Những phát kiến y học mang đầy hy vọng xuất hiện trong năm 2018

    K., Theo Helino 

    Năm 2018 đánh dấu sự xuất hiện của nhiều tiến bộ vượt bậc trong y học, mở ra cơ hội mới để chữa lành các căn bệnh tưởng chừng như vô phương trước đây.

    Y học luôn là lĩnh vực đóng vai trò rất quan trọng đối với nhân loại. Ngoài việc cứu giúp con người thoát khỏi những căn bệnh hiểm nghèo, thì nhờ y học ngày càng phát triển mà tuổi thọ con người cũng tăng lên và chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn. 

    Có thể nói, những bước tiến trong y học rất đáng để lưu tâm, và hôm nay chúng ta hãy cùng điểm lại một số thành tựu nổi bật mà giới y học thế giới đã đạt được trong năm 2018.

    Những phát kiến y học mang đầy hy vọng xuất hiện trong năm 2018 - Ảnh 1.

    Hiện tại, trung bình đang có khoảng 2000 người tử vong mỗi ngày do tình trạng kháng kháng sinh. Nguyên nhân của vấn nạn này chính là bởi việc lạm dụng kháng sinh quá mức trong quá khứ, khiến vi khuẩn trở nên "nhờn" thuốc.

    Để giải quyết nguy cơ khi các kháng sinh phổ thông không còn tác dụng thì dĩ nhiên là phải chế tạo kháng sinh mới. Nhưng ngoài ra thì trước đây con người từng có một phương pháp khác chữa nhiệm trùng rất hiệu quả: dùng virus, hay nói đúng hơn là thể thực khuẩn (bacteriophage), để diệt vi khuẩn.

    Phương pháp này đã được giới khoa học Liên Xô và các nước Đông Âu sử dụng trong Thế chiến II khi họ không có kháng sinh, và có những ưu điểm nổi bật so với kháng sinh như:

    - Thể thực khuẩn chỉ lây nhiễm một vài chủng vi khuẩn chọn lọc nên không xảy ra tình trạng quét sạch luôn các lợi khuẩni như kháng sinh.

    - Số lượng các loại thể thực khuẩn ngoài tự nhiên vô cùng lớn, và chúng không ngừng tiến hóa theo vi khuẩn nên chúng ta sẽ không còn phải lo ngại tình trạng "nhờn thuốc".

    - Thể thực khuẩn khi kí sinh trong tế bào vi khuẩn sẽ tự sinh sôi, khiến cho số lượng chúng ngày càng tăng theo cấp số nhân. Vì thế khiến lượng virus ban đầu đưa vào cơ thể bệnh nhân không cần nhiều.

    Nhược điểm của thể thực khuẩn là kích thước lớn hơn nhiều so với phân tử kháng sinh, dẫn đến khả năng khuếch tán theo máu đến vị trí nhiễm khuẩn không cao nên không thể dùng qua đường uống mà chỉ có thể tiêm trực tiếp vào máu. 

    Hoặc như phương pháp mới đây của các nhà khoa học Mỹ là thuốc dạng bột hít.

    Kết quả điều trị bằng bột hít trên chuột là rất khả quan, khi tất cả các con chuột được chữa trị đều còn sống. Các nhà khoa học đang không chỉ hồi sinh phương pháp dùng thể thực khuẩn mà đang cải tiến nó hơn nữa để trở thành ứng viên đầy hứa hẹn thay thế cho kháng sinh trong tương lai.

    Những phát kiến y học mang đầy hy vọng xuất hiện trong năm 2018 - Ảnh 2.

    Ngoại trừ các trường hợp thủng màng nhĩ, thì bệnh điếc do bị suy giảm thính lực là không thể chữa khỏi. Bởi lẽ khả năng cảm nhận âm của con người có liên quan đến các tế bào lông trong ốc tai. 

    Các tế bào lông cực kì mỏng manh, và khi bị tổn thương theo thời gian hay chấn động bởi âm thanh quá lớn, thì chúng sẽ bị phá hủy mà không thể hồi phục.

    Nhưng khoan, mới đây các nhà khoa học đã thử nghiệm cách đảo ngược bệnh điếc bằng cách kích thích cho các tế bào nang lông trong ốc tai mọc trở lại. Thử nghiệm trên chuột đã cho kết quả thành công rực rỡ.

    Nghiên cứu có ý nghĩa lớn lao trong việc phát triển phương pháp hiệu quả chữa trị bệnh điếc, vốn khá phổ biến ở người già, và ngày càng tăng ở người trẻ khi họ có thói quen nghe nhạc lớn, tiểu đường, hay nhiễm virus,...

    Những phát kiến y học mang đầy hy vọng xuất hiện trong năm 2018 - Ảnh 3.

    Lạc nội mạc tử cung là một trong những bệnh phụ khoa phổ biến nhất thế giới, khi ít nhất 200 triệu phụ nữ trên thế giới đang bị bệnh giày vò.

    Từ trước đến nay, bệnh chỉ có cách chữa trị tình thế chứ chưa thể điều trị dài hạn. Nhưng bây giờ, các chuyên gia sử dụng các tế bào gốc đa năng (pluripotent stem - iPS) của chính người bệnh đã mở ra hi vọng điều trị dứt điểm bệnh. Các tế bào iPS có thể chuyển hóa và tái tạo lại tế bào tử cung mới thay cho tế bào bị bệnh mà không lo sợ bị đào thải như tử cung được cấy ghép từ bên ngoài.

    Những phát kiến y học mang đầy hy vọng xuất hiện trong năm 2018 - Ảnh 4.

    Chữa trị ung thư luôn là một vấn đề chẳng hề dễ dàng, và việc xét nghiệm cũng gây khó khăn không kém khi mỗi loại tế bào ung thư đều có cấu trúc di truyền và triệu chứng riêng biệt.

    Thế nhưng khoa học thì không bao giờ chịu lùi bước. Suốt bao năm, các nhà nghiên cứu đã luôn tìm tòi để phát hiện điểm chung của tất cả các loại ung thư, nhằm tạo ra phương pháp xét nghiệm dành cho tất cả. Và các chuyên gia từ ĐH Queensland (Úc) có vẻ đã tìm được câu trả lời.

    Phương pháp mới dựa trên một dạng cấu trúc đặc biệt của ADN ung thư khi đặt trong nước. Chúng có cấu trúc gấp khác với các ADN thông thường, và ngoài ra còn có lực hút rất mạnh khi tiếp xúc với các phân tử kim loại vàng. Đặc biệt, cấu trúc ấy giữ nguyên với các tế bào ung thư vú, tinh hoàn, ruột, và thậm chí là cả ung thư da.

    Những phát kiến y học mang đầy hy vọng xuất hiện trong năm 2018 - Ảnh 5.

    Dù ca nhiễm bệnh đầu tiên đã được phát hiện cách đây gần 100 năm, HIV vẫn là loại virus gây ám ảnh con người nhiều nhất cho đến hiện tại. Cho dù các biện pháp chữa trị ngày nay có thể giúp bệnh nhân kéo dài tuổi thọ và có một cuộc sống bình thường, nhưng về cơ bản thì không thể chữa trị triệt để và họ vẫn mang virus suốt đời.

    Các loại thuốc kháng retrovirus hiện được dùng chỉ có tác dụng ngăn chặn sự lây lan HIV, nhưng không loại bỏ virus khỏi cơ thể. HIV vẫn sẽ dai dẳng bám vào các tế bào miễn dịch lympho T CD4, và chúng luôn chờ cơ hội để "cướp sạch" năng lượng của tế bào cho việc sản sinh ra thật nhiều bản sao virus.

    Tuy nhiên, nghiên cứu mới công bố của các chuyên gia tại Viện Pasteur, Paris cho biết họ đã tìm ra cách tiêu diệt thẳng những tế bào nhiễm HIV, từ đó triệt tiêu khả năng tái phát trở lại của virus.

    Dù mới đạt thành công với tế bào trong phòng thí nghiệm, nhưng kết quả nghiên cứu đã giúp chúng ta tiến đến gần hơn khả năng giải quyết hoàn toàn căn bệnh thế kỉ HIV/AIDS.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ