả nghiên cứu mới. Jacqui Hanley, trưởng bộ phận tài trợ nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Alzheimer’s UK, cho biết: “Nếu không hiểu rõ những gì đang diễn ra bên trong bộ não, chúng ta không thể biết liệu [xu hướng hoạt động tích cực vào buổi sáng/buổi tối] có ảnh hưởng đến trí nhớ và suy nghĩ hay không, hay liệu sự suy giảm nhận thức có sinh ra từ việc thay đổi cách chúng ta ngủ”.

    Jessica Chelekis, giảng viên cao cấp và chuyên gia về giấc ngủ công tác tại Đại học Brunel London, cho biết nghiên cứu này có những hạn chế lớn, bởi lẽ nó không tính tới trình độ học vấn của đối tượng thử nghiệm, hay thời điểm nhóm đối tượng thực hiện bài thử nhận thức.

    Bà nhận định thêm, rằng giá trị chính của nghiên cứu là thách thức những định kiến xung quanh giấc ngủ. 

    Đặc tính của khoa học là nghi ngờ, là đặt câu hỏi cho vạn vật. Vậy nên bạn đọc không nên coi một nghiên cứu đơn lẻ làm kim chỉ nam cho thói quen thức khuya của mình.

    Theo Guardian

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ