“- Alo, anh gọi Grab đúng không ạ?- Mày đang ở đâu? Mày đón tao ở cổng số 4!"Anh T.V.Trường, tài xế GrabBike chua chát thuật lại cuộc gọi giữa anh với một người khách vài hôm trước.
Trò chuyện trên những cuốc xe, khi được hỏi: "Có kiểu khách nào khiến anh khó chịu không?" thì các tài xế công nghệ như được dịp trải lòng, tâm sự tất tần tật về những trường hợp gặp khách "củ chuối" của mình. Theo đó, có khá nhiều kiểu hành xử không văn minh của khách hàng đặt xe công nghệ khiến các tài xế chỉ biết… than trời.
Khách nhập điểm đón một nơi, bắt tài xế đón một nẻo
Nhập ở đầu đường, bắt đón ở cuối đường. Nhập ở đầu hẻm, bắt đón tận nhà trong ngõ ngách. Hay đơn giản là điểm đón trên thực tế cách điểm đón nhập trong ứng dụng đến… hàng trăm số nhà. Đó là những tình trạng mà các tài xế công nghệ rất hay gặp phải.
Anh N.M. Duy, tài xế GrabBike than thở: "Khách làm như mình rành đường lắm" khi kể về những lần phải tìm tới trong ngách nhỏ để đón khách tận nhà.
Nhưng tài xế ô tô mới là những người phải than trời nhiều nhất. Anh T.Q. Hạnh, một tài xế VATO chia sẻ: "Khách điện bảo: anh cứ cho vào ngõ đi có chỗ quay đầu. Đến nơi khi đi ra thì không quay nổi, phải đi lùi."
"Đoạn ngõ có bé tí, khách đi bộ 5 phút là tới nơi rồi. Có tiền có quyền, bắt mình đón tận nơi," anh Hạnh than.
Khách bắt tài xế chờ 10 phút, 20 phút, thậm chí… 30 phút
"Mình tới nơi, khách bảo chờ tí, mình chờ gần 30 phút."
"Đặt xe 15 ngàn xong bắt tài xế chờ 30 phút mới chiu ra xe. Khi bước lên xe thì kêu em gấp, chạy giùm nhanh nhanh."
"Sáng nay em thật sự rất buồn vì một số bộ phận khách hiện nay. Đón khách ở cao ốc văn phòng Q7. Khách nữ, xinh, cao, sang chảnh. Đi 25k KM50%. Đến nơi bắt đợi 15 – 20 phút!"
Đó là những phàn nàn mà chúng tôi thu lượm được trên các group Facebook dành cho các tài xế công nghệ. Còn bác tài GrabCar V.M.Hải thì tâm sự: "Ối giời, chờ lâu là chuyện thường xuyên. Khách toàn đặt xe trước. Đến đấy chờ có khi 10, 15 phút, gọi điện chán chê."
Đối với các tài xế ô tô, việc giới hạn/cấm đỗ xe ô tô dưới các tòa nhà văn phòng và các tuyến đường khiến họ lại là người phải khổ sở nhiều nhất với việc chờ đợi. "Nhận được cuốc xe một phát lập tức phải gọi ngay cho khách, bảo nhờ chị xuống trước đi, có phải ở trong ngõ hay ở trên nhà cao tầng hay không, mời chị xuống trước nhận xe," bác tài Hải kể.
Ảnh chụp màn hình
Hơn nữa, nhiều tài xế Grab phản ánh rằng nếu chờ lâu, họ có thể chủ động hủy cuốc nhưng sẽ bị tính vào phần trăm hủy, làm giảm tỉ lệ nhận cuốc cho những lần sau.
Thành viên Rincong Lê thậm chí còn đăng trong group Hội Tài Xế Lái Xe Uber Grab Hà Nội (Nhóm Chính): "Xin kiến nghị lên Grab về vấn đề chờ khách quá 5 phút tài xế có quyền hủy chuyến và nhận được tiền trợ cấp khi đợi khách quá 5 phút."
Khách đặt xong thì… lặn mất tăm, tài xế phải tự hủy cuốc
Nhiều trường hợp tài xế không thể liên lạc với khách, bắt buộc phải tự hủy cuốc, đồng nghĩa với việc tăng phần trăm hủy trong hồ sơ người tài xế.
Trên group Facebook, một bác tài than thở: "Lúc chiều em có một cuốc 26k. Khách đặt xong, em chạy qua gọi khách bảo chờ 1 tí. Em chờ 30 phút. Gọi lại 7, 8 cuộc không nghe, xong khách hủy cuốc mà không nói chi luôn."
Anh N.T.Khanh, tài xế GrabBike thì trải lòng: "Người ta không đi mà người ta hủy cho mình thì mình rất là thoải mái. Nhưng trường hợp là người ta đặt xong mình không liên lạc được, người ta không hủy cho mình, lúc ấy mới là bực mình. Mình phải tự hủy, thế là ảnh hưởng đến mình."
"Khách báo hủy mà không có lời xin lỗi," anh Khanh ngậm ngùi.
Anh T.Đ.Hạc, cựu tài xế Uber và hiện đang chạy VATO Bike, chia sẻ với chúng tôi một tình huống dở khóc dở cười: "Khách gọi hai ứng dụng cùng một lúc. Đến nơi không thấy khách đâu, gọi điện thì khách bảo: Em đi bên kia rồi (!)"
Khách coi thường tài xế
"- Alo, anh gọi Grab đúng không ạ?
- Mày đang ở đâu? Mày đón tao ở cổng số 4!"
Anh T.V.Trường, tài xế GrabBike chua chát thuật lại cuộc gọi giữa anh với một người khách vài hôm trước.
Theo chia sẻ của nhiều tài xế công nghệ, việc khách coi thường tài xế, thể hiện qua cách xưng hô và thái độ là chuyện không hiếm thấy.
"Người ta nghĩ người ta là khách người ta có quyền như vậy. Mình không thích, thậm chí ức chế," anh N.V.Phương - một tài xế GrabBike khác nói.
"Xưng mày tao có là gì, họ còn bảo là thằng lái xe," tài xế GrabCar V.M.Hải kể.
Đời Grab - Nguồn: Hữu Nghị
Và…
Khách "cho trẻ con lên xe dép bẩn đạp nhảy tưng tưng trên ghế," khách đi đến nơi rồi lại… bùng tiền, khách giở trò sàm sỡ, khách bắt chở thêm hàng cồng kềnh... Các kiểu khách "trời ơi đất hỡi" này dù ít gặp hơn nhưng nếu gặp thì các bác tài nhất định sẽ có trải nghiệm thật khó quên trong quãng thời gian làm tài xế công nghệ.
Hiện nay, với những hành xử "củ chuối" phổ biến của khách đặt xe, các tài xế không có cách nào khác ngoài việc chấp nhận và coi đó là một phần của nghề nghiệp.
"Bực cũng chả được gì mình. Làm cái nghề phục vụ thì chu đáo nhiệt tình nhất thôi." Tài xế GrabCar V.M.Hải nói. Anh N.T.Khanh ngậm ngùi: "Chạy xe ôm này thì lắm thể loại lắm em, cứ sau mỗi ngày coi như đó là bài học cho chính mình."
Nhưng về phía một bộ phận khách hàng – những "thượng đế," liệu chăng cần văn minh hơn với những người ngồi đằng sau tay lái, bởi suy cho cùng công việc dịch vụ nào cũng cần những hành xử hợp lý từ những người sử dụng dịch vụ?
Trong khi đó, về phía các ứng dụng đặt xe hiện nay tại Việt Nam – từ Grab cho đến những người mới gia nhập thị trường như VATO, T.NET, có nên phát triển bộ quy tắc ứng xử đảm bảo cân bằng giữa quyền lợi của khách hàng và người tài xế, để đôi bên đều cảm thấy thỏa đáng, hài lòng? Điều mà hiện nay, rõ ràng là chưa được làm tốt đối với những người tài xế.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming