Nghiên cứu từ 3 nhà khoa học: 40 biện pháp chống dịch Covid-19 kịp thời, hiệu quả, chặn đỉnh dịch, không gây quá tải bệnh viện
Theo mô hình, các biện pháp này có thể làm trì hoãn đỉnh dịch, hạn chế sự quá tải cho các bệnh viện và đơn vị chăm sóc đặc biệt.
Craig Dalton, một nhà dịch tễ học tại Đại học Newcastle mới xuất bản một bản thảo in trước của bài báo khoa học trên Mạng lưới Nghiên cứu Khoa học Xã hội (SSRN). Nghiên cứu được Dalton thực hiện cùng hai đồng nghiệp của mình là bác sĩ Stephen Corbett tại Đại học Sydney và Anthea Katelaris tại Đại học Quốc gia Úc.
Trong đó, bộ ba nhà khoa học đã phân tích các chiến lược phòng dịch SARS năm 2003, thực tế và kinh nghiệm chống dịch Covid-19 tại Trung Quốc và cả các chiến dịch phòng cúm mùa hàng năm để đưa ra trên dưới 40 biện pháp giá rẻ và kịp thời giúp thế giới ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh hiện tại.
Nhà dịch tễ học Craig Dalton tại Đại học Newcastle
Điều đáng nói là mặc dù nghiên cứu của Dalton chưa được bình duyệt, các biện pháp này đã ngay lập tức được chính phủ Mỹ đưa vào áp dụng, biên tập thành một bộ hướng dẫn cho Hoa Kỳ.
Deborah Birx, điều phối viên phản ứng với virus corona của Nhà Trắng và Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ đã mô tả bộ hướng dẫn trong cuộc họp báo hôm thứ Hai.
Birx cho biết bộ hướng dẫn mới nhấn mạnh vào ý thức chung của người dân, có các biện pháp thực hành để giữ cho nơi làm việc, trường học và nhà ở trở nên an toàn. Nó được xây dựng dựa trên bài báo khoa học của nhà dịch tễ học người Úc Dalton.
Tiến sĩ Fauci cho biết đây là các biện pháp hết sức đơn giản, giá rẻ và ai cũng có thể thực hành. "Không có gì phức tạp cả. Các biện pháp này đã được trình bày rất rõ ràng, mọi người đều có thể hiểu chúng", ông nói.
Tiến sĩ Fauci cho biết đây là các biện pháp hết sức đơn giản, giá rẻ và ai cũng có thể thực hành: "Không có gì phức tạp cả. Các biện pháp này đã được trình bày rất rõ ràng, mọi người đều có thể hiểu chúng"
Theo nghiên cứu của Dalton và các đồng nghiệp, chính phủ và các quốc gia có thể có rất nhiều biện pháp mạnh để can thiệp và ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19 bao gồm: cách ly kiểm dịch, phong tỏa các thành phố, đóng cửa trường học, hủy bỏ các sự kiện tập trung đông người…
Tuy nhiên, các biện pháp này thường được thực hiện muộn, vì họ cần đánh giá tác động kinh tế và xã hội của chúng. Lợi dụng khoảng thời gian này, Covid-19 có thể đã bùng phát và lây lan mạnh, khiến các biện pháp sau đó mất tác dụng.
Không giống với virus SARS vào năm 2003, những người nhiễm bệnh chỉ có khả năng lây truyền cao nhất sau 10 ngày khởi phát triệu chứng – khi tải lượng virus trong dịch tiết mũi, họng của họ cao nhất, Covid-19 lần này dường như có được động lực lây truyền mạnh và sớm hơn, khi có cả những ca nhiễm bệnh từ người chưa có triệu chứng được xác định.
Điều đó có nghĩa là các biện pháp phòng chống cần được thực hiện càng nhanh càng tốt. Mục đích là để làm chậm quá trình lan truyền bệnh, giảm lực lây nhiễm, giảm mức độ nghiêm trọng của các ca bệnh.
Các biện pháp của Dalton được thiết kế được trên 2 nguyên tắc: Giữ khoảng cách xã hội và cải thiện vệ sinh. Theo mô hình ông xây dựng, các biện pháp này có thể làm trì hoãn đỉnh dịch, hạn chế sự quá tải cho các bệnh viện và đơn vị chăm sóc đặc biệt.
Nó cho phép các nhân viên y tế có thời gian chăm sóc bệnh nhân tốt hơn, hoặc khi chính họ bị nhiễm Covid-19 có thể hồi phục và đi làm trở lại. Trì hoãn đỉnh dịch cũng có thể giúp cầm cự cho tới khi chúng ta có được một loại vắc-xin để đối phó với Covid-19.
"Chúng tôi đề nghị thực hiện các biện pháp can thiệp chi phí thấp trước cả khi dịch bệnh xuất hiện và dự đoán xảy ra sự lây nhiễm trong cộng đồng. Các can thiệp này nên được xem xét vì chúng có thể giúp giảm cả tổng số ca nhiễm và mức độ nghiêm trọng của các ca bệnh", Dalton và các đồng nghiệp viết.
Dưới đây là tổng hợp các biện pháp trong nghiên cứu của ông đã được đăng tải trên Mạng lưới Nghiên cứu Khoa học Xã hội (SSRN):
CÁC BIỆN PHÁP TẠI NƠI LÀM VIỆC
1. Không bắt tay
2. Tuyên truyền thực hành ho và hắt hơi đúng cách (nhưng vẫn phải yêu cầu nhân viên bị ốm ở nhà cách ly)
3. Đưa họp online trở thành tiêu chuẩn mặc định
4. Hoãn các cuộc họp lớn
5. Bắt buộc vệ sinh tay ở lối vào
6. Nhắc nhở công nhân viên rửa tay thường xuyên qua email
7. Các nhân viên ăn trưa tại bàn của mình, không tập trung tại căng tin
8. Biến các quy tắc vệ sinh thành trò chơi thú vị (Gamifying), ví dụ [thách đố các nhân viên] không chạm tay lên mặt
9. Đảm bảo những ai đang ốm phải ở nhà, nêu người ốm vẫn đến công ty sẽ phải được cách ly lập tức
10. Tổ chức các cuộc họp cần thiết ngoài trời, nếu có thể
11. Các nhân viên có người nhà bị ốm nên ở nhà
12. Khử trùng thường xuyên các bề mặt có tần suất tiếp xúc cao, nhiều người cùng tiếp xúc
13.Làm việc tại nhà nếu có thể và xem xét bố trí làm việc theo ca tại nhà nếu nhân viên không mất năng suất làm việc từ xa
14. Xem xét việc mở cửa sổ và điều chỉnh điều hòa [tăng nhiệt]
15. Hạn chế hoạt động chế biến, nấu nướng thực phẩm ở cơ quan, không chia sẻ, phân phát thức ăn tại nơi làm việc
16. Đánh giá rủi ro trong quá trình công tác của nhân viên
17. Tăng cường vệ sinh và sàng lọc bệnh trong đội ngũ nhân viên chế biến thực phẩm (căng tin) và những người tiếp xúc gần với họ
18. Phân tích nguyên nhân gốc rễ của các sự kiện có thể tạo ra đám đông tụ tập. Ngăn chặn chúng thông qua việc lên lịch lại, bố trí theo ca hoặc hủy bỏ hoàn toàn
CÁC BIỆN PHÁP TẠI TRƯỜNG HỌC
1. Giám sát việc vệ sinh tay tại lối vào và vệ sinh tay đều đặn trong ngày
2. Trì hoãn các hoạt động cần tập trung nhiều lớp và nhiều khối
3. Tuyên truyền thực hành việc ho và hắt hơi đúng cách (nhưng vẫn phải ưu tiên không cho giáo viên, học sinh bị bệnh tới trường, khuyến cáo họ ở nhà cách ly)
4. Có chính sách nghiêm để buộc giáo viên, học sinh, nhân viên trường học bị ốm phải ở nhà
5. Biến các quy tắc vệ sinh thành trò chơi thú vị (Gamifying), ví dụ [thách đố các học sinh] không chạm tay lên mặt
6. Có lịch rửa tay thường xuyên
7. Khử trùng thường xuyên các bề mặt có tần suất tiếp xúc cao, nhiều người cùng tiếp xúc
8. Học ngoài trời nếu có thể
9. Xem xét việc mở cửa sổ và điều chỉnh điều hòa [tăng nhiệt]
10. Tăng cường vệ sinh và sàng lọc bệnh trong đội ngũ nhân viên chế biến thực phẩm (căng tin) và những người tiếp xúc gần với họ
11. Xem xét các hoạt động sau giờ học có tiềm năng dẫn đến việc nhóm họp trẻ từ nhiều lớp, nhiều lứa tuổi
CÁC BIỆN PHÁP TẠI HỘ GIA ĐÌNH
Đối với tất cả các hộ gia đình:
1. Tăng cường vệ sinh, rửa tay
2. Biến các quy tắc vệ sinh thành trò chơi thú vị (Gamifying), ví dụ [thách đố các học sinh] không chạm tay lên mặt
3. Khử trùng thường xuyên các bề mặt có tần suất tiếp xúc cao
4. Treo bảng "Mời vào nhà nếu bạn khỏe mạnh" trước cửa
5. Tăng tốc độ thông gió trong nhà bằng cách mở cửa sổ hoặc điều chỉnh điều hòa không khí
6. Tuyên truyền thực hành việc ho và hắt hơi đúng cách
Đối với các hộ gia đình có thành viên bị ốm, ngoài các biện pháp trên thực hiện thêm:
7. Các thành viên trong gia đình bị ốm được cung cấp phòng riêng nếu có thể và chỉ phân công một người chăm sóc họ
8. Cửa ra vào phòng người bệnh được đóng kín
9. Đeo khẩu trang y tế/khẩu trang thường cho cả người nhiễm bệnh và người chăm sóc
10. Xem xét các biện pháp bảo vệ chắc chắn hơn hoặc chuyển chỗ ở cho những người trên 65 tuổi trong gia đình hoặc người mắc các bệnh lý nền tiềm ẩn.
CÁC BIỆN PHÁP TẠI TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI, GIẢI TRÍ, GIAO THÔNG
1. Khuyến khích vệ sinh tay tại lối vào
2. Sử dụng thanh toán điện tử để hạn chế dùng tiền mặt
3. Khử trùng thường xuyên các bề mặt có tần suất tiếp xúc cao
4. Giảm thiểu hiện tượng đông đúc thông qua việc điều chỉnh và lên lịch đặt phòng, khuyến khích mua bán trực tuyến, hạn chế số lượng người tham dự
5. Tăng cường vệ sinh và sàng lọc bệnh cho nhân viên chế biến thực phẩm và những người tiếp xúc gần với họ
6. Tăng cường thông gió và điều chỉnh điều hòa
7. Nhân viên giao thông công cộng / taxi / đi xe chung: mở cửa sổ xe bất cứ khi nào có thể, tăng lưu lượng không khí trong phương tiện, khử trùng các bề mặt có tần suất tiếp xúc cao.
*Bạn đã trang bị đầy đủ các kiến thức để phòng Covid-19? Làm bài trắc nghiệm sau đây để biết:
Tham khảo Science, Nytimes, SSRN
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming