Nikkei: Toyota, Honda cùng 3 hãng sản xuất ô tô Nhật Bản khác thừa nhận gian lận thử nghiệm an toàn, nhiều mẫu xe quen thuộc với người Việt bị yêu cầu ngừng giao cho khách

    Yến Nguyễn,  

    Những phát hiện gian lận mới nhất có thể khiến cuộc khủng hoảng niềm tin đối với các hãng sản xuất ô tô Nhật Bản thêm sâu sắc, đặc biệt sau vụ bê bối rúng động tại Daihatsu cuối năm ngoái.

    Nikkei: Toyota, Honda cùng 3 hãng sản xuất ô tô Nhật Bản khác thừa nhận gian lận thử nghiệm an toàn, nhiều mẫu xe quen thuộc với người Việt bị yêu cầu ngừng giao cho khách- Ảnh 1.

    Năm nhà sản xuất ô tô bao gồm Toyota Motor, Mazda, Yamaha Motor, Honda Motor và Suzuki Motor, thừa nhận có nhiều bất thường trong các cuộc thử nghiệm an toàn tại hãng, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản công bố hôm thứ Hai.

    Để giải quyết các vấn đề trước đây tại Daihatsu Motor và Toyota Industries, Bộ đã chỉ đạo 85 công ty trong ngành công nghiệp ô tô, bao gồm cả các nhà sản xuất ô tô và thiết bị, điều tra xem liệu có bất kỳ điểm bất thường nào trong quy trình đăng ký chứng nhận mẫu xe trong 10 năm qua hay không.

    Theo Bộ, Toyota, Mazda và Yamaha thừa nhận đã có gian lận xảy ra trong quá trình chế tạo những mẫu xe hiện vẫn đang được sản xuất. Cơ quan này cũng đã yêu các hãng sản xuất ô tô trên tạm dừng giao một số mẫu xe cho đến khi chúng được xác nhận đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng.

    Bộ sẽ tiến hành kiểm tra tại chỗ Toyota vào thứ Ba. Việc kiểm tra bốn công ty còn lại sẽ diễn ra ngay sau đó.

    Toyota hôm thứ Hai tuyên bố ngừng giao và bán các mẫu Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross trong nước. Hãng cho biết đơn đăng ký chứng nhận của 3 mẫu xe này không có dữ liệu đầy đủ về các thử nghiệm bảo vệ người đi bộ và người ngồi trên xe.

    Theo báo cáo của bộ, Mazda xác nhận có bất thường đối với 5 mẫu xe, trong đó có 2 mẫu xe vẫn đang được sản xuất. Yamaha Motor có ba mẫu xe được phát hiện có điểm bất thường, một mẫu vẫn đang được sản xuất. Honda báo cáo 22 mẫu xe và Suzuki có một mẫu.

    Mazda đã đình chỉ giao xe thể thao Roadster RF và xe hatchback Mazda2 từ thứ Năm tuần trước sau khi phát hiện công nhân đã sửa đổi kết quả kiểm tra phần mềm điều khiển động cơ.

    Những phát hiện này khiến khủng hoảng niềm tin ngày càng sâu sắc đối với các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản.

    Vào tháng 12 năm ngoái, một cuộc điều tra nội bộ của Daihatsu Motor Co.,  công ty con của Toyota, cho thấy hầu hết các phương tiện của hãng đều chưa được kiểm thử an toàn khi va chạm. Toyota Industries Corp. cũng đã đình chỉ tất cả các lô hàng động cơ vào tháng 1 sau khi một cuộc điều tra cho thấy công ty này đã làm giả dữ liệu về công suất đầu ra của động cơ.

    Theo Nikkei

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày