"Mọi người khá sợ hãi khi sự an toàn của bản thân bị đe dọa bởi dịch bệnh và điều đó có nghĩa là sự mềm mỏng, lịch sự mà bạn thường thấy trên tàu điện hay trong xã hội sẽ bị lãng quên. Quả thật rất kỳ lạ khi người Nhật bình thường hành xử khá lý trí lại bắt đầu đi làm những chuyện như vậy", doanh nhân Ken Kato tại thủ đô Tokyo-Nhật Bản ngán ngẩm nói.
Người Nhật vốn nổi tiếng với văn hoá lịch sự, tính tôn trọng không gian riêng tư cá nhân, cũng như tinh thần tự lực tự cường. Hình ảnh người dân xếp hàng nhận phát nhu yếu phẩm sau thiên tai hay các trận động đất, mọi người cùng chung tay giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn mà không có sự hỗn loạn hay tranh giành nào đã thực sự gây ấn tượng với cả thế giới.
Tuy nhiên, có lẽ văn hóa "lịch sự" lại đang trở thành sự kìm kẹp cho cuộc sống của người dân vốn đã nhiều khó khăn do kinh tế giảm tốc, giá cả các mặt hàng tăng cao, còn cơ hội việc làm ngày một ít. Hệ quả là khi dịch Covid-19 bùng phát, nỗi lo sợ như một giọt nước làm tràn ly và phá vỡ văn hóa lịch sự cùng hình ảnh thân thiện của người Nhật đã tồn tại từ lâu.
Thậm chí, kể cả vụ sóng thần và rò rỉ hạt nhân năm 2011 tại Fukushima cũng không khiến người dân Nhật chịu áp lực và lo lắng như hiện nay. Một video mới đây đã được lan truyền trên mạng xã hội, qua đó cho thấy 2 người Nhật Bản đánh nhau gần ga tàu điện ngầm.
Nguyên nhân của vụ ẩu đả là do một người trong đó không đeo khẩu trang và ho liên tục. Người đàn ông còn lại, lớn tuổi hơn, cảm thấy khó chịu và mắng gay gắt người đang ho, yêu cầu anh ta đeo khẩu trang lại. Cãi vã từ đó nổ ra và dẫn đến cuộc ẩu đả.
Tồi tệ hơn, trang tin Sora News ngày 26/2/2020 đã đăng 1 video cho thấy một số người Nhật đang vật lộn, đánh nhau nhằm giành chỗ xếp hàng mua khẩu trang. Nhiều người tin rằng do hám lợi nên những người này đã tranh giành nhau chỗ đứng và một số người Nhật đã mua khẩu trang với số lượng lớn để bán với giá cao hơn.
Ẩu đả tại Nhật tranh giành mua khẩu trang
Trong những ngày này, nền kinh tế Nhật không chỉ chịu ảnh hưởng từ giảm tốc vốn đã tồn tại nhiều thập niên, mà còn thiệt hại do Covid-19 từ Trung Quốc. Lượng khách du lịch suy giảm, nguồn cung nhiều mặt hàng cũng như hoạt động thương mại chịu ảnh hưởng. Hàng quán và nhiều cơ sở dịch vụ khác giảm doanh số do tình hình dịch diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 3/3, Nhật Bản đã có gần 1.000 ca nhiễm bệnh bao gồm cả những du khách đang có mặt trên tàu Diamond Princess.
Bên cạnh đó, văn hóa sạch sẽ của người Nhật khiến nhiều người khá căng thẳng với những biểu hiện ho sốt nơi công cộng. Một hành khách tại Fukuoka đã nhấn nút dừng tàu điện khẩn cấp sau khi thấy một người đàn ông trên tàu có biểu hiện ho mà không đeo khẩu trang.
"Mọi người khá sợ hãi khi sự an toàn của bản thân bị đe dọa bởi dịch bệnh và điều đó có nghĩa là sự mềm mỏng, lịch sự mà bạn thường thấy trên tàu điện hay trong xã hội sẽ bị lãng quên. Bạn có thể thấy điều đó ở nhiều nơi tại Nhật Bản, mọi người đổ xô đi mua giấy vệ sinh và thực phẩm đóng hộp khi có tin đồn thiếu nhu yếu phẩm. Quả thật rất kỳ lạ khi người Nhật bình thường hành xử khá lý trí lại bắt đầu đi làm những chuyện như vậy", doanh nhân Ken Kato tại thủ đô Tokyo-Nhật Bản ngán ngẩm nói.
Trên mạng xã hội Nhật Bản, người dân cũng bàn tán xôn xao về văn hóa lịch sự đang bị xói mòn bởi nhiều yếu tố. Nhiều người đồng tình cho rằng Nhật Bản đang mất dần đi văn hóa này khi áp lực cuộc sống ngày một nặng nề và mọi người phải sống quá kìm nén để mang tiếng "lịch sự". Trong khi đó, một số người khác cho rằng bất kỳ ai cũng có điểm "giới hạn" và họ sẽ chẳng thể lịch sự được nữa khi vượt qua ngưỡng đó.
Áp lực thời Covid-19
Nếu ngoại trừ những du khách nhiễm bệnh trên tàu Diamond, quốc gia này đã xác nhận được 274 ca nhiễm bệnh với 6 người chết. Tình hình nghiêm trọng đến mức chính quyền vùng Hokkaido, nơi bùng phát dịch mạnh nhất, phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp và yêu cầu người dân ở nhà.
Theo các Giáo sư Hiroshi Nishiura, một chuyên gia của khoa y dược trường đại học Hokkaido, tình hình dịch bệnh tại Hokkaido có thể nghiêm trọng hơn và số người nhiễm bệnh có thể nhiều gấp 10 lần con số được chính phủ xác nhận.
Giáo sư Nishiura cho biết ông dựa trên số liệu di chuyển của du khách nước ngoài để đưa ra các dự đoán.
"Số lượng người nhiễm bệnh có thể cao gấp 10 lần số ca đã xác nhận bởi có nhiều người có triệu chứng nhẹ chưa được phát hiện", Giáo sư Nishiura cho biết.
Tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phải cho đóng cửa các trường học trên cả nước cho đến hết tháng 3/2020, qua đó cho thấy đỉnh điểm dịch tại quốc gia này có thể sẽ diễn ra trong các tuần tới.
Trớ trêu thay, nhiều phụ huynh Nhật than phiền họ phải nghỉ làm để trông con hoặc mang chúng đến chỗ làm, qua đó gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh nhiều hơn.
Cô Keiko Kobayashi, một quản lý cấp cao của một tập đoàn đa quốc gia tại thủ đô Tokyo đã phải dắt đứa con 7 tuổi của mình đến nơi làm việc.
"Tôi bị bất ngờ khi trường học phải đóng cửa. Tôi sẽ phải làm gì bây giờ? Chẳng có hướng dẫn hay thông báo nào về cách giải quyết của chính phủ cả", cô Kobayashi bức xúc nói.
Cô Keiko Kobayashi phải mang con đến nơi làm việc như bao đồng nghiệp khác trong mùa dịch
Việc đóng cửa trường học cũng tác động mạnh đến 12,7 triệu sinh viên đang tích cực ôn thi cho kỳ thi tốt nghiệp, cũng như các học sinh muốn thi qua đại học. Tồi tệ hơn, Nhật Bản là nước có tỷ lệ người già, người neo đơn rất cao và việc gián đoạn một số dịch vụ do Covid-19 có thể ảnh hưởng liên hoàn đến cả nước.
Cô Mika Nakajima, một bà mẹ đơn thân với đứa con dị tật, hiện đang làm việc tại một bảo tàng cho biết, cô đã tiêu hết số tiền tiết kiệm cho gia đình trong mùa dịch và có khả năng bị đuổi việc do không thể đến làm toàn thời gian. Việc người con của cô không thể đến trường hay thuê được bảo mẫu khiến cô Nakajima gặp rất nhiều khó khăn.
"Tôi đang tuyệt vọng, tôi thực sự không thể mất công việc này. Những gia đình bình thường đã gặp khó khăn nhưng với những người mẹ đơn thân có con dị tật như tôi, mọi thứ còn tồi tệ hơn rất nhiều", cô Nakajima buồn bã nói.
Hiện rất nhiều người Nhật đang chỉ trích Thủ tướng Abe vì đã không kịp thời phong tỏa cửa khẩu cũng như ngăn chặn dịch Covid-19 hiệu quả. Trong khi đó tại Việt Nam, quốc gia sát biên giới với Trung Quốc lại cách ly vô cùng hiệu quả và tính đến thời điểm hiện nay mới chỉ có 16 người nhiễm bệnh và đã phục hồi toàn bộ, chưa có một ca tử vong nào.
"Thậm chí đến Triều Tiên cũng đã đóng cửa biên giới với Trung Quốc khi dịch bùng phát. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ đồng ý với Triều Tiên nhưng trong trường hợp này họ đã hành xử đúng và Nhật Bản đáng ra đã phải làm như vậy. Rất nhiều người cũng không hài lòng khi chính phủ Nhật gửi hàng nghìn khẩu trang sang Trung Quốc để ủng hộ chống dịch trong những ngày đầu để rồi hiện nay người dân lâm vào tình trạng khan hiếm hàng. Chính phủ Nhật nên nghĩ cho người dân trước khi giúp đỡ những nước khác", doanh nhân Ken Kato tại Tokyo bức xúc nói.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín