Nhà lập pháp chống vắc-xin đưa nhận định khiến cả nước Mỹ lăn ra cười: Đừng sợ virus sởi vì đã có kháng sinh
Chắc ông không biết thuốc kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng đối với tất cả các loại virus.
Đầu những năm 2000, nước Mỹ vui mừng tuyên bố đã xóa sổ toàn bộ bệnh sởi. Đó là thành quả của chiến dịch tiêm chủng kéo dài gần 40 năm, kể từ năm 1963 sau khi vắc-xin phòng sởi được phát triển.
Nhưng tất cả đã trở thành quá khứ, bệnh sởi đang quay trở lại tấn công họ. Chỉ tính riêng từ đầu năm tới nay, nước Mỹ đã báo cáo ít nhất 159 ca mắc sởi.
Mặc dù vậy, những người chống vắc-xin dường như vẫn tỏ ra bàng quang trước tình hình báo động. Điển hình là Bill Zedler, một nhà lập pháp đại diện cho đảng Cộng hòa ở Tiểu bang Texas.
Gần đây, Zedler lên báo nói rằng sự bùng phát của bệnh sởi và các loại virus khác không phải là vấn đề đáng lo ngại ở nước Mỹ, bởi quốc gia có đủ kháng sinh cho tất cả mọi người.
Bill Zedler, một nhà lập pháp đại diện cho đảng Cộng hòa ở Tiểu bang Texas
"[Dù cho] họ cứ muốn nói rằng người dân đang chết vì bệnh sởi. Thì đúng thế, tại các quốc gia thuộc thế giới thứ ba, người dân của họ đã chết vì bệnh sởi thật", ông Zedler tuyên bố trên tờ The Texas Observer. "Nhưng ngày nay, với thuốc kháng sinh và nhiều công cụ y tế tương tự, người dân sẽ không chết ở Mỹ".
Tuyên bố mâu thuẫn với một thực tế rằng bệnh sởi gây ra bởi virus chứ không phải vi khuẩn. Thuốc kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng đối với tất cả các loại virus. Nó giống như bạn muốn dập lửa nhưng trong tay chỉ có một khẩu súng.
Không chỉ riêng nước Mỹ, dịch sởi dường như đang quay lại tấn công cả thế giới. Tổ chức Y tế thế giới cho biết tới 98 quốc gia đang báo cáo dịch sởi gia tăng.
Chỉ tính riêng trong vòng 6 tuần đầu năm 2019, Nhật Bản đã có 167 người nhiễm sởi - tỷ lệ cao nhất trong hơn một thập kỷ trở lại đây.
Năm ngoái, Vương quốc Anh ghi nhận hơn 900 trường hợp mắc sởi, chủ yếu ở trẻ em và thanh thiếu niên chưa được tiêm phòng. Con số này ở Pháp còn cao hơn nhiều, 2.913 ca.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, số ca mắc bệnh sởi của cả Châu Âu năm 2018 đã tăng gấp 3 lần so với năm 2017 - lên 82.596 ca, con số cao nhất được ghi nhận trong thập kỷ này.
Gián đoạn tiêm chủng trong giai đoạn chiến tranh ở Ukraine khiến số ca mắc sởi ở nước này trong năm 2018 tăng gấp hơn 11 lần so với năm 2017.
Ở Châu Á, Philippines hiện cũng đang phải hứng chịu một dịch sởi bùng phát mạnh. Hơn 8.400 trường hợp đã nhiễm bệnh, 136 người tử vong. Tỷ lệ nhiễm sởi ở thủ đô Manila đã tăng hơn 1.000% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thực tế, không có phương pháp điều trị y tế cụ thể nào đối với bệnh sởi khi một người đã bị nhiễm bệnh.
Sởi là một bệnh hô hấp gây ra bởi virus, nó rất dễ lây do virus có thể lan truyền qua hắt hơi, ho và tiếp xúc với người bệnh. Các biến chứng của căn bệnh hết sức nguy hiểm, từ tiêu chảy, nhiễm trùng tai, viêm phổi, viêm não cho đến tử vong.
Không như những gì Bill Zedler nói, bệnh sởi không thể được điều trị bằng kháng sinh. Trên thực tế, không có phương pháp điều trị y tế cụ thể nào đối với bệnh sởi khi một người đã bị nhiễm bệnh.
Đây là lý do tại sao tiêm phòng và ngăn chặn bệnh lây lan ngay từ đầu là điều rất quan trọng. Một đứa trẻ sau khi ra đời có thể được tiêm 2 liều vắc-xin sởi, thường kết hợp trong vắc-xin MMR để phòng cả 3 bệnh gồm sởi, quai bị và rubella.
Tuy nhiên, tại một số tiểu bang của Hoa Kỳ, luật pháp cho phép cư dân từ chối tiêm chủng vì lý do y tế, tôn giáo hoặc triết học của họ. Phụ huynh nào không muốn cho con cái mình tiêm vắc-xin có thể nộp đơn lên Bộ Y tế và Dịch vụ dân sinh để chờ phê duyệt.
Mặc dù vậy, những người chống vắc-xin dường như vẫn chưa hài lòng. Matt Krause, một thành viên đảng Cộng hòa của Hạ viện Texas, mới vừa đệ trình một dự luật giúp những phụ huynh có thể đơn giản hóa thủ tục từ chối tiêm chủng. Theo đó, những bậc phụ huynh này chỉ cần điền và ký tên vào một mẫu miễn trừ in sẵn và nộp lại sau.
Tại một số tiểu bang của Hoa Kỳ, luật pháp cho phép cư dân từ chối tiêm chủng vì lý do y tế, tôn giáo hoặc triết học của họ
Nếu dự luật được lấy ý kiến và thông qua, đó có thể là một thảm họa mới trong khi dịch sởi đang quay trở lại Mỹ. Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố rằng nguyên nhân chính của sự gia tăng bệnh sởi là do thất bại của chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh.
Nhiều bậc phụ huynh đang bị phơi nhiễm với những thông tin sai lệch về vắc-xin, đặc biệt là ở Châu Âu và Mỹ. Những thông tin này đưa họ trở lại một nghiên cứu gian lận của Andrew Wakefield, một bác sĩ người Anh từng tuyên bố vắc-xin MMR có liên quan đến bệnh tự kỷ. Tuy nhiên, nghiên cứu này đã bị bác bỏ vì phát hiện là gian lận. Wakefield sau đó đã bị cấm hành nghề bác sĩ ở Anh.
Mặc dù vậy, một bộ phận công chúng đã kịp tiếp nhận các thông tin sai lệch, nhưng bỏ lỡ thông tin đính chính và kiểm chứng. Họ đã ấn định được một niềm tin rằng vắc-xin có hại, bất chấp các bằng chứng khoa học mới được đưa ra về tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4