Phân tích cấu hình máy ảnh Sony A6600 mới được ra mắt: Bom tấn hay bom xịt?

    M.Đức,  

    Liệu rằng Sony có thể làm tốt hơn với một sản phẩm tầm cao như A6600?

    Bài viết là ý kiến cá nhân của nhiếp ảnh gia Marc Schultz đăng tải tại Petapixel

    Tôi thường không viết bài về các máy ảnh mới được ra mắt như Sony A6600. Nhưng vì tôi sử dụng sản phẩm cũ của hãng là A6300 và cũng đang có ý định nâng cấp trong tương lai, nên tôi nghĩ rằng giờ là lúc tốt nhất để đưa ra ý kiến của mình.

    Để tóm tắt cho những ai chưa biết, thì tại một sự kiện diễn ra ở New York thì hãng điện tử Sony đã công bố 2 thân máy mới thuộc dòng A6000 dùng cảm biến APS-C, cùng với 2 ống kính dành cho loại máy này. Trong đó chiếc A6600 được cho là dòng cao cấp nhất, hội tụ những công nghệ tốt nhất mà hãng có.

    Phân tích cấu hình máy ảnh Sony A6600 mới được ra mắt: Bom tấn hay bom xịt? - Ảnh 1.

    Lý do tại sao tôi muốn nâng cấp từ chiếc A6300 đó là đôi khi tôi sử dụng nó để đi du lịch, nhưng cũng có dùng để quay video thương mại dành cho khách hàng. Chính vì vậy tôi muốn có công nghệ cảm biến mới, có thể quay những video sạch sẽ hơn ở những mức ISO cao. Tôi cũng muốn có một máy ảnh có 2 khe thẻ nhớ SD để có thể bảo vệ ảnh và video trong trường hợp một thẻ bị hỏng, hay có thể quay được 4K ở 60fps để tạo slo-mo chất lượng cao.

    Nhưng chiếc A6600 không hề có những điều nói trên, nên tôi quả thực không cảm thấy hứng thú với việc bỏ tiền nâng cấp cho lắm. Kể cả với những người dùng mới, chuẩn bị sắm máy ảnh thì tôi vẫn nghĩ là A6600 không phải là lựa chọn tốt nhất!

    Phân tích cấu hình máy ảnh Sony A6600 mới được ra mắt: Bom tấn hay bom xịt? - Ảnh 2.

    A6600 quả thực vẫn có những nâng cấp hữu dụng với người dùng. Máy có khả năng chống rung cảm biến (IBIS) mà Sony gọi là Steady Shot. Nó có hệ thống lấy nét và hệ thống màu tốt hơn dành cho việc quay video. Về thiết kế bên ngoài, A6600 có viên pin thế hệ Z mới, thêm cổng tai nghe 3.5mm, màn hình lật về phía trước và cả báng cầm lớn để tăng tính công thái học.

    Song với tôi, thì danh sách nhược điểm dài hơn so với ưu điểm. Máy vẫn sử dụng công nghệ cảm biến cũ, đã được áp dụng từ chiếc A6300 tôi sử dụng được ra mắt vào 3 năm trước. Điều này đồng nghĩa với việc A6600 không có chất lượng hình ảnh cao hơn so với A6300, không tăng độ phân giải, chất lượng chụp tối hay cả dải nhạy sáng.

    Sony cũng cung cấp cho người dùng ống ngắm điện tử EVF mới độ phân giải 2.3 triệu điểm ảnh ở chiếc A6600. Nhưng độ phân giải này hiện đã là thấp khi so với những dòng sản phẩm của hãng khác. Hệ thống IBIS của A6600 thực chất cũng đã được áp dụng vào chiếc A6500 trước đây, và sau những thử nghiệm thực tế thì cũng đã đi sau đối thủ.

    Phân tích cấu hình máy ảnh Sony A6600 mới được ra mắt: Bom tấn hay bom xịt? - Ảnh 3.

    Về những nâng cấp khác: cổng cắm tai nghe là một thứ cơ bản dành cho máy ảnh mà đáng ra Sony phải thêm nó từ những thế hệ máy trước nhu A6300; màn hình xoay lật về lên trên chứ không phải sang bên cạnh, nên có thể bị chắn bởi các phụ kiện gắn lên chân hot-shoe.

    Nhưng câu hỏi chính cần phải được đặt ra: tính tới tất cả những nhược điểm và ưu điểm, liệu A6600 có đáng mua hay không? Câu trả lời ngắn gọn theo tôi là "Không", và "Có" dành cho việc chọn mua những lựa chọn khác ở cùng tầm giá!

    Giá bán của A6600 là 1400 USD, tức khá là cao cho một chiếc máy có cảm biến APS-C tại thời điểm 2019, nhất là khi Fujifilm và Panasonic đều có máy ảnh ở cùng tầm này với khả năng quay 4K 60fps và 2 khe thẻ nhớ. Nếu cố thêm một chút nữa thôi, bạn có thể mua được chiếc Sony A7III, với tất cả những ưu điểm mà A6600 có cùng cảm biến Full-frame lớn hơn.

    Một lựa chọn khác cũng không tồi là chiếc A6400 được ra mắt vào năm ngoái, với giá bán thấp hơn tới 500 USD. Ta thiếu đi một số tính năng như chống rung cảm biến IBIS, viên pin Z nhưng đa phần những công nghệ khác đều được trang bị.

    Phân tích cấu hình máy ảnh Sony A6600 mới được ra mắt: Bom tấn hay bom xịt? - Ảnh 4.

    Cũng với ở tầm giá đó còn có chiếc Fujifilm X-T3 với cảm biến APS-C. Đây là một chiếc máy tuyệt vời với khả năng quay 4K 60fps, khe thẻ nhớ đôi và EVF chất lượng cao hơn A6600. Cảm biến của máy này cũng mới được phát triển, có độ phân giải cao hơn so với lựa chọn của Sony. Công nghệ lấy nét theo thời gian thực của Sony vẫn tốt hơn Fujifilm, và A6600 cũng có IBIS, nhưng tổng thể thì X-T3 vẫn là lựa chọn hợp lý hơn.

    Có lẽ Sony đã có khả năng làm nhiều hơn với chiếc A6600, biến nó thành một chiếc máy APS-C đứng đầu thị trường ở tầm giá 1400 USD. Nhưng những gì chúng ta có là một phiên bản nâng cấp đủ để tạo sự khác biệt với các dòng máy tiền nhiệm, nhưng vẫn còn chậm hơn các hãng khác 1 bước.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ