Quốc đảo Tuvalu - Nền kinh tế kỳ lạ: Hết dựa vào cho thuê đầu số đẹp cho dịch vụ trò chuyện khiêu dâm, lại sống nhờ bán bản quyền tên miền “.tv”
Tuvalu bé nhỏ nằm lọt thỏm trong Thái Bình Dương với mức thu nhập trên đầu người chỉ khoảng 15,6 USD/ tuần đã được “cứu sống” bằng một thứ chẳng hề liên quan tới biển cả: Tên miền “.tv”.
Nội dung nổi bật:
Bối cảnh: Lọt thỏm giữa đại dương bao la, quốc đảo Tuvalu tồn tại với muôn vàn khó khăn: Nông nghiệp kém, viện trợ hạn chế, môi trường sống bị đe dọa.
Kế hoạch: Sau khi mất nguồn thu "béo bở" từ cho thuê đầu số điện thoại 688, Tuvalu như trúng độc đắc khi được cấp tên miền quốc gia ".tv".
Kết quả: Đem về hàng triệu USD mỗi năm, ".tv" đã giúp Tuvalu gia nhập liên hiệp quốc, phát triển cơ sở hạ tầng và đầu tư vào thế hệ tương lai.
Quốc đảo trên bờ diệt vong
Với diện tích tổng cộng chưa tới 26 km2, nguồn nước ngọt tại Tuvalu hoàn toàn không đủ để hỗ trợ cho nông nghiệp, khiến quốc gia này phải phụ thuộc vào nguồn thực phẩm cứu trợ từ phương Tây.
Và quốc đảo bé nhỏ Tuvalu đã trở thành một nơi "thải" những phần thịt nhiều mỡ và rẻ tiền nhất từ New Zealand, khiến tỷ lệ người dân có vấn đề tim mạch và tiểu đường tăng vọt, kéo giảm tuổi thọ trung bình trên đảo chỉ còn 30 – 40 tuổi.
Nằm ở vị trí quá xa so với các quốc gia phát triển, cách hơn 4.800 so với Australia, Tuvalu cũng là một trong những nền văn minh bị "cô lập" nhất thế giới. Chính vì thế, thức ăn quyên góp luôn sản sinh một khối lượng bao bì thải khổng lồ, không có công nghệ cũng như nguồn lực để xử lý, một phần không nhỏ diện tích của quốc đảo Tuvalu ngập chìm trong rác thải nhựa và kim loại.
Không những thế, những phương tiện cũ kỹ và một sân bay xây dựng dang dở của quân đội Mỹ trong Thế chiến thứ 2 cũng góp phần vào cảnh tượng "tan hoang" trên.
Không chỉ đối mặt với những khó khăn hiện tại, tương lai của Tuvalu cũng cực kỳ "u ám" với sự đe dọa thường trực của hiện tượng biến đổi khí hậu.
Hàng trăm căn nhà ven biển tại Tuvalu đã bị bỏ hoang do nước biển dâng cao, và cùng với đó là hàng ngàn hộ dân đang sống trong một tổ ấm bị rỉ sét bởi thủy triều tấn công hằng ngày. Hiện tượng ngập mặn đang ra sức tàn phá những khu vực trồng trọt ít ỏi còn lại.
Với điểm cao nhất trên toàn lãnh thổ chỉ chạm mức… 5 mét so với mặt nước biển, Tuvalu trở thành một trong những khu vực chịu hậu quả nặng nề nhất từ hiện tượng biến đổi khí hậu.
Chính vì thế, thủ tướng Apisai Ielemia của Tuvalu đã đứng lên phản đối kịch liệt đề xuất gia tăng mức trần nhiệt độ lên thêm 2 độ C trong cuộc họp thượng đỉnh tại Copenhagen.
Ông cho rằng đề xuất này sẽ góp phần "hủy diệt" quốc đảo nhỏ bé Tuvalu, không chỉ qua mực nước biển mà còn là bão tố, bức xạ nhiệt …
Nền kinh tế "lạ"
Không chỉ đối mặt với những thảm họa thiên nhiên, Tuvalu còn sở hữu một nền kinh tế khá chật vật. Một nguồn quỹ đầu tư phát triển cho Tuvalu được thành lập vào năm l987 nhưng đã bị "tê liệt" qua nhiều đợt khủng hoảng kinh tế.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng vừa hỗ trợ quốc đảo này hơn 2 triệu USD để giải quyết nợ nần, nhưng với khoản thâm hụt ngân sách 7,4 triệu USD mỗi năm, số tiền trên thật sự chẳng thấm vào đâu.
Nhưng cái khó ló cái khôn, chính phủ Tuvalu cũng cực kỳ sáng tạo trong việc tìm kiếm nguồn thu. Cụ thể là trong giai đoạn 1992-2000, Tuvalu đã "cho thuê" đầu số điện thoại 688 dễ nhớ của mình cho những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trò chuyện khiêu dâm qua điện thoại.
Mô hình kinh doanh trên giúp Tuvalu mang về hơn 1,6 triệu USD mỗi năm, nhưng kéo theo đó là hàng loạt phản đối gay gắt của người dân, khiến chính phủ quyết định ngừng cho thuê vào năm 2000.
Vào thời điểm đó, Bộ trưởng bộ Tài chính - Lotoala Metia tuyên bố rằng quốc đảo này chỉ cầm cự được vài năm nữa trước khi cạn kiệt nguồn vốn.
Nhưng đó cũng là lúc Tuvalu "trúng số độc đắc", được cấp tên miền cùng với hàng trăm quốc gia khác, như Mỹ là .us, Anh là .uk, Việt Nam là .vn. Tuvalu được phát cho một "mỏ vàng" tên ".tv".
Ngay khi được Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế trao tên miền ".tv" vào năm 1999, có ít nhất 5 tập đoàn truyền thông đã bay đến thủ đô Funafuti xa xôi để đàm phán.
Nền kinh tế ".tv"
Đến cuối năm 2000, sau khi mất một nguồn thu kha khá từ đầu số 688, Chính phủ Tuvalu quyết định ký hợp đồng trị giá 50 triệu USD đổi lại 12 năm khai thác tên miền ".tv" cho tập đoàn Verisign. Tập đoàn này cũng thành lập công ty con mang tên "dotTV" để quản lý, cấp cho chính phủ Tuvalu 20% cổ phần để cùng nhau chia sẻ lợi nhuận.
Từ những tập đoàn truyền thông lớn như GM.tv, cho đến câu lạc bộ nổi tiếng Liverpoolfc.tv và các trang web điện ảnh như Hollywood.tv, hàng loạt tên tuổi lớn đồng loạt chuyển sang tên miền .tv vì tính hiệu quả của nó.
Nhờ phong trào trên, Tuvalu nhanh chóng thu về hơn 1,3 triệu USD tiền bản quyền, gần 10% tổng giá trị GDP của cả nước, và cuối cùng cũng "đường đường chính chính" gia nhập Liên Hiệp Quốc khi đóng đủ mức phí 100.000 USD.
Vào tháng 12 năm 2001, một tập đoàn truyền thông khác đã mua lại quyền quản lý tên miền .tv và gia tăng phí bản quyền cho Chính phủ Tuvalu lên 2,2 triệu USD mỗi năm, cộng thêm 5% tổng doanh thu từ các doanh nghiệp sử dụng ".tv".
Hợp đồng trên thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GDP của quốc đảo nhỏ bé này lên gần 50%, cho phép chính phủ có thêm kinh phí để mở rộng mạng lưới điện đến những khu vực xa xôi, thành lập nhiều quỹ học bổng nhằm đào tạo ra một thế hệ mới cho Tuvalu, một thế hệ (hy vọng là) không phải phụ thuộc vào tên miền ".tv" nữa.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming