Những hạt vi nhựa có ở khắp mọi nơi, trong nước uống, không khí, thậm chí cả cơ thể bạn
Trung bình, mỗi lít nước đóng chai sẽ chứa 325 hạt vi nhựa.
Ô nhiễm nhựa không chỉ là vấn đề của biển cả. Các hạt vi nhựa bây giờ đã tấn công cả vào chai nước mà bạn đang cầm trên tay. Đó là kết luận đáng lo ngại từ một nghiên cứu trên tạp chí Frontiers in Chemistry. Trong đó, các nhà khoa học đã phân tích 259 mẫu nước đóng chai được bán ở một số quốc gia, và thấy rằng 93% trong số đó có chứa các hạt nhựa tổng hợp siêu nhỏ.
Nhiều trong số những hạt đó không quá nhỏ. Một số người chắc chắn có thể nhìn thấy chúng bằng mắt thường mà không cần kính lúp hoặc kính hiển vi, Sherri Mason, tác giả của nghiên cứu đến từ Đại học Penn State Erie, Hoa Kỳ cho biết.
Tất cả 11 thương hiệu nước đóng chai được thử nghiệm trong nghiên cứu của Mason đều là những thương hiệu phổ biến nhất ở Hoa Kỳ cũng như trên toàn thế giới.
Các nhà nghiên cứu phát hiện nồng độ hạt vi nhựa khác nhau từ các mẫu nước đóng chai của các nhãn hiệu khác nhau. Nhưng trung bình, mỗi lít nước đó sẽ chứa 325 hạt vi nhựa.
Nestlé Pure Life là loại nước có nồng độ hạt nhựa trung bình lớn nhất trong số tất cả các nhãn hiệu được thử nghiệm; một mẫu nước từ thương hiệu này đã được tìm thấy với nồng độ 10.000 hạt vi nhựa mỗi lít.
Trung bình, mỗi lít nước đóng chai sẽ chứa 325 hạt vi nhựa.
Phát hiện của Mason đã khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải vào cuộc điều tra sự an toàn của nước đóng chai. Kết quả của đánh giá đó sẽ được công bố vào cuối năm nay, theo phát ngôn viên của WHO.
Nhưng Mason nói rằng vấn đề ô nhiễm hạt vi nhựa còn vượt ra ngoài những chai nước. "Những hạt nhựa này bây giờ có cả ở trong không khí, trong nước và trong đất của chúng ta", cô ấy nói.
Tháng trước, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Geoscience cho thấy các hạt vi nhựa đang chu du trong không khí trên dãy núi Pyrenees xanh tươi ở Pháp. Một nghiên cứu khác được công bố trong năm nay cho thấy ô nhiễm vi nhựa xuất hiện trong nước ngầm của Hoa Kỳ.
Phoebe Stapleton, một giáo sư dược lý và độc học tại Đại học Rutgers cho biết: "Bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu ta muốn tìm hạt vi nhựa, chúng đều xuất hiện".
"Bất cứ nơi đâu" mà giáo sư Stapleton đề cập đến bao gồm cả cơ thể người. Một nghiên cứu nhỏ năm 2018 đã phân tích mẫu phân của các tình nguyện viên ở Phần Lan, Nhật Bản, Ý, Nga và các nước khác. Tất cả đều cho thấy hạt vi nhựa đã xâm chiếm đường ruột con người.
"Chúng ta biết rằng con người tiếp xúc với các hạt nhựa này hàng ngày", giáo sư Stapleton nói.
"Chúng ta biết rằng chúng xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua đường tiêu hóa và đường hô hấp, và tùy thuộc vào kích thước của các hạt vi nhựa, chúng ta biết rằng chúng có thể vượt qua các rào cản sinh lý tự nhiên. Điều này có nghĩa là một số hạt nhựa này đủ nhỏ để đi qua các mô bảo vệ của cơ thể và vào máu cũng như các cơ quan nội tạng", cô giải thích thêm.
Ngoài ra còn có các bằng chứng thử nghiệm trên động vật và mẫu mô trong phòng thí nghiệm cho thấy: Con cái đang mang thai có thể truyền những hạt vi nhựa này cho con non chưa sinh của chúng.
"Nghiên cứu sơ bộ [trên chuột] từ nhóm của chúng tôi và nghiên cứu được công bố bởi các nhà khoa học khác, chỉ ra rằng sau khi tiếp xúc với con mẹ, các hạt vi nhựa này có xu hướng vượt qua hàng rào nhau thai và đi vào khoang của thai nhi, lắng đọng trong các cơ quan nội tạng của chúng", giáo sư Stapleton nói.
Các hạt vi nhựa có thể xâm nhập vào cơ thể người
Mặc dù vậy, điều mà chúng ta còn chưa biết chắc chắn, đó là sự phơi nhiễm các hạt vi nhựa này ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào.
"Thật không may, hiện tại chúng ta không biết hậu quả và độc tính của những phơi nhiễm này", giáo sư Stapleton nói. "Quan niệm lâu nay cho rằng việc hạt nhựa tích tụ trong cơ thể chúng ta thật khó chịu và đáng sợ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần các nghiên cứu để chứng minh [tác động tiêu cực] mới có thể khẳng định".
Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu khác nói rằng chúng ta đã biết đủ để coi phơi nhiễm hạt vi nhựa là mối đe dọa đối với sức khỏe con người. "Trong các mô hình động vật và trong các nghiên cứu dịch tễ học ở người, chúng ta đã phát hiện mối tương quan giữa phơi nhiễm hạt nhựa và các mối nguy hiểm sức khỏe đã biết", Frederick vom Saal, một giáo sư sinh học tại Đại học Missouri nói.
Ông cho rằng khoa học đã có bằng chứng cho thấy nhựa và các chất hóa học ô nhiễm liên quan với chúng có độc tính.
"Các nhà khoa học nói rằng chúng có liên quan đến dịch bệnh béo phì và các bệnh chuyển hóa khác như tiểu đường và bệnh tim, cũng như các vấn đề về ung thư và sinh sản, cả các vấn đề về thần kinh như rối loạn thiếu tập trung", giáo sư Frederick nói. "Nếu bạn nhìn vào xu hướng của các bệnh không lây nhiễm trên khắp thế giới, bạn sẽ thấy có mối tương quan giữa việc tiếp xúc với các chất ô nhiễm [nhựa] này".
Mặc dù mối tương quan không phải là quan hệ nhân quả, đó có lẽ là những bằng chứng xác thực nhất mà chúng ta có thể có được. Giáo sư Frederick cho biết các dữ liệu nguyên nhân và kết quả trực tiếp sẽ khó có thể có.
Để làm được điều đó, giả sử một nhà khoa học sẽ phải cố tình phơi nhiễm những phụ nữ mang thai với các hạt vi nhựa cụ thể để quan sát các tác động sinh học của chúng. Thí nghiệm này rõ ràng là phi đạo đức. Có nghĩa là các nghiên cứu về tác động của hạt vi nhựa tới sức khỏe chỉ có thể tiến xa nhất tới các mô hình tương quan, hoặc ngoại suy kết quả từ các thử nghiệm mô hình động vật và trong ống nghiệm, ông nói.
Chỉ riêng trong năm 2010, có tới 12 triệu tấn nhựa đã được đổ vào lòng các đại dương thế giới
Dựa trên dữ liệu hiện có, giáo sư Frederick nói rằng con người đã biết đủ để nhận ra rằng mình cần thay đổi cách sử dụng và xử lý nhựa dẻo. "Rất nhiều trong số các tác động này là hậu quả của việc đổ hàng tỷ pound nhựa vào môi trường", theo ông.
Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy 79% tất cả những đồ nhựa do con người sản xuất cuối cùng đã kết thúc ở bãi rác hoặc trong tự nhiên. Chỉ riêng trong năm 2010, có tới 12 triệu tấn nhựa đã được đổ vào lòng các đại dương thế giới, nghiên cứu cho thấy.
Trớ trêu thay, khối lượng và sự đa dạng của phơi nhiễm nhựa là một trong những thách thức lớn mà các nhà nghiên cứu phải đối mặt, nếu muốn cố gắng chỉ ra rằng những chất ô nhiễm này có thể khiến con người bị bệnh.
Tất cả chúng ta đều tiếp xúc với rất nhiều hóa chất mỗi ngày, nếu bạn 30 tuổi và bạn phát triển một dạng ung thư hiếm gặp, không ai có thể đổ nguyên nhân cho thứ gì đó mà bạn đã từng tiếp xúc, Mason nói. Kết nối nhân quả đó về cơ bản là không thể.
Nhiều nghiên cứu của Mason đã tìm thấy ô nhiễm nhựa trong nước máy, bia và muối biển. Trong khi tất việc tiếp tục phơi nhiễm với hạt vi nhựa là không thể tránh khỏi, Mason nói rằng việc cô tập trung vào sản phẩm cụ thể như nước đóng chai có hai lý do.
Để bắt đầu, cô nói rằng hầu hết các hạt vi nhựa mà nghiên cứu của cô tìm thấy trong chai nước bằng nhựa hóa ra là những mảnh polypropylen, đây là loại nhựa được sử dụng để làm nắp chai.
"Điều này dường như cho thấy rằng hoạt động đóng chai góp phần làm phơi nhiễm hạt nhựa vào nước", cô nói. Ở kích thước hạt mà cô và các đồng nghiệp của mình có thể phát hiện và đo lường được, nồng độ nhựa này cao gấp đôi so với nước máy hoặc bia.
"Nước đóng chai được bán trên thị trường như thể nó sạch hơn nước máy, nhưng nhiều nghiên cứu không cho thấy điều đó", Mason nói. "Dựa trên tất cả các dữ liệu chúng tôi có, bạn sẽ uống vào cơ thể ít hạt vi nhựa hơn nếu uống nước máy thay vì đi mua nước đóng chai".
Theo một con số ước tính, chỉ riêng người Mỹ đã đang mua 50 triệu chai nước bằng nhựa mỗi năm.
Trong bối cảnh đó, Nestlé Waters Bắc Mỹ đã ra một thông báo tuyên bố nước đóng chai của họ đảm bảo chất lượng và an toàn. Nestlé cho biết:
"Cho đến nay, thử nghiệm của chúng tôi không hề phát hiện vi nhựa trong những sản phẩm nước đóng chai nhựa của chúng tôi vượt quá quy định. Chúng tôi đã chia sẻ chuyên môn của mình và chúng tôi đang hợp tác với cộng đồng khoa học để nâng cao hiểu biết về chủ đề này".
Một lý do khác để tập trung vào nước đóng chai, Mason nói, đó là chính những chai nhựa đựng nước đang góp phần chính yếu vào vấn đề ô nhiễm nhựa trên toàn thế giới. Theo một con số ước tính, người Mỹ đang mua 50 triệu chai nước bằng nhựa mỗi năm.
"Nói không với nước đóng chai, túi nhựa và ống hút nhựa là điều cơ bản mà tất cả chúng ta có thể làm để tạo ra những tác động đáng kể đến lượng nhựa cuối cùng thải vào trong môi trường", cô nói.
Giảm lượng nước đóng chai chúng ta uống cũng sẽ tiết kiệm hàng tỷ đô la cho người tiêu dùng Hoa Kỳ. Cùng số tiền mà bạn bỏ ra để trả cho chai đựng nước bằng nhựa, bạn có thể dùng nó để giúp mỗi người trên hành tinh này tiếp cận với một lượng nước sạch nhiều gấp 3 lần, Mason nói.
Tham khảo Time
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao cây cối gãy đổ ngổn ngang sau bão Yagi, chỉ riêng cây cau là đứng vững?
Cau có thể tồn tại ở các quốc gia giáp Thái Bình Dương, từ kỷ Phấn trắng cho tới ngày nay, bởi tiến hóa đã trang bị cho loài cây này những đặc tính để đứng kiên cường trong gió bão.
Loài cá 50 triệu năm tuổi này đã khiến các nhà khoa học bối rối trong suốt 200 năm!