"Quái vật" tàu đệm khí Mỹ và thất bại cay đắng tại chiến trường khi lần đầu tham chiến (Phần 2)
Sau thời gian đầu bị bất ngờ thì những người lính phía bên kia chiến tuyến đã học được cách đối phó hiệu quả với loại tàu đệm khí này bằng các cuộc phục kích và sử dụng mìn hải quân.
(tiếp theo)
Tàu đệm khí sử dụng động cơ tuabin khí General Electric 7LM100-PJ102, cánh quạt đường kính 2,1 m cho công suất lên tới 1100 mã lực. Công suất khủng này giúp cho tàu đệm khí có thể đạt tới tốc độ tối đa là 60 hải lý/giờ (khoảng 110 km/h). Bình nhiên liệu có tổng dung tích 1150 lít, đủ để đi được quãng đường 165 hải lý (khoảng 306 km) hoặc khoảng 7 giờ hoạt động liên tục.
Một chiếc tàu đệm khí Hải quân PACV3 với các bao cát quanh vị trí chiến đấu trên nóc
Phiên bản Lục quân của con tàu được gọi là Air Cushion Vehicles thì có khối lượng lớn hơn và được bọc thép tốt hơn. Do ngay từ ban đầu nó đã được thiết kế cho các hoạt động tấn công đột kích nên lớp giáp và boong đã được gia cường. Tổng khối lượng của "bộ giáp" là 450 kg, tương đương với khối lượng lớp giáp của mẫu thiết vận xa (thiết giáp chở quân) M113 nổi tiếng. Đồng thời, hộp số, động cơ và thùng nhiên liệu cũng được bọc giáp để có thể chịu được đạn 12,7 mm từ khoảng cách 200 thước Anh (tương đương 180 mét).
Các binh sĩ Mỹ và tàu đệm khí trong chiến tranh Việt Nam
Lớp bọc thép của khoang chiến đấu thì yếu hơn - nó chỉ có thể chịu được đạn 7,62 mm từ khoảng cách 100 thước Anh (90 mét). Theo khuyến nghị của lục quân Mỹ, các nhà chế tạo đã loại bỏ lớp giáp xung quanh khoang chiến đấu để giảm khối lượng bởi hiệu quả bảo vệ không cao, nhất là trước các vũ khí hạng nặng như súng không giật, pháo và RPG thì càng vô dụng.
Tất cả các tàu đệm khí PACV SK-5 đều được trang bị vũ khí.
Vũ khí chính của các tàu SK-5 là hai tháp súng máy M2 Browning cỡ nòng lớn 12,7 mm nằm trên nóc khoang chỉ huy. Ở hai mạn trái và phải của tàu bố trí vũ khí "bổ trợ" là hai khẩu súng máy M60 7,62 mm. Chúng được đặt trên các chân súng giống kiểu trên máy bay trực thăng. Ngoài ra, một số con tàu còn được trang bị cả súng phóng lựu tự động M75 40 mm.
Các tàu PACV được trang bị nhiều radar giúp nó có thể hoạt động cả vào ban đêm, trong số đó có một radar Decca 202 với ăng ten chảo. Loại radar này có thể phát hiện được mục tiêu trong vòng 24 dặm (39 km). Khi hoạt động trong điều kiện tầm nhìn kém và sương mù thì việc có radar tầm xa là một lợi thế đáng kể.
"Quái vật" cũng gặp rắc rối và bị thất sủng
Tàu đệm khí được Hải quân Mỹ sử dụng tại chiến trường lần đầu tiên từ năm 1966 đến năm 1970. Dựa trên kết quả của giai đoạn này, người Mỹ đi đến kết luận rằng chi phí cho hoạt động của chúng quá tốn kém, trong khi lại không đủ độ tin cậy và cần được bảo dưỡng kỹ thuật thường xuyên. Bởi vậy, kể từ năm 1970, những chiếc tàu đệm khí đã được chuyển giao cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ quản lý.
Một chiếc ACV đang được cẩu lên để sửa chữa
Trong suốt những năm 1966-1970 chỉ có tổng cộng 06 chiếc SK-5 được sử dụng ngoài trận địa: 03 chiếc PACV hải quân và 03 chiếc ACV lục quân. 2 trong số 3 chiếc ACV là các phương tiện tấn công đều bị phá hủy trong các trận chiến, chiếc còn lại là một tàu vận tải.
Nhờ tốc độ cao, khả năng di chuyển nhanh nhẹn và tự do trên địa hình gồ ghề nên những chiếc tàu đệm khí thường được so sánh với trực thăng. Nhưng vấn đề khiến người Mỹ đau đầu là điều này cũng đúng với cả chi phí vận hành và tính phức tạp trong sửa chữa và bảo trì công nghệ để những cỗ máy "quái vật" này hoạt động được trơn tru.
Một nhóm binh sĩ thuộc Sư đoàn 9 Bộ binh đang sửa chữa một chiếc PACV bị hư hỏng ngày 18 tháng 7 năm 1968
Để vận hành được loại khí tàu tinh vi này thì kíp lái và đội thợ sửa chữa cần có trình độ rất cao. Kíp lái bắt buộc phải trải qua khóa huấn luyện có thời gian 75-100 giờ rồi mới được phép tham gia các hoạt động chiến đấu.
Điều này có nghĩa là: mỗi tháng quân đội Mỹ phải dành riêng một chiếc tàu đệm khí để huấn luyện trong 14 ngày. Sự cẩn thận này hoàn toàn không phải là thừa khi mà trong quá trình huấn luyện đã có một binh sĩ bị chết vì rơi vào cửa hút động cơ, và một người khác bị chân vịt chém mất tay.
Một đệm khí tuần tra của Hải quân Mỹ được vận chuyển bằng tàu USS Gunston
Đồng thời, một nhược điểm rất lớn của PACV là mỗi giờ hoạt động của tàu đệm khí sau đó cần tới 20 giờ bảo dưỡng, nghĩa là tương đương với tỷ lệ vận hành/bảo dưỡng của máy bay vận tải hạng nặng C-17 Globemaster III, và gấp đôi mức trung bình (10 giờ) đối với máy bay trực thăng quân sự cùng thời.
Vì vậy, hoàn toàn dễ hiểu khi cả ba chiếc PACV SK-5 của hải quân hiếm khi nào ở trong tình trạng "sẵn sàng chiến đấu" cùng một lúc. Do mức độ sẵn sàng hoạt động của những chiếc tàu đệm khí này thường chỉ hơn 55% nên lần duy nhất người ta thấy cả 3 chiếc PACV cùng ra quân là vào tháng 6 năm 1969.
Một chiếc ACV của quân đội Mỹ bị phá hủy vào ngày 3 tháng 8 năm 1970 bởi một quả mìn khiến 3 binh sĩ thiệt mạng
Nếu những chiếc tàu bị hư hại trong chiến đấu thì thời gian bảo trì của chúng càng tăng lên, kết hợp với vấn đề "hỏa lực không đủ" nên quân đội Mỹ đã ra kết luận cay đắng rằng: "không có hy vọng nào cho thấy đơn vị (PACV/ACV) có thể đạt được kết quả chiến đấu thỏa đáng trong bất kỳ cuộc giao tranh lớn nào."
PACV cũng rất đắt đỏ khi mà mỗi chiếc có giá khoảng 1 triệu đô la, tương đương với 13 tàu tuần tra Rivers .
Theo thời gian, việc thiếu trang bị vũ khí của PACV cũng được cho là những điểm bất lợi. Súng máy cỡ nòng 12,7 mm của nó không đủ để đối phó với các mục tiêu bọc thép và hỏa điểm kiên cố. Quân đội Mỹ đã đề nghị phê chuẩn gói nâng cấp vũ khí trang bị bổ sung cho đội tàu đệm khí bằng pháo tự động 20 mm, pháo M61 Vulcan 6 nòng, hệ thống chống tăng TOW hoặc súng không giật M40 106 mm, tuy nhiên không được thông qua.
Sau thời gian đầu bị bất ngờ thì những người lính phía bên kia chiến tuyến đã học được cách đối phó hiệu quả với loại thiết bị quân sự này bằng các cuộc phục kích và sử dụng mìn hải quân.
Chiếc ACV số hiệu 902 của Lục quân Mỹ bị phá hủy bởi một quả mìn vào ngày 9 tháng 1 năm 1970. Mặc dù không ai trên tàu bị thiệt mạng nhưng vụ nổ đã khiến cho 14 người bị thương và làm chậm tốc độ tiến công của ACV do các quy định của Quân đội bắt buộc các tàu đệm khí phải hoạt động theo cặp để bảo vệ lẫn nhau.
Sau khi tàu đệm khí ACV số hiệu 901 bị phá hủy bởi một quả mìn vào ngày 3 tháng 8 năm 1970 khiến 3 binh sĩ thiệt mạng thì đội tàu ACV đã hoàn toàn bị tê liệt.
Một chiếc ACV được chuyển cho lực lượng cảnh sát biển Mỹ
Trung đội ACV 39 của lục quân Mỹ ngừng hoạt động vào ngày 31 tháng 8 năm 1970 và chính thức rời chiến trường vào tháng 9 cùng năm. Chiếc ACV vận tải duy nhất còn nguyên vẹn đã được chuyển giao cho Bảo tàng Vận tải Quân sự ở Virginia. PACV của Hải quân cũng quay trở lại Mỹ vào tháng 8 năm đó.
Như vậy, sau hơn 4.500 giờ hoạt động tại chiến trường thì những chiếc tàu đệm khí Mỹ đã bộc lộ các nhược điểm khó khắc phục và buộc phải rút khỏi cuộc chiến.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"