Những nhà khởi nghiệp về công nghệ thành công nhất Đông Nam Á, hai ứng cử viên của Việt Nam cũng đã lọt vào danh sách

    Duy Vũ, Theo Helino 

    Với thị trường công nghệ đang phát triển cực nhanh tại Đông Nam Á, đã có nhiều nhà khởi nghiệp thành công trong việc phát triển công ty của mình.

    Thị trường Đông Nam Á hiện đang là một món mồi béo bở cho các nhà đầu tư phương Tây, khi số tiền huy động vốn cho khu vực này đã tăng gấp ba, từ mức 2,52 tỉ đô lên tới mức 7,86 tỉ đô chỉ vỏn vẹn trong khoảng thời gian từ năm 2016 tới năm 2017. Trong số đó, có đến hàng tỉ đô tiền vốn đầu tư là thuộc về các công ty công nghệ mới thành lập, đủ để ta hiểu thêm về tầm quan trọng của công nghệ trong thời điểm hiện tại. 

    Sau đây là một số những nhà khởi nghiệp tại Đông Nam Á đã thành công trong việc gây dựng công ty của họ, trong đó có tới hai ứng cử viên tới từ Việt Nam đã xuất sắc lọt vào danh sách này. Các công ty này đều được đánh giá dựa trên các tiêu chí giống nhau như vốn đầu tư, doanh thu và định giá của công ty.

    1. Andrew Khoo - Tessa Therapeutics, Singapore

    Tessa Therapeutics là một công ty về công nghệ sinh học, hướng tới việc điều trị ung thư cho bệnh nhân. Được sáng lập bởi Andrew Khoo cùng hai người nữa là Malcolm Brenner và Francis Chua, công ty này hiện đang phát triển cực nhanh trong việc tìm ra các liệu pháp chữa trị mới, cũng như mở rộng phạm vi các loại ung thư mà họ có thể điều trị được.

    Tiền huy động vốn thành công gần đây nhất của công ty: 50 triệu USD

    Những nhà khởi nghiệp về công nghệ thành công nhất Đông Nam Á, hai ứng cử viên của Việt Nam cũng đã lọt vào danh sách - Ảnh 1.

    Tessa Therapeutics là một công ty về công nghệ sinh học, hướng tới việc điều trị ung thư cho bệnh nhân.

    2. Ankiti Bose - Zilingo, Singapore

    Zilingo là một công ty phát triển hình thức mua hàng trực tuyến, chuyên về các sản phẩm làm đẹp, thời trang, và đời sống. Nữ sáng lập của công ty, cô Ankiti, quyết định khởi nghiệp sau khi nhận thấy thị trường buôn bán các sản phẩm làm đẹp ở Thái Lan hiện đang kém phát triển. Giờ đây công ty đã cán mốc hơn 1 triệu người sử dụng, hầu hết đều ở độ tuổi dưới 35, với số vốn đầu tư gần đây nhất lên tới 54 triệu USD.

    Những nhà khởi nghiệp về công nghệ thành công nhất Đông Nam Á, hai ứng cử viên của Việt Nam cũng đã lọt vào danh sách - Ảnh 2.

    Nữ sáng lập của công ty, cô Ankiti, quyết định khởi nghiệp sau khi nhận thấy thị trường làm đẹp ở Thái Lan hiện đang kém phát triển.

    3. Trần Ngọc Thái Sơn - Tiki, Việt Nam

    Tiki chắc hẳn cũng không còn xa lạ gì với người Việt chúng ta nữa. Đây là một công ty thương mại điện tử với hơn 300 nghìn sản phẩm ở 12 hạng mục khác nhau. Công ty được thành lập bởi ông Trần Ngọc Thái Sơn, và được cho là có tỉ lệ khách hàng hoàn trả đồ thấp nhất so với các công ty cung cấp dịch vụ tương tự khác.

    Bắt đầu bằng việc đặt văn phòng công ty tại… phòng ngủ, kiêm nhiệm từ vị trí giám đốc đến việc nhận đơn đặt hàng, gói hàng, giao hàng…, Trần Ngọc Thái Sơn đã gây dựng nên được một “đế chế” kinh doanh trực tuyến riêng dù trước đó đã có không ít doanh nghiệp mở đường thất bại trong lĩnh vực này.

    Giờ thì Trần Ngọc Thái Sơn đã không còn phải lấy xe gắn máy lao ra đường với tất cả háo hức của một “ông chủ nhỏ”, cầm gói sách đẹp đẽ do chính mình gói đi giao khi có đơn đặt hàng trên trang web Tiki.vn như ngày đầu mới lập nghiệp, bởi công ty này đã tăng trưởng đột biến trong vòng 6 năm trở lại đây, và hiện đã huy động được vốn của các nhà đầu tư "khủng" như SparkLabs Ventures hay JD.com.

    Những nhà khởi nghiệp về công nghệ thành công nhất Đông Nam Á, hai ứng cử viên của Việt Nam cũng đã lọt vào danh sách - Ảnh 3.

    Nhà sáng lập Tiki: Ông Trần Ngọc Thái Sơn.

    4. Lai Chang Wen - Ninja Logistics (Ninja Van), Singapore

    Trước khi khởi nghiệp thành công với công ty vận tải Ninja Van, Lai có rất ít kiến thức về logistics, nhưng lại dồi dào kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử. Sau lần khởi nghiệp với hãng thời trang nam Marcella, Lai nhận thấy hạn chế rất lớn của Đông Nam Á trong việc vận chuyển hàng hóa. Vì vậy, anh đã cố gắng khắc phục điều này bằng cách thành lập công ty Ninja Van hồi năm 2014. Ngày nay, Ninja Van đã có mặt tại Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Philippines và Thái lan, với số vốn đầu tư gần đây nhất lên tới 85 triệu USD.

    Những nhà khởi nghiệp về công nghệ thành công nhất Đông Nam Á, hai ứng cử viên của Việt Nam cũng đã lọt vào danh sách - Ảnh 4.

    Trước khi khởi nghiệp thành công với công ty vận tải Ninja Van, Lai có rất ít kiến thức về logistics.

    5. Anthony Tan - Grab, Singapore

    Từ một dự án của Anthony Tan khi anh đang theo học tại đại học Harvard, Grab đã trở thành một công ty thay đổi hoàn toàn “cách chơi” của các hãng taxi thế giới. Anthony cùng bạn đại học Tan Hooi Ling đã tạo nên điều kì diệu, với 36 triệu khách hàng sử dụng trên khắp 8 quốc gia Đông Nam Á, tính ra trung bình cứ một ngày sẽ có tới 4 triệu chuyến xe được đặt.

    Những nhà khởi nghiệp về công nghệ thành công nhất Đông Nam Á, hai ứng cử viên của Việt Nam cũng đã lọt vào danh sách - Ảnh 5.

    Từ một dự án của Anthony Tan khi anh đang theo học tại đại học Harvard, Grab đã trở thành một công ty thay đổi hoàn toàn “cách chơi” của các hãng taxi thế giới.

    Giờ đây, ứng dụng Grab không chỉ để đặt phương tiện di chuyển nữa, bởi nó đã mở rộng phạm vi tới lĩnh vực giao đồ ăn, cho thuê xe đạp và chuyển phát nhanh. Số vốn đầu tư huy động được gần đây nhất của Grab là một con số đang kinh ngạc: 1 tỉ USD, được "rót" vào bởi hãng xe Toyota.

    6. Samuel Lim - Reebonz, Singapore

    Reebonz là một trang mạng cho phép người sử dụng mua lại các món đồ xa xỉ cũ hoặc mới, thông qua các đợt khuyến mại. Theo báo cáo tài chính của công ty, Reebonz đã kiếm được 132 triệu USD tiền doanh thu và 14 triệu USD lợi nhuận trong năm 2016, một con số vô cùng ấn tượng.

    Những nhà khởi nghiệp về công nghệ thành công nhất Đông Nam Á, hai ứng cử viên của Việt Nam cũng đã lọt vào danh sách - Ảnh 6.

    Reebonz là một trang mạng cho phép người sử dụng mua lại các món đồ xa xỉ cũ hoặc mới, thông qua các đợt khuyến mại.

    7. Lê Hồng Minh - VNG, Việt Nam

    Chốt lại danh sách cùng với một ứng cử viên khác tới từ Việt Nam đã quá quen thuộc với các game thủ của nước nhà: công ty VNG.

    CEO Lê Hồng Minh đã chứng minh được rằng: chơi game nhiều vẫn có thể làm giám đốc như thường. Anh đã xây dựng nên công ty với nhân sự lên tới hơn 2 nghìn người cùng những sản phẩm như Zalo, Zing đang gây được tiếng vang trong nước và khu vực. VNG đã phát triển nhanh chóng kể từ khi được thành lập vào năm 2004. Trong năm 2017, công ty đã đạt doanh thu kỷ lục 186,3 triệu đô la Mỹ và lợi nhuận 41 triệu đô la Mỹ.

    Ít ai biết rằng, vị CEO này từng rất đam mê trò chơi điện tử. Vào năm 2002, ông Lê Hồng Minh từng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự World Cyber Game tại Hàn Quốc, sau đó quay trở lại nước để mở một tiệm net nhỏ cùng người bạn. Chỉ 2 năm sau, ông lập nên VinaGame với 5 thành viên mang theo tham vọng khai thác mảnh đất màu mỡ game online tại Việt Nam. Ngay lập tức, VinaGame đã tăng trưởng đột phá và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường game online Việt Nam, trước khi mở rộng sang các nhánh khác như Zalo hay mạng xã hội Zing Me.

    Những nhà khởi nghiệp về công nghệ thành công nhất Đông Nam Á, hai ứng cử viên của Việt Nam cũng đã lọt vào danh sách - Ảnh 7.

    CEO Lê Hồng Minh đã chứng minh được rằng: chơi game nhiều vẫn có thể làm giám đốc như thường.

    Theo TechinAsia

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ